Tháng Mười, trời nắng ráo, thành phố tươi tắn, trong trẻo và đẹp. Trên những vòm cây me hai bên đường, chim sẻ kêu ríu rít. Những cô thiếu nữ ở thành phố, cả đời chưa biết chiến tranh là gì, thoáng thấy trong trái tim hồng chất ngất một niềm vui. Hơn hai tháng nữa mới đến lễ Giáng Sinh, nhưng ở một vài nơi, những chuẩn bị đã bắt đầu. Tháng Mười, tháng hé nở một niềm vui mới, chưa viên mãn nên tạo cho người ta sự náo nức đợi chờ.
Tháng Mười, những người Công giáo sẽ dự một ngày lễ rất dễ thương: lễ mừng Thánh Nữ Thérèse, bông hoa hồng của Giáo Hội; vị thánh lìa bỏ thế gian năm 24 tuổi, và trước khi nhắm mắt an bình về với Chúa, còn hứa sẽ làm mưa hoa hồng xuống cho trái đất, hoa hồng của ân phúc tự trời cao.
Những ngày tháng Mười đẹp dễ thương ấy, Khanh hay dẫn Nga đi dạo trên đường Cường Để và Thống Nhất. Hai người thường bỏ những giờ triết khô khan trong giảng đường đại học Văn Khoa để vừa đi dạo, vừa triết lý vụn với nhau, hữu ích và thích thú hơn nhiều. Tuy vậy, hình như đôi khi cũng cảm thấy ân hận, Nga trách nhẹ Khanh rằng từ khi quen chàng và yêu chàng, nàng mới mắc cái tội “trốn học”, tội mà trước đó chỉ nghĩ đến thôi, Nga đã lấy làm sợ hãi. Khanh cười, nói rằng lẽ ra Nga phải cảm ơn chàng đã giúp nàng thoát ra khỏi cái mặc cảm tội lỗi tệ hại ấy, chàng ngụy biện rằng một người đã muốn học thì ở đâu cũng có cái để học; điều đó lại càng đúng vời những người học… triết. Nga cãi lại, nói là Khanh hoang lắm, học trò ngày xưa đâu có thế. Để trả lời, Khanh đọc cho Nga nghe những câu thơ trong bài “Khi mới lớn” của Đinh Hùng:
“Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo,
Còn nhớ ta chàng tuổi trẻ tóc bay.
Làm học trò nhưng không sách cầm tay,
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ.”
Thường thường, sau những cuộc tranh luận như vậy, Nga kết luận là “Anh già mồm còn hơn con gái, ai cãi lại anh được”. Khanh hì hì cười, hình như không cảm thấy xấu hổ gì khi được phong chức là “Anh chàng già mồm”. Nga muốn đặt cho Khanh biệt danh gì thì đặt, miễn Nga yêu chàng là đủ rồi.
Có một điều là Khanh không cách nào phá bỏ được cái “mặc cảm tội lỗi” của Nga như chàng vẫn huênh hoang tuyên bố. Bởi vì bao giờ cũng thế, kết thúc cuộc đi dạo, Nga đều thuyết phục Khanh cho bằng được để hai người bước vào nhà nguyện dòng Camêlô, ngôi nhà nguyện nhỏ nhắn, xinh xắn nằm nép mình dưới những bóng cây râm mát trên đường Cường Để; bên kia đường, xéo đi một chút là đại chủng viện Sài Gòn. Những cái tên “Nhà nguyện dòng Camêlô” và “Đại chủng viện Sài Gòn” là những tiếng rất lạ tai đối với Khanh, chàng vốn không phải là người Công giáo, mà cũng chẳng theo đạo nào cả. Hồi mới quen nhau, có lần Nga hỏi Khanh theo đạo gì, chàng thoáng bối rối, chẳng lẽ trả lời “không theo đạo nào cả” thì… mất điểm quá, cuối cùng chàng đáp lại bằng một câu vô thưởng vô phạt “Anh theo đạo ông bà!”. Nga bảo “Thế cũng tốt, Chúa dạy chúng ta phải thảo kính cha mẹ, tổ tiên”. Khi nói câu ấy, khuôn mặt Nga nghiêm cẩn, cung kính một cách dịu dàng và Khanh cảm thấy yêu cái dung nhan ấy quá.
Lần đầu tiên khi Nga chỉ cho Khanh cái cổng đại chủng viện Sài Gòn, chàng thấy đó là cả một thế giới kỳ bí. Thỉnh thoảng, có một vài thanh niên trạc tuổi chàng ra vào cái cổng ấy, dáng điệu nghiêm trang. Khanh hỏi Nga:
– Mấy anh chàng kia vô đó làm gì?
Không ngờ Khanh bị Nga “suỵt” cho một cái, nàng nói nhỏ, giọng kính cẩn:
– Đấy là các đại chủng sinh, các thầy tu ở trong đó, mai mốt thụ phong làm linh mục coi sóc con chiên.
“À thì ra đây là trường huấn luyện các ông cha”. Khanh nghĩ thầm trong bụng và chàng lấy làm lạ lùng vô cùng. Tại sao lại có những thanh niên trạc tuổi chàng có thể sống đời như vậy được. Thế giới bên ngoài không đủ sức hấp dẫn họ sao? Hay họ chán đời? Khanh hỏi Nga thì nàng đáp:
– Tại họ có lý tưởng và có ơn Chúa.
Câu trả lời của Nga chẳng thỏa mãn được chút nào thắc mắc của Khanh, nhưng qua cách nói và khuôn mặt của Nga, chàng đoán rằng vấn đề khá nghiêm chỉnh nên không dám đùa.
Để vào nhà nguyện dòng Camêlô, Nga dẫn Khanh bước lên những bậc cầu thang xây bằng xi măng. Không khí nhà nguyện thinh lặng làm cho lòng người ta lắng xuống. Nga đưa tay làm dấu Tháng Giá và vén vạt áo dài, quì xuống hàng ghế cuối cùng. Khanh ghé vào tai Nga, hỏi thầm:
– Anh làm cái gì bây giờ?
Nga trả lời thật ngắn:
– Ngồi chờ Nga.
Và nàng lại chìm đắm trong sự thinh lặng. Khanh có cảm tưởng Nga đã quên mất chàng để bước vào một thế giới nào khác, chàng đưa mắt nhìn quanh quẩn. Nhà nguyện tuy nhỏ, nhưng lối kiến trúc vẫn tạo cho người ta cái cảm giác đối diện với một cái gì vĩ đại, cao cả. Trên bàn thờ, những ngọn nến cháy, tỏa một chút ánh sáng vàng ấm áp, Khanh có cảm tưởng những ngọn nến ấy đã cháy sáng từ lâu lắm rồi và sẽ cháy mãi không bao giờ tắt. Thánh giá treo trên tường với tượng Chúa Cứu Thế bị đóng đinh trở thành một hình ảnh gần gũi với Khanh, dù rằng đây là lần đầu tiên Khanh có dịp ngắm kỹ hình ảnh ấy.
Một lúc khá lâu, Khanh thấy Nga lại đưa tay làm dấu Thánh giá, và nàng đứng lên, nắm tay Khanh, nói nhỏ:
– Em dẫn anh viếng tượng Thánh Thérèse.
Rồi cầm tay Khanh, Nga đưa chàng lên gần phía cung thánh. Ở đấy, có một hộp kính lớn và dài. Khanh giật mình vì trong ấy có dáng người nằm, nhưng rồi chàng trấn tĩnh lại ngay khi nhận ra đó chỉ là một bức tượng. Vì đã được Nga nói trước, Khanh biết đó là tượng Thánh nữ Thérèse. Thánh Nữ nằm trong tư thế an bình, hai tay chắp trước ngực, ôm lấy tượng Thánh giá, khuôn mặt xinh đẹp và tươi tắn, trên mình Thánh nữ phủ những đóa hoa hồng. Nga lại nghiêm cẩn làm dấu Thánh giá, nàng lẩm nhẩm đọc kinh gì đó Khanh không biết. Chẳng biết làm gì, Khanh đứng ngắm tượng Thánh Nữ, thấy không kém gì hình ảnh “Bạch Tuyết”hay “Công chúa ngủ trong rừng”, những hình ảnh nhiều màu trong các cuốn sách Pháp đã một thời khiến tuổi thơ chàng ngây ngất.
Trên đường trở về trường, Khanh có cảm tưởng như đang đi cạnh một vị thánh thực sự. Chàng không ngờ được tôn giáo lại có ảnh hưởng mạnh mẽ trên tâm hồn người ta đến thế. Nga kể cho Khanh nghe cuộc đời của Thánh nữ Thérèse, vị nữ tu trẻ tuổi, xinh đẹp, yêu Chúa nồng nàn, suốt cuộc đời được dệt bằng lời cầu nguyện, chiêm niệm và những hy sinh. Nga cũng cho Khanh biết nàng chọn Thánh Thérèse làm bổn mạng và ao ước được giống như Thánh Nữ. Nghe như vậy, Khanh không tránh khỏi một câu nói đùa:
– Giống thế nào cũng được, càng nhiều càng tốt. Có một điều là Nga đừng bỏ anh, vào nhà dòng mất tiêu.
Nga cười thật xinh:
– Nếu chưa gặp anh thì cũng dám lắm. Nhưng nay thì… lỡ rồi. Nga bỏ anh cho ai bây giờ!
Qua lần đầu tiên ấy, không khí nhà nguyện trở nên quen thuộc và thân mật đối với Khanh. Sau những buổi đi dạo, nhiều khi Khanh nhắc Nga viếng nhà nguyện dòng Camêlô trước khi nàng ngỏ ý. Không phải Khanh muốn lấy lòng Nga khi nhắc nàng điều ấy. Nhưng thực sự Khanh khám phá ra ở Nga một vẻ đẹp tuyệt vời khi nàng quì nghiêm trang cầu nguyện, một vẻ đẹp mà nàng không có trong những lúc khác. Khanh cũng được lợi một điều khi biết Thánh bổn mạng Nga là Thérèse, mỗi khi nàng bực mình cáu kỉnh, Khanh thường nói:
– Em không giống Thánh Thérèse rồi.
Những lúc ấy, trăm lần như một, Nga đều dịu lại để trở nên hiền lành, dễ thương…
Năm ấy, vào một ngày trung tuần tháng Chín, buổi chiều vừa lấy thẻ sinh viên ở văn phòng nhà trường ra, Khanh rủ Nga:
– Đi ăn kem Phương Lan với anh, nhé.
Nga mê ăn kem dễ sợ, bao giờ Khanh rủ đi ăn kem, nàng đều reo lên, hớn hở như trẻ con. Nga có cái thú ngồi trên lầu quán kem Phương Lan, gọi những ly kem không có trong thực đơn, nghĩa là nàng bắt nhà hàng phải pha chế thứ kem này với thứ kem khác theo ý thích của nàng. Vì Nga là khách quen, vả lại nàng lại xinh quá, nên chủ quán luôn luôn chiều ý nàng, mặc dù nhiều khi những ly kem nàng gọi rất oái oăm, phức tạp. Thế nhưng lần này Nga không vồn vã mấy, nàng bảo:
– Đi chứ ! Nhưng lại đằng này với em trước đã.
Khanh hơi ngạc nhiên. Leo lên xe, Nga bảo Khanh đi thẳng đường Cường Để đến nhà nguyện dòng Camêlô. Vừa dựng xe, chưa bước chân lên những bậc thang xi măng, Khanh đã cảm thấy một không khí khang khác, có những tiếng chân đi lại và tiếng cười nói. Khanh quay nhìn Nga dò hỏi, nhưng nàng không trả lời, vội vã kéo tay Khanh và nói:
– Nhanh lên đi anh, không có hết.
Vừa bước hết những bậc thang, Khanh đã thấy có nhiều người trước cửa nhà nguyện, một chiếc bàn con đặt ở đó và một vị nữ tu trọng tuổi nhưng tươi tắn đang ngồi ghi chép, trước mặt bà là một hàng người đứng nối đuôi. Nga vội vã kéo Khanh vào đứng cuối hàng. Không khỏi thắc mắc, Khanh hỏi:
– Mình làm gì thế, Nga?
Bây giờ Nga mới trả lời:
– Em đặt hoa hồng.
Và nàng giải thích:
– Sắp đến tháng Mười, nhà dòng mừng lễ kính Thánh Thérèse. Dịp lễ này, các sơ làm những hoa hồng vải, để lại cho giáo dân. Ngày lễ, Cha sẽ làm phép hoa hồng cho mình đem về làm kỷ niệm. Muốn có hoa, phải đặt trước từ bây giờ, ai đến chậm thì hết, vì số hoa hồng các sơ chỉ làm có hạn.
Rồi nàng khoe:
– Các sơ khéo tay lắm. Anh xem…
Vừa nói, Nga vừa chỉ lên trên tường nhà nguyện. Lúc đó Khanh mới để ý tới những chùm hoa hồng kết rất mỹ thuật, trang hoàng trên các bức tường nhà nguyện, những bông hoa nhỏ xinh xắn, đẹp như những chùm tường vi thật, làm khung cảnh nguyện đường tươi mát hẳn lên. Những cánh hoa vải chồng lên nhau thật tinh vi, khéo léo. Khanh buột miệng khen:
– Đẹp thật!
Và chàng hỏi Nga:
– Hoa này không bán ở ngoài, phải không?
Nga đáp:
– Vâng, mồi năm các sơ chỉ làm một lần thôi, và chỉ để lại cho những giáo dân đến viếng nhà dòng.
Đến lượt Nga, nàng nhỏ nhẹ nói với vị nữ tu:
– Sơ để cho con mười hai bông, sáu bông hồng, sáu bông trắng.
Vị nữ tu mỉm cười ghi chép, trong khi Nga mở ví lấy tiền. Khi ngẩng lên, bà cầm tay Nga, ân cần hỏi:
– Con khỏe chứ? Còn giữ ý định vào nhà dòng không?
Nga mỉm cười không nói, nàng liếc nhìn Khanh, khuôn mặt đỏ hồng vì xấu hổ. Vị nữ tu hiểu ý, bà nói:
– Sơ chúc con hạnh phúc.
Và bà tiếp:
– Ở hoàn cảnh nào, con cũng có thể sống tốt đẹp như Thánh Thérèse được.
Nga nhỏ nhẹ:
– Sơ cầu nguyện cho con nhé.
– Dĩ nhiên con ạ. Sơ luôn luôn cầu nguyện cho con.
Lễ Thánh Thérèse năm ấy, Khanh dự lễ cùng với Nga. Ngôi nhà nguyện nhỏ bé chật ních những người. Đại ca đoàn chủng viện Thánh Giuse mặc áo trắng rộng tay, xếp hàng đi sang nhà nguyện. Trong thánh lễ, ca đoàn hát những bản thánh ca thật uy nghi, và đây là lần đầu tiên Khanh cảm nhận được giá trị những bản Thánh ca Công giáo.
Tan lễ, khi ra về, Nga trao cho Khanh một bông hồng, nàng nói:
– Mọi năm, em chỉ tặng hoa cho mẹ và các bạn cùng mang tên Thánh Thérèse như em. Năm nay có thêm anh. Em muốn anh giữ hoa này, trân trọng, như chúng ta đã cùng trân trọng giữ tình yêu chúng ta dành cho nhau.
* * * * *
Tháng Mười của Hoa Hồng Nhà Kín đã cùng với những ngày tháng đẹp đẽ khác qua đi, và người tặng hoa thì không bao giờ trở về với Khanh nữa. Người nữ sinh viên Văn khoa dịu dàng, tươi tắn ấy đã đi vào cõi sống đời đời.
Nga chết giữa ngày miền Nam hấp hối, chết nhanh chóng, bất ngờ. Trước đó vài ngày hai người còn gặp nhau. Trong cơn hốt hoảng của thủ đô, hai người đã cố tạo cho mình một vài giây phút tĩnh lặng của tâm hồn. Khanh đưa Nga dạo hết quãng đường Cường Để, đi ngang qua trường Nông Lâm Súc, Văn khoa, trường Dược, băng qua đường Thống Nhất ngược về phía Dòng Kín. Hôm ấy lá rơi nhiều quá, cả những chiếc lá còn xanh cũng tự nhiên rơi rụng. Những chiếc lá bám lên tóc Nga và nàng để mặc không gỡ xuống.
Sau một lúc yên lặng khá lâu, Khanh hỏi:
– Em có ý định gì không?
Nga hiểu ý, nàng khẽ lắc đầu:
– Không, anh ạ. Thực ra em có phương tiện ra đi, nhưng em thương khung cảnh thành phố này quá. Em được sinh ra và lớn lên ở đây, thở hút không khí ở đây. Em thuộc về thành phố này, và thành phố này là của em. Em cũng không thể đi được, vì em yêu anh quá.
Khanh thực tình xúc động vì câu nói của Nga, trong trái tim chàng chấp chới dâng lên một tình cảm mãnh liệt khiến chàng gần như nghẹt thở. Chàng đưa tay nắm lấy bàn tay Nga và cảm thấy Nga dịu dàng đan những ngón tay thon nhỏ của nàng vào những ngón tay của chàng. Rất lâu, Khanh mới nói:
– Phần anh, anh cũng sẽ không đi đâu cả. Ở đây có em và có kỷ niệm.
Chàng nói xong câu đó và chợt cảm thấy buồn. Một linh tính nào đó cho Khanh biết chàng chỉ còn kỷ niệm chứ không còn Nga. Tuy nhiên chàng không dám nói ra điều ấy.
Hai người đến chân cầu thang nhà nguyện dòng Camêlô. Không ai nói với ai mà cả Khanh và Nga đều ngừng lại một chút trước khi đặt chân lên những bậc thang xi măng. Khanh đưa tay đẩy nhẹ cánh cổng nguyện đường khép hờ hững và cả hai bước vào bên trong. Không khí trầm hẳn xuống với sự thinh lặng cố hữu. Nhà nguyện hình như cách biệt hẳn với thành phố xáo trộn và căng thẳng bên ngoài. Hai ngọn nến trên bàn thánh vẫn cháy một cách bình tĩnh. Tượng Chịu Nạn trên tường với hình Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh hình như đã hiện diện ở đó lâu lắm rồi và sẽ còn hiện diện ở đấy mãi. Bất chợt, Khanh nhớ lại một câu nói của Nga, một lần nào đó Nga bảo chàng: “Tình yêu và ơn Cứu Độ của Chúa không bao giờ ngưng đổ xuống cho con người”. Nga quì bên cạnh Khanh, nàng bất động như một pho tượng. Nhưng bất chợt, Khanh nhận thấy hai giọt nước mắt trong, chảy ra từ khóe mắt Nga và lăn dài trên hai gò má, sau cái chớp mắt nhẹ của nàng.
Khanh ghé tai Nga thì thầm:
– Em sao thế?
Nhưng Nga chỉ lắc đầu và trả lời:
– Em không sao cả.
Hai người đứng lên tiến về bên cạnh bàn thánh, viếng tượng Thánh nữ Thérèse. Thành kính chiêm ngắm tượng Thánh Nữ, bỗng dưng Khanh có cảm tưởng một ngày nào đó, chàng sẽ viếng Nga giống như thế này. Điều ấy làm Khanh rùng mình, lo sợ.
Khanh đưa Nga về căn gác gỗ nhà chàng, căn gác nhỏ vì đầy những sách vở. Mỗi lần đến, Nga thường trách nhẹ chàng sống mất trật tự quá và nàng lại xăn tay áo thu dọn, xếp đặt. Khanh sung sướng vì được trách móc và săn sóc. Cuộc đời chàng thiếu những bàn tay săn sóc đã lâu rồi.
Nhìn bông hoa hồng vải cắm một cách trang trọng trong bình pha lê để trên bàn, Nga có vẻ vui, nàng hỏi Khanh:
– Anh yêu em không?
Khanh nắm bàn tay Nga, chàng nói nhỏ:
– Nhiều lắm.
Nga khép nhẹ đôi mi, môi nàng hé nở, thì thầm:
– Hôn em đi.
Khanh ôm lấy bờ vai Nga, chàng cúi xuống hôn lên hai bờ môi mọng chín, say đắm và trang trọng. Cũng lạ, hai người quen nhau và yêu nhau lâu lắm rồi, vậy mà đây là lần thứ nhất hai người hôn nhau.
Và đó cũng là nụ hôn cuối cùng. Khi đoàn quân phương Bắc, trong niềm vui điên cuồng và man dại ngồi trên những chiếc Molotova và xe bọc sắt tiến qua cầu xa lộ vào thủ đô Sài Gòn, họ đã bắn bừa bãi mừng chiến thắng, bất kể những viên đạn của họ trúng vào đâu, vào vật hay người nào. Và một trong những viên đạn vô tình đó đã bắn trúng người em Thánh nữ Thérèse. Nga đang ngồi trong nhà với những người thân trong gia đình, viên đạn ghim vào ngực nàng như được nhắm bắn trúng mục tiêu, trong khi những người chung quanh không hề hấn gì.
Khanh được người nhà của Nga báo tin ngay. Sài Gòn đang trong cơn náo loạn, đường phố la liệt những vật dụng cản đường, những xe cộ vất ngổn ngang, những áo quần, đồ đạc và những xác chết. Khanh đã không nhớ được chàng làm cách nào để vượt qua những chướng ngại đó. Chàng chỉ biết rằng khi đến được nhà Nga, ào vào nhà như một cơn lốc, thì đã thấy Nga nằm ngay ngắn trên chiếc giường trải khăn trắng. Khuôn mặt nàng còn tươi tắn như khi còn sống, đôi mắt nàng khép kín và bời môi hơi hé mở. Khanh nhớ cách đây mấy hôm, đôi mắt ấy cũng khép hờ như vậy và đôi môi ấy đã mở ra đón nụ hôn của chàng. Mẹ và những người em của Nga đã lấy tất cả những bông hồng của Nhà Kín họ có trong bao nhiêu năm nay trải trên thân xác nàng. Trái tim Khanh như muốn vỡ ra, chàng thấy Nga giống Thánh Thérèse quá và chợt nhớ rằng lần hai người viếng nhà nguyện Dòng Kín lần cuối cùng, chàng đã có cảm giác một ngày nào đó sẽ đến viếng Nga giống như đến viếng tượng Thánh nữ. Chuyện bây giờ xảy ra đúng như thế. Khanh thấy mằn mặn ở bờ môi, đã lâu lắm rồi chàng mới khóc.
Đám tang Nga được tổ chức một cách vội vã trong khung cảnh một thành phố mới đổi chủ. Gia đình nàng cùng một số người rất thân đưa nàng đến nơi an nghĩ cuối cùng. Khi quan tài đã được đưa xuống lòng đất sâu. Những người chung quanh huyệt ném những đóa hoa và những hòn đất xuống, như một cử chỉ tiễn biệt cuối cùng. Khanh rút trong túi áo ra Bông Hồng Nhà Kín, mà một ngày tháng Mười năm nào đó Nga đã tặng, chàng định ném bông hồng xuống huyệt, nhưng không hiểu nghĩ sao, chàng lại thôi, với tay lấy một bông hoa khác ném xuống. Khi đó, trong trái tim Khanh thì thầm những lới với Nga:
“Cho phép anh giữ lại bông hồng này như giữ lại mãi hình ảnh người em Thánh nữ Thérèse. Hãy bắt chước chị Thánh, Nga ạ, để làm mưa những bông hoa hồng ơn phúc Chúa xuống cho những người thân, ít là cho anh, người đã từng được em trao tặng bông Hoa Hồng Nhà Kín ngày em còn sống, và đã được em dạy phải trao những đóa hồng yêu thương cho cuộc sống, cho tha nhân. Anh sẽ làm điều đó, mãi mãi trong cuộc đời anh. Nhưng hãy làm mưa thêm hoa hồng cho anh, vì anh biết trong hoàn cảnh mới, một hoàn cảnh được trang bị bằng những hận thù và đấu tranh, việc tặng hoa hồng yêu thương cho người khác không phải là điều dễ thực hiện”.
Quyên Di