Hoài vốn thích những gì nhỏ bé xinh xắn. Chàng không cầu kì trong bất cứ lãnh vực nào, nhưng về những đồ vật dùng hằng ngày, chàng rất kén chọn. Thí dụ như cây bút, chàng phải chọn loại có hình dáng thật thanh nhã, nét mực viết ra phải nhỏ và mịn. Giấy viết thư cũng vậy, Hoài thường nhờ một nhà in quen cắt cho từng xấp, khổ nhỏ hơn loại giấy bình thường người khác hay dùng. Vào những dịp Giáng Sinh hay tết nhất, khi gửi những tấm thiệp cho bạn bè, chàng cũng tự chọn những mẫu thiệp nho nhỏ, thanh nhã và mĩ thuật. Hoài có một người yêu, và vóc dáng nàng cũng nhỏ nhắn xinh xinh, cử chỉ khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ dịu dàng. Thu, người yêu của chàng, giống như một búp bê đẹp đẽ mà người ta nâng niu đặt trong tủ kính.
Tính thích những vật bé nhỏ xinh xắn khiến cho Hoài, tuy còn trẻ, lại trở thành người ham mê thú chơi hòn non bộ. Trên sân thượng nhà chàng, Hoài đã tự tay xây dựng công trình hòn non bộ. Phải nói là công trình, vì chính Hoài đã tự chọn từng hòn đá, từng cây cảnh, từng bức tượng ngư, tiều, canh, mục nhỏ bằng đầu ngón tay cái, từng loại cá vàng nuôi trong hồ… Phải mất hơn ba tháng trời, Hoài mới thực hiện xong công trình ấy. Hòn non bộ của chàng không lớn, nhưng được xây dựng rất công phu. Chàng lưu ý đến hình dáng của từng viên đá, từng lối đi quan quất sườn non, từng hang hốc, từng bờ rêu, bụi cỏ, thân cây. Và rồi từ đó, rất nhiều đêm, Hoài đã ngồi dưới ánh trăng, lặng lẽ ngắm cảnh vật của hòn non bộ từ giờ này sang giờ khác, trí mơ tưởng về một thời gian và không gian xa mờ, trong đó, có những nhân vật là những bức tượng chàng đặt trong hòn non bộ. Những nhân vật ấy sống bình yên, tĩnh lặng trong một khung cảnh đầy cỏ hoa trên một miền núi cao, xa hẳn thế giới loài người.
Hoài là người Công giáo và là một con chiên rất ngoan đạo. Khác với bạn bè cùng tuổi thường sống buông thả phóng túng và chạy theo thú vui vật chất, Hoài có một đời sống tôn giáo rất vững vàng. Chàng tin có một Thượng Đế chí tôn, tin một cuộc sống đời sau với những thưởng phạt công minh. Niềm tin đã giúp Hoài có một cách sống đạo đức, thứ đạo đức thẳm sâu và xuất phát từ tâm hồn chứ không phải là những hành vi đạo đức giả hình bên ngoài.
Hoài rất chịu khó đi lễ và có thói quen dự lễ Misa mỗi ngày. Mối tình của Hoài với Thu cũng đã bắt đầu từ khung cảnh của một ngôi nhà nguyện. Chàng đến nhà nguyện này dự lễ mỗi buổi sáng và thấy một người con gái rất xinh cũng dự lễ đều đặn như vậy. Điều này khiến Hoài nảy sinh mối thiện cảm rất tự nhiên đối với nàng. Một lần trên đường về, Hoài đánh bạo làm quen bằng cách hỏi thiếu nữ nghĩ gì về ý nghĩa bài Thánh Kinh mà vị linh mục đọc trong Thánh lễ sáng hôm ấy. Bằng một cách nói rất dịu dàng, thiếu nữ đã bộc lộ ý nghĩ của mình. Dù đuợc diễn tả bằng những lời nói nhỏ nhẹ và khiêm nhường, ý tưởng của thiếu nữ lại có một chiều sâu tâm linh khác thường, khiến cho đối với Hoài nàng càng thêm dễ mến. Hai người yêu nhau từ đấy.
Những buổi gặp gỡ thường là ở nhà Thu. Hoài đến, ngồi ở phòng khách có cửa kính nhìn ra một khu vườn đầy hoa lá. Thường thường hai người nói chuyện với nhau về Thánh Kinh, hoặc Hoài ngồi trong một chiếc ghế bành êm ái, nghe Thu dạo những bản Thánh ca với chiếc đàn dương cầm của nàng.
Ngôi nhà nguyện, nơi Hoài thường dự lễ buổi sáng và gặp Thu ở đấy, cũng lại rất hợp với ý thích những gì nhỏ bé xinh xắn của chàng. Đối với những ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ ở Sài Gòn thì ngôi nhà nguyện ấy nhỏ lắm, bởi vì ban đầu, nó vốn chỉ là nơi cầu nguyện, dâng lễ của các cha và các thầy dòng Đa Minh cùng một số sinh viên trọ học trong khu vực nhà dòng. Sở dĩ Hoài thích dự lễ ở đây cũng vì cái nhà nguyện rất nhỏ. Đời sống tôn giáo của Hoài có vẻ thiên nhiều về tình cảm hơn là lý trí. Dù có nhiều người phản đối cái lối sống đạo đức ấy, nhưng Hoài vẫn cho rằng mình đúng, vì với chàng, đạo là trao đổi tình yêu giữa Thượng Đế và con người, mà tình yêu thì dĩ nhiên thuộc lãnh vực tình cảm chứ không phải thuộc về lý trí. Khi bước vào ngôi thành đường nguy nga đồ sộ, Hoài vẫn không tránh được sự liên tưởng đến một cung điện lộng lẫy của vị vua chúa nào đó, chàng là một thường dân đến yết kiến; và như thế cần phải đi đứng nghiêm chỉnh, ý tứ, phải lưu tâm đến từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói. Rồi khi được diện kiến long nhan, kẻ thường dân nào mà không cảm thấy kinh tâm run sợ! Nhưng, khi vào một ngôi nhà nguyện nhỏ bé thì lại khác. Với Hoài, khi đó là trở về nhà của mình. Trong căn nhà ấy có một ông Bố nhân từ lúc nào cũng chờ con về. Hoài không phải là một thường dân để yết kiến vị quân vương, nhưng là một người con về nhà với Bố, chàng có thể gần Bố một cách thân thiện và kể cho Bố nghe tất cả những gì xảy đến cho mình, để rồi xin những câu an ủi, những lời khuyên bảo.
Trong thâm tâm thì Hoài vốn biết Thượng Đế là duy nhất, chàng có thể gặp Ngài bất cứ ở đâu, trong ngôi thánh đường đồ sộ hay tại căn nhà nguyện đơn sơ, hoặc là ngay ở ngoài đường. Tuy nhiên, cái cảm giác kinh sợ khi vào một thánh đường nguy nga, và thân thương khi vào một nhà nguyện nhỏ bé vốn phát xuất từ trái tim chàng, và những gì phát xuất từ trái tim thì không thể lí luận được. Nếu thật sự cần lí luận thì Hoài chỉ có thể đơn giản cho rằng khi ta ở một nơi quá rộng rãi, ta ngồi hay đứng xa nhau quá, còn khi ta ở trong một nơi chật hẹp, ta có thể ngồi hay đứng cạnh nhau, sát bên nhau, từ đó sự ấm cúng, thân mật nảy sinh dễ dàng.
Dĩ nhiên, lý do đầu tiên khiến Hoài dự thánh lễ mỗi ngày ở nhà nguyện này là lý do tôn giáo và thuộc về phạm vi Đức tin của chàng. Nhưng không tránh khỏi có những tác dụng bên ngoài phụ thêm vào cái lý do tôn giáo thuần khiết đó. Cái tác dụng đó không phải là Thu, vì sau này Hoài mới tìm thấy Thu trong khung cảnh ấy. Tác dụng ấy là ngôi nhà nguyện xinh xắn và dễ thương quá! Nó nằm trong khuôn viên của dòng Đa Minh. Nhà nguyện quen được gọi là “Nhà nguyện Phục Hưng”, vì đó là tên một câu lạc bộ sinh viên do các linh mục Đa Minh thành lập ngay trong khu vực nhà dòng. Cái cơ sở khiêm nhường đó nằm trên con đường Tú Xương, một con đường nhỏ bé, bắt đầu từ đường Lê Văn Duyệt, gần bót cảnh sát quận Ba, chạy dài ngang qua mặt sau của bệnh viện Saint Paul, và cứ thế nó băng qua các con đường ngang để chấm dứt với một ngã ba tại đường Công Lý.
Hai bên đường, không biết từ bao giờ, người ta trồng toàn một loại cây cao su, giống cây vùng nhiệt đới mà tại một vài nơi được trồng thành rừng. Cây cao su có đặc điểm là tán lá rậm, rất xanh tươi, thế nhưng đến mùa lá rụng thì lá úa rất mau, rụng rất nhanh, để lại những cành khẳng khi gầy guộc. Vào mùa lá xanh hay mùa lá rụng, Hoài đều cảm thấy con đường đẹp, đẹp vui hay đẹp buồn, nó đều gợi cho chàng những rung cảm dịu dàng và êm đềm. Con đường vắng vẻ, ít xe cộ đi lại, người cư ngụ cũng ít, vì hai bên đường toàn là những cơ sở tôn giáo hay bệnh viện, như dòng Đa Minh, dòng Regina Pacis với ngôi trường Nữ Vương Hòa Bình, bệnh viện Saint Paul, trụ sở Caritas… ngoài ra là những biệt thự do người Pháp xây cất từ lâu đời.
Tuổi nhỏ, Hoài không để ý đến vẻ đẹp của con đường Tú Xương, nhưng con đường ấy vẫn hấp dẫn Hoài vì những cây “quả nổ”. Đó là một loại cây không tên vì chỉ là cây dại mọc ven đường, chen lấn với các đám cỏ, nhưng bỏn trẻ con như Hoài ngày đó rất khoái. Loại cây này có hoa màu tím gần như hoa bìm bìm nhưng nhỏ hơn và mỏng manh hơn. Hoa tàn, kết thành những quả mầu xanh, chỉ lớn hơn cái que tăm đôi chút và chỉ dài khoảng một đốt ngón tay út. Dần dà, cái “que tăm màu xanh” ấy chín, chuyển từ màu xanh sang màu đen nhánh. Khi ấy nó thành một “quả nổ” và là món đồ chơi rất thích thú cho đám trẻ con. Hái “quả nổ” đã chín ấy, nhấm một tí nước bọt bôi vào thân quả, chỉ một lát sau, hai mảnh vỏ của quả sẽ bung ra, kếu “tách” một tiếng và hạt từ bên trong bắn tứ tung. Đó là cách gieo giống tự nhiên mà Trời trang bị cho loại cây này, nhưng bọn trẻ đã lợi dùng cái khả năng truyền sinh thiên nhiên ấy của cây để có một trò chơi thích thú không tốn tiền. Hôm nào hái được nhiều, Hoài dồn tất cả lại, thả trong một chậu nước, mấy anh em ngồi châu đầu chung quanh chờ đợi. Một lát sau, những tiếng lạch tạch trong chậu liên tiếp nổi lên, hòa lẫn với tiếng cười giòn tan của mấy anh em Hoài. Vào những trưa Hè oi ả, Hoài thường trốn Bố đi bộ ra con đường Tú Xương này, lang thang vạch cỏ tìm trái “quả nổ”. Đôi khi Hoài bị Bố cho một trận đòn, vì Bố muốn Hoài ở nhà ngủ trưa. Thế nhưng, sự hấp dẫn của những “quả nổ” khiến Hoài cứ lẻn đi mãi.
Lớn lên, Hoài mới khám phá ra vẻ đẹp của con đường nhỏ vắng vẻ này, với hai hàng cây cao su và những ngôi biệt thự xây cất theo lối Pháp. Con đường còn có một sức quyến rũ đặc biệt vì hương thơm của hoa ngọc lan. Loại hoa này trắng muốt, thon thỏ như ngón tay út cô thiếu nữ trăng tròn. Mùi ngọc lan thơm ngát nhưng không nồng. Hoài dạy học ở một trường nữ, chỉ cô nữ sinh nào đó đem một nụ ngọc lan vào lớp thôi cũng đủ để cả lớp thơm hương suốt buổi học. Hoài có cô học trò ngày nào cũng đem vào lớp một nụ ngọc lan, gói trong khăn tay trắng để trên bàn học. Từ đó, Hoài có một sự liên tưởng giữa mùi ngọc lan và tuổi học trò mới lớn vừa hồn nhiên vừa thơ mộng.
Hoài thường có lúc lẩm cẩm nghĩ rằng mình có duyên với loại ngọc lan. Đi dạy, vào lớp ngửi thấy mùi ngọc lan. Đến thăm Thu, căn phòng khách cũng thơm ngát mùi ngọc lan, vì ngay ngoài vườn, một gốc ngọc lan mọc không biết tự bao nhiêu năm, cành lá rườm rà, chi chít những nụ trắng tròn xinh như những đóa hoa làm bằng bạch ngọc. Và rồi đến nhà nguyện Phục Hưng, Hoài cũng ngửi thấy mùi ngọc lan dễ thương ấy. Trong vườn của những biệt thự quanh đó, người ta trồng ngọc lan. Sau này trong khu vườn nhỏ cạnh nhà nguyện, các linh mục cũng trồng mấy gốc ngọc lan.
Có lẽ suốt đời Hoài không quên được cái cảm giác êm đềm của những buổi sáng tinh sương, khoảng bốn giờ rưỡi, Hoài ra khỏi nhà, đi bộ qua những con đường nhập nhoè ánh đèn vàng mờ ảo. Trong đêm vắng, chàng đếm được những bước chân của mình gõ đều đặn trên mặt đường. Cây cỏ và loài người còn ngủ cả. Vũ trụ thanh bình và êm ái. Từ đường Lê Văn Duyệt rẽ vào đường Tú Xương, đôi lúc Hoài gặp những bà cụ vừa đi vừa lần tràng hạt Mân côi. Họ cũng đến nhà nguyện dự lễ như chàng. Lách mình qua cánh cổng mở hé, những người dự lễ đi trên một con đường ngắn trải sỏi rồi bước vào nhà nguyện. Anh đèn vàng tỏa sáng ấm cúng quá, và những ánh nến lung linh trên bàn thờ kia mới trang trọng làm sao. Hoài nhúng mấy đầu ngón tay vào bình nước Thánh, làm dấu Thánh giá, rồi tìm một chỗ ngồi. Trong không khí ấm cúng thơm dìu dịu mùi ngọc lan, Hoài lặng nghe từng lời kinh, từng giọng hát không có đàn đệm, thấy sao mà sốt sắng và chân thành quá!
Nhà nguyện có một cái chuông, không phải là loại chuông chùm, lắc lên kêu rộn rã như ta thường thấy ở những nhà thờ khác, nhưng là một cái chuông đồng, đánh bằng chầy bọc vải mềm, tiếng kêu trầm, ngân vang như tiếng chuông chùa. Vào những Thánh lễ sáng sớm hay những buổi nguyện kinh lúc hoàng hôn, tiếng chuông vang lên trong không gian tịch mịch, đánh động đến tận trái tim mỗi con chiên đang ở trong Nhà Chúa.
Cái chuông đồng ngân vang như chuông chùa này và bức họa treo trên vách ngay phía sau bàn thờ, nghe nói là bảo vật của một linh mục thừa sai dòng Đa Minh, cha Crass, vị linh mục Tây phương nhưng có tên Việt Nam là Đỗ Minh Vọng. Hoài không biết nhiều về cha, nhưng đã thấy cha ở nhà nguyện này từ ngày chàng còn nhỏ. Với Hoài, và cũng như với các tín hữu khác, cha Đỗ Minh Vọng là một vị linh mục khả kính và khả ái. Cha khả kính ngay từ dáng dấp bái quỳ khi bước lên bàn thánh, từ cử chỉ nằm phủ phục nơi cuối nhà thờ trong một nghi thức đêm Phục sinh; và cha khả ái ngay trong cái giọng người Tây phương nói tiếng Việt. Khi còn nhỏ, Hoài đi lễ ở nhà nguyện này, mong được gặp cha sau Thánh lễ và được cha xoa đầu. Lớn lên, Hoài vẫn mong được gặp cha sau Thánh lễ để nói chuyện về văn chương và triết học. Vị linh mục thừa sai Tây phương này có một tâm hồn rất Á Đông và yêu chuộng văn chương Việt Nam một cách đặc biệt. Cha Vọng say mê đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, và trong một lúc cảm hứng nào đó, ngài đã viết một tập tiểu luận triết học về tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên. Chưa bao giờ Hoài nghe cha Vọng xác nhận điều này, nhưng Hoài vẫn tin rằng tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên ảnh hưởng đến việc dùng tiếng chuông chùa trong nhà nguyện và trồng ngọc lan ở ngoài sân.
Hình như bước đường rao giảng Tin mừng của vị thừa sai này không phải là con đường bằng phẳng. Trước khi là một vị linh mục làm việc với giới sinh viên, cha Vọng đã từng là cha sở coi một họ đạo lẻ nghèo nàn ở miền Bắc Việt Nam, họ đạo “Cắt-tút” thuộc địa phận Hà Nội. Cha Vọng đã ở đấy, sống chết với xứ đạo nghèo nàn nhỏ bé, với những con chiên nhà quê hiền lành và chất phác. Chính cái chuông và bức tranh ở nhà nguyện Phục Hưng đã từng được dùng ở nhà thờ xứ đạo “Cắt-tút” đó. Sau hiệp định Genève 1954, con chiên xứ đạo này tản lạc khắp nơi và cha Vọng theo đoàn người Bắc Việt di cư vào miền Nam. Cha tìm mọi cách chuyển cái chuông và bức tranh ấy vào Nam luôn, và sau này đem dùng ở nhà nguyện Phục Hưng.
Khi nghe biết chuyện ấy, mỗi lần chú giúp lễ đánh chuông, Hoài nghe tiếng chuông một cách trân trọng hơn, và chàng ngước nhìn bức tranh treo trên vách. Bức tranh gồm ba miếng ghép lại, họa sĩ vẽ cảnh Đức Mẹ sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá. Điểm đặc biệt là cả Chúa Con, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các mục đồng đều mặc y phục Việt Nam. Hoài không quên được hình ảnh Đức Mẹ đội khăn vuông mỏ quạ, trong thật đúng là một người đàn bà nhà quê miền Bắc.
Cha Vọng sau này không còn ở nhà nguyện Phục Hưng nữa, nhưng bức tranh và cái chuông vẫn còn đó, như một phần hình ảnh của cha và như một biểu tượng đặc biệt của nhà nguyện này.
* * *
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước xáo trộn chưa từng thấy, mọi sự đều thay đổi. Ngôi nhà nguyện nhỏ bé thân thương của Hoài cũng không tránh khỏi được những thay đổi, cho dù sự thay đổi ở đó cũng nhỏ bé, âm thầm hơn những nơi khác.
Không còn bóng một vị linh mục thừa sai nào ở đó cả. Những giáo sĩ phương Tây ở đây và ở tất cả những nhà dòng khác đều đã bị trục xuất ra khỏi mảnh đất mà họ vốn coi là quê hương thứ hai của mình. Thánh lễ vẫn được cử hành mỗi ngày nhưng số giáo dân dự Thánh lễ buổi sáng vốn đã ít nay lại càng ít hơn nhiều. Không ai trách điều đó cả, và chắc Chúa cũng không trách. Ở vào thời buổi này, trời sáng tinh mơ mà bước ra khỏi nhà đã là một điều phiền toái; đi qua bót cảnh sát cũ bây giờ là trụ sở công an, đầy những bóng áo vàng và những con mắt cú vọ lại là điều phiền toái hơn; bước chân vào nhà nguyện trong buổi sáng tinh mơ để cùng “ông cha” làm những chuyện “bí mật gì” trong đó lại càng chết nữa! Con chiên yêu Chúa thật nhưng con chiên cũng khôn ngoan để tránh những phiền phức có thể tránh, vì dự thánh lễ lúc nào, giờ nào mà chẳng được, hà tất cứ phải đến nhà thờ, nhà nguyện vào những sáng tinh mơ đầy bất trắc ấy. Chúa toàn năng thật, nhưng Chúa đâu có bụng dạ như con người để cứ mỗi một chút lại nổi giận vật cổ một anh công an nhà nước để cứu các con chiên!
Riêng với Hoài, chàng vẫn dự Thánh lễ buổi sáng sớm. Không phải vì chàng ngoan đạo hơn hay “can đảm” hơn những con chiên khác. Hoài biết rõ điều đó. Với Hoài, ngửi mùi hoa ngọc lan và nghe tiếng chuông trầm mặc, không biết tự bao giờ đã trở thành một nhu cầu. Hoài vẫn đi dạy học, một phần vì sinh kế, nhưng phần lớn là vì nếu không có nghề nghiệp, chắc chắn sẽ có tên trong danh sách đi vùng kinh tế mới. Thế nhưng bây giờ không có cô nữ sinh nào mang hoa ngọc lan vào lớp cả! Thầy trò đều lơ láo lo sợ như nhau, mùi hoa ngọc lan không có chỗ trong những tâm hồn xáo trộn. Hoài cũng không đến nhà Thu để ngồi trong căn phòng khách ướp thơm bằng hương ngọc lan nữa, lý do đơn giản là nàng đã đi thật xa, xa đến nửa vòng trái đất. Thu yêu Hoài nhưng tình gia đình của nàng cũng rất đậm, bởi thế nàng đã theo gia đình lánh ra nước ngoài vào những ngày bắt đầu có tình trạng khẩn trương! Còn tiếng chuông… Ngày xưa khi những buổi chiều xuống, ngồi trên sân thượng, chàng vẫn nghe tiếng đại hồng chung trên tháp chùa Xá Lợi vọng về. Bây giờ tiếng đại hồng chung không còn vang lên nữa. Vả lại, đó là tiếng chuông phát ra từ một cái chuông to, Hoài vốn không thích cái gì to lớn. Để tìm lại hương ngọc lan và tiếng chuông trầm mặc thanh tịnh, Hoài cần đến nhà nguyện của chàng vào những buổi sáng sớm. Trong tâm hồn nhạy cảm của chàng, thỉnh thoảng chàng nhận thấy có cái gì nhàn nhạt trong hương ngọc lan và chút gì đó vướng mắc trong tiếng chuông. Nhưng dù sao mùi hoa lan và tiếng chuông vẫn còn đó, vừa có tác dụng xoa dịu tâm hồn chàng, vừa giúp chàng nâng tâm hồn lên gần đấng Tối Cao.
Thế rồi trong những ngày xáo trộn và căng thẳng ấy, ngôi nhà nguyện nhỏ bé đón tiếp thêm một con chiên: một vị cựu thượng nghị sĩ đều đặn mỗi ngày tới dự thánh lễ Misa. Người phu xích lô chở ông đến rồi ngồi chờ bên ngoài. Ông vào nhà nguyện, thường chọn chỗ ở hàng ghế cuối cùng. Thỉnh thoảng bị chia trí, Hoài liếc nhìn ông. Dáng ông gầy còm mảnh khảnh. Ông quỳ trầm mặc, đôi mắt nhắm lại. Hoài không biết ông nhìn thấy gì trong bóng đen đó? Một quãng đời vinh hiển đã qua hay một tương lai đầy hiểm nguy phía trước? Tuy nhiên, Hoài tin rằng, qua đôi mắt Đức tin, ông nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa đang che chở ông và đang dắt ông bước đi trên đoạn đường đời đầy gian nan và nhiều cạm bẫy.
Sự có mặt của ông cựu nghị sĩ gây nên nhiều dư luận đồn đãi. Nhiều người lấy làm lạ tại sao ông không bị bắt giữ. Người ta nghĩ rằng Chúa đã che chở ông. Những người khác cảm phục lòng can đảm và sự trầm tĩnh của ông, bởi vì mặc những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ông vẫn đến nhà nguyện rất đều đặn. Cũng có tin đồn là công an vẫn lởn vởn đâu đó quanh khu nhà nguyện nhỏ bé, canh chừng, dò la tin tức…
Ông cựu nghị sĩ muốn tìm sự bình lặng, nhưng sự có mặt của ông dường như lại đem thêm sự xáo trộn không thể hiện rõ rệt bên ngoài, nhưng người ta tự nhận thấy nó trong chính cõi lòng mình, một khi dự Thánh lễ mà biết rằng có những đôi mắt bên ngoài âm thầm theo dõi.
Hoài vẫn đều đặn dự lễ mỗi sáng ở nhà nguyện ấy, vẫn ngửi thấy hương ngọc lan và nghe tiếng chuông trầm mặc. Nhưng vì đời sống tôn giáo của Hoài vốn thiên nhiều về tình cảm, và chàng vốn yêu sự yên tĩnh, sợ những gì ồn ào xáo trộn, nên có một hôm, quỳ ở hàng ghế cuối cùng của nhà nguyện, chàng nhìn lên tượng Chịu Nạn và thưa với Chúa Cứu Thế rằng: “Lạy Chúa, con nói điều này Chúa có tin con không, là nhiều lần con thấy gần Chúa khi con đang đi ở ngoài đường, hơn là lúc ở trong nhà nguyện”.
Hoa Hồng Nhà Kín
Quyên Di