Khi anh đến chùm hoa đã rụng
Rong rêu bờ tường ngả sắc vàng phai
Anh tưởng nhớ một mùi hương nguyệt quế
Nhắm mắt nhìn cho rõ bóng tương lai
Ngôi nhà cổ sao cũng buồn quá thế
Cổng im lìm sân đá rất thênh thang
Bờ giếng cạn đón nắng chiều đã xế
Cỏ trải dài một nỗi nhớ miên man.
Thấy mường tượng dáng em trên lầu cũ
Dương cầm nào rơi nốt nhạc Chopin
Anh lặng đứng trong một cơn lộng vũ
Ngỡ nơi này cây lá vẫn còn xanh.
(Q.D)
Nếu bảo Khôi yêu Ngọc say đắm đến độ mất ăn mất ngủ thì điều đó không được đúng cho lắm. Đối với mọi chuyện ở đời, Khôi đều có thái độ “khơi khơi”, kể cả chuyện tình yêu. Bạn bè cho Khôi là lập dị, còn các cô thì khó chịu Khôi ra mặt. Cô nào – dù lành tính đến mấy – mà chả thích được con trai chiều chuộng, tâng bốc và “điên lên” vì mình. Thế nhưng Khôi biết chính cái “khơi khơi” của mình lại là cái hấp dẫn đối với một số cô, mặc dù các cô không biểu lộ điều ấy ra bên ngoài. Bị ghét hay được thương, bị phê bình này nọ, Khôi cũng kệ, vì chàng vốn sống… khơi khơi.
Chỉ có một điều Khôi không “khơi khơi” thôi, đó là những sinh hoạt học đường. Phụ trách hiệu đoàn một trường trung học lớn, ngoài những giờ dạy học và soạn bài như những giáo sư khác, Khôi dành hết thì giờ của mình vào công tác điều hành hiệu đoàn. Hiệu trưởng nhà trường vốn là bạn, ra trường cùng một thời kỳ với Khôi, hắn tin tưởng Khôi qua những dịp sinh hoạt hồi hai người còn là giáo sinh trường sư phạm, nên bây giờ hắn “khoán trắng” công tác hiệu đoàn nhà trường cho chàng, mặc chàng muốn “vẽ rồng vẽ rắn” gì cũng được.
Hợp khả năng và sở thích, Khôi làm cho sinh hoạt học đường ngày một thêm khởi sắc. Chàng thành lập những ban Học Tập, Báo Chí, Văn Nghệ, Xã Hội… những đoàn thể trẻ như Hướng Đạo, Thanh Niên Thiện Chí, Du Ca… mời những giáo sư có khả năng làm cố vấn, khuyến khích học sinh tham gia, tạo điều kiện và phương tiện cho các ban và đoàn thể hoạt động. Với những sinh hoạt đó, nhà trường có một sinh khí mới, tươi trẻ, hăng hái và lành mạnh. Những ngày trong tuần, nhà trường mang dáng vẻ nghiêm trang với các giờ học tập, nhưng suốt ngày chúa nhật, trường như có hội lớn. Học sinh ra vào tấp nập, mỗi đoàn thể, mỗi ban chiếm một phòng, một phần sân để hội họp, sinh hoạt. Tiếng ca hát, tiếng vỗ tay vang dội. Khôi luôn luôn có mặt cả ngày chúa nhật ở trường, chàng sung sướng và say mê hòa mình với nhịp sinh hoạt của học sinh.
Khôi gặp Ngọc trong những sinh hoạt hiệu đoàn ấy. Hôm Ngọc chân ướt chân ráo đến trường trình sự vụ lệnh, Khôi đang ngồi trong phòng hiệu trưởng, bàn chuyện với anh ta về một vài công tác sinh hoạt. Thấy khách bước vào, Khôi đứng lên định cáo từ, nhưng hiệu trưởng giữ chàng ngồi lại. Anh hỏi người khách mời:
– Cô là cô Ngọc phải không?
Rồi chưa đợi cho khách trả lời, hiệu trưởng quay sang Khôi, nói:
– Tôi được tin cô Ngọc đến nhận nhiệm sở ngày hôm nay. Trời thương anh rồi nhé, Tâm, hắn vừa thuyên chuyển thì cô Ngọc về.
Tâm vốn là giáo sư cố vấn ban Văn Nghệ nhà trường, vừa được thuyên chuyển đi tỉnh khác tuần qua.
Ngọc quay sang Khôi, gật đầu chào nhè nhẹ không nói gì. Sau đó hiệu trưởng và cô giáo sư mới nhận nhiệm sở nói chuyện với nhau về việc phân phối công tác giảng dạy, lớp phụ trách, thời khóa biểu…
Khôi ngồi ngắm Ngọc một cách kín đáo. Chàng nhớ ra rằng cách đây một hai năm gì đó, Ngọc đã về dạy thực tập tại trường này, chính ngay lớp của chàng. Hồi ấy Ngọc còn là một giáo sinh sư phạm ban Việt văn. Cô giáo sinh thưở ấy thẹn đến đỏ mặt trước những lời trêu ghẹo của bọn học sinh rắn mắt, đến độ Khôi phải can thiệp. Bây giờ Ngọc có vẻ chững chạc hơn nhiều, tuy cái dáng tươi trẻ, hồn hậu thì vẫn như cũ.
Có một nét trên khuôn mặt Ngọc khiến Khôi nhận ra Ngọc là cô giáo sinh năm xưa, đó là đôi mắt, đôi mắt rất to, trong veo như không ẩn chứa một cái gì quanh co, vẩn đục. Hàng lông mi dài, hơi cong làm cho đôi mắt thêm vẻ hiền dịu. Về sau, khi đã quen nhau và khá thân, có lần Khôi ngỏ lời khen đôi mắt ấy: “Ngọc có đôi mắt đẹp nhất trong những đôi mắt của các người đẹp anh gặp từ trước đến giờ”. Ngọc có vẻ sung sướng và cảm động trước lời khen của Khôi. Sự sung sướng và cảm động này kéo dài cho đến khi Khôi nói tiếp: “… Đôi mắt của em có vẻ đẹp của đôi mắt một con… bò”. Ngọc dẫy nẩy lên và có vẻ giận. Khôi tỉnh bơ nói tiếp: “Theo anh, mắt bò đẹp hơn hết các thứ mắt mà người ta thường ví von, như mắt bồ câu, mắt nai… Mắt bồ câu thì tròn xoe, không biểu lộ được cái gì cả. Còn mắt nai thì lúc nào cũng lấm la lấm lét. Riêng có mắt con bò, nó vừa đẹp, vừa dịu hiền, vừa ngây thơ, vừa trong sáng. Ngọc đã để ý ngắm mắt bò bao giờ chưa? Cứ nhìn kỹ, sẽ thấy mắt nó giống mắt Ngọc y chang…” Rồi chàng gạ gẫm: “Hay là ngày mai mình đi Thủ Đức chơi, nhân tiện đi ngắm mắt bò luôn”. Ngọc phì cười, trong khi mặt Khôi vẫn tỉnh bơ.
Khôi được nghe Ngọc hát và chơi dương cầm trong một buổi liên hoan tất niên của các giáo sư trong trường. Giọng nàng ấm và ngọt, hơi không dài nhưng tròn đầy. Buổi tối hôm ấy, sau khi nghe Ngọc hát, bọn nam giáo sư hoan hô nhiệt liệt và yêu cầu nàng trình bày thêm một bài nữa. Ngọc nhận lời, nhưng thay vì hát, nàng đến ngồi trước chiếc dương cầm cũ kĩ kê trong hội trường, lâu nay không ai đụng tới. Những ngón tay thon vuốt nhanh trên phím đàn, âm thanh vang lên thánh thót. Không khí hội trường lắng đọng lại, tự nhiên có cái vẻ ấm cúng, sang trọng của những buổi trình bày âm nhạc thính phòng. Thử qua vài nốt nhạc, Ngọc sửa lại dáng ngồi và bắt đầu chơi một bài quen thuộc: “Lettre à Elise”. Từng chuỗi âm thanh nối tiếp, quấn quýt lấy nhau, tạo nên do những ngón tay tuyệt diệu của Ngọc. Cả hội trường chăm chú theo dõi, nghiêm trang như theo dõi một nghi thức trong thánh đường. Khuôn mặt của Ngọc đẹp buồn, hiền dịu, có cái dáng quyến rũ một cách kín đáo. Ngọc nổi tiếng trong đám anh chị em giáo sư từ buổi ấy, và không còn ai lấy làm lạ khi Khôi mời Ngọc làm cố vấn cho ban Văn Nghệ nhà trường.
Khôi còn có dịp nghe Ngọc đánh dương cầm, trong một khung cảnh khác: tại nhà riêng của nàng.
Đó là một nếp nhà cổ, nằm ở cuối đường Trần Kế Xương, Gia Định. Con đường nhỏ, thấp hơn mặt lộ chính cả non một thước tây. Mùa mưa, nước từ trên đường lộ đổ xuống, con đường trông như một cái lạch nhỏ bắt từ sông cái vào, được cái nước rút đi rất nhanh và không hề xảy ra cảnh ngập ngụt bao giờ. Bao giờ Khôi cũng có cái cảm giác thật êm đềm, thanh thản khi từ con lộ chính rẽ xuống con đường nhỏ này. Hai bên đường, tre mọc thành từng luỹ, cành giao vào nhau tạo thành một cái vòm râm mát dài dằng dặc. Đường không trải nhựa mà là đường đất, nhiều đoạn là cát trắng và mịn. Ngoằn ngoèo đi vào mãi bên trong thì con đường cụt, cuối đường là nhà của Ngọc. Một nếp nhà gỗ cổ kính nhưng chắc chắn, tọa lạc giữa một khu vườn rộng rãi râm mát, đằng trước là một sân rộng rãi sỏi trắng, có trồng rất nhiều những cây to, thả xuống từng chùm hoa vàng óng mà Ngọc thường gọi là hoa Công Chúa, chẳng biết đó là tên thật của loại hoa này hay là tên do Ngọc tự đặt.
Nếp nhà gỗ gồm nhiều phòng, rộng mát, làm bằng một thứ gỗ quý, bền bỉ và không mối mọt. Phòng khách nhìn ra một khu vườn rộng bên hông nhà, trồng toàn một loại hoa ngâu vàng ngát mắt. Bây giờ, vào những buổi chiều thứ Bảy, rảnh rỗi vì không có giờ dạy, Khôi thường đến chơi nhà Ngọc. Ba má nàng đã trọng tuổi, thuộc loại người đạo đức, có học và hiền lành, hai cậu em trai của nàng lễ phép và ngoan ngoãn. Đến chơi nhà Ngọc, Khôi có cái cảm giác bình an, êm đềm và ấm cúng. Rất nhiều lần Khôi đã ngồi ở phòng khách ngôi nhà ấy, vừa uống trà vừa nghe Ngọc đánh dương cầm.
Đặc biệt tuy nhà có cả một vườn hoa ngâu, nhưng trà nhà Ngọc lại không ướp ngâu. Có lần Ngọc giải thích cho Khôi biết rằng ba nàng là một người rất cẩn trọng trong việc uống trà, ông cụ quan niệm trà phải để mộc, không pha ướp bất cứ loại hoa nào. Trà ướp ngâu, hay sen, hay sói đều là những thứ… xoàng, người thưởng thức không còn nhận ra hương vị trà nguyên thuỷ nữa. Vừa uống trà nguyên chất không pha chế, vừa được ngửi mùi hoa ngâu thoang thoảng ngoài vườn, vị giác và khứu giác cùng một lúc đón nhận cái vị, cái hương tinh chất ấy, người thưởng thức mới thực sự đạt tới cái cao diệu của nghệ thuật.
Khôi không chú ý cho lắm đến những sự cầu kỳ này. Chàng vốn có triết lý sống… khơi khơi. Tuy nhiên chàng tỏ ra rất chăm chú khi nghe Ngọc giải thích, bởi vì chàng vốn biết Ngọc là người con có hiếu và rất tôn trọng cha mẹ. Với Khôi, ngồi trong căn phòng khách ấy và uống trà – trà gì cũng được – để có cơ hội nghe và ngắm Ngọc đánh dương cầm, điều ấy quả là thú vị tuyệt vời. Ngọc ngưng đánh đàn, hai người lại ngồi nói chuyện.
Ngọc thích vẽ vời tương lai của mình với một giấc mộng thật bình thường: ngoài giờ dạy học chính thức ở trường, nàng sẽ dạy kèm dương cầm. Người chồng trong tương lai có một việc làm chắc chắn. Hai vợ chồng sẽ dành dụm, mua một mảnh đất ở Thủ Đức, Lái Thiêu hay Bình Dương. Mảnh đất có ngôi nhà lá nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ. Vườn rộng có trồng cau, bưởi và dĩ nhiên là rất nhiều hoa ngâu – toàn là những thứ có mùi hoa nàng ưa thích – Hai vợ chồng sẽ về đó nghỉ trong mùa hè và những dịp lễ. Không thấy Ngọc đề cập đến việc con cái và đường lối giáo dục chúng nó. Có lẽ “chưa gì cả” mà đã nói tới chuyện con cái, e có hơi vội vàng hấp tấp chăng? Khôi cho rằng Ngọc đang nghĩ như thế.
Dù sao thì tự xét, Khôi thấy rằng mình đủ sức để biến cái mộng bình thường và êm đềm ấy của Ngọc thành sự thực. Chàng cũng mong như thế. Cả đời, Khôi chưa bao giờ yêu ai một cách say đắm, điên đảo, nhưng quả thật người con gái này đã làm chàng rung động sâu xa. Chàng nghĩ đến một lúc nào đó cũng phải nhìn vấn đề này một cách nghiêm chỉnh, chứ không thể “khơi khơi” mãi được.
Một ngày nọ, nhà Ngọc có giỗ. Ba của nàng giữ Khôi lại ăn giỗ với gia đình ông. Ít lâu nay, hình như ông cụ có cảm tình đặc biệt đối với chàng, xem chàng gần như người nhà. Khôi được cái có khuôn mặt hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép nên dễ dàng gây được cảm tình và tín nhiệm đối với người lớn. Cả hai ông bà quý chàng, tuy nhiên kín đáo không nói ra, nhưng cả hai cậu em của Ngọc đôi khi láu táu, khai hết cả “sự thực”… Chẳng hạn như trong bữa cơm hôm nay, Ngân, cậu em lớn nói với Ngọc:
– Gần đây cái ông bác sĩ Hàm cứ lại thăm chị Ngọc hoài, mà tụi em không thích. Tụi em chỉ thích anh Khôi thôi. Ba má cũng vậy.
Nghe em nói, Ngọc ngượng chín người, khuôn mặt đỏ bừng, đôi mắt “bò” chớp lia lịa. Ông cụ thì lườm cho cậu con trai một cái, nhưng Khôi thấy rõ là trong cái lườm ấy không ẩn chứa một sự khiển trách nghiêm nghị. Phần Khôi nghe nói như thế, chàng cũng lấy làm thích trong lòng lắm, nhưng bên ngoài cứ tỉnh bơ, làm như không để ý đến câu nói của trẻ con ấy.
Cơm nước, dọn dẹp xong, trời đã tối. Trong nhà hơi nóng, Khôi rủ Ngọc ra vườn ngâu chơi, nàng vâng lời, ngoan ngoãn như một cô em gái nghe lời ông anh cả.
Hai người đi dạo một vài vòng rồi cùng ngồi bên bờ giếng nghỉ chân. Giếng này, theo như lời Ngọc nói, đích thân ba nàng đào, để lấy nước mạch pha trà. Ông cụ chê nước máy nồng và đôi khi chát, làm mất hương vị trà của ông. Tối hôm ấy trăng tròn, ánh trăng lan tràn trên những đám là ngâu xanh mướt, trông loang loáng như ướt nước. Mùi hoa ngâu ướp trong không khí, dịu dàng và thanh nhã khiến cho Khôi thấy xúc động tận trong đáy tim. Chàng sực nhớ ra rằng mình đã qua tuổi “tam thập nhi lập” rồi mà vẫn còn cô độc. Khôi quen nhiều bạn, bạn trai cũng nhiều và bạn gái cũng lắm, nhưng chưa bao giờ lộ tỏ bản chất thực của con người chàng cho những người bạn ấy biết. Bên trong cái vẻ bên ngoài khơi khơi, bất cần đời ấy là một tâm hồn thụ cảm, hơi yếu đuối và rất cần sự chia sẻ, nâng đỡ. Tối nay, Khôi muốn Ngọc sẽ là người biết rõ về chàng. Để làm gì, chàng chưa biết, nhưng đó là cách chứng tỏ nàng sẽ là người thân yêu nhất của cuộc đời chàng.
Đang nói về những sinh hoạt hiệu đoàn liên quan tới ban Văn Nghệ do Ngọc phụ trách, tự nhiên Khôi ngưng lại, xoay hẳn người để đối diện với Ngọc. Môi nàng mọng ướt và có ánh trăng. Đôi mắt to, hồn hậu đang nhìn chàng, thoáng một chút bối rối. Mái tóc Ngoc dầy ôm kín hai bờ vai tròn. Khôi thấy Ngọc đẹp và quyến rũ quá. Một giây im lặng, Khôi gọi khẽ:
– Ngọc
Nàng dạ một tiếng khẽ, hiền lành và ngoan ngoãn. Khôi cầm lấy tay nàng, nói một câu rất ngắn mà chàng đã định tâm nói từ lâu:
– Anh yêu Ngọc.
Khôi thấy ngực của nàng thở dồn dập sau làn áo mỏng. Nàng ngả đầu vào bờ vai chàng với một dáng diệu chấp thuận và tín cẩn. Khôi ôm lấy Ngọc và hai người hôn nhau. Chàng thấy môi Ngọc cũng như thân hình Ngọc rất mềm mại và ấm áp. Không gian thơm ngát mùi hoa ngâu. Môi Ngọc, tóc Ngọc và thân mình Ngọc cũng toàn mùi hoa ngâu…
Hai người sửa lại thế ngồi và vẫn cầm tay nhau. Như thế một lúc lâu, Khôi lại gọi:
– Ngọc.
– Anh bảo gì?
– Em có vui không? Có thấy hạnh phúc không?
Ngọc gật đầu e thẹn. Hình như tác dụng của nụ hôn vẫn làm cho người con gái ngây ngất. Khôi yêu cái dáng hiền hậu, nhu mì ấy quá. Chàng nhắc lại ước mơ của Ngọc:
– Mai mốt đây chúng ta sẽ kiếm một mảnh đất ở Lái Thiêu hay Thủ Đức. Sẽ có một nếp nhà tranh ở đó. Trong vườn trồng cau, trồng bưởi…
Ngọc ngắt lời:
– Trồng rất nhiều ngâu nữa.
Khôi cười:
– Dĩ nhiên rồi, anh đâu có quên.
Rồi bất chợt Khôi nói:
– Ngọc này, hay là anh đổi tên em nhé?
Ngọc hơi ngạc nhiên, nhìn Khôi dò hỏi:
– Tại sao thế? Mà anh muốn đổi tên Ngọc thành gì?
– Anh muốn gọi tên em là Ngâu. Vì em thích hoa ngâu. Với lại môi em, má em, người em toàn một mùi hoa ngâu…
Ngọc cười e thẹn, nhưng sau đó nàng nói:
– Anh không sợ xui hay sao? Thích hoa ngâu thì được, nhưng tên là Ngâu, coi bộ không tốt đâu. Anh biết tích vợ chồng Ngâu không? Coi chừng rồi “nghìn trùng xa cách” đó…
Khôi không nói nữa. Chàng muốn một lần nữa được ngửi mùi hoa ngâu, không phải từ cây ngâu, nhưng từ má, từ môi, từ thân mình người con gái mà chàng vừa đặt tên là Ngâu.
Đêm hôm đó, sau khi chia tay Ngọc và chào ba má nàng, ra về, Khôi thao thức khá lâu trước khi đi vào giấc ngủ, và giấc ngủ của chàng thơm ngát mùi hoa ngâu. Chàng mơ thấy chàng và Ngọc đang ở trong căn nhà lá vùng Lái Thiêu, Ngọc mặc áo lụa màu vàng hoa ngâu, màu áo lẫn với màu hoa vàng nở kín khắp vườn. Khôi không biết rằng cũng đêm hôm ấy, Ngọc mơ mình và Khôi trở thành Ngưu Lang và Chức Nữ, cả hai run rẩy bước trên nhịp cầu Ô Thước định mệnh, cơn mưa ngâu che phủ bầu trời khiến cho hai người lắm lúc chẳng nhìn thấy được nhau.
Chuyện tình Khôi-Ngọc được cả nhà trường đón nhận một cách hân hoan. Cả ban giám đốc, hội đồng giáo sư lẫn các học sinh đều cho đây là một chuyện đương nhiên và… xứng đôi vừa lứa. Cả hai người đều còn trẻ, đều hăng hái trong hoạt động hiệu đoàn, đều dồi dào khả năng, nhân cách đều đáng trọng. Dĩ nhiên không tránh khỏi chuyện một vài anh giáo sư trẻ ghen tức kín đáo và mươi cô nữ sinh khóc thầm, nhưng ngay cả những người ấy cũng đều phải công nhận mối tình giữa hai người quả là chính đáng. Một buổi chiều tan học, cả nhà trường chứng kiến cảnh “thầy Khôi” đưa “cô Ngọc” về trong sự vui thích. Ngọc lúc đầu còn thẹn và mất tự nhiên, nhưng chỉ ít lâu sau, nàng cũng quen dần và không còn thấy ngượng ngập gì nữa. Mấy cô bạn đồng nghiệp đã bắt đầu hỏi thăm Ngọc về ngày hỏi, ngày cưới, góp ý về trang phục cô dâu và hằng trăm thứ linh tinh về chuyện cưới xin. Về phần Khôi, mấy cô nữ sinh ít xoắn lấy chàng hơn, mặc dù thầy trò vẫn hợp tác lo chuyện hiệu đoàn nhà trường một cách tích cực không kém lúc trước. Con gái có sự tế nhị của họ, mặc dầu “họ” đây mới chỉ là những cô học trò chưa hoàn toàn đủ tuổi lớn khôn.
?
Nhưng rồi đám cưới Khôi-Ngọc đã không bao giờ xảy ra, và cả nhà trường đã không bao giờ chứng kiến niềm hạnh phúc giữa hai người nở hoa viên mãn. Chỉ một tuần sau ngày “quân đội nhân dân miền Bắc” hoàn toàn làm chủ tình thế và chiếm ngụ miền Nam bằng một thứ sức mạnh rừng rú, Khôi đã bị bắt với một tội danh rất mơ hồ và buồn cười đối với chàng: “hoạt động gián điệp cho CIA Mỹ”. Cả đời Khôi chưa hề biết một nhân viên CIA Mỹ tóc tai, mũi mắt, mồm miệng ra sao, vậy mà chàng lại bị bắt vì làm việc cho họ. Bị bắt vì một vụ oan ác ý, vì sự nhầm lẫn hay vì một lý do nào khác, Khôi hoàn toàn không được biết. Chàng chỉ biết rằng chính cái tội danh “mơ hồ và buồn cười” đối với chàng lại khiến cho chàng bị liệt vào “thành phần nguy hiểm” và bị biệt giam.
Khôi không nhớ là mình đã phải làm bản “sơ yếu lý lịch” biết bao nhiêu lần; bao nhiêu lần chàng bị hạch hỏi là ai trao nhiệm vụ cho chàng để chàng len lỏi vào nhà trường, nắm chức vụ hiệu đoàn trưởng; bao nhiêu lần chàng bị căn vặn ai là cấp chỉ huy trực tiếp của chàng. Họ còn hỏi chàng về những giáo sư cộng tác với chàng trong công tác sinh hoạt hiệu đoàn, trong đó có cả tên Ngọc. Dù bị khủng bố tinh thần hay tra tấn đến nhừ tử, mỗi khi tên Ngọc được nhắc đến bên tai, Khôi vẫn còn đủ lãng mạn để tưởng như có mùi hoa ngâu thoang thoảng đâu đây, tưởng như có bóng dáng người con gái mềm mại trong chiếc áo lụa vàng óng, và tưởng như buổi tối hai người ngồi bên bờ giếng vừa mới xảy ra đêm qua.
Sau những cuộc khủng bố tinh thần hoặc tra tấn nặng nề, được thả về trại giam, trong cơn đau đớn cùng cực của thân xác và căng thẳng cùng độ của tinh thần, Khôi vẫn cảm thấy hãnh diện là chàng giữ được thái độ bất khuất trước những con người sắt máu, cục cằn, và chàng đã không làm cho bất cứ người nào chàng quen biết, dù thân hay sơ bị liên luỵ vì những lời khai của chàng. Đến bây giờ Khôi mới khám phá thêm về chính con người của chàng. Thật ra Khôi đã không yếu đuối như chàng tưởng, khi cần phải gan góc, can đảm, chàng đã thấy mình không thua kém gì những người gan góc, can đảm nhất.
Chỉ có một điều làm Khôi thắc mắc và ân hận là chàng không cách nào liên lạc được với Ngọc. Nàng và gia đình hiện còn ở ngôi nhà cũ đường Trần Kế Xương, Gia Định, ngôi nhà có hàng cây Công Chúa trước cổng và vườn hoa ngâu bên hông nữa không.
Hai ngày trước khi bị bắt, Khôi đưa Ngọc từ trường về nhà. Chở nàng bằng chiếc Honda, Khôi thấy Ngọc gục đầu vào vai chàng và nấc lên nho nhỏ. Ngọc khóc một cách âm thầm. Về đến nhà, hai người vào phòng riêng của Ngọc, căn phòng nằm cạnh phòng khách và cũng nhìn ra vườn hoa ngâu, cửa sổ ngay bên bờ giếng, nơi hai người vẫn thường ngồi cạnh nhau trò chuyện. Khôi ôm Ngọc và an ủi bằng những lời dịu dàng nhất chàng có thể có được. Trả lời những câu an ủi ấy, Ngọc đã đáp bằng một giọng sũng nước mắt:
– Tự nhiên em thấy lo lắng. Linh cảm cho em biết rồi sẽ có chuyện chẳng lành. Em lo rằng chúng ta phải xa nhau. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng em ngờ rằng chúng ta sẽ xa nhau vĩnh viễn. Anh còn nhớ buổi tối anh muốn đổi tên em là Ngâu không? Bất chợt lúc ấy em đã nghĩ đến tích “vợ chồng Ngâu” và lo ngại cho chuyện tình của chúng mình. Bây giờ em còn lo ngại hơn nữa. Vợ chồng Ngâu mỗi năm còn có dịp gặp nhau, còn chúng mình…
Ngọc bỏ lửng câu nói ở đó và nàng lại để cho những giọt lệ to tròn tự nhiên lăn trên đôi má. Khôi cũng cảm thấy lòng mình xôn xao và nao nao thế nào đó, nhưng chàng vẫn ra vẻ bình tĩnh và nói với Ngọc rằng những điều nàng lo nghĩ là quá đáng. Rồi sẽ không có gì xảy ra đâu, dù mảnh đất ở Lái Thiêu hay Thủ Đức sẽ chỉ còn là mộng tưởng, nhưng ít nhất hai người cũng sẽ được ở cạnh nhau, mặc dầu sống trong cảnh nghèo khó, chật vật.
Hai người bước ra phòng khách. Khôi uống trà và nghe Ngọc đánh dương cầm. Ba má Ngọc có vẻ ngạc nhiên, không hiểu “hai đứa” tại sao vẫn bình tĩnh uống trà và đánh đàn trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này. Hôm ấy Ngọc đánh bản “Nghìn trùng xa cách”, từng âm thanh phát ra, thê thiết, nghẹn ngào theo nhịp đập của những ngón tay xuống phím đàn. Khôi nghe thấy trong những âm thanh ấy cả một sự tan nát tuyệt vọng.
Đó là lần cuối cùng hai người nhìn thấy nhau, cũng là lần cuối cùng Khôi nghe Ngọc đánh dương cầm, trong khi mùi hoa ngâu ngoài vườn bay tỏa vào phòng, thơm ngát.
Trong tù, đã biết bao đêm Khôi nằm mơ thấy Ngọc. Có đêm chàng thấy hai người ngồi bên bờ giếng ngắm trăng, vẽ vời tương lai. Có đêm chàng nghe có tiếng dương cầm của Ngọc từ xa vẳng lại, chàng lần theo tiếng đàn, tìm đến một ngôi biệt thự hoang phế, chung quanh là một rừng ngâu dầy đặc. Ngọc ở trên lầu ngôi biệt thự ấy, ngồi trước phím đàn mà nước mắt chứa chan. Hai người thấy nhau nhưng không đến gần nhau được. Lại có đêm khác, Khôi mơ thấy Ngọc đến trại tù “thăm nuôi” chàng, quà thăm nuôi của Ngọc chỉ là những cành hoa ngâu và đôi môi ướt ánh trăng của nàng. Những hình ảnh Ngọc và hoa ngâu chồng lẫn lên nhau, rực vàng màu nắng ấm, lồng trong khung cảnh cơn mưa ngâu nhẹ hột nhưng dai dẳng…
?
Khôi được tha về trong một hoàn cảnh bất ngờ. Một ngày, bọn cai ngục gọi chàng lên, trả lại cho chàng một ít vật dụng chúng đã tịch thu khi mới vào trại- dĩ nhiên những món đồ tương đối quý giá thì đã biến mất. Tên thủ trưởng nói với chàng, giọng lạnh lùng: “Anh được tha về, giao cho địa phương tiếp tục quản lý và giúp anh phấn đấu trở thành công dân tốt”.
Việc đầu tiên khi Khôi trở về là chàng tìm đến căn nhà thân ái đường Trần Kế Xương. Trái tim chàng thực sự bồi hồi khi đặt chân xuống con đường đất có hai luỹ tre chạy dọc hai bên. Dù rằng đó đây có hình bóng màu cờ máu, nhưng khu xóm hai bên đường vẫn có một vẻ rất bình an, cái bình an được tạo nên bởi sự ẩn nhẫn nép mình dưới mọi bạo lực.
Khôi dừng chân trước cổng ngôi nhà gỗ và chàng nhận ra ngay sự hoang vắng khác thường của nó. Bờ tường loang lổ bẩn thỉu. Hai cánh cổng mở hững hờ. Thảm cỏ và những cây cảnh vàng úa vì không người chăm sóc. Một tờ giấy ngoằn ngoèo những chữ niêm phong kín cánh cửa vào phòng khách.
Chần chờ một phút, Khôi đánh bạo đẩy cánh cửa nhỏ dẫn vào khu vườn bên hông. Một cảnh hoang sơ hiện ra trước mắt chàng: những cây ngâu héo úa tàn tạ, nhiều cành lá cháy xém dưới cơn nắng gắt. Chàng bước lại gần bờ giếng, ngồi xuống và nghĩ về những kỷ niệm xa xưa. Ở chính bờ giếng này, một buổi tối năm xưa, chàng đã ôm một người con gái vào lòng và trao cho nàng tất cả sự rung động của tuổi thanh xuân. Người con gái ấy ướp đầy hương thơm thanh nhã của hoa ngâu. Chàng cũng nhớ lại những lời người con gái nói một cách lo sợ về nỗi ám ảnh của sự tích vợ chồng Ngâu.
Khôi đứng lên, cố gắng tìm cách nhìn vào khe cửa sổ đóng kín của căn phòng Ngọc ở lúc trước. Trong ánh sáng lù mù từ bên ngoài chiếu vào qua những chỗ hở bên vách tường, Khôi thấy căn phòng trống trơn, chỉ còn lại cái bàn mà trước kia Ngọc hay ngồi ở đó chấm bài. Một cành ngâu khô nằm trên bàn hờ hững. Khôi thấy tim mình nhói lên, chàng biết là trong những ngày xa cách, Ngọc vẫn nhớ đến chàng luôn. Khôi lặng người trong một lúc lâu, chàng hình dung thấy hình bóng Ngọc ra vào trong căn nhà này, và những tiếng dương cầm đâu đó vang lên, ngân dài trong hồn chàng không dứt.
Khi Khôi bước ra ngoài, một người đàn ông ở căn nhà gần đó vẫy gọi chàng một cách kín đáo. Tự nhiên Khôi thấy tin tưởng người đàn ông ấy và bước về phía ông ta. Nhìn trước nhìn sau, ông ta kéo tay Khôi dẫn vào trong nhà.
Chủ khách đã yên vị, người đàn ông hỏi chàng:
– Cậu có phải là thầy giáo Khôi, bạn cô giáo Ngọc không?
Khôi gật đầu xác nhận. Người đàn ông tiếp, giọng bùi ngùi:
– Cậu đi đâu mà bây giờ mới về? Cả mấy năm trời cô ấy chạy đôn chạy đáo kiếm cậu mà không thấy. Tội nghiệp cô ấy, người cứ gầy rạc đi, xanh như cái lá…
Khôi sốt ruột quá, chàng ngắt lời người đàn ông:
– Xin bác cho biết gia đình cô Ngọc hiện đã dọn đi đâu rồi?
Người đàn ông vẫn chậm rãi:
– Cậu cứ bình tĩnh để tôi kể tiếp. Gia đình cô Ngọc không chịu hợp tác gì hết với “chính quyền cách mạng”. Cô ấy thì nghỉ dạy học, hai cậu con trai nhỏ thì theo người họ hàng đi vượt biên, cả xóm ai cũng biết. Gần đây công an phường quyết định tiếp thu căn nhà làm trụ sở, ông bà cụ nhất định không bằng lòng. Bọn họ tìm cách đẩy gia đình ông bà cụ đi kinh tế mới. Chuyện mới xảy ra cách đây hơn một tháng. Hôm ba người dọn đi, có chào tất cả bà con trong xóm, ai gặp cũng thương.
Một lần nữa Khôi ngắt lời:
– Bác có biết gia đình cô Ngọc phải đi vùng kinh tế mới nào không? Dù cô ấy có đi đến đâu, tôi cũng phải tìm cho bằng được.
Người đàn ông nhìn chàng có vẻ thương cảm, ông ta nói bằng một giọng rất thê thiết:
– Cậu mà tìm được thì còn nói làm gì, đằng này…
Ông ta ngừng lại một chút rồi tiếp ngay, giọng nói vội vàng, dường như để cho xong một câu chuyện đến lúc khó nói:
– Gia đình cô Ngọc thay vì đi định cư ở vùng kinh tế mới thì lại bí mật theo một chuyến vượt biên. Chẳng may tàu gặp nạn, vỡ tan, xác trôi vào Bãi trước Vũng Tàu cả mấy chúc cái. Người ta nhận diện được xác ông bà cụ. Còn cô Ngọc, không biết có được tàu nào vớt hay đã chìm xuống lòng biển rồi…
Tai Khôi ù đi, mắt chàng hoa lên, chàng không còn nghe, còn thấy gì nữa. Ngọc, Ngâu của chàng không biết bây giờ đang trôi nổi ở đâu hay đã biến thành Chức Nữ về trời, đem theo hương hoa ngâu thơm ngát, và đem theo luôn cả trái tim chàng, trái tim mà cho đến bây giờ mới biết thế nào là một tình yêu say đắm.
Quyên Di
Hoa Hồng Nhà Kín