Có bản nhạc thường được sử dụng trong Thánh lễ An Táng với những ca từ rất cảm động, lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc đó là bài “ Sự Sống Không Mất, Nhưng Chỉ Đổi Thay của linh mục Nguyễn Sang:
“ Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi. Lúc con người nằm im giấc ngủ. Mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người, nay không còn nước mắt nụ cười. Nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui”
Đối với người đời thì…chết luôn là cái chi đó buồn thảm của cuộc vĩnh biệt chia ly. Nhưng với người Công Giáo chúng ta, đó lại là niềm vui vì được về bên Chúa. Thật vậy, chết không phải…hết nhưng là trở về. Tuy nhiên trở về đâu và cái gì làm nên cuộc trở về ấy đó lại là vấn đề tâm linh còn nhiều bí nhiệm cần giải gỡ…
Suy tư về cái chết, đó là đầu mối của sự khôn ngoan. Sách Thanh Tịnh Đạo ( Visudhi Magga ) nói: “ Bây giờ một người thật sự là trí tuệ. Thì điều mà người ấy luôn luôn phải làm đó là Suy Niệm Về Sự Chết”.
Để suy niệm về sự chết thì câu hỏi cốt lõi được đưa ra đó là….Cái gì chết ? Thể xác này chết nhưng còn tôi, tôi có chết không ? Nếu tôi là thể xác vậy thì đúng là tôi chết. Nhưng tôi có phải là thể xác này không ? Nếu tôi không là thể xác này, tôi sẽ không chết. Nhưng làm sao để tìm ra điều này ? ( Đạo sư Ramakrisna – Hành Trình Về Phương Đông ).
Vấn đề quan thiết nhất của triết học xưa nay vẫn là làm sao trả lời câu hỏi về con người. Triết Duy Lý ảnh hưởng bởi Aristote đã định nghĩa: “ Người là con vật có lý trí” ( L’ Animal raisonnable ). Câu định nghĩa ấy đã hướng dẫn toàn bộ các khoa nhân văn cổ đại trong suốt 25 TK và rồi nó đã bị triết học Hiện Sinh phê phán nặng nề. M. Heidegger bình luận: “ Nền móng câu định nghĩa đó là thú vật ( Zoologique ). Chính trong khung cảnh của câu định nghĩa trên mà đã kiến tạo nên quan niệm về con người của Âu tây, tất cả những gì là tâm lý, luân lý, tri thức luận, nhân bản. Đã từ lâu chúng ta bị xiêu bạt trong mớ lộn xộn những ý tưởng và khái niệm mượn từ trong các môn đó. Là vì, cứ sự nó đã đặt nền trên một câu định nghĩa sa đọa” ( Kim Định – Nhân Bản ).
Câu định nghĩa trên bị phê phán là…sa đọa và để thay vào đó, F. Nietzche lại đưa ra một khái niệm khác cho rằng: “ Tôi là xác thân tôi” Câu này dẫn tới những quan niệm về Tư Thân ( Corps Proper ) của G. Marcel và Merleau Ponty khi hai triết gia này cùng công nhận: “ Tôi là xác tôi”.
Vấn đề “ Tôi là xác tôi” rút cục cũng ảnh hưởng tới quan niệm của Thần học khi chủ trương một thứ con người toàn diện gồm bởi…xác và hồn. Thế nhưng cũng chính là với quan niệm Con người…là xác và hồn ấy mà đã không có cách chi giải quyết được vấn đề …cái chết. Thử hỏi: Cái gì chết ? Nếu tôi là cái xác thịt này thì đúng là…tôi chết chứ còn gì nữa và nếu hiểu rằng chết là hết là không còn tồn tại thì phải chăng …” Tôi” sẽ không tồn tại sau khi chết ?
Tôn giáo không khi nào chấp nhận …con người không còn tồn tại sau khi chết, bởi như thế thì thật vô nghĩa. Như vậy câu hỏi sẽ lại tiếp tục: Con người thực sự là gì ?
Kinh Thánh cho biết con người được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ), nhưng vì vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) che lấp nên đã không thể nhận ra chân lý cao cả ấy.
Tội Nguyên Tổ tại sao lại là vô minh ? Bởi vì đó là …tội phân biệt thiện ác: “ ĐCT phán dạy rằng: ngươi được tự do ăn hoa quả của các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết ( phân biệt ) điều thiện, điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn, chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).
Cái chết gây nên bởi Tội Nguyên Tổ là… chết tâm linh. Về cái chết tâm linh này, có lần Chúa Giê Su đề cập tới khi nói với một môn đệ: “ Hãy theo Ta, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” ( Mt 8, 21 -22 ).
Con người sở dĩ gọi là…kẻ chết bởi tất cả đều sống với Tâm Phân Biệt thiện, ác để hình thành nên một “ Cái Tôi” độc lập, tự tánh, ta khác với người, người ( vật ) không phải là ta…
Chính cái Tâm Phân Biệt ấy đã…làm nên con người và như thế định nghĩa chính xác nhất theo như GS William James nói: “ Chính tư tưởng là người tư tưởng” Đồng thời cũng không thể nói như Rene’ Decarter ( 1596 – 1650 ): “Con người là loài có tư tưởng” Bởi như thế vẫn còn thấy có con người và tư tưởng…của con người. Mặt khác, chỉ khi nói tư tưởng chính là người tư tưởng mới cho ta thấy đúng về bản chất của Nghiệp.
Nghiệp của mỗi người được tạo nên bởi ý muốn ( Tác ý ) và ý muốn ấy sẽ làm động cơ để phát xuất ra hành động của Thân, Khẩu, Ý. Nghiệp được tạo là do ý muốn cứ được lập đi lập lại và như thế nghiệp là cái không bao giờ…mất và nó sẽ quyết định hạnh phúc hay khổ đau chẳng những cho kiếp sống này mà còn cho những kiếp sau.
Như đã biết Nghiệp được tạo là do ý muốn có chủ ý và chính ý muốn ấy sẽ dẫn đưa ta bước vào đời sau. Do đó khi nói Sự Sống không mất nhưng chỉ đổi thay thì sự sống được tạo ấy chính là do Nghiệp.
Nghiệp không mất nhưng chỉ đổi thay và sự đổi thay ấy mỗi người cần phải thực hiện ngay trong kiếp sống hiện tại. Về việc này Thánh Phao Lô nói: “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này. Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn vui thích luật pháp của ĐCT. Nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm nô lệ cho luật của tội lỗi vẫn ở trong chi thể tôi. Ôi ! Tôi là người khốn nạn dường nào. Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ ĐCT, nhờ Đức Giê Su Ki Tô Chúa chúng ta. Như vậy chính mình tôi lấy tâm trí tuân giữ luật pháp của ĐCT. Nhưng lấy xác thịt để phục luật pháp của tội lỗi” ( Rm 7, 22 -25 ).
Theo Thánh Phao Lô thì trong mỗi một con người đều song song tồn tại hai thứ…luật. Luật của tâm linh và luật của xác thịt. Hai thứ…luật này tranh chiến với nhau, khi muốn làm điều thiện thì điều ác lại…cặp theo ngay. Sở dĩ như thế là vì con người mặc dầu sống trong thân xác, chịu đựng những hệ lụy của thân xác nhưng lại muốn…thoát ra khỏi nó hầu thực hiện phẩm giá đích thực Con Thiên Chúa ở nơi mình: “ Hiện giờ chúng ta là Con Thiên Chúa. Nhưng chúng ta sẽ ra như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” ( 1Ga 3, 2 ).
Bởi nguyên nhân nào đã đưa đến có sự tranh chiến giữa tâm linh và xác thịt như vậy ? Đó là vì con người đây là con người …tại thế, vì vậy nó không thể tách biệt khỏi thân xác và môi trường sống của mình. Không thể tách biệt khỏi thân xác thế nên nó không thể không đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của xác thân như cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, các phương tiện đi lại v.v…Không ăn, uống sẽ bị đói khát rồi chết. Không có quần áo che thân sẽ không thể chịu đựng sự nóng bức, rét lạnh, không nhà cửa sẽ không có nơi trú ngụ v.v…
Con người không thể sống, tồn tại mà không có thân xác nhưng nó lại không phải là thân xác. Còn như nếu chấp cho thân xác là mình thì tất sẽ không khỏi rước lấy tai họa . Lão Tử nói: “ Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả. Vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân. Ngô hữu hà hoạn ?” ( Ta có họa lớn là vì có thân. Nhược bằng không có thân thì đâu có khổ ?” ( ĐĐK, chương 13 ).
Có thân ở đây không nên hiểu như một thứ sở hữu nhưng là chấp cho thân xác là mình. Bởi chấp xác thân là mình nên không điều ác nào không làm và một khi điều ác đã làm thì không cách chi tránh khỏi hậu quả. Chính bởi chấp xác thân là mình là mối tai họa như thế nên Đức Ki Tô mới truyền dạy…Bỏ Mình đi: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình đi, hàng ngày vác thập giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại được” ( Lc 9, 23 -24 ).
Chúa nói cần…bỏ mình bởi vì cái gọi là…mình đó là cái không thật có, chỉ do giả hợp mà có. Thánh Gicobe ví xác thân như một thứ bọt nước. Chỉ hiện lên trong chốc lát rồi tan mất ( Gc 4, 14 ). Chấp lấy cái…không thật có ấy để rồi tạo lấy cho mình cái nghiệp độc dữ, đó thật là đáng thương. Vì vậy, Thánh Phao Lô nhắc nhở: “ Anh em ơi ! Dường ấy chúng ta chẳng mắc nợ xác thịt đâu mà phải sống theo xác thịt. Vì nếu anh em sống theo xác thịt thì sẽ phải chết. Song nhờ Thánh Linh mà làm cho chết các hành vi của thân xác thì anh em sẽ được sống” ( Rm 8, 12 -13 ).
Sống theo xác thịt có nghĩa là sống chỉ để thõa mãn các giác quan như ăn, uống thì phải tìm của ngon, vật lạ, đặc sản, bia bọt, rượu này rượu khác…Sống theo xác thịt còn có nghĩa là tham lam, ích kỷ, tích trữ tiền bạc của cải v.v…
Tất cả những thứ mà con người tìm kiếm để thỏa mãn giác quan như thế rồi sẽ chấm dứt cùng với cái chết bởi vì khi ấy xác thân đâu còn nữa ?. Mặc dầu xác thân không còn nhưng bởi khi còn sống đã chấp lấy cái xác ấy là mình thế nên khi bước qua cửa tử, trong cõi giới u minh đó, con người sẽ phải đối diện với những nỗi sợ khủng khiếp. Nỗi sợ trước hết là thân xác trước đó vẫn là nơi trú ngụ, ăn uống, giao tiếp, đi lại nơi này nơi kia….thì nay không còn.
Tuy không còn thân xác nhưng dục vọng …ăn uống, ngủ nghỉ, dâm dục vẫn còn, vẫn thấy đói nhưng vì không còn thân nên không thể ăn, không thể uống. Cũng vì không còn bị giới hạn của thân thế nên linh hồn ( thần thức ) cứ vật vờ lang thang hết chỗ này nơi khác, gặp toàn những ảnh tượng đe dọa dữ dằn giống như trong cơn ác mộng.
Bởi vì hậu quả của việc chấp xác thân là mình đã tạo ra một cái Nghiệp xấu ác như thế nên tôn giáo có mục đích để sao cho con người có thể chuyển được Nghiệp xấu ác trở thành Nghiệp thiện lành hầu hưởng phước hạnh trong đời sau. Nếu Nghiệp tất cả là do mình tạo thì ngay trong đời sống này chúng ta cần phải thực hiện bằng cách hết lòng tin, yêu và vững bước theo Đức Ki Tô bởi vì Ngài chính là ánh sáng soi đường dẫn lối: “ Ta là sự sáng đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì chẳng ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 ).
Sự tối tăm Chúa nói đây chính là những cái chấp mê lầm, con người đã tự chuốc lấy cho mình và cái chấp sâu kín nhất không ai tránh khỏi đó chính là chấp cho thân xác này là mình. Để phá cái chấp ấy thì không có con đường nào khác ngoài ra là quay về phụng sự Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình.
Chúa Giê Su chịu sự cám dỗ của Sa Tan và Ngài đã thẳng thừng đáp trả nó: “ Có lời chép rằng, ngươi hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng sự duy nhất một mình Ngài thôi” ( Lc 4, 8 )./.
Phùng Văn Hóa