Hằng năm, cứ vào tháng 11, người Công Giáo tận hưởng một mùa sinh hoạt tôn giáo thú vị, đầy nghĩa tình. Mùa này khởi đi từ ngày 1 tháng 11, ngày lễ các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa, ngày tôn vinh tất cả những con người đã cống hiến cuộc đời của mình cho Thiên Chúa và tha nhân, đã trung tín và đã đi đến cùng cuộc đời trong ơn nghĩa Chúa. Kính Thánh nói họ là những người “đi qua những đau khổ lớn lao mà đến” và Kinh Thánh cũng nói họ “đông vô số kể, từ muôn nước muôn dân”.
Mùa Hội Tình Thương kéo dài hết tháng 11, được gọi là Tháng các Linh Hồn, vì từ ngày mồng 2 tháng 11, đúng hơn là chiều 1 tháng 11, từ tâm trạng tung hô ngợi ca Thiên Chúa nơi các bậc Thánh nhân, người tín hữu tưởng nhớ đến tất cả những người đã khuất và thiết tha cầu nguyện cho họ được bình an. Những người đã khuất trong đó có những người thân yêu của mình nên từ trong đáy lòng, trong khoảng sâu thẳm của con tim, người tín hữu Công Giáo chú tâm và trào tràn cảm xúc sống những ngày yêu thương này với kinh nguyện
Khi thời gian lùi dần vào cuối tháng 10, đó là lúc các gia đình Công Giáo xôn xao viêc đi viếng mộ thân nhân, họ ra nghĩa trang để thăm viếng, xem xét mộ phần, tu bổ hoặc làm mới, họ dọn cỏ, quét lá, thắp nhang. Ban Trị Sự nghĩa trang tất bật làm rạp, dọn dẹp chung khu nghĩa trang, chuẩn bị cho ngày hội tưng bừng đông đảo vào chính ngày 2 tháng 11. Ở Sàigòn, Bình Hưng Hòa là khu nghĩa trang lớn nhất và lâu đời nhất, các nghĩa trang khác trong lòng thành phố như Nghĩa Trang Đô Thành đường Lê Văn Duyệt nay là đường CMT8, Nghĩa trang Thánh Minh Tương Tế đường Thoại Ngọc Hầu nay là đường Pham Văn Hai đã bị giải tỏa từ lâu. Đáng kể nhất là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, một nghĩa trang đẹp, sang trọng với những hàng cây lâu năm, yên tĩnh và an bình như những con người năm im dưới đáy mộ, nghĩa trang này bị giải tỏa ngay từ những năm đầu “giải phóng”, đặt dấu chấm hết cho một khu đất đầy tính văn hóa, nhân văn và thiên nhiên giữa lòng thành phố. Có thể nói không một bạn sinh viên học sinh nào thời đó mà không có những kỷ niệm đẹp của những giờ khắc êm đềm học bài hoặc dạo chơi trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Sáng sớm ngày 2 tháng 11, các ngã đường vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã rơi vào tình trạng kẹt cứng, các nhân viên giao thông làm việc hết sức vất vả, các nghĩa trang đầy hoa đèn, cờ quạt, tưng bừng đủ mọi màu sắc của ngày hội, lố nhố dáng người đầy ắp các nghĩa trang, tiếng kèn, tiếng trồng, tiếng âm thanh khuyếch đại của các nghi thức cầu nguyện và Thánh Lễ, vang động cả một góc trời. Nghĩa trang trở thành một vùng lễ hội náo nhiệt… Rồi ngày hội tan dần về buổi chiều, một vài nghĩa trang lác đác dâng lễ muộn, nhưng cả tháng 11, nhang đèn hoa nến được bày biện khắp các ngôi mộ nơi người thân yêu đang yên nghỉ.
Ở các tỉnh lẻ thì không khí có phần khác hơn, mỗi Giáo Xứ có một nghĩa trang, tất cả mọi người qua đời trong Giáo Xứ đều được chôn cất ở nghĩa trang đó, vì thế mỗi nghĩa trang tách biệt nhau và có thể nói toàn bộ Giáo Xứ “di chuyển” ra nghĩa trang với người quá cố trong những ngày nay. Nghĩa trang như một công viên hoa, hoa tươi khắp nơi, ngôi mộ nào cũng được người thăm chăm chút cho thật đẹp, thật thân thương, từng ngôi mộ được trang hoàng nối tiếp các ngôi mộ khác làm thành một công viên tuyệt đẹp, sống động với những làn khói hương nghi ngút.
Trong những lần đi tham dự các khóa học hoặc làm việc ở nước ngoài, tôi có dịp đến các nghĩa trang ở một số nước vào những ngày đầu tháng 11. Nghĩa trang ở Liège, nước Bỉ, buồn thê thảm, bầu trời xám xịt lạnh lẽo mùa đông, rộng thênh thang người viếng nghĩa trang lác đác lẻ loi.
Thế nhưng nghĩa trang ở Roma đúng là ngày hội, một lễ đài uy nghi trang trọng trải thảm đỏ dựng ngay cổng nghĩa trang, những tiệm bán hoa chung quanh nghĩa trang đầy người tấp nập, bên trong nghĩa trang, mỗi ngôi mộ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, có những bức tượng chỉ cần có thêm âm thanh nữa chúng ta sẽ lầm tưởng là người thật.
Ngôi mộ cũ của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận được đặt trong lòng tường dưới một căn hầm, đối diện qua ngõ nhỏ, chếch lên cao là ngôi mộ của Đức Ông Vinh Sơn Thụ, gần đó, vài bước thôi là một căn Nhà Nguyện nhỏ, chúng tôi thường dâng lễ ở đây khi có dịp ra viếng mộ ngài. Bây giờ ngài được phúc trên Thiên Đàng, xin phù hộ cho đất nước dân tộc của chúng ta.
Ở Sàigòn gần đây các nghĩa trang bị giải tỏa theo cơn sốt đất, người tín hữu Công Giáo quen dần với việc hỏa táng, đáp ứng nhu cầu này, các Giáo Xứ lần lượt xây dựng các nhà đặt Hài Cốt, đặt hũ Tro của người quá cố, những cái tên đã được ghi trên khu cửa ngôi nhà này âm vang niềm tin và nỗi vui mừng phục sinh: Nhà Chờ Phục Sinh, Nhà Yên Nghỉ, Nhà Hài Cốt, Nhà Phục Sinh, Nhà Cha, Nhà Vượt Qua… Ngày 2 tháng 11, ngày hội được tổ chức ngay tại ngôi nhà này, khói nhang nghi ngút, người ra vào thăm viếng tấp nập.
Không chỉ có ra viếng và tổ chức lễ hội ở nghĩa trang, người tín hữu Công Giáo còn xin dâng lễ và tụ họp đọc kinh trong gia đình trong tháng 11 này để cầu nguyện cho thân nhân và các người đã qua đời. Hành động này bày tỏ Đức Tin, sự hiệp thông và lòng yêu mến đối với người quá cố.
Ngày mồng Hai Tết cũng là ngày đặc biệt mà mọi gia đình Công Giáo dành riêng để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cùng với những ngày kỷ niệm của các đấng sinh thành nữa.
Tháng 11 nhắc ta về tình yêu thương gia đình, gợi chúng ta nhớ đến những người thân yêu đã khuất, tạo dịp cho chúng ta bày tỏ tình yêu mến đối với họ và với nhau, nuôi dưỡng và phát triển mối liên kết huyết nhục trong Đức Tin.
Mùa Hội Yêu Thương…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.10.2017, theo Ephata 769