Mục Lục
Ngày 1 – 9: Trang 1
* * *
01/01/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Lễ Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa Lc 2,16-21
TIN NHƯ ĐỨC MA-RI-A
“Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19)
Suy niệm: Bà Thủ tướng Đức A. Merkel được tờ báo danh giá Time chọn là nhân vật của năm 2015. Bà được đánh giá là một người nữ có nhiều ảnh hưởng trong việc ổn định hòa bình tại Châu Âu cũng như phần nào các châu lục. Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cũng giới thiệu cho ta một người nữ có nhiều ảnh hưởng trên đời sống đức tin của các tín hữu trên toàn thế giới. Đức Ma-ri-a, người nữ quyền lực ấy được Giáo Hội trình bày như là Mẹ Thiên Chúa, người tiên khởi trong các kẻ tin. Dân Ít-ra-en đã tin Thiên Chúa duy nhất, quyền năng, thương xót; còn Mẹ, hơn thế nữa, Mẹ tin một Thiên Chúa hạ mình nhập thể làm người. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người ấy cao siêu quá, Mẹ phải suy đi nghĩ lại mãi trong lòng mình.
Mời Bạn: Mẹ Thiên Chúa là danh xưng của Đức Ma-ri-a, cũng như Ki-tô hữu là danh xưng của bạn. Đức Ma-ri-a trở nên cao cả nhờ mối tương quan mẹ-con với Đức Ki-tô; bạn cũng được cao trọng nhờ thuộc về Đức Ki-tô, là người em, người môn đệ của Ngài. Đức Ma-ri-a luôn suy gẫm, tìm thánh ý Chúa để thi hành; bạn cũng hãy thực hiện ý Chúa mong muốn nơi bạn.
Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới, tôi nghĩ đến kế hoạch sống đức tin trong năm mới 2016: nỗ lực thực thi lòng thương xót như Đức Ma-ri-a trong Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót này.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, chúng con chúc tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã sinh ra Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa để chúng con cũng tin và sống đúng tư cách môn đệ Chúa Giê-su trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.
02/01/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Th. Ba-xi-li-ô Cả và Ghê-gô-ri-ô Na-di-en Ga 1,19-28
KHÔNG THỂ TỐT HƠN
Khi người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông Gio-an: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” (Ga 1,19-20)
Suy niệm: Trước lối sống thánh thiện khắc khổ của vị ngôn sứ trong hoang địa, trước lời rao giảng kêu mời sám hối bên bờ sông Gio-đan, người đương thời với ông Gio-an Tẩy Giả đã đặt câu hỏi: “Ông là ai?” Đây là cơ hội thuận tiện để ông Gio-an lên tiếng làm chứng: Ông không phải là Đấng Ki-tô, ông chỉ là tiếng hô để dọn đường cho Đấng ấy, thậm chí không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài. Nhờ lời chứng quý giá ấy của ông mà nhiều người đã nhận ra Đấng Ki-tô và tin theo Ngài. Tựa như ông Gio-an Tẩy Giả, cha Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê cũng khiến người ta câu hỏi “Ông là ai?” khi chọn chết thay cho người bạn tù trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Nhờ sự hy sinh cao cả này, cha đã giúp người khác nhận biết mình là một linh mục Công Giáo. Cũng vậy, người ta sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Ki-tô hay là sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa khi ta dám sống yêu thương như vậy.
Mời Bạn: Rao giảng Tin Mừng bằng lối sống yêu thương không phải là phương pháp mới mẻ gì, bởi Chúa Ki-tô đã từng nêu gương cho chúng ta bằng một tình yêu đến cùng với Chúa Cha và với nhân loại. Như thế, khả năng làm chứng phụ thuộc vào mức độ mà chúng ta sống yêu thương với người khác như thế nào.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày hãy cố gắng duy trì một việc bác ái với tâm nguyện trở nên thương xót giống Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, xin cho con dám quên mình vì người khác để được nên giống Chúa hơn. Amen.
03/01/16 CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH – C
Mt 2,1-12
TÌM CHÚA HAY TÌM MÌNH?
“Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (Mt 2,8)
Suy niệm: Lễ Chúa Hiển Linh nhắc nhớ rằng: Chúa vẫn luôn hiện diện với con người và Ngài vẫn tỏ mình ra qua mọi dấu chỉ, mọi biến cố. Nhưng vấn đề là con người có nhạy bén để nhận ra Ngài không? Bạo vương Hê-rô-đê cũng muốn tìm Chúa, nhưng không phải để tôn thờ mà tìm để giết Chúa, vì ông sợ mất ngai vàng. Còn ba nhà đạo sĩ thì bắt đầu từ việc nghiên cứu các vì sao, họ đã dấn thân vào một cuộc hành trình đầy gian lao, nguy hiểm để tìm cho được Vua Vũ Trụ. Họ đã gặp được Ngài nơi Hài Nhi Giê-su bé nhỏ, nghèo hèn! Và họ “sấp mình thờ lạy,” dâng kính những lễ vật để tỏ lòng thần phục vị Vua Vũ Trụ mà họ vừa được triều bái. Cũng một việc “tìm Chúa”, nhưng mục đích lại rất khác nhau! Vì đi tìm Chúa khác với tìm mình.
Mời Bạn kiểm điểm: Lâu nay tôi đang trên đường tìm Chúa hay tìm mình? Tìm Chúa để tôn thờ Ngài? Hay tôi tìm chỉ để xin Ngài ban cho tôi một điều gì đó? Hoặc có khi tôi làm công việc của Ngài, nhưng để cho danh tôi được nổi? Hoặc tôi chỉ tìm Ngài khi “thuận buồm xuôi gió,” còn khi gặp khó khăn, tôi dễ dàng bỏ Ngài? Các nhà đạo sĩ hôm nay nhắc nhở chúng ta thanh tẩy mọi ước muốn ích kỷ vụ lợi để dấn thân tìm Chúa mọi giây phút trong cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Xét mình: – Trên đường tìm Chúa, gặp khó khăn, tôi sẽ phản ứng ra sao? – Đâu là trường hợp tìm Chúa một cách trá hình?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm Ngài là lẽ sống của con, để con luôn trung thành dù gặp gian khổ, vì biết rằng Chúa vẫn ở bên con.
04/01/16 THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Mt 4,12-17.23-25
CHÚA DỌN NHÀ
Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li. (Mt 4,12)
Suy niệm: Hôm nay Chúa dọn nhà: Ngài bỏ Na-da-rét chuyển về Ca-phác-na-um. Điều đó có nghĩa là Chúa phải từ bỏ một nếp sống đã quen thuộc suốt 30 năm qua, để dấn thân vào một cuộc sống khác, bấp bênh “không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20); Chúa “dọn nhà” để tiếp tục cuộc từ bỏ đã bắt đầu khi Ngài “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” của một vị Thiên Chúa, để “mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế” (x. Pl 2,6-7). Chúa dọn nhà để bắt đầu giai đoạn mới trong sứ vụ của Ngài: Ngài đến ở Ca-phác-na-um, “thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,” vùng đất của dân ngoại, để đem Ánh Sáng Tin Mừng toả chiếu cho muôn dân, cho “đoàn dân đang ngồi trong tối tăm được thấy một ánh sáng huy hoàng” (Mt 4,16).
Mời Bạn: Chúa Giê-su “dọn nhà” từ Thiên Quốc xuống làm người nơi trần gian để mạc khải cho chúng ta “dung mạo hữu hình của Chúa Cha vô hình” (Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót). Chúng ta được kêu gọi tiếp tục sứ mạng của Đức Ki-tô là có lòng “thương xót như Chúa Cha” để loan báo và làm chứng cho thương xót của Chúa cho nhân loại đang sống trong thế giới vô cảm ngày nay.
Chia sẻ: “Chỉ có 2 trong 10 người Việt sẵn sàng ngăn chặn cái ác” (Tuổi Trẻ 28/12/2015). Bạn nghĩ gì về nhận xét trên? Đức ái Ki-tô giáo có giúp bạn đủ dũng khí để sẵn sàng chống lại các ác không?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm biến kinh “Thương người có 14 mối” thành hành động cụ thể của bạn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
05/01/16 THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,34-44
BẺ RA VÀ TRAO BAN
Đức Giê-su đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi.” (Mc 6,37)
Suy niệm: Khi nói về thực phẩm, ta thường nghĩ đến các chất dinh dưỡng và số lượng calori thực phẩm ấy cung cấp. Thật ra, thực phẩm còn mang ý nghĩa linh thánh: đó là hồng ân Chúa ban để ta có dịp chia sẻ, bày tỏ tình liên đới với đồng loại. Tin Mừng hôm nay cho thấy các môn đệ đã có thái độ bi quan, tránh né trước cơn đói của dân chúng. Trước tiên là giải pháp đùn đẩy trách nhiệm: giải tán dân chúng để họ tự tìm kiếm gì để ăn; thứ đến là lý luận: 200 quan tiền bánh (hơn sáu tháng tiền công) cũng chẳng thấm thía gì với đám đông như vậy. Thế nhưng, chỉ cần phần đóng góp từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, phép lạ vĩ đại đã xảy ra. Trong tay Đức Giê-su, ít cũng hóa ra nhiều. Bẻ ra và trao ban là hai động tác giúp làm dịu cơn đói của người thiếu thốn.
Mời Bạn: Có một quy luật tự nhiên huyền nhiệm tuyệt vời: ba điều ta khao khát nhất trên đời là hạnh phúc, tự do, và an bình tâm hồn, ta chỉ đạt được khi biết chia sẻ chúng cho người khác. Bạn đừng sợ mình có quá ít khả năng, của cải… để chia sẻ. Hãy tập chia sẻ, bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc, tự do, và an bình hơn bao giờ hết từ xưa đến nay.
Sống Lời Chúa: Tôi tập bẻ ra và trao ban thời giờ, khả năng, vật chất, sự quan tâm… cho người khác, như một cách sống lòng thương xót của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa thương xót đám đông bơ vơ, và bày tỏ lòng thương xót ấy không chỉ bằng việc giảng dạy Tin Mừng Nước Trời, mà còn cho họ ăn no nê. Noi theo lòng thương xót của Chúa, xin cho con biết sẵn sàng bẻ ra và trao ban những gì mình có cho những người anh em chung quanh, đặc biệt trong Năm Thánh này. Amen.
06/01/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
NÉT ĐẸP GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện. (Mc 6,46)
Suy niệm: Hình ảnh ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt sum họp trước bàn thờ gia đình để cầu nguyện chung với nhau quả là một nét đẹp bình dị của đời thường mà lạ thay, không dễ mấy gia đình có được! Hình ảnh tốt đẹp ấy cho thấy niềm tin của người Ki-tô hữu không chỉ mang tính cá nhân, mà còn mang tính tập thể, là niềm tin của cả Giáo Hội. Gia đình lại chính là Giáo Hội thu nhỏ. Vì thế, Giáo Hội luôn khuyến khích chúng ta xây dựng gia đình dựa trên nền tảng cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Duy trì giờ cầu nguyện chung trong gia đình, đó không chỉ là truyền thống tốt đẹp của gia đình Công giáo, mà còn có tác dụng loan báo Tin Mừng cho những gia đình anh em lương dân chung quanh môi trường chúng ta đang sinh sống.
Mời Bạn: Ngày nay do áp lực công việc, giờ giấc học hành, cũng như của nhu cầu giải trí, các gia đình Ki-tô giáo đang đánh mất dần nét đẹp của hình ảnh gia đình đồng tâm cầu nguyện. Gia đình bạn thế nào? có còn duy trì được giờ đọc kinh chung với nhau mỗi tối không?
Sống Lời Chúa: Ý thức bao ích lợi của việc cầu nguyện chung, tôi quyết tâm tập thói quen cả nhà cùng cầu nguyện trong giờ kinh tối trong năm mới 2016 này. Đó là cách xây dựng đời sống đức tin và cũng là cách xây dựng hạnh phúc gia đình: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa ưa thích tìm nơi vắng vẻ, giờ khắc thinh lặng để cầu nguyện với Chúa Cha. Noi gương Chúa, xin cho gia đình chúng con cũng biết dành thời gian để mọi thành viên của gia đình sum họp cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Amen.
07/01/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Thánh Rây-mun-đô, linh mục Lc 4,14-22a
SỐNG TRONG NĂM HỒNG ÂN
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi… Người đã sai tôi đi… công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18.19)
Suy niệm: Năm Toàn Xá (Năm Thánh) được sách Lê-vi (ch. 25) qui định như sau: dân Ít-ra-en phải cử hành Năm Thánh cứ mỗi 50 năm, để thiết lập sự hòa giải giữa con người với nhau và với Thiên Chúa. Trong Năm Thánh ấy, nô lệ được phóng thích, đất đai thế chấp được trả về chủ cũ, nợ nần được tha. Qua dòng lịch sử, Dân Chúa cũng duy trì niềm hy vọng sẽ có một Năm Thánh mà Thiên Chúa sẽ cử hành. Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, “hôm nay” Đức Giêsu đã khai mở Năm hồng ân đó: Ngài hiện diện và thi thố lòng thương xót cho kẻ nghèo hèn, kẻ bị giam cầm, người mù, người bị áp bức, đưa con người bước vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa, được tham dự vào đời sống Thiên Chúa, gọi Người là Cha.
Mời bạn: Năm Thánh Lòng Thương Xót đã bắt đầu. Ước gì khi hòa nhịp vào biến cố này với Giáo Hội, bạn cảm nghiệm được rằng: “Thương xót là nhịp cầu nối Thiên Chúa và con người, mở trái tim chúng ta cho niềm hy vọng rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương đến muôn đời, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 2).
Sống Lời Chúa: Hai việc cần làm trong Năm Thánh này: Lãnh nhận lòng thương xót Chúa và thực thi lòng thương xót với người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin sai Thần Khí Chúa đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con; để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới, có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo, công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức, trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa. Amen. (Kinh Năm Thánh).
08/01/16 THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-16
TIN, TÍN THÁC VÀO CHÚA
Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. (Lc 5,13)
Suy niệm: Một bàn tay đụng chạm, một lời được thốt ra: “Tôi muốn, anh hãy sạch đi,” và lạ lùng thay, hiệu quả xảy ra ngay tức thì! Thế nhưng, không phải bất cứ bàn tay và môi miệng nào cũng làm được điều kỳ diệu ấy, mà phải là của Đức Giê-su. Điều kỳ diệu đó nay được tiếp tục trong các bí tích, để khi các thừa tác viên được Đức Giê-su ủy thác cử hành các bí tích ấy bằng lời nói và cử chỉ, thì hiệu quả của ơn cứu độ, Lòng Thương Xót của Chúa cũng phát sinh ngay lập tức nơi người lãnh nhận. Tuy nhiên, để được hiệu quả ấy, một điều không thể thiếu là đức tin của người lãnh nhận. Tin là đón nhận Đức Ki-tô đến gặp gỡ tôi, Người là Đấng thực hiện nơi tôi tất cả những gì mà thế gian không làm được (x. Ga 6,67-68).
Mời Bạn: Mỗi lần lãnh nhận bí tích, bạn có tin nhận Chúa Giê-su thật sự hiện diện, làm cho đời bạn thật dồi dào ơn Chúa, Lòng Thương Xót của Ngài? Nếu tin, sao bạn còn thờ ơ, lãnh đạm với Lời Chúa và ân sủng Chúa ban. Một trong những đường hướng Đức Phan-xi-cô vạch ra để dân Chúa sống Năm Thánh Lòng Thương Xót đạt hiệu quả tốt nhất là siêng năng cử hành và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa. Bạn đã sẵn sàng thực hiện lời nhắn nhủ ấy chưa?
Sống Lời Chúa: Luôn tâm nguyện hoặc khẩu nguyện câu: Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.
Cầu nguyện: “Con tin Chúa ơi! Chúa chính là niềm vui con; tình Ngài đỡ nâng cho con qua muôn ngàn gian khó. Con tin Chúa ơi! Chúa chính là niềm an ủi con. Ngài hằng chở che cho con thoát những ngày tối tăm.”
09/01/16 THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
ĐỂ DANH CHÚA ĐƯỢC CẢ SÁNG
Gio-an Tẩy giả nói: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
Mời bạn quan sát cuộc đối thoại giữa Gio-an Tẩy giả và các môn đệ. Các môn đệ của Gio-an rõ là ‘khéo lo’ cho thầy mình. Họ thấy Chúa Giê-su là người trước đây đã đến chịu phép rửa của thầy mình, bây giờ cũng làm phép rửa và càng ngày càng thu hút dân chúng, nên họ lo ngại thế giá của thầy mình bị lu mờ. Họ báo cáo tình hình cho thầy mình nghe, nhưng lời lẽ của họ không dấu được vẻ ghen tỵ. Gio-an Tẩy giả thật xứng danh là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế cả trong việc giáo dục môn sinh của mình. Ông tự làm mình lu mờ đi, để dạy cho các môn đệ biết vai trò đích thực của “người được sai đi” làm sứ giả của Đấng Mê-si-a và hơn nữa không ít lần ông đã sai họ đến với Chúa Giê-su để họ trở thành môn đệ Người.
Bạn ơi, bạn được mời gọi để làm Gio-an Tẩy giả ngay nơi bạn sống: Thay vì tạo những hào quang củng cố chính mình hay gây gương xấu cản lối tha nhân đến với Chúa, chúng ta hãy biết làm mình “lu mờ đi” để “tiếng nói của Chúa Ki-tô được nghe thấy”. Thư chung của HĐGMVN 2007 vẫn còn tính thời sự: những nhà giáo dục, các thầy cô giáo, nói rộng ra, mọi Ki-tô hữu đều là những người có trách nhiệm giáo dục đức tin. Họ chính là “đại sứ của Đức Ki-tô… bằng chính đời sống và lương tâm kitô hữu,” nhờ đó “mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa” (số 26).
Sống Lời Chúa: Tìm đọc và học Thư chung của HĐGMVN 2007 về giáo dục Kitô giáo. Bạn và nhóm của bạn làm gì cho những người đang bị thiệt thòi về giáo dục văn hoá và giáo dục đức tin?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng và lòng háo danh, để con liên lỉ tìm kiếm và thi hành ý Chúa.