Nghe tiếng chó sủa, thằng bé vội chạy ra. Một thiếu phụ trạc ngoài 30 đang dáo dác trước cổng. Thấy bóng người, thiếu phụ ngoắc tay gọi để hỏi thăm. Đúng nhà ông Thi. Chị tìm cả tuần nay chứ ít gì. Thằng bé lên mười nhanh nhẹn chạy vào. Ông Thi chậm rãi đặt cuốn sách xuống, ngước mắt nhìn qua cặp kính. Thiếu phụ lặng trân hồi lâu mới xếp thành câu nói. Thi ơi! Anh đó sao? Mười lăm năm trôi qua nhanh như một giấc ngủ ngắn. Anh già nhiều và gầy rộc vậy ư? Ông trầm giọng:
– Phải cô Trầm không?
– Dạ, em đây.
Gỡ cặp kính xuống, ông thong thả cười:
– Cô về hồi nào vậy?
– Em về mười ngày rồi.
Thằng bé bưng nước ra mời. Đồng hồ buông 12 tiếng. Nắng trưa đổ vàng sân. Ngoại ô lặng buồn như trầm mình vào dòng thời gian. Ông sai thằng bé sắp cơm rồi nói với khách:
– Trưa rồi, tiện ăn cơm với tôi cho vui.
Thiếu phụ lặng nhìn ông. Thi ơi! Anh vẫn ít nói như ngày xưa. Anh không vui gặp lại em sao? Thiếu phụ chợt xót xa khi thấy mái tóc hoa râm với dáng người khắc khổ của ông. Mênh mang nỗi buồn sâu lắng. Nỗi đau như kim châm vô tình làm nhói con tim. Cái giá kỷ niệm quá đắt nên không ai trả nổi. Đôi khi người ta ngỡ mình đắm chìm trong niềm vui và hạnh phúc, nhưng lại chỉ là hụt hẫng giữa những niềm đau nối tiếp nhau.
Ông từng là “nạn nhân” trong những hoàn cảnh như vậy. Có lẽ chính vì kỷ niệm tình yêu đẹp quá nên cần nhiều nước mắt. Khóc bao nhiêu cho vừa? Khóc tưởng đã cạn nước mắt mà vẫn không trôi hết nỗi buồn. Cô Trầm cũng một thời ngấm ngầm khóc ướt đêm. Ai cũng biết, nhưng chẳng ai thốt nên lời. Đành bó tay trước hoàn cảnh khắt khe, mỗi người một cách.
Ông Thi chợt thấy đôi mắt thiếu phụ đọng ngấn nước. Ông quay đi, gọi vọng xuống nhà dưới như để khỏi chạm vào ký ức.
– Sắp cơm mau đi con.
Sau tiếng “dạ”, thằng bé bưng mâm cơm đạm bạc đặt lên bàn. Nó nhanh nhẹn bới hai chén cơm cho hai người rồi đi xuống nhà dưới. Thiếu phụ vội nói:
– Ăn cơm luôn đi con.
– Dạ, con mời cô và ba.
Ông Thi khoát tay nói xen vào:
– Thấy có khách, nó ăn trước còn đi học chiều đó.
– Con thứ mấy của anh vậy?
Ông cười khẩy:
– Có mình nó chứ thứ mấy? Thôi, ăn cơm đi kẻo nguội. Cơm đạm bạc thế này chắc khó ăn. Vả lại, món của người Bắc chắc không hợp khẩu người Nam. Cô ăn một miếng cho tôi vui.
– Sao anh lại nói vậy? Em biết ăn rau muống mà.
– Là tôi sợ vậy thôi. Chứ cô sống ở Mỹ hơn chục năm rồi. Tôi thấy nhiều Việt kiều về kén ăn dữ lắm. Chê bôi đủ thứ à!
– Người ta khác, em khác.
Ngồi đối diện nhau, nhìn gương mặt ông già đi nhiều so với tuổi ngoài 40. Thiếu phụ ngó quanh. Chợt khựng lại khi thấy nơi góc bàn viết của ông có tấm hình một cô gái trẻ ngồi dưới sàn nhà, tay cầm đóa hoa hồng, trông rất quen, tuổi chừng 20. Đúng rồi! Người yêu cũ của ông 15 năm về trước. Kỷ niệm ùa về ngồn ngộn…
– Chị đâu sao em không thấy?
Ông vừa lấy đồ ăn vừa nói:
– Chết rồi.
– Sao? Chị mất lâu chưa anh?
– Cả chục năm nay.
– Còn thằng bé…
Ông vội lấp đầy câu nói của người thiếu phụ:
– Nó là con của bà chị. Từ ngày mẹ chết, nó ở với tôi.
Ngưng một lát, ông tiếp:
– Nó tên Trường. Tôi khai sinh lại cho nó là Hoài Vọng, vì tôi thấy ước mơ của mình chẳng trọn bao giờ. Dù gì, trước pháp luật và trên giấy tờ, nó là con tôi.
Hoài Vọng? Thiếu phụ thầm nghĩ. Không lẽ em chưa quên em sao Thi? Em thật có lỗi với anh. Em mắc nợ anh kiếp này rồi, Thi ơi! Thiếu phụ xúc động khi biết được hoàn cảnh của người đàn ông hiện nay. Ngoài 40 mà vẫn độc thân.
– Sao anh không lập gia đình?
– Biết lấy ai được khi hoàn cảnh sống khó khăn thế này. Chớm già rồi còn gì!
– Tại anh cứ nghĩ vậy thôi.
Ông cười và lắc đầu. Hai người cùng im lặng. Khoảng lặng không nặng nề nhưng có cái gì đó khó tả. Khó nói với cả hai. Nắng trưa khiến người ta toát mồ hôi. Thi thoảng, một chiếc xe chạy ngang phá vỡ vẻ tĩnh lặng của buổi trưa ngoại ô. Lâu lâu lại lẫn tiếng chó sủa vọng từ xa giống như ở vùng quê, nghe chừng mênh mang thêm. Thiếu phụ nhìn người đàn ông, rồi ngập ngừng:
– Anh… anh vẫn giữ… tấm ảnh ngày xưa sao?
– Kỷ niệm mãi mãi là kỷ niệm. Cứ để nó là kỷ niệm. Có tội lỗi gì đâu. Ai cũng vậy, tuổi già thường sống bằng kỷ niệm dù kỷ niệm đó vui hay buồn.
– Anh không hận em sao?
– Hận thì có lợi gì? Hay chỉ tự làm khổ mình?
Ăn xong miếng cơm nhỏ, ông nói tiếp:
– Chúa Giêsu bị người ta ghét cay ghét đắng, đến nỗi bị họ giết chết bằng hình thức nhục nhã nhất, nhưng Ngài vẫn tha thứ cho họ, dù họ chưa xin tha, lại còn nói là họ lầm. Với tôi thì có nghĩa lý gì. À, mà cô về đến ba lần rồi nhỉ?
– Dạ. Mà… sao anh biết?
– Tôi nghe nói vậy thôi. Lần này đến gặp tôi, có chuyện gì không?
– Em đến thăm anh không được ư?
– Không phải vậy.
– Mấy lần trước, phần thì buồn, phần thì vội, nên…
– Tôi hiểu. Tôi có trách gì đâu. Nói là nói vậy thôi.
– Em xin lỗi anh.
– Sao lại xin lỗi?
Cuộc đời có nhiều cái mâu thuẫn. Khi cần nhau thì ân cần, khi không cần nhau thì bỗng dưng tàn nhẫn. Biết vậy nên không ai muốn khơi lại đống tro tàn dĩ vãng. Niềm đau quá khứ làm người ta khôn lớn thêm. Vết thương lòng rất dễ tấy lên mỗi khi “trái gió, trở trời” hoặc có ai đó chạm vào, dù rất nhẹ. Phải chi hồi đó ông khá giả một chút chắc họ đâu phải lỡ hẹn trăm năm. Và nếu ông không vướng nghiệp “viết lách” thì họ đâu phải xa nhau. Nhưng tất cả đã nằm gọn trong khoảng ngày xưa xa lắc rồi. Từ khi gia đình cô Trầm cương quyết không chấp nhận tình yêu của hai người thì họ không liên lạc gì với nhau nữa. Thế mà đã 15 năm trôi qua!
– Anh vẫn còn viết chứ?
Ông gật gật cái đầu:
– Viết để tự giải thoát, cũng là thú tiêu khiển riêng thôi, chứ mấy ai sống được nhờ “bán chữ”!
Có lẽ ông mang nghiệp dĩ thơ văn nên gia đình mới ngẫu nhiên đặt cho ông cái tên Thi từ nhỏ. Ngày họ yêu nhau tha thiết, ông đã ghép tên hai người thành bút hiệu ký dưới những bài thơ đăng báo cho đến nay: Thi Trầm. Và cũng thật “vô tình” mang ý nghĩa “bài thơ trầm lặng” của đời ông. Có những nỗi buồn phải đeo mang suốt cuộc đời dù không muốn, thứ nỗi buồn không thể gọi tên.
Buông đũa, ông đốt điếu thuốc. Hít một hơi dài, ông nói:
– Cô không cho đứa nào về theo à?
– Có thằng Út mà bữa nay nó theo Ngoại đi ăn cưới bên dượng Năm.
– Cô được mấy đứa?
– Dạ, em được hai. Một gái, một trai. Mà anh cứ gọi em là “em” như ngày xưa đi. Coi em như em gái vậy.
Ông gật đầu.
– Cô… À, em… em lập gia đình lâu mau rồi?
– Được 7 năm rồi anh. Em và ảnh làm chung công ty. Ảnh có đạo, nên em cũng đã theo Công giáo từ hồi tụi em cưới nhau.
– Vậy thì tốt quá. Chừng nào em về Mỹ?
– Dạ, hết tuần này.
– À, còn dì Út nữa. Qua đó, giờ cũng ở gần em chứ?
– Dì Út theo chồng ở tiểu bang khác.
Rồi cái gì cũng có cách kết thúc hợp lý riêng của nó. Khách về, ông trở vào mở cassette theo quán tính. Ca khúc Goodbye của Air Supply vang lên:
I can see the pain living in your eyes
And I know how hard you try… (*)
Chiều.
Ông đưa cho thằng bé chiếc áo sơ-mi thơm mùi mới còn trong hộp. Nó tròn xoe đôi mắt và hỏi:
– Của ai vậy, ba?
– Của người khách hồi trưa.
– Cô đó là ai vậy?
Ông cười:
– Là… cố nhân.
– Cố nhân là sao? Con không hiểu.
Ông xoa đầu thằng bé:
– Lớn con sẽ hiểu.
Ngoài kia, nắng vẫn hanh vàng… Rồi ông lại chợt mỉm cười, vui lây niềm hạnh phúc của người con gái ngày xưa mà ông đã từng yêu say đắm. Buồn với người và vui với người, dù không là một-nửa-của-nhau. Ông biết ông không hề tự dối lòng mình!
Tự pha cho mình ly cà-phê, hôm nay không hiểu sao ông thèm cà-phê đột xuất chứ thường ngày ông không có thói quen uống cà-phê trưa. Ký ức vẫn sống động. Ông đốt một điếu thuốc, một loại cỏ tương tư, như để đốt cháy niềm thương nỗi nhớ xa ngái…
Ông chợt nghĩ, nếu ở Việt Nam có Phó tế vĩnh viễn như ngoại quốc thì hẳn là ông đã xin Giáo hội, nhưng… Chợt lòng ông đan xen những niềm vui và nỗi buồn khó tả! Ông ngước nhìn lên linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót và thầm nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.
Viễn Zdu Tử
(*) Tôi thấy được nỗi đau dâng lên trong đôi mắt người, và tôi biết người phải cố gắng thế nào…
Nguồn: Lam Hồng