Cuộc đời mình cũng đang vụt qua mau,
Với bao đỉnh cao và tô vẽ thêm chất chồng thành tích.
Một trăm năm nữa nhìn lại con đường xưa ta đi
Cũng chỉ thấy bồng bềnh vài cụm mây trắng bay bay.
THỬ ĐI GẶP MA
Có ma thật không? Tin hay không tin thì xin mời đến một trong hai ngàn ngôi nhà ma ám có địa chỉ đàng hoàng do William Hauck thu thập trên toàn nước Mỹ, và xuất bản thành cuốn Những Nơi Ma Ám: Sách Hướng Dẫn Về Ma Tới Những Nơi Xẩy Ra Những Hiện Tượng Lạ Thường Trên 50 Tiểu Bang Nước Mỹ (Haunted Places: A Ghostly Guidebook to Sites of Supernatural Phenomena in all 50 States). Ðây là những nhà ma có thật chứ không phải những nhà tạo ra để kiếm tiền trẻ em dịp Halloween.
Nguyên ở New Orleans cũng có tới cả chục ngôi nhà ma. Tại địa chỉ 1113 đường Chartres đối diện với nhà dòng Ursuline cũ, lâu lâu người ta thấy hồn tướng Beauregard đi lại điều khiển trận đánh Shiloh với quân quốc rầm rập. Ðây là địa điểm xảy ra trận đánh nhau chết nhiều người trước kia có ghi lại trong lịch sử.
Ở ngôi nhà ma số 1447 đường Constance thì thấy hai người lính nét mặt ủ rũ nhợt nhạt đi lại và hát nghêu ngao. Người ta kể lại câu chuyện về hai người lính này vốn là hai người giữ kho thời nội chiến Bắc Nam. Một hôm bị phát giác phạm tội biển thủ lớn nên phải ra tòa án quân sự lãnh án tử hình. Ðêm đó hai tên liền rủ nhau kề súng vào nhau mà bắn để cùng chết một lúc.
Hiện tượng thật lạ là ma Hermann Grima ở số nhà 820 đường St Louis không hề phá phách làm ai sợ sệt, nhưng thường tỏa mùi hoa hồng thơm dịu; trời lạnh thì sưởi ấm cho nhà. Nhưng bọn ma LaLaurie Hona ở 1140 đường Royal thì ồn ào động đạc quá sức: chúng là hồn những người nô lệ bị hành hạ trước kia chết ở đây.
Ở ngôi nhà ma Garlette-LePretre ở đường Dauphine thì thường thấy hồn của cặp vợ chồng người Thổ Nhĩ Kỳ bị giết. Và còn nhiều địa chỉ khác nữa như ma Vodoo Queen Marie Lavean ở số 1020 đường St Ann; Ma ở nghĩa địa St Louis I, St Louis II, ma ở 514 đường Chartres; ma ở 739 đường Bourbon v.v.
Mà muốn trải qua kinh nghiệm gặp ma trong tuần này thì xin đến nhà hai nhạc sĩ ở đường Magazine. Larry Jones, 38 tuổi, chơi kèn hắc tiêu và William Moore, 42 tuổi, chơi đàn dương cầm. Hai người mua ngôi nhà này từ bẩy năm qua. Ngay hôm chuyển vào nhà thì hai người đều gặp hồn ma đứng ở hành lang chào đón. Ðó là một người đàn ông trung tuổi, nét mặt rất buồn, chằm chằm nhìn vào hai người, nhưng không có tính cách đe dọa, lúc biến đi để lại mùi hoa hồng thơm dịu. Ma này vẫn thường xuyên xuất hiện trong nhà như thế nhưng không phá phách làm hại gì cả nên hai chàng nhạc sĩ sống riết rồi cũng quen. Ðược hỏi không sợ ma à, thì hai chàng trả lời tỉnh bơ rằng: thì cũng như chấp nhận được khí hậu ở New Orleans, lúc nóng lúc lạnh thất thường. Cái gì cũng quen cả thôi. Cứ coi là có một người thứ ba sống trong nhà.
LÀM SAO CHO HẾT MA ÁM?
Ma hiện hình, đôi khi hiền lành, đôi khi phá phách, đều có một mục đích là nhắc nhở một chuyện: tôi cần bạn giúp tôi! Có thể vì còn quá quyến luyến những người thân yêu hay của cải nhà cửa. Bác sĩ Kenneth McAll trong cuốn Tháo Cởi Dây Trói Buộc trong Dòng Họ (Healing the Family Tree, A Sheldon Press Book, 1982) đã cho biết một số trường hợp hồn người chết nhập vào những người thân còn sống hay gây ra những bệnh lạ.
Những trường hợp ma phá phách ồn ào thường là vì bị chết oan ức tức tưởi như rất nhiều truyện đã kể lại, hoặc hồn vía vẫn lẩn khuất đâu đây vì còn vướng mắc ràng buộc điều gì mà chưa được siêu thoát. Truyện một số tàu hay máy bay bị mất tích không để lại một dấu vết gì ở Tam Giác Bermuda ngoài khơi Florida vẫn là một điều huyền bí. Bác sĩ Kenneth McAll nghiên cứu nguyên nhân thì khám phá ra chi tiết đã được ghi nhận về những chiếc tàu buôn nô lệ từ Phi Châu qua Mỹ. Ðã có khoảng hai triệu người Da Ðen bị bắt đưa đi bán làm nô lệ. Phim Roots của Haley cũng kể lại chuyện này. Rất nhiều nô lệ đã bị vất xuống biển cho chết trước khi tàu vào Mỹ. Có thể vì những người nô lệ đã quá bệnh và yếu, nhưng vì một điều không ai ngờ là “những tay buôn thường thu được nhiều tiền qua bảo hiểm vì những nô lệ bị mất tích hơn là được bán trực tiếp vào Virginia” (Kenneth McAll, trang 60 sách trên).
Chính bác sĩ Kenneth McAll đã cho biết qua kinh nghiệm về 65 trường hợp trừ được ma ám qua lời cầu nguyện và thánh lễ. Ông kể về một nhà ma ám ở miền Nam nước Anh, cứ nửa đêm là có tiếng động và la hét. Ông đã áp dụng hai điều trên đây thì tự nhiên hết. Ngay trong trường hợp Tam Giác Bermuda từ ngày phát giác ra oan hồn những nô lệ bị vất xuống biển, thì đã có rất nhiều thánh lễ được dâng để xin ơn siêu thoát, và từ năm 1977 tới nay không nghe nói về những trường hợp tàu hay máy bay bị mất tích ở vùng này nữa. Linh mục dòng Biển Ðức chuyên môn về trừ quỉ là Dom Robert Petitpierre đã luôn áp dụng bốn bước rất truyền thống trong đạo Chúa để giải thoát ma ám:
Bước 1: Dùng nước thánh để xua đuổi mọi hồn ma ám ảnh trong phòng.
Bước 2: Dâng thánh lễ với ý cầu nguyện cho người chết có hồn ma đó. Trong trường hợp người chết còn quyến luyến chưa dứt bỏ được thì đây là lúc gia đình bằng lòng phó dâng để cho người đó ra đi bình an.
Bước 3: Làm phép toàn thể khu nhà và các phòng.
Bước 4: Dâng một thánh lễ kính vị thánh bổn mạng hay các thiên thần và tạ ơn Chúa, phó dâng mọi sự trong tay Chúa.
TIN VUI GỬI NGƯỜI SỢ THÀNH MA ÐÓI
Dịp đầu tháng 11 ở Mỹ trẻ em có thói chơi trò Ma Ðói. Chúng hóa trang thành những con ma với hình dáng ghê sợ khủng khiếp đi từng đàn lang thang xin ăn với lời đe dọa: cho ăn hoặc là bị phá!
Trò chơi này đã trở thành phổ thông đúng là một thời điểm cho tâm trạng con người ngày nay. Trong thâm tâm nhiều người mang mặc cảm tội lỗi khó được siêu thoát mà phải bị “giam hãm” thành những con ma đói. Bởi vì người ta đã phí phạm đời sống, đã chẳng chuẩn bị mang theo gì về đời sau mà xây nhà vĩnh cửu.
Nhìn kỹ và phân tích chất máu con người thời đại, người ta ngỡ ngàng nhận ra khuynh hướng vơ vào hơn là cho ra, lo vun quén cho lợi tức gia tăng, cho những tiêu sài mua sắm. Những từ như hy sinh quên mình, cho đi… hầu như thiếu vắng trong ngôn ngữ thông thường. Và như vậy, con người càng ngày càng trở thành ích kỷ hơn ra chăng?
Có thể vì “trí nhớ ngắn” chẳng nghĩ kịp tới chuyện một ngày gần đây mình cũng sẽ chết. “Con người là con vật kinh tế” mà. Chết như vậy là hết theo nghĩa duy vật và duy con vật. Ra sức mà làm cho mình và người khác ra như vậy mà lại lớn tiếng hô hoán là cổ võ nhân bản mới lạ! Thân xác mình có thể chỉ là một bị thịt bầy nhầy những đam mê dục vọng hay những nhu cầu ăn uống của động vật tính. Cuộc sống không còn lấy một phút an tĩnh để hướng về tâm linh, mà chỉ còn biết vật lộn với những nhu cầu vật chất.
Người đàn bà góa và nghèo trong Tin Vui hôm nay đã biết “đầu tư” một trương mục đường dài, đã biết bỏ vào đó tất cả những gì mình có, để sẵn của mà nuôi hồn chứ không muốn trở thành con ma đói!
Tháng 11 là tháng dừng chân nhìn xa hơn và cao hơn lên một chút, nhìn về đời sau: tôi sẽ đi về đâu sau một quảng ngắn ngủi trên cuộc sống trần gian này? Một bia mộ trong một nghĩa trang đã khắc mấy hàng chữ tóm lược tất cả mọi sinh hoạt cuộc sống trong mấy chục năm trời xoay xở nhớn nhác thu góp tích trữ như thế này:
Những gì tôi đã tích trữ nay không còn nữa.
Những gì tôi đã mua sắm ngay người khác sài.
Những gì tôi đã cho đi nay là của tôi.
Hôm nay con ngồi nhìn lại cuộc sống của mình từ lúc vào đời. Chắc chắn có một ngày mình cũng sẽ chết. Thân xác này sẽ bị hủy hoại thối rữa trong ba ngày hay một thời gian ngắn. Mình sẽ tự hỏi: Những gì còn lại để mang theo vào thế giới bên kia mà xây cho mình một ngôi nhà vĩnh cửu có Ðấng Hằng Sống hằng ngự trị?
Cuộc sống mình càng lo bon chen vơ vét càng thêm đầy đặc đến ngột ngạt căng thẳng mà mãi không thỏa! Lúc này mới thấy cần thiết phải dừng chân dành cho mình một khoảng trống để nhìn lại chính mình mà cất lời trần tình theo lời thơ Nguyễn Trùng Khánh:
Soi gương nhìn lại chính mình
Men say đã thấm nhuộm tình đời cay
Giật mình lạ lẫm thân gầy
Ô hay có phải ta đây không kìa?
Kiếp ngắn dài, một mộ bia
Xoay vần cát bụi ngày lìa dương gian.
Dừng chân đếm túi hành trang
Những gì còn lại chuỗi vàng lời kinh.
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
(từ tác phẩm Vũ Khúc Thăng Ca, Thời Điểm xuất bản)