Thi thoảng vẫn còn vài chiếc lá sót lại rơi lạc lõng mặc dù trời đã vào Đông. Bầu trời nắng đục. Se lạnh. Man mác buồn. Có chút lãng mạn thi sĩ sẽ thấy chất thơ quanh đây cơ man mà kể. Hơi lạnh như ướp vạn vật cứng lại. Sương đọng thành giọt rơi xuống nghe rõ mồn một đủ làm rạn nứt sự yên tĩnh ban mai. Căn nhà lúc này trở nên hoang vu hơn. Thục Nhi dậy sớm để học bài. Trời chưa sáng rõ. Cố tập trung ôn bài mà chữ nghĩa cứ chạy nhảy lung tung.
Cả tháng nay mẹ đi suốt ngày, có khi mãi khuya mới về. Mẹ ăn diện khác thường, đã vậy lại chẳng mấy khi ăn cơm nhà. Mẹ thường đi với người đàn ông trạc tuổi mẹ. Cặp kính cận khiến ông tăng thêm vẻ nghiêm nghị, chững chạc. Có hỏi, mẹ chỉ trả lời vòng vo, rào trước, đón sau, có khi lại gắt gỏng. Vẻ dịu dàng ngày xưa đột nhiên biến mất. Chưa bao giờ mẹ la rầy nặng lời, thế mà… Trời ơi! Không lẽ lời đồn đại về mẹ lại là sự thật? Thục Nhi không dám tin.
Trời sáng dần. Có tiếng bước chân người. Thục Nhi biết là ai nhưng vẫn ngồi bất động. Vẻ trầm tư chưa rời khỏi Thục Nhi.
– Nè, đi học chứ cô nương. Học gì mà say sưa quá vậy? – Châu Ly liến thoắng.
Thục Nhi thản nhiên:
– Coi lại đề thi năm trước. Nhà ngươi đợi ta một chút.
Châu Ly nôn nóng:
– Lẹ đi. Hôm nay thi môn cuối quan trọng đó. Lo quá! Văn ta dốt đặc cán mai, đâu như ngươi văn chương đầy mình.
– Ai mà không lo. Có điều là lo cũng đến vậy. Ai nghi ngờ sẽ thất bại đó nha.
Châu Ly hơi nhún vai:
– Biết vậy mà lo vẫn cứ lo.
Thục Nhi trầm tính hơn Châu Ly. Như hai thái cực, thế mà hai người như hình với bóng, không lúc nào có người này lại thiếu người kia.
Sau khi ba mất vì một căn bệnh trầm kha, Thục Nhi theo mẹ đi xa. Con bé 10 tuổi đầu chưa hiểu nhiều. Hoàn cảnh đã tạo nên một Thục Nhi trầm lặng, thích dạo bước dưới hàng cây vào buổi chiều. Châu Ly vẫn gọi Thục Nhi là cô bé trầm tư. Kẻ hoạt động, người trầm mặc. Nhưng giữa đôi bạn lại có mối đồng cảm, một sức hút như nam châm. Thời gian là yếu tố quan trọng đối với tình bạn. Hiểu được nhau thì mới thương nhau hơn. Đúng như A. Manzonic nói: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất trên đời là tình nghĩa kim bằng, và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có người để gởi gắm một điều bí mật nào đó”.
oOo
Thục Nhi vừa ăn cơm tối xong thì đồng hồ cũng vừa điểm 7 tiếng. Dọn dẹp xong, lên nhà trên, Thục Nhi đã thấy Châu Ly ngồi đó từ lúc nào rồi. Thục Nhi lẳng lặng chuẩn bị. Không cần nói với nhau khi tình bạn đến độ “chín muồi”. Dĩ nhiên khó có thể tìm được một tình bạn tri âm như vậy.
Trên đường, các quán mở vang những ca khúc Noel êm dịu, sâu lắng. Phố xá nhộn nhịp khác thường. Hai cô bé vào khuôn viên giáo đường rực sáng những ánh điện tỏa ra từ những lồng đèn ngôi sao. Người như nêm trong những trang phục lộng lẫy, sang trọng. Đêm giáng sinh được mệnh danh là đêm an bình và hạnh phúc. Người người phấn khởi mặc vẻ thánh thiện. Giáo xứ nhỏ, nhưng năm nào cũng vậy, hoạt cảnh giáng sinh được diễn ra trong tiếng nhạc du dương, réo rắt, thánh thót. Hang đá lấp lánh ánh điện rực rỡ sắc màu. Một hài nhi mũm mĩm nằm nhìn lên cha mẹ. Một gia đình hạnh phúc quá!
Tuy là mùa Đông nhưng thời tiết miền Nam không lạnh giá, chỉ se lạnh một chút cho đủ cảm nhận đêm Noel. Đông người vẫn làm người ta cảm thấy ngột ngạt hơi nóng. Hai cô bé ra ngoài cho thoáng, đợi đến giờ hành lễ mới vào lại. Một thức uống là nhu cầu lúc này.
Hai cô bé vừa bước vào quán nước, bước ra từ trong ánh điện chớp nháy mờ ảo là một người đàn ông đeo kính khoác tay một người đàn bà trong chiếc đầm hồng với chiếc túi xách quen thuộc. Thục Nhi nhìn theo. Choáng váng. Thục Nhi quỵ xuống bậc thềm. Châu Ly hoảng hốt:
– Sao vậy, Thục Nhi?
Đứng dậy nương theo Châu Ly, Thục Nhi nói:
– Chóng mặt quá!
– Nhà ngươi trúng gió rồi.
– Không sao đâu. – Thục Nhi lắc đầu, nói nhanh.
– Xin dầu cạo gió cho nhà ngươi nha.
– Ta nói không sao mà.
Châu Ly nhanh nhảu:
– Ăn chè?
– Cũng được. – Thục Nhi hờ hững nói theo.
Uể oải đưa muỗng chè lên miệng, Thục Nhi ngồi thừ người ra như phỗng đá. Châu Ly tưởng Thục Nhi trúng gió thật nên để bạn ngồi nghỉ. Thục Nhi ngả người vào ghế, lim dim,…
o0o
“Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”
Lời ca trầm bổng, khoan nhặt. Thục Nhi dù đang trĩu nặng mà cõi lòng vẫn chắp cánh bay bổng theo khúc hát ngân vang. Từ nay, từ đêm giáng sinh này, bao hình ảnh đẹp về mẹ bỗng thay hình đổi sắc, mơ ước như mất đi đôi cánh. Thục Nhi nâng lòng lên cho nhạc lòng cũng cao cung vượt trên những cơn bàng hoàng. Cô bé chợt thấy mình trưởng thành, trưởng thành hơn ngay trong đống xà bần mơ ước của mình.
Mùa Đông không đủ làm Thục Nhi giá lạnh mà lại cảm thấy ấm nóng bằng những giọt nước mắt trôi đi nỗi hờn giận mẹ. Mẹ ơi! Một khoảng cách không xác định giữa mẹ và con đã hình thành. Con không giận mẹ đâu. Nhưng mẹ ơi, con thấy như con đã mất điều gì quý giá và thiêng liêng nhất.
oOo
Thục Nhi nằm mê man. Thi thoảng gọi mẹ trong cơn mê sảng. Vừa thấy Thục Nhi mở mắt, Châu Ly liền khẽ gọi:
– Thục Nhi, khỏe nhiều chưa?
Thục Nhi thắc mắc việc mình nằm ở đây. Châu Ly kể lại đêm qua. Xong lễ nửa đêm, khi ra đường về nhà thì Thục Nhi bị tai nạn, mất máu nhiều. Nếu mẹ không tiếp máu thì Thục Nhi khó được cứu sống. Thục Nhi khăng khăng không tin. Châu Ly ôn tồn:
– Đó là sự thật. Không tin là quyền của mày. Không người mẹ nào lại không thương con mình. Sự hối hận luôn là sự muộn màng. Tùy mày. Tao không biết nói sao hơn khi mày không tin sự thật.
Thục Nhi nôn nóng và bật khóc:
– Nhưng…
– Mày cứ khóc cho vơi nỗi lòng. Đôi khi người ta cũng cần khóc để rửa sạch vết buồn.
Ngừng một lát, Châu Ly nói tiếp trong khi Thục Nhi vẫn thút thít:
– Biết mày đang giận nên bác gái lánh mặt lúc này và nói tao đừng cho mày biết ai đã cho máu. Có người mẹ nào không buồn khi thấy con cái hiểu lầm và đối xử với mình như thế?
Có tiếng mở cửa. Mẹ Thục Nhi bước vào. Gương mặt bà tái nhợt với vẻ đuối sức.
– Thục Nhi, con khỏe rồi chứ? Mẹ lo cho con quá!
– Mẹ. – Cô bé nghẹn ngào.
Bà ngồi xuống bên cạnh vừa vuốt tóc con gái vừa âu yếm:
– Nín đi con. Ngày nào đó con sẽ hiểu lý lẽ của trái tim và tình mẹ.
– Con xin lỗi mẹ.
Bà nựng con gái:
– Khờ quá, chó con ơi!
Những giọt nước mắt nồng ấm. Ngoài kia nắng nhẹ nhưng chan hòa làm tan băng giá mùa Đông. Cõi lòng ai cũng ấm áp tình thương yêu kỳ diệu. Căn phòng nhỏ tràn ngập an bình và hạnh phúc. Bà vừa cười vừa nói:
– Châu Ly, con cắt bánh để ăn Réveillons thay đêm qua đi!
Thục Nhi vui vẻ:
– Dạ.
Thục Nhi thấy lòng mình thực sự bình an trong tình yêu Chúa Hài Đồng và hạnh phúc vì có mẹ. Thục Nhi thầm nghĩ: “Ba mất lâu rồi, mình cũng lớn rồi, và mẹ cũng có quyền tìm hạnh phúc cho mình. Đó là chuyện đời thường. Mình không có quyền ích kỷ với mẹ”. Thục Nhi vừa cắt bánh vừa mỉm cười…
Viễn Dzu Tử
Nguồn: Lam Hồng