Khang vừa nhổ cỏ miệng lẩm bẩm: cỏ nhiều hơn rau. Anh đang nhổ cỏ thì người đưa thư đến. Cầm lá thư trong tay anh biết ngay là thư mời gia đình về ăn cưới người bà con. Chỉ còn ba tuần nữa là đến kì hè vợ chồng anh có dịp về thăm gia đình một tháng vừa ăn cưới vừa gặp lại người con bắt đầu năm thứ nhất đại học. Hai vợ chồng cưới nhau nhiều năm nhưng không con. Họ khấn xin mãi được bé trai. Hai người yêu mến đứa bé hơn thân mình, lo cho nó với trọn niềm hy vọng. Những năm đầu Khang sợ đứa nhỏ bệnh vì mỗi lần nó nóng đầu thì hai vợ chồng đều lo xanh mặt chỉ sợ điều không may xảy ra cho nó. Có lần Khang nằm mơ thằng nhỏ bệnh đang hấp hối, anh thét lên một tiếng lớn giữa đêm khuya, giật mình thức dậy toàn thân toát mồ hôi.
Cả hai lo lắng cho Khương từng chút. Hai vợ chồng hài lòng chia sẻ niềm vui khi thấy Khương khôn lớn, thông minh bắt đầu bước chân vào đại học. Khang nói với vợ chỉ cần cố gắng thêm dăm năm nữa là Khương thành thân, có nghề vững trong tay. Hai vợ chồng già này thảnh thơi hơn. Niềm hy vọng lo cho Khương ăn học thành tài, có nghề vững chắc với cuộc sống thanh bình, đầm ấm yêu thương gần như được toại nguyện. Khang đến tuổi hưu nhưng không muốn ngồi không, nhiều giờ rảnh quá. Tìm việc thành phố cho giáo viên về hưu không được đành cùng vợ dọn về quê tìm việc. Vừa dậy học vừa hưởng già. Khang thích như thế vì hai vợ chồng hiếm muộn nên Khang rất yêu trẻ, thích gần gũi chúng và tìm nguồn vui nơi vẻ mặt thiên thần, thơ ngây của chúng. Dù hiếm muộn nhưng cuộc đời Khang gắn liền với các em, xa chúng Khang cảm thấy thiếu điều gì đó trong cuộc sống. Đó là lí do chính Khiến Khang đi tìm việc. Khang đọc báo biết rõ tỉnh lẻ thiếu giáo viên nên Khang gởi thử thư đi xem có nơi nào nhận mình chăng. Đúng như bài báo viết, lá thư đầu gởi, một tuần sau có kết quả. Khang được nhận vào dậy tiểu học tại một tỉnh lẻ. Để tiện việc đi lại hai vợ chồng thuê căn nhà gần trường. Sau giờ làm việc Khang có nhiều giờ rảnh nhất là cuối tuần. Miền quê không có nơi đi cũng chẳng có sinh hoạt gì quan trọng nên Khang rảnh suốt cuối tuần. Khang tìm nguồn vui qua mảnh vườn sau nhà. Lần đầu trong đời anh học trồng rau. Để kiếm được giống rau gia đình ưa thích Khang phải về tận quê nội tìm giống. Khang bắt đầu quốc vườn. Nhìn người ta quốc vườn Khang có cảm tưởng như công việc thể dục giúp máu huyết lưu thông. Thực sự không đơn giản như thế khi bắt tay vào việc Khang mới thấy cái khó khăn, vất vả cần sức khỏe của đôi tay. Ngày đầu quốc vườn ê ẩm toàn thân. Khang có cảm tưởng như mọi bắp thịt lớn nhỏ đều bị bầm dập, toàn thân đau nhừ như bị tra tấn, các khớp xương dường như vỡ ra. Cái đau rồi cũng qua. Khang cố gắng làm được mảnh vườn sạch cỏ, chan đất cho đều và bắt đầu trồng rau. Sau mỗi chiều dậy học Khang ra vườn tưới rau hy vọng ngày kia được bữa cơm rau do chính tay mình trồng được. Niềm hy vọng đơn giản là động lực chính mang lại niềm vui cho những cuối tuần. Nhìn thấy cây rau đâm chồi Khang cảm thấy như niềm vui đang đâm chồi trong tâm hồn anh. Khi rau đâm chồi, bén rễ bắt đầu mọc cũng là lúc hè đến. Khang mua hệ thống tưới rau tự động theo giờ cho vườn rau vì anh biết trong thời gian hè, thiếu nước rau sẽ chết khô. Sau khi lo lắng cho vườn rau chu đáo hai vợ chồng lên đường đi ăn đám cưới và nghỉ hè. Dầu có hệ thống tự động nhưng Khang vẫn theo dõi thời tiết hy vọng trời mưa sẽ tốt cho rau hơn. Trong đầu Khang hay mường tượng ra cây rau đang lớn. Hy vọng sau kì nghỉ hè về lại nhà thấy rau mọc tươi tốt và có thể thu hoạch cho bữa cơm rau đầu mùa do chính bàn tay lao tác. Vườn rau của Khang tốt xấu ra sao chưa rõ. Cứ nghe những điều Khang kể mọi người đều nhìn thấy trong đầu Khang có vườn rau xanh tươi, vươn lá dài chấm đất vì theo cách mô tả của Khang vườn rau không còn chỗ nào đáng chê.
Đời đâu đơn giản như mình muốn sau đám cưới Khang không về lại nhà như lòng mong muốn vì Khương không về ăn đám cưới như đã hứa trước cũng không thư từ cho biết kết quả học hành. Khang đâm lo mong ngóng tin con hàng giờ nhưng người đưa thư cứ làm ngơ đi qua không nhìn thấy mối bận tâm đó. Ngày cưới qua đi Khang phân vân không biết nên tiếp tục đi nghỉ hay về lại quê hay đi thăm Khang. Chưa bao giờ Khương bê trễ, thất hứa như vậy. Khang bàn với vợ cả hai đồng ý đi thăm Khương cho biết sự tình.
Hai ông bà lên khu đại học xá tìm gặp Khương. Khu đại học xá vắng hoe, lạnh ngắt vì hầu hết sinh viên đã về lại gia đình còn một số nhỏ ở lại học ráo riết cho kì thi đợt hai vì bị rớt đợt đầu. Hỏi mãi không ra Khương. Đang thất tha thất thểu do dự không biết nên đi đâu tìm cho ra Khương thì may sao gặp được người bạn cũ của Khương anh ta cho biết Khương đã bỏ học hôm giữa năm, không còn sống trong đại học xá nữa nhưng đã dọn nhà đi khỏi từ lâu. Hai ông bà Khang không tin như thế vì chưa bao giờ họ nghe tin Khương bỏ học, phải chăng là một người nào đó trùng tên thì đúng hơn. Tháng vừa qua Khương còn nhận tiền như thế Khương còn ở trong khu đại học mới đúng. Vừa buồn vừa lo với bao nghi vấn không biết điều gì xảy ra cho cậu trai yêu quý. Bao giả thuyết lẩn vẩn trong đầu không có câu giải đáp thỏa đáng vì không có cơ sở lí giải hợp lí. Hai ông bà quyết định đi thuê nhà trọ ngủ qua đêm hy vọng hôm sau tìm được quý tử. Sau tuần lễ tìm kiếm không ra tin tức Khương hai ông bà thất vọng đi về hy vọng cậu trai về lại gia đình. Đặt chân vào nhà hai ông bà biết ngay chuyện chẳng lành. Căn nhà gọn gẽ sạch sẽ trước khi ra đi, ngăn nắp bây giờ thành căn nhà hoang tàn, đồ đạc bị lật tứ tung, quần áo tủ rả bị lục soát, lôi ra vất đầy nền nhà. Lạ một điều không cửa nào bị phá cả, kẻ trộm có chìa khóa vào nhà, chúng lục soát tìm kiếm không sót thứ gì mà chúng không động đến, từ chén đũa đến quần áo dơ chưa giặt chúng cũng lục lọi tìm kiếm. Hàng xóm cho biết cách đó hơn tuần có cặp vợ chồng trẻ đến ở hai ba ngày rồi đi. Khang suy nghĩ mãi cặp vợ chồng trẻ đó là ai? Sao họ có chìa khóa nhà mình. Chẳng lẽ người thuê nhà trước đây trở lại tìm kiếm. Anh sơ ý không thay chìa khóa khi thuê nhà để chủ cũ trở lại dọn nhà dùm. Làm sao họ biết Khang đi du lịch mà đến thăm. Lại những câu hỏi vu vơ xuất hiện không giải đáp được.
Khương lần đầu xa nhà, sống trong khu cư xá sinh viên anh hoàn toàn tự do. Tiền bạc Khang gởi cho hàng tháng Khương giữ cẩn thận, chia ra từng món tiền riêng, Đây là tiền tiền cơm, tiền học, tiền sách vở, tiền chi tiêu vặt. Sách vở ngăn lắp thứ tự đâu vào đó. Dù ngăn lắp thế nhưng Khương không ngỡ là có kẻ xấu theo dõi, rình mò biết anh cất tiền ra sao lẻn vào ăn cắp. Khương mất hết số tiền gia đình mới gởi cho. Trong lúc đang lúng túng không biết nên xoay sở thế nào đám sinh viên bạn cho mượn tạm chi dùng. Mượn tạm nhưng không tiết kiệm đủ tiền trả nợ nên Khương tìm việc làm ban đêm, rửa chén cho một nhà hàng. Được vài tuần Khang mất việc. Anh nhận dọn dẹp, cho một hội quán ca nhạc. Dần dà anh mê theo mấy anh đào hát đóng kịch, ảnh hưởng bởi lối sống về đêm của những tay văn nghệ phố thị Khương cứ mải miết theo họ đến bê trễ việc học. Đi làm về khuya mệt lả người không còn sức học, bài càng lúc càng nhiều, anh càng bê trễ xin khất nợ nạp bài, cuối cùng bài vở ứng đọng Khương đâm chán nản, hút thuốc, uống rượu, tán gẫu với đám đào kép mỗi tối khi khách xem hát tan tuồng. Những câu chuyện cuộc đời hấp dẫn lôi kéo Khương vào con đường ăn chơi đầy hứa hẹn. Khương cặp bồ và tiền kiếm được dành dụm mang ra bao bồ, trả nợ thuốc và bia rượu. Theo bạn làm khổ gia đình. Niềm hy vọng đi làm kiếm tiền trả nợ hụt hẫng dẫn Khương con đường cụt. Anh muốn quay trở lại con đường học vấn nhưng đám chằng ăn, trăn cuốn tạo ra nhiều mối nhợ quyến rũ, cột chân chàng trai trẻ lần đầu xa nhà. Anh lún sâu vào vũng lầy cuộc đời, càng vùng vẫy càng lún sâu. Bao nhiêu tiền kiếm được đều có lỗ hủng chui sạch. Tiền vào tiền ra như gió vào nhà trống. Không còn cách gì khác Khương đành về lại gia đình hy vọng vớt vát chút cháo. Khương biết rõ cha mẹ đi đám cưới xa nên anh mò mẫm về tìm kiếm hy vọng trả được món nợ vay một vốn trảba lời. Nợ mẹ chưa trả xong nó đã đẻ ra đứa con, rồi đứa con đó lại đẻ ra đứa cháu thành ra món nợ Khang phải trả kéo dài tới ba đời. Mà đời nào cũng đẻ con hàng ngày. Bà ngoại, con gái rồi cháu gái nợ thi nhau đẻ thì anh thợ làm công không tài nào trả nổi. Đời dân nghèo là như thế cong lưng làm cho đám chủ nợ hưởng. Chúng hưởng bao công khó người công nhân làm ra mà công nhân đời đời phải nhớ ơn phước cả. Ngày nào chậm trễ trả nợ thì đám anh chị thu nợ mướn cho đọ sức. Tay chân chúng hoạt động nhịp nhàng lanh lẹ như con diều. Chúng hất hàm một cái thì tay chúng đã táng cho mắt nổ đom đóm và chân đạp bụng dưới đau nhói co quắp người như con tôm trong chảo dầu sôi. Khương đã nếm thử món tá hỏa tam tinh thiên lôi địa chấn kinh hồn. Mỗi lần dòm thấy mặt các thần tài thâu nợ là mối sợ trong người Khương tỏa ra đóng chốt nơi đầu gối làm toàn thân tê dại. Khương van lậy đám chủ nợ cho chàng về gia đình lấy tiền trả. Khương không đủ cam đảm nói cho cha mẹ biết tình trạng khốn đốn anh đang trải qua. Anh tính toán ngày giờ cha mẹ đi đám cưới lẻn về ăn cắp tiền trả nợ sau đó trốn biệt tăm làm lại cuộc đời khi nào thành tài mới trở về xin lỗi cha mẹ sau. Đám chủ nợ đâu chịu buông tha con cừu non còn nhiều sữa. Ngay từ những ngày đầu cô đào đẹp dẻo mép kia lúc nào cũng tỏ ra thông cảm với Khương đã đưa chàng vào con đường không lối thoát. Nàng được đám chủ nợ cho ăn huê hồng không tính phần tài ngoài nhờ vào cái lưỡi rắn lấp sau đôi môi hồng giảo hoạt. Nàng theo Khương vừa rút rỉa vừa cầm chân. Khương chân thật nói cho nàng tất cả lại còn mang ơn vì chính nàng đã làm môi giới bảo đảm với chủ nợ cho Khương về gia đình. Ba ngày trong nhà Khương tìm tòi khắp nơi chăng được bao nhiêu tiền, trừ tiền xe đi về, tiền ăn uống số tiền còn lại không đủ trả lời nói chi trả vốn. Đã thiếu thốn con nhỏ thứ gì cũng muốn thử. Khương đánh bạo định lấy hết nữ trang của mẹ mang bán lấy tiền trả nợ. Đến nước này rồi còn cách nào khác hơn. Nếu không làm thế thì cánh tay rắn chắc của các tay thợ đánh mướn cứ lởn vởn trước mặt. Khương lục đến hòm nữ trang chàng choáng váng mặt vì chỉ còn đám vỏ không. Chàng lẩm bẩm trách mẹ đi đám cưới mà đeo hết vào người làm gì. Thực tế con bồ đi theo Khương đánh hơi mò mẫm chỗ đó ngay ngày đầu. Khương là trâu chậm đã không được uống nước đục còn bị nó cỡi. Túng quá Khương đành chộp đám giấy tờ tiền hai ông bà đóng để làm vốn lập nghiệp trong tương lai. Cầm chặt đám giấy tờ trong tay chàng tự an ủi. Tiền này cha mẹ dành cho mình lập nghiệp, tiêu trước khỏi tiêu sau. Chàng đủ 18 tuổi có quyền lấy tiền ra mà không cần chữ kí của cha mẹ. Chàng đút tay vào túi quần tay vẫn giữ chặt đám giấy tờ chỉ sợ nó bay mất chiếc phao cuối cùng giúp chàng thoát nợ. Con đào đi theo vớ được món bở nó cuốn chặt giấu kín trong người không còn đòi ăn như trước. Nó thầm mong cho Khương chóng rời khỏi căn nhà để tẩu tán món hàng bở. Khương cũng toan tính rời căn nhà sớm chừng nào tốt chừng ấy. Nó nói với bồ ‘anh xin lỗi, em đi với anh vất vả mà chẳng được gì’. Không cần suy nghĩ nó đáp ngay. ‘Vì anh em hy sinh chút đâu có sao. Gần anh là em hạnh phúc lắm rồi.’ Đúng vậy vì đi với anh mà em đã chôm được món hàng lớn. Niềm hạnh phúc đến quá bất ngờ. Nó toan tính sau chuyến đi này về nó tìm cách tránh xa bọn chủ nợ trốn biệt tăm làm lại cuộc đời. Số hàng có trong tay đủ giúp nó tạo sự nghiệp thành tay nữ quái có hạng trong làng ăn chơi. Nó sẽ đi xa thật xa, ngoài vòng ảnh hưởng của đám bạn cũ một mình vùng vẫy.
Khương cắn răng trả món nợ mượn một trả mười. Hơn phân nửa số tiền cha mẹ dành dụm suốt 18 năm trời bị nuốt chửng bởi đám đầu gấu. Phần còn lại trong tay anh đang suýt xoa hy vọng làm nên chuyện chăng. Cái ý tưởng chưa kịp chín thì đám đòi nợ mướn lên tiếng đòi chia đều làm năm phần chúng lấy bốn anh lấy một. Anh chưa kịp nói chúng giải thích thêm ‘đây là tiền bảo vệ của các ông’. Khương đang ú ớ chúng bủa lưới tiếp ‘không có các ông bảo vệ thì mày có mang tiền về được đến đây không. Nợ cũng không trả nổi và mạng cũng không còn.’ Khương ngước mắt nhìn đám chủ nợ cầu cứu bọn nó nháy mắt rồi quay bước đi để mình chàng trước bốn con hùm xám đang nhe nanh vuốt. Chàng đành đưa trọn số tiền cho chúng lễ phép ‘các anh lấy đủ số, phần còn lại là của em’. Một đứa nói bâng quơ ‘biết điều đấy’. Phần tiền còn lại nằm dưới đất Khương cúi xuống định lấy, tay chàng vừa đụng tới tiền thì bàn chân hộ pháp đã đạp lên cả tiền lẫn tay đau nhói. ‘Đây là tiền công của con nhỏ đi theo mày.’ Khương ú ớ tay nọ xoa tay kia cho bớt đau nói ‘vậy em đâu có tiền tiêu’. ‘Không có thì mượn tiếp, đơn giản lắm con ạ.’ Khương xoa tay nước mắt trào ra than ‘thế là hết sạch’.
Lm Vũđình Tường
VietCatholic Network