Người đi xem tạc tượng ai cũng ngạc nhiên, thắc mắc tại sao ngay phía sau các bức tượng tạc luôn có treo hình khúc gỗ khổng lồ. Những bức hình này được lộng kiếng, trong khung cẩn thận, treo cao phía đầu mỗi bức tượng. Nhìn tấm hình chụp và bức tượng trong đầu người nào cũng hiện lên hình ảnh tương phản rõ ràng. Một bức tượng đẹp tuyệt vời bị tấm hình chụp khúc gỗ phía trên làm cho mất đẹp. Nói về nghệ thuật thì các bức hình kia hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn của nghệ thuật. Các bức hình xem ra chụp cho có hình nhiều hơn là hướng về nghệ thuật chụp ảnh. Có lẽ mục đích của thợ chụp hình cũng không quan tâm đến nghệ thuật. Nếu nói về thẩm mĩ thì nó hoàn toàn mất thẩm mĩ. Ngay cách trình bày, trưng hình, treo hình cũng không mang tính thẩm mĩ. Thắc mắc trong đầu nhưng mấy ai quan tâm hỏi người thợ điêu khắc tại sao lại làm thế. Nhiều người chỉ thoáng bước qua cửa rồi ngoảnh ra không muốn tiếp tục xem tượng nữa. Người tạc tượng cũng không quan tâm. Khó có thể đoán biết trong đầu anh nghĩ gì khi thấy khách vừa bước qua ngưỡng cửa đã bị những tấm hình chụp kia ngăn lại. Mãi cho đến một ngày kia tôi đi ngang nơi anh tạc tượng, đúng lúc đó trời đổ mưa, hạt mưa càng lúc càng to, càng nặng. Anh nghỉ tay nhìn mưa rơi. Nhìn những bong bóng nước mưa cuốn theo giòng nước nổ tan biến mất trong giây phút. Tôi lẩm nhẩm đếm bong bóng nước nổ, một, hai, ba bốn. Anh lên tiếng nói bâng quơ:
– Đếm cho đến bao giờ mới hết.
Tôi quay nhìn anh đáp:
– Hết mưa cũng là lúc cái bong bóng nước cuối cùng nổ tan xác.
Tôi tiếp:
– Nổ tan xác nên khỏi cần chôn, cất, an táng.
Anh nhìn tôi không nói gì. Thấy câu chuyện cụt ngủn, mất hứng tôi vội chuyển đề tài. Tôi nhìn những tấm hình treo đầu tượng nêu thắc mắc:
– Các tấm hình này anh chụp cùng lúc hẳn?
Anh nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên. Lúc sau anh lên tiếng đáp cụt lơ:
– Không thể.
Bây giờ đến phiên tôi ngạc nhiên. Anh nhìn tôi lên tiếng:
– Có thấy liên hệ giữa hình và tượng không?
Tôi nghĩ trong đầu thấy hình chụp và tượng không liên quan gì đến nhau, ngoại trừ cả hai đều là gỗ. một là khúc gỗ, hai là tượng gỗ. Thấy vẻ mặt ngớ ngẩn của tôi anh quay nhìn trời. Lúc lâu sau anh lên tiếng:
– Có nhiều giờ không?
Tôi đáp:
– Cũng không bận rộn lắm.
Anh mời:
– Vậy thì vào đây.
Không hiểu anh mời vào làm gì nhưng ngoài trời mưa, tôi theo anh vào.
Anh chỉ cho tôi một khúc gỗ cao vừa đủ làm ghế ngồi, không chỗ dựa lưng.
Anh kéo một khúc gỗ khác tương tự vào giữa làm bàn rồi phía kia khúc gỗ thứ ba đối diện, anh ngồi xuống, chậm rãi pha bình trà. Hai cái ghế và cái bàn bằng ba khúc gỗ, cao bằng nhau.
Mỗi một bức tượng đều có nguồn gốc từ khúc gỗ trong tấm hình treo phía trên. Anh lên tiếng. Tôi không thể tưởng tượng được bức tượng điêu khắc màu sắc tuyệt vời, đường nét sắc sảo kia lại thoát thai từ khúc gỗ xù xì, bẩn thỉu, khô cằn. Nhìn bức tượng toát ra sức sống vô hình, trái lại nhìn khúc gỗ chết đen đủi ai có thể tưởng tượng ra điều liên hệ đó. Nghe anh diễn tả tôi có cảm tưởng khúc gỗ chết khô; thợ điêu khắc ban cho nó sức sống, biến nó trở thành bức tượng sống động.
Anh miên man kể về nghệ thuật tạc tượng và khó khăn riêng của từng loại gỗ khi tạc. Giỏi tay nghề là một chuyện, còn kinh nghiệm xử dụng gỗ quan trọng không kém. Tạc tượng xong, vấn đề đánh bóng tượng cũng lắm công phu. Quan trọng nhất là vấn đề hun khói cho gỗ lên vân, nổi mầu vừa ý. Tất cả đều đòi hỏi nơi người tạc tượng một nghệ thuật cao.
Đầu tiên người thợ nhìn khúc gỗ kĩ lưỡng, quan sát cẩn thận. Nếu không rất có thể rơi vào trường hợp sau khi bắt tay vào việc mới phát giác ra ngay giữa khuôn mặt là thẹo gỗ thì coi như công toi. Mất công đã thế, mất cả khúc gỗ quí dầy công tìm kiếm, tiền chuyên chở. Vì thế người tạc tượng thường dùng rất nhiều giờ quan sát, thẩm định, phán đoán, ước tính làm thế nào tránh thẹo gỗ rơi vào chỗ không thích hợp khi tạc tượng. Nếu có thể lại để chỗ thẹo đó vào đúng chỗ cần có thẹo. Thứ đến lõi gỗ không phải lúc nào cũng đúng tâm gỗ mà khi chính tâm, khi bên cạnh, uốn lượn tùy theo độ thẳng của cây. Chuẩn bị xong bằng đó thứ coi như xong phần việc chính. Hình ảnh bức tượng định vị trong đầu người tạc tượng và đôi tay cứ thế làm việc theo chỉ thị của hình ảnh trong đầu. Người tạc tượng vạc bỏ tất cả những phần vỏ và gỗ tạp. Gọi là gỗ tạp vì thân gỗ không đạt tiêu chuẩn bền bỉ lâu dài so với thời gian; độ co giãn thích hợp với khí hậu, tránh tình trạng nứt nẻ. Sau cùng là mức dễ đánh bóng. Đặc biệt những chỗ cần đường nét sắc sảo chỉ loại gỗ tốt hảo hạng mới tạo được những đường cong tuyệt vời. Tóm lại toàn thân bức tượng chỉ còn lại những phần gỗ tuyệt hảo của gốc cổ thụ. Tất cả những phần dơ bẩn, gỗ xấu, mộc tạp nhạp được đục bỏ sạch. Đôi khi gốc cổ thụ phải ôm quàng hai tay mới hết, đến khi tạc xong tượng chỉ bằng một phần mười của khúc gỗ. Chín mươi phần trăm là gỗ tạp. Chính vì thế mà khó có thể nhận biết tấm ảnh chụp khúc cây và tượng tạc không mang lại dấu tích của gốc cây.
Tất nhiên phần gỗ tạp và vỏ thân cũng không phí phạm nhưng để hun khói cho tượng được bền lâu. Hun khói cùng loại gỗ tạo được mức giẻo dai, đàn hồi tốt hơn là dùng gỗ khác. Hơn nữa khói cũng hoàn thành một lớp keo cùng màu cho toàn thân tượng. Khói cũng thẩm thấu sâu vào thân mộc vì cùng loại mộc cấu kết, làm cho tượng bền bỉ, tránh mối mọt. Một khi khói quyện vào thân mộc hoà chung với nhựa của thân, chúng coi như là lớp sơn bóng tự nhiên, nguyên thủy bảo vệ thân mộc. Lớp sơn bên ngoài phụ làm đẹp, gây phản chiếu hài hoà cho từng bộ phận thích hợp của tượng.
Người tạc tượng kết luận, tượng gỗ chính là đời sống thứ hai của cây sau khi chết đi. Đời sống thứ hai này tồn tại toàn là chính mộc, phần mộc thượng hảo hạng. Chúng không bị khí hậu ảnh hưởng nhiều, mối mọt rất khó làm hại và đời bức tượng cũng tồn lại thiên niên, vạn niên.
Đây cũng chính là hình ảnh bất tử của linh hồn. Một khi thân xác này chết đi linh hồn được thanh luyện trở thành bất tử, hình ảnh người đó lúc còn sống được thanh tẩy trở nên trong sáng, không tì ố, không vết nhơ, bất tử, không còn bị ảnh hưởng bởi xu hướng xã hội, hay tài chánh, tham sân si cuộc đời làm hại. Đó chính là cuộc sống Phục Sinh của người Kitô hữu.
Lm Vũ đình Tường
Nguồn: Tiếng Chuông