Trước khi kể tiếp cho bạn nghe các câu chuyện còn lại ở Campuchia, tôi mời bạn trở ngược lại Việt Nam một chút – Mời bạn cùng tôi ghé chơi trên mảnh đất đã từng là nơi chôn xác kẻ chết – nghĩa trang Tân Quy. Nhưng bây giờ nó đã trở thành “khu vực giải toả” (chưa biết để làm gì) và được bao quanh bốn phía bằng các tấm tôn, chúng ta sẽ đến thăm “những người bạn” của một người “Công Giáo” vô gia cư!
Chiều 23 tết – Ngày tiễn ông táo lên trời, điện thoại tôi lại rung lên từng hồi. Có tin nhắn “Cha rảnh không, tụi con mời cha đi thăm hai “loại” người – nhưng bí mật lắm!” Đúng là hai cô bé khôn đáo để, đã gãi đúng chỗ… ngứa của tôi! Cho dù có bận rộn cách mấy mà nghe có việc “bí mật” thế là tôi sẽ thu xếp công việc để “mạo hiểm” ngay! “OK” tôi nhắn tin trả lời cụt lủn vì tôi chẳng bao giờ biết dùng nhắn tin (text chat) – Ở Mỳ thì cả đời tôi cũng chẳng text chat cho ai, chỉ khi về Việt Nam thì ráng học vì “gọi điện thoại tốn tiền quá!” Thế là chỉ một phút sau tôi đã nhận được tin nhắn “6 giờ tụi con đón cha tại khách sạn!”
Chúng tôi nuối đuôi vào dòng xe hai bánh chật kín các con đường chiều 23 tết… bò chậm chạp rời trung tâm quận nhất hướng về quận 7! Mùi khói xe làm cho tôi khó thở – thế là móc túi lấy lọ thuốc xuyễn bơm hai hơi vào cổ họng – để cho hơi thở được “thông suốt” và bắt đầu nghe em kể về hai “loại” người đặc biệt mà chúng tôi sẽ đi thăm! Cái đặc biệt là cả hai “loại” này đều đang cùng sống trên một mảnh đất đã từng “chôn xác kẻ chết!”
Xe đổ dốc đầu kênh tẻ, thì em đã chỉ cho tôi thấy khu đất rất lớn được rào kín phía bên trái và em nói:
– Đó là chỗ mình sắp ghé thăm, cha sẵn sàng chưa?”
– Sẵng sàng từ lâu rồi! Tôi vừa giỡn vừa trả lời!
Chúng tôi ghé gởi xe honđa vào nhà “người quen” và tiến bước về cái “cửa” duy nhất để ra vào nghĩa trang đã được giải toả. Và chúng tôi gặp “loại” người thứ nhất:
– Chào má! Cô bạn tôi lên tiếng chào dòn tan, mà tôi không biết đang chào ai! Chị Lượng đâu rồi má?
– Nó về quê (Đồng Tháp) để cúng chồng và ba nó rồi! Hôm nay ông táo lên trời mà! Mơi (mai) nó lên! Tiếng người đàn bà đã lớn tuổi vang lại!
Lần theo tiếng nói tôi nhận ra một bà cũng khoảng chừng gần 70, nhưng da đã rất nhăn nheo và đang chống cái gậy đứng bán sầu riêng ngay trước cái “cửa” duy nhất dẫn vào khu nghĩa trang!
– Mấy con hôm nay ghé đây có chiện gì? Thằng Nhiêu sao rồi?
– Dạ anh nhiêu đã có chỗ ăn ở đàng hoàng! Tụi con tính ghé thăm mấy người “bạn anh Nhiêu.” Má dẫn tụi con vô được không?
– Cái gì chứ cái đó thì được! Mấy con giúp được họ má mừng!
Sau này tôi mới biết – cụ và con gái là chị Lượng lên Sài Gòn “thuê mặt đường” làm chỗ buôn bán sầu riêng và hai mẹ con cũng “dữ” lắm! Nhưng chỉ dữ với tụi “đầu gấu” thôi chứ với người tốt thì họ chẳng ăn hiếp ai! Ngược lại còn tận tâm giúp đỡ! Vừa nói xong bà vừa biểu thằng cháu coi hàng rồi chống gậy dẫn chúng tôi vào bên trong nghia trang giải toả!
Trời đã tối, tôi cố gắng bước đi trên con đường sỏi đá và xi măng cục gập ghềnh! Chung quanh có một số cái chòi được dựng tạm bợ để che nắng che mưa cho những người có hoàn cảnh như mẹ con bà! Nhìn vào các chòi đó là biết ngay. Cả “nhà” chỉ một cái bóng đèn màu vàng úa le lói toả ra ánh sáng! Còn có một số ít các chòi khác thì không khí rất rôm rả! Đèn điện sáng chưng! Trước “chòi” có một số người đang ngồi nhậu! “Mồi” được bầy thịnh soạn! Xe tay ga (dòng xe Honda sang trọng và đắt tiền) dựng ngay phía trước! Tôi lén nhìn vào bên trong các “căn chòi” đó – Tivi màn ảnh phẳng đồ sộ nằm giữa được nối bằng truyền hình cáp! Một cảnh tượng thật “sang trọng” trong các ổ chuột! Và đó là “loại người thứ hai” – Loại người mà chúng tôi muốn tránh! Chứ không muốn thăm!
Họ cũng là người “vô gia cư” nhưng khác với loại người thứ nhất – người lương thiện. Họ là các tay “anh chị” lo “bảo kê” cho khu này, mặc dù chẳng ai “thuê” họ bảo kê! Họ sống trên mồ hôi, nước mắt mà đôi khi cả “máu” của những người nghèo khác! Suốt ngày họ chỉ có ăn nhậu, coi tivi rồi đi… “thu tiền!”
Các con chó to lực lưỡng được họ nuôi tuá ra sủa oang oang và nhào về phía chúng tôi! Thấy thế bà cụ dẫn đường gọi tên từng con và cầm gậy xua chúng đi. Chắc là nghe tiếng người quen, chúng thôi không sủa nhưng cứ đi theo chúng tôi gầm gừ! Còn các “thân chủ” của chúng thì đặt chai bia xuống bàn nhậu và quát:
– Ai đó?
– Tao đây! Bà cụ trả lời!
– Má dẫn ai đi đâu vậy? Giờ tối rồi, còn vô đây làm gì!
– Tao đẫn mấy đứa sinh viên – Mấy đứa giúp thằng Nhiêu hôm bữa đó vào thăm bà sáu!
– Má dẫn đi đi – vô nhanh nhanh rồi ra nhen! Tiếng họ có vẻ bực mình khó chịu vì có người lạ “dòm ngó”, nhưng có lẽ không làm được gì bà nên đành giả lơ! Tuy vậy, mắt họ tiếp tục theo dõi từng cử chỉ của chúng tôi!
Tôi ghé vào thăm bà sáu và ngồi nói chuyện với bà một chút và biếu bà chút qua tết rồi nhanh chóng… “rút lui” vì không cảm nhận được sự an toàn ở nơi này! Thật đúng là….!
Đó là những người bạn của anh Nhiêu mà chúng tôi ghé thăm còn “anh Nhiêu là ai?” Mời bạn nghe lời tường thuật của người bạn tôi nhé!
****************************
Sau một ngày thay sếp giải quyết những công việc của văn phòng, tôi mệt lả, rời khỏi công ty. Tôi chưa biết mình sẽ làm gì cho qua đi buổi tối thứ bảy tẻ nhạt này, tôi ghé nhà một đồng nghiệp tính tán dóc giết thời gian. Tôi chẳng có gì phải bận rộn, phải lo lắng. Cuộc sống của tôi nhạt nhẽo trôi qua từng ngày. Tôi đã từng than thân trách phận rằng sao số phận mình đen đủi, không được sống bên cạnh người mà mình yêu mến, không được làm công việc mà mình đam mê. Những suy nghĩ tiêu cực đó tạo ra một đám mây mù u ám trong cách nhìn đời của tôi.
Cô đồng nghiệp giới thiệu với tôi một nhân vật đặc biệt: một người vô gia cư. Anh nằm đó, co quắp trên chiếc ghế bố, ngoài hè của một căn nhà ổ chuột trong khu nghĩa trang giải tỏa. Anh không nhà cửa, không vợ con, bên cạnh anh là một người chị gái cũng vô gia cư như anh, làm nghề “ở đợ”. Tôi chỉ dám đứng từ xa nhìn tới vì ở anh xông lên một mùi rất khó chịu, mặc dù theo lời chị gái của anh, anh mới được tắm rửa cách đây hơn một giờ đồng hồ. Tôi điện thoại cho đám bạn, trong lòng những mong anh được ra đi trong tư thế một con người. Vài câu trao đổi, khoảng 10 phút sau, bạn tôi có mặt. Chúng tôi gọi thêm một vài người nữa trong nhóm. Rất nhanh, quyết định được đưa ra: rửa tội cho anh. Trong lúc tôi và hai người bạn “cầm chân” chị gái của anh ở bên ngoài hàng rào thì hai bạn của tôi ở bên anh, hỏi han, an ủi, vỗ về và rửa tội cho anh.
Chúng tôi đã đề nghị một số giải pháp để chăm sóc anh những ngày cuối đời, chúng tôi muốn đưa anh đến chỗ chuyên chăm sóc những người như anh. Nhưng chị gái anh không đồng ý với lý do không muốn bỏ anh một mình trong lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Tôi nghe thấy hợp lý và cũng cảm động trước tình cảm của một người chị gái dành cho đứa em trai tội nghiệp của mình.
Nhìn anh, tôi nghĩ cuộc sống này sao mà khắc nghiệt thế! Anh đã sống ở khu nghĩa trang này lâu lắm rồi. Khi nghĩa trang chưa được giải tỏa, những người có người thân nằm ở nghĩa trang này đến cúng bái, thắp nhang… và chính những đồ cúng đó đã nuôi sống anh suốt nhiều năm qua. 44 năm anh sống trên đời là 44 năm anh sống nhờ bá tánh. Cuộc sống của anh không có gì: không nhà, không vợ con… nhưng anh vẫn được nuôi sống. Chiêm ngắm tấm thân gầy gò đen đúa kia, tôi thấy tình thương của Chúa ngập tràn. Chúa đã nuôi anh trong suốt từng ấy năm, mặc dù anh chẳng biết Chúa là ai, đến cuối đời, Chúa lại sai nhóm bạn của tôi đến để chăm sóc anh về phần linh hồn.
Những ngày còn đi lại được, anh đắm mình trong những cơn say rượu triền miên, nhưng anh cũng có triết lý sống riêng của mình, anh chỉ xin khi thật cần thiết và chỉ nhận vừa đủ nhu cầu cho lúc đói, không tích trữ, không để dành…Anh không biết Kinh Lạy Cha, nhưng anh lại sống triệt để lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…”. Tôi không nói lối sống say sưa ấy là tốt, nhưng tôi cảm nghiệm được sự phó thác của anh khi nghe đồng nghiệp của tôi kể lại. Tiền của người ta rơi ngay dưới chân anh, anh không nhặt, anh không tự tiện lấy bất cứ cái gì của ai bao giờ, chỉ khi nào anh được cho tận tay anh mới nhận và cũng nhận vừa đủ ăn một bữa. Cho đến bây giờ, anh nằm đó, anh quảng đại “đãi” bọn muỗi bữa đại tiệc ban đêm và đám ruồi nhặng “ăn nhậu xả láng” ban ngày. Cuộc sống của anh rơi xuống tận cùng đáy xã hội. Một người quen của anh khi vào thăm anh, đã phải kéo vạt áo lên bịt mũi và nói “anh đi sớm cho tui nhờ”. Nghe sao mà chua xót! Người với người mà người ta lại bịt mũi như đụng vào xác thối.
Anh vẫn đang sống cơ mà, sao người ta lại ghẻ lạnh anh đến thế nhỉ? Vì anh nghèo? Vì anh hôi thối?… Có rất nhiều lý do để người ta phải bịt mũi khi đến bên anh.
Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi những người bạn là hình ảnh Mẹ Terexa Calcutta “made in Vietnam”. Chị gái anh khi tắm rừa cho anh còn phải mang bao tay, và lấy vòi nước để xịt từ xa, mặc dù chị biết anh không có bệnh lây nhiễm, vậy mà bạn tôi quỳ xuống bên anh, một tay nắm bàn tay bẩn thỉu của anh, một tay vuốt mấy sợi tóc khỏi vết lở loét trên đầu. Tôi nhìn cảnh này mà thấy hổ thẹn. Hổ thẹn vì tôi chưa bao giờ dám đụng chạm vào một người đại loại như vậy. Thế mà bạn tôi đã âu yếm cúi sát xuống để nghe những câu phát âm không tròn tiếng của anh. Tạ ơn Chúa đã cho tôi gặp anh. Vì nhờ gặp gỡ anh mà đời sống cầu nguyện của tôi sốt sắng lên, đức tin vững hơn. Đám mây mù lúc trước cũng tan dần, nhường chỗ cho niềm tin vào cuộc sống. Tin rằng giữa chốn cuộc đời bon chen này, vẫn còn có những con người sẵn sàng trao cho người cùng khổ tình yêu tự con tim, một tình yêu vô vị lợi.
Anh nằm đó, người thân mong anh ra đi… sớm vì họ “không muốn anh bị hành xác”, và họ không lỡ rời bỏ anh trong lúc này. Trò chuyện với chị gái anh một lúc, tôi mới hiểu lý do thực sự làm cho chị cương quyết không cho chúng tôi mang anh đi chăm sóc: họ đang chờ anh chết để nhận tiền phúng điếu. Cái chết của anh có thể đem ra kinh doanh. Chua xót làm sao, lúc anh hấp hối thì người thân bỏ rơi anh, nhưng khi có thể “kiếm lời” thì họ cương quyết không rời xa anh.
Trong tình yêu của Thiên Chúa, Ngài có thể rút sự lành từ sự dữ, Ngài có thể làm cho tội Nguyên tổ trở thành tội Hồng phúc, thì Ngài cũng đã biến anh thành món quà cho những người thân của anh và cho cả tôi nữa. Anh đã thực sự trở thành quà tặng đối với tôi khi mà đứng trước anh tôi cảm thấy mình được yêu thương và được mời gọi yêu thương.
Tạ ơn Chúa đã cho tôi gặp anh, tạ ơn Chúa đã cho tôi những người bạn tuyệt vời!
Chút Suy Tư:
Tôi viết bài này trong tuần bát nhật Lễ Phục Sinh (8 ngày hân hoan sau lễ Phục Sinh – Mừng Chúa sống lại) – Các bài đọc được trích ra từ sách Tông Đồ Công Vụ trong đó có đoạn kể lại câu chuyện một anh thanh niên bị què bẩm sinh, phải nhờ người ta khiêng ra đặt ở cửa Đền Thờ mà ngồi xin ăn. Không ngờ anh ta lại “xin” và “ăn” được trọn gói Tình Yêu của Chúa Giê-su Phục Sinh khi anh ngửa tay ra xin Thánh Phêrô chút “cơm gạo.” Thánh Phê-rô bảo anh: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi !” ( Cv 3, 6 ) Anh chàng khuyết tật đáng thương ấy không chỉ đi được mà còn có thể nhảy nhót vui mừng và sau đó ca tụng Thiên Chúa.
Ước gì ngày hôm nay, chúng ta là những con cháu của vị Tông Đồ cả Phêrô cũng biết làm như thế! Biết chia sẻ những gì mình có với những người chung quanh – từ vật chất cho đến tinh thần! Chúng ta không nên ngồi đỗ lỗi và ghanh tị với nhau là tại sao tôi lại phải làm tốt khi những người chung quanh tôi làm xấu! Hay tệ hơn, có người còn bảo “thế giới bây giờ ai cũng… xấu cả.” Thưa bạn là không đâu – điển hình là đã có vào người bạn của tôi đang học theo gương của Thánh Phêrô đó – Họ đã dám nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh để nói với anh Nhiêu “tôi rửa anh, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần!”
Lạy Chúa, xin rửa tâm hồn chúng con sạch những ích kỷ và tư lợi! Xin cho chúng con biết mạnh dạn “chia sẻ” với tha nhân những gì Chúa đã ban cho chúng con, Amen!
Lm Martino Nguyễn Bá Thông & Voi Con
Trích trong “chuyện có thật”