VIẾNG THĂM NGHĨA TRANG

Tháng 11 hằng năm, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi thăm viếng nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã qua đời.  Khi nhìn những ngôi mộ nằm im lìm, vắng lặng trong không gian, trong thời gian qua bốn mùa mưa nắng gió bão, tuyết rơi… ai cũng cảm nghiệm đến ngày chung kết của mình, ai cũng cảm nhận cuộc đời là sắc sắc không không!

Viếng thăm nghĩa trang ở đây không có cảm giác sợ hãi như khi thăm nghĩa trang ở Việt Nam. Nghĩa trang nơi đây nhìn thật đẹp mắt và an bình, với những bia đá kiểu cọ rất nghệ thuật, có cái hình trái cây, hình chiếc lá tròn to, hình trái tim, hình đôi môi mỉm  cười … phần nhiều những tấm bia có nền trắng chữ đen hay nền đen chữ trắng, nền xanh chữ tím hay nền đỏ chữ đen, nền nâu chữ vàng…  khắc những hàng chữ đủ kiểu rất đẹp, rất điệu nghệ với những kiểu chữ và hình ảnh thật siêu nghệ thuật, những hoa văn rất lạ, rất mới, mà người nằm dưới mộ vẫn yêu thích khi còn sinh thời, và có những lời tỏ tình yêu thương, kính trọng người qua đời.

Những ngôi mộ ngay hàng thẳng lốí, nền cỏ xanh mượt mà trên lối đi giữa những ngôi mộ được chăm sóc rất kỹ càng, trên mỗi ngôi mộ lúc nào cũng có hoa tươi đủ mầu sắc, mùa nào hoa nấy, tạo cho người thăm viếng cảm nhận được sự an ủi, sự bình an cho người qua đời… Nghĩa trang được bao quanh bằng hàng rào cây xanh cao hơn đầu người, nhiều chỗ có những giây leo lá xanh, lá đỏ ngoằn ngoèo  trang điểm hàng loạt những bông hoa dại màu vàng, màu trắng, mầu tím chen lấn với nhau khoe mầu khoe tươi, thật đẹp, thật mát mắt.

Là con người, không ai là không bước qua ngưỡng cửa của sự chết và không ai biết được mình sẽ chết như thế nào? bao giờ? ra sao? v.v… Một nhà tu đức đã nói: „cái chết của người già ở trước mặt, nhưng cái chết của người trẻ ở sau lưng“. Vâng, thưa người già thì biết rõ mình đang chờ cái chết, song cái chết cũng vẫn đến bất ngờ cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, bất cứ lúc nào, bất cứ hình thức nào. Vì vậy chúng ta hãy tỉnh thức, tỉnh thức là sống theo Lời Chúa dạy, tỉnh thức cho ta có bình an của Chúa thực sự là yêu thương nhau chân thật. Cứ dấu hiệu này người ta nhận ra mình là con cái của Chúa, vì yêu thương là đường đưa ta về với Chúa.  Đó là điều Chúa hoan hỉ hài lòng.

Ai ai trên thế gian cũng sống một đời và chết một lần. Thiên Chúa cho chúng ta có tự do chọn lựa cuộc sống. Vì thế, khi chúng ta muốn có cuộc sống an hòa thì hãy chọn cuộc sống có Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình thì mọi sự sẽ trở nên nhân hòa với mọi người, có ích lợi cho cá nhân mình, cho gia đình, xã hội, Giáo Hôi.

Đó là một cuộc sống dồi dào niềm vui sâu xa tận đáy lòng và hạnh phúc rất sung mãn, sống đẹp lòng Chúa sẽ luôn được bình an ở đời này, là hưởng Thiên Đàng từ đời này… chờ ngày về với Ngài là chiếm luôn được thiên đàng đời sau. „Mỗi người chỉ có một linh hồn, nếu được cứu rỗi thì hưởng Nước Thiên Đàng“ (Thánh Phanxicô Xavier)

Khi ta chết là lúc „ta về nhà hội ngộ của tất cả nhân sinh“ (Jb 31,23b). NHÀ CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI.  Cái chết chỉ là một nhịp cầu đưa ta vào cõi sống với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô đã vượt thắng cái chết sau ba ngày người ta chôn Ngài trong mồ đá, Ngài chỗi dậy và Ngài đang sống với chúng ta.

Cái chết của Ngài là môt cái chết vĩ đại, Ngôn sứ Isaya nói đến cái chết của Chúa  Giêsu: „Thầy bị đâm vì chúng con phạm tội. Thầy bị nghiền nát vì chúng con lỗi lầm, Thầy chịu sửa trị để chúng con được bình an. Thầy mang thương tích để chúng con được chữa lành“.  Chúa Giêsu nhận cái chết nhục nhã đau khổ trên thập tự để chuộc tất cả lỗi tội của cá nhân tôi và của anh chị em và cả nhân loại, chỉ vì Ngài yêu thương tôi, yêu thương anh chị em và yêu thương tất cả nhân loại.

“Một giọt bửu huyết của Chúa Giêsu có giá trị vô cùng, đủ cứu thoát toàn thể vũ trụ khỏi mọi tội lỗi“ (Thánh Toma Aquinô)  Ngài chết để sống lại và sống mãi với chúng ta. Ngài cho chúng ta cũng được sống lại với Ngài khi ta chết.

 Lạy Chúa là Thiên Chúa của con. Ngày hôm nay con sẵn lòng và hoàn toàn chấp nhận cái chết thế nào tùy ý Chúa muốn gởi đến cho con, cùng với những đau khổ, khó nhọc và sợ hãi đi theo cái chết ấy. (lời cầu nguyện của Thánh Anphonso) Amen.

Elisabeth Nguyễn

Chia sẻ Bài này:

Related posts