Gia đình bà Ðiền bắt đầu suy sụp từ khi ông qua đời. Nhưng tình trạng thê thảm thấy rõ nhất, nó như chiếc vòng lăn xuống giốc, phải kể từ ngày 30 tháng 4 năm 75. Vào những năm 70, gia đình ông không dư giả nhưng không phải nợ nần chất đống như những ngày về sau này. Ông làm nghề mộc. Ở vùng căn cứ quân đội Mĩ, dân chúng bám vào những căn cứ ấy như miếng bánh ngọt mầu mỡ: Buôn lậu, làm công. Dân chúng khá giả, đua nhau sắm sửa nhà cửa tươm tất. Nhà nào mà không có một, hai chiếc tủ đứng, tủ chè đựng đồ kiểu. Nghề thợ mộc của ông đắt khách. Dù ông chỉ là người làm thuê cho một chủ tiệm bán bàn ghế nhưng cũng đủ cung ứng mọi chi tiêu cho gia đình.Thế rồi, cái bánh ngọt mầu mỡ ấy, bỗng một ngày có người nhắc đi. Chỉ sau vài tháng khi quân đội Mĩ rút lui, cỏ mọc xanh lối vào các căn cứ mà đã một thuở rộn rã bóng người. Ðồng tiền khó kiếm. Cái nghề mộc của ông Ðiền bắt đầu lung lay. Ông chủ tiệm đã có tiếng thở dài ế ẩm. Gia đình ông Ðiền thấy bóng dáng mây đen đe dọa ở xa xa. Ba năm sau, gia đình ông bắt đầu là con nợ của nhiều người.
Âu lo về chuyện nhà, thêm vào là bệnh tật, nhưng có lẽ ông không đến nỗi chết sớm nếu không nghe cái hung tin về đứa con trai của ông tử thương ở cao nguyên. Ông đã dốc tất cả số tiền dành dụm để chạy chọt, lo cho thằng con khỏi phải đi lính. Nhưng tiền mất tật mang. Ông đã mất hai cây vàng để mua lầm miếng giấy hoãn dịch giả. Hai tháng sau khi mua mảnh giấy giả ấy, thằng con ông bị bắt. Thương nhớ con, tiếc của bị mất, vì nỗi tức, ông đã nghẹn thở suýt chết mấy lần hồi ông mới bị bệnh. Khi nghe tin con tử thương thì ông xỉu thường bữa. Từ ngày đó, sức khỏe ông trút đi trông thấy.
Vào một chiều u uẩn cuối tháng tám, ông vĩnh biệt cuộc đời khổ đau để lại cho bà Ðiền trông coi sáu đứa con. Tháng tám với mùa nắng hanh nhưng cũng có những cơn giông bất chợt. Cái nắng gian khổ của trời gởi đất. Cái giông tố bất chợt của mưa bão gởi người. Cũng tháng tám, mùa có những giải mây trắng tan loãng bay về nẻo xa như nhắc nhở của chia li cách biệt. Ngày ông chết là cánh cửa đóng lại mảnh vườn gia đình của bà Ðiền và đưa Lan, người con gái lớn của bà, mười chín tuổi vào thế giới của gian khổ, nhọc nhằn.
Lan phải bỏ học phụ mẹ tần tảo nuôi em. Bà Ðiền không còn gì để cậy trông, nhìn sáu đứa con như một đường hầm dầy quánh bóng tối chảy vào tương lai. Trên vai trĩu xuống tình mẫu tử nặng nề, xót xa. Trong nhà đã cạn tiền bạc. Thương chồng, thương con, bà như cây sậy trơ vơ trước giông tố sắp ập xuống. Bà không thể giấu được khổ đau. Những tiếng thở dài muộn phiền, não lòng của mẹ như những mũi kim đâm vào tim Lan đau buốt.
Lan bỏ thi Tú Tài I. Ngày quyết định cất cặp sách vào cuộc đời là ngày Lan đã lặng lẽ khóc. Giã từ sân trường, xa rời thầy cô, bạn bè, bỏ lại sau lưng những mộng mơ thơm mùi hoa học trò. Những cánh phượng, những trang lưu bút vấn vương kỉ niệm trôi về vùng biệt tăm. Lan như mất đi một phần đời. Nhìn đám bạn bè vô tư với chữ nghĩa, với những tiếng cười giòn vang, Lan thấy mình già đi. Những sáng trông tà áo bay, những vành nón nghiêng bên cặp sách, Lan thấy mình thiệt thòi, xót xa. Nỗi tiếc thương của tuổi học trò vừa mất, thêm vào những vất vả của mẹ làm tuổi thời gian mới mười chín của Lan đã phải hằn lên bằng lo âu của tuổi đời, chập chùng bằng thao thức của tuổi sống. Ánh mắt Lan đọng trên bờ mi những đăm chiêu. Trong đôi mắt ấy, bay về những chân trời thoang thoáng mây tím lặng lẽ, đơn côi.
Vì ế ẩm, bà Ðiền bỏ nghề tráng bánh. Lan theo mẹ về các xóm quê mua gà đem lên chợ bán. Tuy vất vả nhưng nếu gặp may thì bà Ðiền cũng có thể cầm cự được với cuộc sống khó khăn. Nhưng không phải lúc nào cũng êm xuôi, có những ngày Lan rối bời ruột gan nhìn bầy gà ốm. Gặp những chuyến gà toi là lỗ vốn nặng. Mỗi con gà là một dòng máu của gia đình. Nhìn nó đi, nó nhẩy như chính cuộc đời của Lan. Thấy bóng gà ủ rũ mà Lan lo âu từng giây, từng phút. Nhưng lo âu cũng chẳng có phép mầu cứu vãn được tình thế. Chẳng bao lâu bà Ðiền kiệt vốn vào một mùa gà toi. Gà chết, dòng máu cạn, chết đi cả gia đình. Trống không, hai tay xơ xác. Nhà hết gạo ăn. Lan giấu mẹ những chiều ngồi một mình rưng rưng lệ. Làm sao bây giờ? Không câu trả lời. Lan chỉ biết nhìn lên trời tìm yên ủi ở một niềm tin. Nhưng niềm tin ở xa xôi quá.
Trong những ngày kiệt quệ ấy, thằng Ngân, đứa em kế của Lan được ông Sáu Vượng mượn làm thuê. Tờ mờ sáng, nó sửa soạn sang nhà ông Sáu theo xe lam của ông về miệt Vũng Tàu buôn cá khô. Ông buôn cá về phơi, xay nhỏ rồi bán cho mấy công ti làm đồ ăn cho heo. Từ ngày thằng Ngân góp tay vào giúp gia đình, bà Ðiền cũng bớt được đôi chút lo âu.
Thời gian bỗng dưng nổi sóng gió. Biến cố tháng Tư năm bẩy lăm đảo ngược tất cả mọi sinh hoạt của miền Nam. Sau biến cố, ông Sáu Vượng bị tịch thu chiếc xe lam. Thằng Ngân mất việc làm. Cuộc sống đảo lộn, rối bời trong cơn lốc xoáy. Nhiễu nhương ấy đẩy con người vào hải đảo cô lập, thủ thân. Bà con hàng xóm bỗng một ngày trở nên xa lạ. Niềm tin phai màu. Nhìn nhau bằng mặt, xa nhau lòng thành. Tình thân thành nghi ngờ. Không ai còn dám cho nhau mượn tiền bạc, lo sợ đủ điều. Chính vì vậy mà Lan đã cám ơn Chúa vô cùng, nàng coi như một ơn đặc biệt Chúa ban cho gia đình nàng. Ðó là chuyện một gia đình dám cho bà Ðiền mượn tiền mua chiếc máy may. Thấy hoàn cảnh đáng thương nên khi chủ tiệm may Tân Thái muốn bán bớt máy để tránh cảnh dòm ngó của công an phường, gia đình này đã sẵn sàng giúp vốn cho Lan mua chiếc máy để lấy kế sinh nhai.
Nghe tiếng người ngã, Lan vội bỏ gánh rau heo đang rửa nửa chừng chạy vào. Bà Ðiền nằm sõng soài, miệng hẵn còn bọt trắng. Lan kêu thét lên chạy đến ôm mẹ. Bà Ðiền chóng mặt nhưng tâm trí vẫn tỉnh, biết Lan ở bên cạnh, bà ráng sức nói cho con gái yên tâm:
– Mẹ không sao đâu, đưa mẹ lên phản.
Mắt Lan đầm đìa lệ vì đây không phải là lần đầu bà Ðiền ngã. Và Lan biết lí do tại sao mà mẹ chóng mặt. Ðiều ấy lại càng làm Lan đau khổ vô cùng:
– Mẹ! Mẹ lại bán máu nữa rồi!
Nàng nức nở hỏi bà Ðiền:
– Mẹ, Mẹ có sao không, người ta rút bao nhiêu máu của mẹ?
Bà Ðiền nói lãng :
– Hôm nay trời đất đổi gió làm mẹ hơi nhức đầu.
Nhưng lời nói ấy chẳng làm Lan yên tâm mà chỉ làm nàng đau khổ thêm. Lan bỗng nhiên tức mình với mẹ. Lan dìu mẹ lên phản mà chỉ muốn xô cho mẹ ngã lần nữa, quá tức vì bà không chịu nghe lời mình. Lan biết bà đang dối Lan. Nàng biết mẹ mình không phải trúng gió mà vì thiếu máu. Tức mẹ, nhưng càng tức lại càng thương làm nước mắt Lan chảy thêm. Nàng khóc thút thít, bật thành tiếng nấc. Khi bà Ðiền nằm lên phản rồi, Lan vạch tay áo của mẹ lên nhìn. Ðúng như nàng đã nghĩ. Tay bà Ðiền vẫn còn vết rỉ máu. Một chấm đỏ, hơi sưng, lớn hơn đầu tăm. Vết thương của một mũi kim chích.
Ðây là lần thứ tư bà đã bán máu trong vòng khoảng hai tháng nay. Lần thứ nhất, nhờ số tiền bán máu bà đã trang trả được một phần nợ, dù số nợ chẳng lớn nhưng vì đã quá lâu, người chủ nợ hỏi hoài vì sợ bà quỵt mất. Lần bán thứ hai thì bà yếu hẳn đi nhưng bà vui vì đã trả được tiền thuốc cho thằng Ngân bị thương hàn. Lần thứ ba thì người ta phải gọi Lan lên nhà thương dìu bà về. Lúc đó Lan mới biết mẹ đã bán máu đến lần thứ ba rồi. Trong nhà chẳng còn gì để bán. Vào lúc cùng quẫn ấy, ông Ngọ mách cho bà biết là ông cũng đã bán máu tuần trước. Bà Ðiền thấy như chiếc phao đang trôi lại gần trong lúc sóng dập đang đưa gia đình bà chìm xuống. Nhưng đến lần thứ tư thì bà không còn máu để bán nữa. Một tháng trời mà bà đã bán hai lần rồi. Ăn uống không đủ, bữa cháo, bữa ngô, bữa đói thì lấy đâu ra máu mà bán. Lần cuối cùng này bà Ðiền đã xỉu ngay lúc người ta rút mũi kim chích ra khỏi tay. Họ đã phải cho bà một li nước đường để uống hầu bù vào số chất lỏng bị thiếu hụt. Nhưng sau cùng họ cũng phải quyết định trả lại số máu mới rút ra. Bà nhất định không chịu. Nghĩ đến số tiền họ đã trả trước đang nằm chặt trong túi áo đã cài kỹ bằng chiếc kim băng, bà nhất định bảo cô y tá là bà còn khỏe, bà chỉ chóng mặt một lúc là khỏi, bà chỉ cần nghỉ một lúc là có thể đi được. Nhưng cái “một lúc” của bà đã kéo dài hàng giờ. Cứ khi bà tưởng mình đi được, bà đứng dậy cố bước thì trời đất lại như lún xuống, hụt hẫng. Bà bước chân trước chân sau, dập dềnh. Sau cùng thì cả hai bên đều kì kèo, bà muốn bán, người ta muốn trả, nên giải đáp cuối là bơm lại một nửa để bà có đủ sức bước về.
Dìu mẹ lên giường xong, Lan lặng lẽ ra bờ giếng ngồi nghĩ đến hoàn cảnh nghèo của gia đình mà khóc một mình. Nàng nghĩ đến chiếc máy may, lại tức giận với chính mình hơn. Ðối với nàng, cái quyết định sai lầm lớn nhất trong đời là đã bán chiếc máy may. Từ ngày bán chiếc máy rồi, nàng thấy như một cánh cửa gỗ nặng, dầy kín đè sập xuống không còn tia hi vọng để soi sáng nữa. Lan trách mình sao mà ngu quá. Nhưng nghĩ lại thì Lan cũng lại thương mình. Ðêm trước khi bán máy, nàng đã suy tính hơn thiệt, nàng cũng đã nhìn thấy cánh cửa gỗ dầy đặc, tàn ác đó sẽ sập xuống. Nàng biết còn chiếc máy, còn có thể kiếm được tiền, bán đi sẽ mất vĩnh viễn. Nhưng làm sao cứu nổi bà Ðiền trong cơn bệnh nguy kịch. Mất máy may hay là mất mẹ. Câu hỏi sau cùng ấy đã quyết định số phận cái máy may. Lan còn nhớ rõ là Lan nói với chính mình rằng đành liều vậy, rồi sẽ xoay xở vì phải giữ mẹ. Mẹ là tất cả. Nàng ngồi bên bờ giếng nhớ lại vụ bán máy, thấy mình hành động đúng chứ không ngu dại như vừa tự trách. Nước mắt lăn dài, im lặng của một kẻ độc hành.
Cả buổi chiều đó Lan không cầm được nước mắt vì thương mẹ quá. Tối về, trên giường ngủ, Lan úp mặt vào gối khóc thổn thức một mình. Ngoài trời phủ mưa giăng. Tiếng mưa đập vào miếng giấy cứng che cửa sổ bồm bộp. Ánh đèn dầu lao chao trên bàn thờ, mở một vùng sáng nhỏ. Chân tượng Chúa gầy trên cây thập giá bụi mốc. Mưa nặng hạt, mưa lạnh quá, mưa đang rơi vào hồn. Gió đêm bay tan tác con tim, gió đem mưa về bơ vơ trống trải. Tất cả mọi lối tới tương lai đều nghẽn đường. Lan chỉ nhìn thấy bóng tối. Bóng dầy đặc như những tảng khói sền sệt làm nàng không thở được. Bóng tối có sự chết, bóng tối chập chùng những chán nản, âm u. Tư tưởng muốn chết, sợ hãi sự sống, oán trách Chúa làm Lan lạnh người. Lan vội xua đuổi như một thứ yêu tinh. Ngoài trời đêm nay đen thăm thẳm, gió ào ào xé nát những đọn chuối non. Mưa cứ từng cơn đổ về. Lan lặng lẽ khóc. Trong cơn mệt, nàng đi vào giấc ngủ không bình yên, có những cơn mộng mị khô héo. Trong cơn mơ ấy nàng thấy thánh lễ Chúa Nhật thật đông. Cha phó làm lễ rất sốt sáng. Tất cả ca đoàn đứng trên gác hát trong bộ đồng phục áo dài vàng tha thướt. Riêng nàng ngồi ở một góc tường. Cô độc. Nàng đã mất bạn bè rồi. Những dẫy ghế dành cho ca đoàn còn đó, bỗng dưng nay sao xa lạ. Nàng không còn thuộc về khung trời ấy nữa, như kẻ bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Ðứng đó, bơ vơ. Chỉ có chiếc áo dài, mà từ ngày bán nó, Lan trở thành mồ côi. Càng ngày Lan càng hiểu rằng chỉ có tâm hồn nhiều khi cũng chưa đủ. Trong cuộc sống, có những lằn mức mà đức tin chẳng thể xóa mờ. Chưa lúc nào tâm hồn Lan gần gũi ca đoàn như lúc này. Nhưng chỉ có tâm hồn thôi. Không có chiếc áo đồng phục, Lan chẳng thể thuộc về thế giới ấy. Trong cái lẻ loi, Lan dần dần mới thấy Chúa là người luôn luôn đi ngược dòng đời. Môn đệ Chúa chẳng có áo đồng phục. Kẻ theo Ngài chẳng có phù hiệu. Nghĩ tới đó, Lan ôm mặt:
– Chúa ơi, đấy là thế giới của Chúa. Còn cuộc sống của chúng con, khác lắm, vì nghèo đói mà cuộc sống mất phẩm giá của con người. Chúng con chẳng thể nhận ra giá trị niềm tin nếu niềm tin không được may mặc bằng gấm vóc.
Cha phó, người mà nàng vẫn đến để tâm sự, nay cũng mất luôn rồi. Nàng không dám gặp mặt cha, sợ cha hỏi tại sao lại bỏ ca đoàn, biết trả lời thế nào, chẳng lẽ lại nói cho cha biết sự thật, chiếc áo đã bán? Thức dậy nửa đêm, Lan nhớ lại cơn mơ, nàng thấy tủi thân quá, thương mình quá, Lan lại úp mặt xuống khóc trong lặng lẽ.
Bên kia ruộng khoai, bà quản Thông hé tấm phên che cửa nhìn qua. Lòng rộn lên sung sướng vì bà bắt gặp chính lúc cha phó đứng nhìn gốc lan bị nhổ. Kết quả do chính công trình tay bà tạo nên. Thấy mình là kẻ chiến thắng, có sức mạnh làm cho cha phó phải khổ lụy. Bà hài lòng mãn nguyện. Khi thù oán, người ta mừng lúc thấy đối phương sa cơ lỡ vận. Bà quản Thông cũng không ra ngoài tâm trạng ấy, trong đầu bà vẽ ra bao nhiêu hình ảnh về cha phó. Cha phó càng tức bao nhiêu, bà càng sung sướng bấy nhiêu. Nỗi đau của cha tỉ lệ nghịch với niềm vui của bà nên để cho niềm vui ấy say sưa thêm, bà tưởng tượng ra nào là khuôn mặt cha nhăn lại tức tối vì không biết ai nhổ cây lan, nào là cha phó đang lẩm bẩm chửi thề, tức một mình mà không làm gì được. Thế mới đáng. Bà đứng đó nhìn cha phó cho đến khi cha đi khỏi mới sập phên cửa lại.
Ngày cha phó về nhận xứ, bà quản Thông là người đầu tiên biếu cha gói quà mà về sau cha phó cứ nhắc mãi vì nó là kỉ niệm, gói quà thứ nhất ngày cha về xứ mới. Sau khi khép lại phên cửa, bà quản đứng tần ngần nhớ lại cái “kỉ niệm” ấy. Bà còn nhớ rõ hộp kem đánh răng Colgate của đứa con gái ở Mĩ gửi về. Cha phó bảo kem của nhà nước toàn là bọt. Nhưng cái tình nồng nàn của bà quản dành cho cha phó giảm dần từ ngày cha mượn bà Ðiền vào giúp việc nhà xứ. Ðến hôm nay thì cảm tình ấy đã trở thành tức giận. Bà nghĩ lại mà tiếc rẻ lọ kem đánh răng đã biếu ngài. Riêng cha phó, chẳng hay biết gì, ngài vẫn thấy nụ cười của bà quản thân tình như ngày nào.
Sự có mặt của bà Ðiền trong khu nhà xứ là một cái gai trước mắt bà quản. Nhất là cái duyên dáng của cô Lan. Bà quản đã nhiều lần so sánh giữa Lan và con gái của bà, Thu Cúc. Giữa Lan và Cúc thì Lan có cái đẹp kín đáo để người ta phải tìm kiếm, khám phá. Nét đẹp ở Lan là cái duyên không ào ạt như những cơn mưa mà là những làn gió nhẹ, những cụm mây trời lãng đãng. Lan hiền. Cúc cũng đẹp, Cúc có sắc đẹp nổi bật, gợi cảm. Ðôi mắt Cúc có cái nhìn để kẻ nói chuyện phải nôn nao. Nhưng đời Cúc và Lan khác nhau nhiều. Ðời sống vất vả, nghèo khổ làm Lan có những suy tư, nhìn đời trầm lặng hơn Cúc. Cúc thì mặn mà, tươi trẻ, nhí nhảnh. Cúc đẹp nên bà quản rất hãnh diện về cô con gái, hãnh diện bao nhiêu thì lại đau bấy nhiêu nếu có ai khen người con gái khác. Ðối với bà quản thì Cúc phải trổi vượt hơn Lan, hơn bất cứ người con gái nào. Và trong thâm ý của bà quản thì Cúc phải có một “chỗ đứng” đặc biệt trong trái tim cha phó hơn bất cứ người con gái nào trong ca đoàn.
Bà quản khó chịu khi thấy cha phó nói chuyện với Lan. Mới đầu, cái khó chịu ấy chỉ là những nỗi tức suông, nhưng dần dà, nó có lí do của nó. Bà cho rằng có thể Lan là dịp cám dỗ nguy hiểm cho cha phó! Ban đầu bà không để ý đến Lan, bà chỉ khó chịu vì sự có mặt của bà Ðiền mà thôi. Chính Cúc là người hay ra vào nhà xứ nhiều hơn cả vì nhà sát ngay bên. Nhưng cơn ganh tị có những giả thuyết riêng của nó. Và nỗi ghen của bà quản đã được bọc một lớp đường thánh thiện là: Bảo vệ cho cha phó khỏi sa chước cám dỗ! Mới đầu bà quản cũng biết đấy chỉ là những ngụy biện. Bà xấu hổ vì cái ghen tức vô cớ của bà với sự có mặt của bà Ðiền. Nhưng dần dà, bà mất dần cái ý thức tự nhận ấy, nỗi ghen từ từ trở nên đích thực và chính đáng. Bà thấy tất cả việc làm của bà chỉ là làm sáng danh Chúa chứ chẳng phải là tức tối với ai. Trên con đường mòn đầy cỏ dại nghi ngờ, đố kị ấy, bà đã đi. Những bước chân ban đầu làm cắn rứt lương tâm, bàn chân đau. Nhưng trên lối mòn bất chính đó, vết chân dẵm lên nhiều lần, nay dần dà sắp thành chính lộ.
Khu nhà xứ đã là mảnh đất “bất khả xâm phạm” của bà quản từ bao lâu nay rồi. Khi cha phó mượn bà Ðiền vào làm thì bà quản thấy như mình bị hất ra. Như cái tình của cha phó dành cho bà đã bị chia sẻ. Bà thấy như mình bị giảm mất ảnh hưởng. Cái giai đoạn đầu ấy đưa bà đi xa hơn trong lối phán quyết. Bà nhìn cha phó với con mắt nghi ngờ đủ điều. Có thể vì thương cô Lan mà cha phó mượn bà Ðiền chăng? Biết đâu đấy chẳng là cái cớ cho Lan có dịp vào nhà xứ giúp mẹ để gặp cha nhiều hơn? Những câu hỏi ấy biện minh cho nỗi ghen của bà, rồi từ đó, bà quản thấy rõ là việc làm của mình cần thiết và chính trực. Thực sự đôi lúc bà cũng nhận rằng Lan không vào nhà xứ, lí do bà đưa ra không vững. Nhưng nếu không tìm được lí do thì bà cảm thấy bà tức tối chỉ vì ghen. Ðiều đó làm bà thấy mình tầm thường, nên từ tiềm thức sâu thẳm đẩy bà đi tìm mọi thứ nghi ngờ hầu biện minh cho việc làm và tình cảm bất an trong tâm hồn bà. Vì thế, lí do bà chưa bắt gặp Lan nói chuyện riêng với cha phó lại được tiềm thức bà đi đến những sáng tạo mạnh bạo hơn: Biết đâu Lan chẳng gặp lén? Nếu vậy thì bà lại càng phải để ý nhiều hơn! Những ý nghĩ ấy cho bà quản thêm xác tín về hành động của bà, trấn an lương tâm và đẩy bà bước tới.
Nghe tiếng gõ cửa, cha phó lên tiếng gọi:
– Ai đó. Xin mời vào.
Sau khi thấy cha phó đứng trầm ngâm nhìn cây lan bị nhổ, bà quản Thông muốn sang tận nơi để nhìn mặt cha phó xem phản ứng của cha thế nào về cây lan. Bà nở một nụ cười thật tươi trước khi bước vào phòng:
– Bẩm cha! con đây ạ!
Cha phó vui mừng:
– Ấy! bà quản đấy à, tôi đang định qua tìm bà thì bà tới! Tôi có việc phải nhờ bà đây. Thật đúng bà quản là người được thiên thần Chúa sai đi!
Bà quản Thông, trong giọng nói rất đon đả, trả lời lại câu nói dỡn của cha phó:
– Con có là quỷ thì có chứ thiên thần thiên thánh gì!
– Chết! Sao bà quản lại nói thế.
Thấy bà quản vui, rất tự nhiên, cha phó cũng vui lây, ngài nói dăm ba câu pha trò. Hai người cùng cười. Bà quản Thông hỏi cha:
– Bẩm cha, cha tìm con có việc chi?
Cha phó không trả lời nhưng lại hỏi bà quản:
– Bà quản này, con Cúc nó có nhà không?
– Bẩm cha, cháu ở trên hợp tác xã chiều mới về, cha có điều chi dạy cháu?
– Tôi có việc khá cần. Sắp đến dịp lễ quan thầy xứ, tôi muốn nhờ nó may cho tấm khăn trải bàn thờ. Mới có người dâng nhà thờ ít vải đẹp lắm. Cũng vải lụa từ Mĩ gởi về đấy bà quản ạ.
Nói đến từ Mĩ gởi về, bà quản lại nhớ đến lọ kem đánh răng Colgate đã “lỡ” biếu cha phó làm bà thêm bực mình. Bà quản Thông đã biết hoàn cảnh của bà Ðiền từ lâu. Bà biết Lan đã bán máy may nhưng đây là lúc được dịp để bà nói dăm ba câu xiên xỏ mà bà ít thấy có cơ hội:
– Gớm! Cha dạy cháu quá điều. Con Cúc nhà con nó vụng tay lắm cha ạ! Sao cha không nhờ cô Lan có hơn không, cô ấy vừa khéo tay lại vừa…đạo đức!
Việc nhờ vả của cha phó chẳng ăn nhằm gì đến vấn đề đạo đức nhưng khi chợt nhớ ra hai tiếng “đạo đức” ấy, bà lấy làm thú vị là đã khen Lan đạo đức một cách mỉa mai trước mặt cha phó. Cha Phó quay sang nhìn bà quản, vô tư:
– Con Lan nó bán máy may rồi bà quản ạ.
Bà quản Thông làm ra vẻ ngạc nhiên:
– Gớm! Bán máy may rồi hả cha?
Cha phó vô tình kể lể:
– Ừ, nó bán máy rồi. Tội nghiệp cho con nhỏ, nó bán máy hồi bà Ðiền bị bệnh nặng. Con Lan đảm đang quá, vất vả lo cho mẹ, lo cho em vậy mà Hội Con Ðức Mẹ có điều gì nhờ vả là nó làm ngay chẳng nề hà.
Bà quản nghe những lời khen mà như lửa đốt trong tim. Bà hầm hầm nhìn cha phó bỉu môi. Cha phó chẳng hay biết gì.
Ra khỏi phòng cha phó, bà quản tới cuối hành lang tìm gói đồ. Bà đã cẩn thận để thật xa, chỉ sợ cha phó nhìn thấy. Bà xách chiếc túi giấy đi về phía phòng cha xứ.
– Bẩm cha, cha có nhà không ạ?
Nghe tiếng gọi, cha xứ biết ngay là ai:
– Bà quản đấy hả, mời bà vào.
Bà quản Thông sẽ sàng mở cánh cửa đang khép hững hờ bước vào với gói quà:
– Bẩm cha, con có chút quà mọn biếu cha!
– Bà quản nói thế chứ quà mọn của bà cũng bằng…
Nói đến đây cha xứ không biết so sánh thế nào, ngài vội lấp:
– Thế bà quản có gì đấy?
– Bẩm cha, chẳng nói giấu gì cha, nhà con mới đi Vũng Tầu về, có ít nhãn gọi là chút quà…
– Ồ! Nhãn Vũng Tầu thì nổi tiếng ngọt!
Vừa nói cha xứ vừa kéo ra một chùm nhãn. Ngài trầm trồ khen:
– Nhãn lớn quá! Chưa bóc vỏ đã thấy mùi thơm!
Bà quản lấy làm sung sướng:
– Vâng, nhãn lồng đấy cha ạ. Nhiều cùi mà hột thì nhỏ chứ không như thứ nhãn miệt Phước Thành. Con biết cha thích nhãn nên đã dặn nhà con là thế nào cũng phải nhớ mua cho cha vài kí.
Bà cố ý nhấn mạnh chữ “cha” chứ không nói “hai cha” vì bà muốn loại cha phó ra khỏi tình cảm lúc ban đầu mà bà đã hối hận vì biếu cha lọ kem Colgate. Cha xứ đặt gói nhãn xuống bàn, ra chiều cảm động vì sự săn sóc của bà quản. Trời hâm hấp nóng. Cha xứ vừa với chiếc quạt giấy vừa hỏi bà quản:
– Thế ông nhà mới đi Vũng Tầu về đấy à, đi vì chuyện làm ăn hay là chuyện gì?
– Bẩm cha, chẳng nói giấu gì cha, chuyện cho cháu Cúc đấy ạ!
– Thế à! Vậy ông bà tính đến bao giờ thì cho tôi ăn cỗ đây.
– Gớm! Cha nói vậy chứ cũng chưa biết thế nào.
– Con Cúc vừa đẹp lại vừa nhanh nhẹn, chắc là ông bà kén rể lắm nhỉ.
Bà quản Thông sung sướng đến xúc động khi nghe cha xứ khen Cúc đẹp. Bà làm ra vẻ bẽn lẽn:
– Gớm! Cha nói quá điều, con Cúc nhà con nó ra cái gì đâu!
Bà quản luôn có cái tật hay mở đầu bằng câu “gớm”. Nào là “gớm” con Cúc nhà con nó vụng tay lắm. “Gớm” cha khen quá điều. Ðề cập đến chuyện cưới gả cho Cúc, bà quản thấy đây là dịp thuận tiện cho bà “đánh” cha phó một đòn mà bà đã thầm nghĩ nhiều lần là chỉ khi nào có bàn tay của cha xứ, bà mới thành công. Bà mở đầu câu chuyện như đã chuẩn bị kĩ lưỡng:
– Gớm! có con gái lớn cũng khổ cha ạ. Con cứ lo ngay ngáy. Thôi thì được người ta thương thì gả cho xong. Chứ như cô Lan bây giờ thì…cũng khó… mà có khi …mất linh hồn cũng không biết chừng! Có người nói là có bầu! Có người nói là phá rồi!
Cha xứ chưng hửng, ngạc nhiên. Cô Lan nào? Lan con bà Ðiền đang giúp việc nhà xứ ấy à? Lời phán quyết của bà quản như trái bom. Câu chuyện hấp dẫn. Ngài nóng lòng hỏi bà:
– Cô Lan nào?
– Thì cô Lan con bà Ðiền ấy, cha không nghe gì hết à?
Nhíu mày suy nghĩ, ngài không hề biết, cũng chẳng nghe gì về câu chuyện. Càng ngạc nhiên, Cha xứ hối bà quản:
– Vậy à, chuyện như thế nào bà kể cho tôi nghe.
Bà quản mừng thầm vì thấy cha xứ như con cá đang mắc phải lưỡi câu. Bằng kiểu nói khôn ngoan, bà rào đón trước sau:
– Bẩm cha con cũng không biết rõ. Nói ra chỉ sợ mang tội xét đoán oan cho người ta. Con chỉ nghe thấy tiếng đồn thôi. Con cũng định nói với cha nhưng ngại quá. Vì câu chuyện không đơn giản như những câu chuyện khác, những đứa con gái khác. Nhưng không nói thì con thấy lương tâm không bình an, cứ cắn rứt, như là Chúa bảo phải nói cho cha hay…
Bà quản im lặng một chút như ngần ngại, cha xứ càng thấy câu chuyện trở nên quan trọng. Bà làm ra vẻ điều bà sắp nói đây là điều rất khó nói, chậm rãi bà quản kể tiếp:
– Bẩm cha, lâu nay, từ ngày bà Ðiền được cha phó mượn làm thì cô Lan cũng lấy cớ vào phụ mẹ mà ra vào phòng cha phó luôn. Con nghe mấy đứa Hội Con Ðức Mẹ xì xèo… Giáo dân cũng nói ra nói vào. Chuyện cha phó và cô Lan. Rõ khổ! Mấy bà bên Hội Dòng Ba cũng nói lắm. Mấy bà cứ xúi con vào trình cho cha hay. Con bảo là con không dám đâu. Nhưng mấy bà hối quá là hối, bảo rằng dù sao thì con cũng là bà quản, cũng là người chức sắc trong xứ chứ họ thì lấy quyền gì mà trình bày cho Cha. Nên hôm nay con phải lấy hết can đảm nói cho cha hay. Nếu có điều gì không nên, không phải thì xin cha dạy, con chỉ vì lòng thành mà thưa cha thôi.
Bà quản Thông cặm cụi viết thơ. Bà chỉ viết khi nào tất cả nhà đã đi vắng. Bà thấy công việc tấn công cha phó bắt đầu hiệu nghiệm từ khi có bàn tay cha xứ nhúng vào. Nhất là bà trở nên như một nhân vật quan trọng trước mặt cha xứ. Bà thấy rõ, cha xứ niềm nở hơn, tin tưởng bà hơn nữa. Cầm lá thư đang viết gởi cho cha phó, bà đọc lại:
Kính thưa cha,
Con không biết làm sao để nói cho cha, nên đành mượn trang giấy này tâm sự với cha vậy. Bẩm cha, ruột gan con rối như tơ vò khi nghi người ta xì xào về chuyện giữa cha và cô Lan. Người ta bảo vì cô Lan mà cha mượn bà Ðiền vào làm trong nhà xứ để cho cô Lan có dịp gặp gỡ cha…Con nghe thấy người ta đồn thổi quá, nào là cô Lan kì này rất xanh xao… nào là cô Lan gầy rạc hẳn đi…có người con nói là cô phá thai…
Ðọc đến đó, bà quản cảm thấy mắt như hoa lên, mặt nóng bừng. Lời thơ táo bạo quá, nó ác độc đến tận cùng rồi. Bà thấy áy náy, nhưng bà cất bỏ lá thư vào ngăn tủ rồi lấy lá thư khác, lá thư viết cho Lan. Với tay lấy chiếc nón lá, bà cầm lá thư đi về phía nhà bà Ðiền.
Bà quản Thông đứng chờ ở bên bụi chuối cho đến khi chính mắt bà nhìn thấy Lan lấy lá thư cài ở khe cửa thì bà mới yên trí về.
Buổi chiều hôm ấy Lan như người mất hồn. Nàng không còn sức nào rửa gánh rau heo mới vớt về. Bùn lấm đầy tóc nàng cũng chẳng gội. Tất cả trước mặt nàng là tan tác. Trái tim nàng là một nghĩa trang với những ngôi mộ lạnh lùng. Bạc phếch. Khổ hạnh. Âm u. Nàng không khóc được khi xem xong lá thư. Ngồi ở thành giếng nhìn lên trời. Hết rồi. Tất cả là cạn máu, là đêm đen.
Lan đứng trước gương soi, nhìn hai gò mó. Lặng lẽ nói với chính mình. Ừ, Lan ơi, mày xanh xao quá mà! Mày gầy quá mà! Mày không phá thai sao mày xơ xác thế! Nói đến đây Lan mới bật khóc được. Nàng ôm mặt héo rũ cơn đau, ra vườn cải đứng thẫn thờ. Ngồi bên bờ đất lặng lẽ nàng lại không khóc tiếp được. Cả buổi chiều nàng thơ thẩn vì lá thư ngoài tầm hiểu biết của kẻ vô danh gởi cho nàng. Những tin đau quá đột ngột, quá nặng nề thường làm người ta chai lì không phản ứng kịp. Lan cũng thế, phải mãi đến nửa đêm mới đủ thời gian cho lá thư ấy thấm vào hồn, mới đủ thời gian cho lòng bình tĩnh để nhìn cơn đau, bấy giờ nàng mới khóc. Nước mắt như một nguồn cơn không thể dứt. Nghĩ đến cha phó, người mà nàng thương mến, nghĩ đến chính mình, nàng không thể hiểu được vì sao những kẻ vô tội lại phải chịu những hình phạt nặng nề đến thế. Nàng lo âu về lá thư, nếu tin đồn tung ra, người ta sẽ nhòm ngó, theo dõi, nàng sẽ cô đơn cùng cực, sẽ chẳng bao giờ dám gặp cha phó. Lan tưởng tượng thấy mình bị cô lập trong một vỏ ốc tối đen, chật hẹp đến ngạt thở. Trong đêm dài tịch mịch, Lan khóc tủi thân một mình:
– Chúa ơi, Con có làm gì nên tội tình đâu mà Chúa để con khổ thế. Ba con chết sớm. Cả đời ba con phải vất vả làm ăn, dành dụm được ít tiền thì bị lừa gạt, để rồi em con tử thương không lấy được xác chôn. Nhà con chẳng còn gạo ăn để mẹ con phải bán máu nuôi lũ con. Chúa ơi, Chúa có biết những chuyện ấy không? Dầu sao thì ngày xưa Ðức Mẹ cũng chẳng phải khổ như mẹ con, Chúa cũng chẳng phải từng đêm thao thức lo âu vì không có cơm cho ngày hôm sau…
Kể lể tới đó. Lan không nói được nữa. Nàng ôm chặt chiếc gối úp lên mặt nén tiếng khóc. Căn nhà vắng vẻ đìu hiu. Thỉnh thoảng nàng nghe tiếng thở khò khè của bà Ðiền vì bị suyễn. Bóng tối dầy đặc. Ánh đèn dầu leo lét trên bàn như một ngọn đèn nhang thắp canh người chết. Vắng lặng quá. Lan khóc thút thít.
Chúa có nghe lời con cầu nguyện không? Con có làm gì nên tội đâu sao đời con khổ quá vậy hả Chúa?
Những giọt nước mắt tròn trên mi vỡ dàn dụa. Chúa nói với nàng:
– Cha đâu có làm con khổ. Chính Cha cũng khổ mà con. Nhìn con đau đớn, nhìn gia đình con trằn trọc lo từng miếng ăn lòng Cha cũng tan nát. Con đã chẳng nhớ rằng Cha đã dựng nên tất cả giàu sang của vũ trụ chỉ vì loài người thôi hay sao? Cha cũng khổ tâm lắm. Nỗi đau của con là của Cha.
Lan lại khóc nhiều hơn. Lời nói của Chúa tội nghiệp quá. Nàng giận Chúa, muốn trách Chúa. Nhưng Chúa đã chẳng trách, lại còn thương, còn nhân từ, an ủi. Lan thấy Chúa cũng tội nghiệp, cũng một mình chịu cô đơn, sầu muộn. Ðời Chúa cũng hiu hắt lắm, có mấy ai hiểu. Lan thầy mình nhẫn tâm đã oán trách Chúa, chẳng chịu hiểu cho Ngài. Những ý nghĩ ấy, làm nước mắt càng chảy thêm, không ngăn được. Nàng mếu máo hỏi Chúa:
– Nhưng Cha có quyền năng sao Cha không can thiệp!
Nàng chỉ nghe thấy tiếng im lặng vì nghĩ rằng Chúa cũng thua cuộc nên mới bị đóng đinh trên thập giá. Ðau khổ quá, Lan không còn tâm trí nào để nghĩ thêm về tình thương hay những mầu nhiệm trong cuộc đời mà Chúa chưa dọi sáng cho người ta hiểu. Nhớ đến cha phó, đến người đã hỗ trợ tinh thần cho nàng, đã cho nàng bao nhiêu lời khuyên khi nàng thấy cuộc đời là bóng tối tư bề. Nàng đau đớn nghĩ rằng bây giờ nàng đã mất cha rồi. Trong dòng nước mắt Lan gọi thầm:
– Giờ này chắc cha đang ngủ yên. Cha có biết con đang gục khóc đêm nay không? Trong những giờ nguyện của cha, cha có van Chúa cho con xin một lời kinh?
Ðêm vẫn mênh mông. Trên bàn thờ gỗ của gia đình bà Ðiền có cây thập giá, Chúa của cây thập giá ấy cũng bị đóng đinh như thập giá của hai nghìn năm trước đây trên đồi máu.
Câu chuyện cô Lan phá thai vì cha phó làm xôn xao ca đoàn. Chỉ sau buổi chiều ca đoàn khám phá ra thì tin loan đi khắp xứ. Lá thư bà quản Thông cố ý viết cho cha phó nhưng ngài chẳng bao giờ đọc được. Bà đã cẩn thận để ở ghế của cha vẫn quỳ đọc sách nguyện. Bà đã tính toán kĩ và nhủ thầm rằng thế nào cha phó cũng nhận được cánh thư. Bà muốn cha phó đọc lá thư nặc danh ấy như một lưỡi dao cho tâm hồn ngài rối bời để cha hết dám mượn bà Ðiền làm việc trong khu nhà xứ. Ðối với bà, đây là một cách gây đau khổ, mà gây được khổ đau thì bà mới cảm thấy mình có quyền lực trong tay. Nhưng Bà đã quên một điều quan trọng là hôm ấy Hội Con Ðức Mẹ quét dọn nhà thờ, trước giờ cha vẫn ra nhà thờ nguyện kinh. Lá thư dán kín chỉ gợi thêm tò mò của những cô gái đang tuổi thắc mắc. Những cô gái luôn luôn nhìn vào cha phó với con tim chinh phục và con mắt theo dõi.
Cha xứ vào bàn ăn bực bội. Cha phó vẫn vô tư như mọi ngày, ngồi vào bàn ăn vui vẻ không hề để ý đến nét mặt cha xứ hằm hằm. Vì lịch sự. Ngài cũng trả lời khi cha phó hỏi chuyện nhưng trong lòng thì hậm hực. Ðối với ngài, khuôn mặt cha phó hôm nay thật là trá hình. Bữa cơm gần xong, cha xứ quyết định:
– Cha phó này, tôi thấy không cần người làm. Tôi xin cha cho bà Ðiền nghỉ việc. Tôi thấy cha trả cho bà số tiền hơi vô lí!
Nhìn mặt cha xứ nghiêm trang với giọng nói cứng rắn, cha phó biết có chuyện chẳng lành. Ngài phân trần:
– Thưa cha vâng, cha nói đúng. Riêng mình con cũng có thể làm tất cả công việc được, chẳng cần người làm. Con mượn bà Ðiền chỉ vì muốn giúp gia đình bà mà thôi, vì thế mà con trả lương hơi cao. Nhưng đó là tiền của con chứ con đâu lấy tiền nhà xứ. Gia đình bà túng thiếu quá. Không đủ gạo nấu cháo. Bà đã lên nhà thương quận bán máu bốn lần trong vòng hai tháng. Con cũng giúp gia đình ông Ất một số tiền cách đây vài tháng, nhờ thế mà gia đình ông đã qua được một cái tang lớn. Ông biết ơn con quá, cứ mỗi khi gặp con là khúm núm, nói dăm ba câu là nước mắt lại chảy. Vì thế, khi nghĩ đến việc giúp bà Ðiền con không muốn cho bà Ðiền tiền sợ rằng bà cũng sẽ mang ơn. Khi người ta chẳng còn chạy đến với ai được mà có người giúp thì ơn nào mà chả nặng. Con không muốn bà nghĩ đến việc phải mang ơn quá như ông Ất. Vả lại nếu cho bà tiền mà người khác biết được thì có khi câu chuyện lại phức tạp lắm. Vậy cha có giải pháp nào tốt hơn không xin cha chỉ cho con.
Nghe xong cha xứ bối rối. Câu trả lời của cha phó ngoài dự đoán của ngài. Giọng ngài lại nhỏ nhẹ, kính nể, phục tùng quyền bính của ngài. Không còn lí do cho một tức giận. Nhưng chuyện cô Lan phá thai thì sao? Trên nét mặt cha phó, ngài thấy dường như có thánh thiện mà cũng như đang lừa gạt ngài. Ðể đánh tan cái bối rối hầu che kín những ý nghĩ khó giải đáp về cha phó, cha xứ hỏi bâng quơ:
– Còn con Lan làm sao nó lại bỏ ca đoàn?
– Thưa cha con cũng không biết rõ. Nhưng con để ý thì không thấy nó mặc áo dài đi lễ nữa, cả lễ Chúa Nhật. Vì thế con nghĩ nó đã bán áo dài rồi. Bà Ðiền đã phải bán máu thì còn gì nữa mà không bán. Mà ca đoàn thì có đồng phục áo dài vàng. Nếu nó không có áo thì làm sao mà ở trong ca đoàn được. Chứ con Lan từ trước đến giờ nó có nề hà việc gì của nhà xứ đâu.
Bà quản Thông lại hé cánh cửa nhìn sang nhà xứ. Thấy cha phó cúi nhặt cành lan đã bị bẻ gẫy, lòng bà rộn lên niềm vui thỏa mãn. Bà đứng núp sau tấm phên, theo dõi. Hôm nay thì bà xác tín rằng không phải vì ghen tương gì cả mà chỉ vì Chúa mà bà phải nhổ gốc lan. Bà tin chắc cha phó thương cô con gái bà Ðiền nên mới trồng cây mộc lan. Tại sao không trồng thứ hoa khác mà lại phải là hoa lan? Nếu không thương con Lan thì trồng lan làm gì? Trồng đấy để mà nhớ nó à? Những xét đoán ấy làm bà vững chí để nhất định bẻ cây lan cho tới cùng.
Cha phó không còn nghi ngờ gì nữa, không phải là con chó khoang bới, nhưng là dấu người bẻ và nhổ hẳn hoi. Sau trận mưa đêm qua, cát mướt mịn, cha thấy vết chân đi từ phía bờ rào, băng qua dẫy khoai lang đến gốc lan. Rõ ràng là vết chân người lớn. Cha phó mới trồng lại cây lan chưa được hai tuần. Ngài chau mày nhìn cây lan bị nhổ rễ, dập gẫy mấy khúc. Ai đã bẻ cây lan? Vì sao họ lại làm như vậy?
Ngài chưa hay gì những lời đồn thổi trong xứ về chuyện giữa ngài và cô Lan. Mấy cô trong ca đoàn khi thấy cha phó thì bấu tay nhau ra dấu hiệu ngầm, cha vẫn nhìn như những nụ cười thân thiện, trong sáng, lòng cha cũng nở niềm vui. Sự vắng mặt của Lan trong ca đoàn càng làm cho xét đoán của các cô là đúng. Các cô càng xác tín với lời trong lá thư đã khám phá ra. Nhiều cô tò mò muốn đi qua nhà Lan để xem mặt Lan xanh như thế nào, gầy rạc làm sao. Chẳng còn kính nể nữa, họ nhìn cha phó bằng nửa con mắt. Mới có mấy ngày mà dân xứ xôn xao về tin cô Lan phá thai với cha phó. Một cơn bão tố sắp ập xuống để chào đón những năm đầu đời của một linh mục trẻ. Cha phó chưa hay biết gì, nghe tiếng chim hót trên cành, ngài se sẽ ngó, tìm cánh chim, trên tay vẫn cầm khúc cây hoa lan bị bẻ gẫy. Trên ngọn đu đủ có con chim nhỏ đứng một mình, đang nhìn trời, hót líu lo. Giọng hót trong như suối mát, tiếng chim cao vút làm cha phó thấy tâm hồn bát ngát, thênh thang.
Trời lồng lộng, xanh ngắt. Từ sâu thẳm trong cõi lòng, dào dạt thiên ân như những nụ hoa dưới mưa xuân, êm đềm. Cha phó nhìn trời cao, tâm hồn lâng lâng trong buổi sáng ngập nắng ban mai. Con chim lại cất tiếng hót, chỉ có một mình, nhưng giọng nó trong vắt như những giọt sương, say sưa gởi vào bầu trời bài ca buổi sáng. Cha phó cũng huýt sáo nho nhỏ, vui với cánh chim một bài ca mà ca đoàn đã hát cho ngài trong ngày lãnh chức linh mục.
Từ ngàn xưa Cha đã yêu con
Cha gọi con giữa muôn người.
Lời cuối
* Có kẻ cho rằng chuyện không có kết. Chuyện chấm dứt như là bâng quơ! Nếu hiểu bâng quơ nghĩa là không xác định, thì đi tìm một cái kết xác định là lại phải thắc mắc: Tựa đề truyện là CÂY HOA LAN, nhưng ai là nhân vật chính? Cây hoa Lan? Người trồng Lan? Hay kẻ bẻ gẫy cây Lan?
Trong một sáng mai hồng, con chim cứ hót một mình. Nó không biết giông tố đang xẩy đến. Ðó là lời hót khờ dại hay tiếng hót rất trong mà không phải trái tim nào cũng có?
Trích Ðường Về Thượng Trí
Nguyễn Tầm Thường