24/01/16 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – C
Lc 1,1-4;4,14-21
KHÔNG AI BỊ LOẠI TRỪ
“Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19)
Suy niệm: Tại một số thành phố lớn, trên những tuyến đường sang trọng mọc lên những tấm biển cấm đánh giày, cấm bán hàng rong, cấm lưu thông các loại xe thô sơ, xe ba bánh, xe đẩy… Để đảm bảo vẻ mỹ quan thành phố, vì sự nghiệp phát triển, đám lê dân “trán dồ, răng hô” không có chỗ trên sân chơi “đẳng cấp” đó. Bức tranh thế giới hiện đại được khắc hoạ bằng những nét thật khốc liệt: Hố ngăn cách ngày càng lớn giữa một thiểu số chiếm hữu phần lớn tài nguyên trong khi đại đa số nhân loại chia nhau phần nhỏ còn lại. Ngay từ đầu cuộc sống công khai, Chúa Giê-su đã xác định đường hướng cho sứ vụ của Ngài là loan báo Tin Mừng cho người nghèo, không loại trừ ai. Lời tiên tri I-sa-i-a ứng nghiệm khi chính Ngài mặc lấy thân nô lệ, hạ mình vâng lời chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,7-8) để mở ra “một năm hồng ân của Chúa.”
Mời Bạn: Năm Thánh “Lòng Thương Xót” là thời gian cao điểm để Hội Thánh là hiền thê của Đức Ki-tô “noi theo cách sống của Ngài, Đấng đến với mọi người không trừ ai,” tiếp tục sứ mạng “loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa” để nhờ đó Thiên Chúa có thể “đụng chạm tới con tim và khối óc của con người” (Tông Sắc, số 12).
Sống Lời Chúa: Từ bỏ hưởng lợi cách ích kỷ để sẵn sàng chia sẻ với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con nên giống Chúa, là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, để chúng con, với lòng hăng say mới, sẵn sàng đem Tin Mừng đến cho người nghèo, bị áp bức, bị lãng quên.
25/10/16 THỨ HAI TUẦN 3 TN
Th. Phao-lô, tông đồ trở lại Mc 16,15-18
Kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho các ki-tô hữu hợp nhất
LỆNH LÊN ĐƯỜNG
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Khi hoàn tất sứ mạng trần thế theo lệnh của Chúa Cha, Đức Giê-su đã ký lệnh lên đường cho các Tông đồ. Người ký lệnh là Đức Giê-su, người nhận lệnh là các Tông Đồ và Hội Thánh, sứ vụ phải thực hiện là loan báo Tin Mừng, địa điểm công tác là tứ phương thiên hạ, đối tượng phục vụ là mọi loài thọ tạo. Mệnh lệnh rõ ràng, và dứt khoát phải được thực hiện dù thuận lợi hay không, kể cả hy sinh mạng sống. Bất tuân chống lệnh, đào ngũ, buông khí giới hoặc đầu hàng theo địch… đều là tội đại nghịch. Một mệnh lệnh triệt để mang tính sống còn như thế, đòi hỏi người lính, là các môn đệ, phải ‘tự hiến và tận hiến’ cho lý tưởng, không chần chừ do dự, không thỏa hiệp và nỗ lực “hết lòng, hết sức, hết trí khôn’ để xứng đáng là đạo quân tinh nhuệ của Đức Ki-tô.
Mời Bạn: Lệnh lên đường của Đức Giê-su đòi hỏi mọi tín hữu từ bỏ tháp ngà-pháo đài đóng kín của tâm hồn để đi ra khỏi chính mình, đến với tha nhân ở tận “vùng ngoại biên.” Mệnh lệnh thì dứt khoát, lý tưởng thì cao cả, nhưng phận người lại mỏng giòn yếu đuối, kẻ thù bủa vây tứ phía. Làm thế nào để thực hiện và hoàn tất, nếu không để Đức Giê-su trực tiếp huấn luyện và trang bị vũ khí thích hợp, vì “không có Thầy, anh em không thể làm gì được.”
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày gia đình tôi sẽ đọc, suy niệm, chia sẻ Lời Chúa và quyết tâm thực hiện một việc cụ thể.
Cầu nguyện: Sốt sắng đọc Kinh Năm thánh Lòng Thương Xót, với tâm tình cầu nguyện.
26/01/16 THỨ BA TUẦN 3 TN
Th. Ti-mô-thê-ô và Ti-tô, giám mục Lc 10,1-9
TIN MỪNG BÌNH AN
“Nếu ở đo, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.” (Lc 10,6)
Suy niệm: Đường đời đâu có bằng phẳng và đường theo Chúa cũng chẳng bằng phẳng gì. Có nơi người ta sẵn sàng đón sứ giả của Chúa; có nơi người ta thẳng thừng từ chối. Chính vì thế các môn đệ Chúa luôn phải đối mặt với cơn cám dỗ chiều theo lối sống thế gian mà bỏ qua lòng trung thành với Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài. Cơn cám dỗ càng dữ dội khi truyền thông đang lèo lái đám đông nại vào lòng thương xót của Chúa để buông thả theo dục vọng thấp hèn, khiến cho người sứ giả của Chúa lắm lúc cũng phải hoang mang. Tuy nhiên, sứ giả “có trách nhiệm không thể được hướng dẫn bởi lòng thương xót mù mờ”, mà phải trung thành với Lời Chúa để mọi người được nghe lời cứu độ và được bình an. Nếu sứ giả của Chúa hôm nay loan báo một thứ tin vui khác lạ với Tin Mừng, hoặc chỉ loan báo một phần của Tin Mừng, thì cả sứ giả và người nghe sứ giả chẳng nhận được sự thật và chẳng chẳng có bình an.
Mời Bạn: Thánh Ti-mô-thê-ô và Ti-tô đã dâng hiến cuộc đời loan báo Tin Mừng và trung thành với lời Chúa. Hằng ngày thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, bạn có quyết tâm trung thành với Tin Mừng và đức tin đã lãnh nhận không?
Sống Lời Chúa: Đọc kinh chung và chia sẻ lời Chúa trong nhóm hay trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa chính là Lòng-Thương-Xót của Thiên Chúa làm người. Xin cho con trung thành giới thiệu Chúa cho mọi người và trung thành với ý muốn của Chúa để anh chị em con được bình an.
27/01/16 THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Th. An-giê-la Mê-ri-xi, trinh nữ Mc 4,1-20
HÃY GIEO CÁCH HÀO PHÓNG
“Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường,… sỏi đá,… bụi gai,… đất tốt…” (Mc 4,3-8)
Suy niệm: Hoàn cảnh địa lý vùng Pa-lét-tin hiếm có những khu đất tốt bằng phẳng, thuận lợi. Người gieo phải có đôi chút mạo hiểm và hào phóng, tận dụng mọi ngóc ngách để gieo giống mới mong có mùa gặt mai sau. Thế giới ngày nay theo xu hướng vật chất hưởng thụ, chuộng cuộc sống tiện nghi dễ dãi, chẳng khác nào những bụi gai, cỏ rậm hay vệ đường sỏi đá; làm cho Lời Chúa được nghe lọt tai đã là khó, phương chi tìm ra được mảnh “đất tốt” để hạt giống Lời Chúa bám rễ nảy mầm! Chúa dạy các môn đệ của Ngài không được bó tay, nhưng phải gieo, gieo mãi, bất chấp lòng người là sỏi đá, vệ đường hay bụi gai. Điều này đòi hỏi nhà thừa sai có một tinh thần dấn thân và phó thác cao. Bởi gieo trồng vun tưới là việc của Phao-lô, của A-pô-lô, của bạn, của tôi, của chúng ta; còn kết quả là do Thiên Chúa (x. 1Cr 3,6).
Mời Bạn: Lòng người dù có là sỏi đá, vệ đường, bụi gai nhưng vẫn có thể được cày xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt. Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo đất. Chẳng hạn các thánh Phao-lô, Au-gút-ti-nô, Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã được biến đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta có sự nhẫn nại và hào phóng đó để Nước Trời được mùa gặt bội thu!
Sống Lời Chúa: Việt Nam đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng còn khá nhiều ‘đất hoang’. Đừng trì hoãn nữa, nhưng hãy gieo cách hào phóng bằng chính sinh hoạt thường ngày.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Năm Thánh.
28/01/16 THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Th. Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ HT Mc 4,21-25
QUẢNG ĐẠI NHƯ CHÚA
“Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy, và còn cho hơn nữa.” (Mc 4,24)
Suy niệm: Mark Zuckerberg, sáng lập viên và là tổng giám đốc công ty mạng xã hội facebook, trong dịp con gái đầu lòng chào đời đã quyết định tặng 99% tài sản của mình (45 tỉ USD) để thành lập một quỹ từ thiện với mục đích phát triển môi trường giáo dục và y tế cho các trẻ em trên thế giới. Trong lá thư rất xúc động gởi con gái, Mark cho biết mình “có trách nhiệm rất lớn trong việc tạo ra một thế giới tốt lành hơn cho con và cho tất cả trẻ em.” Thiên Chúa cho con người được trở nên vô cùng giàu có khi Ngài tặng ban cho họ vũ trụ này làm gia sản; và hơn thế nữa, Ngài còn ban cho chúng ta Người Con duy nhất để đền bù tội lỗi chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hãy dùng cái “đấu quảng đại” ấy của Ngài mà đong đầy tình thương cho anh em, và đáp lại Ngài cũng dùng chính đấu tình thương ấy mà đong lại cho chúng ta.
Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn luôn được mời gọi làm toả sáng các giá trị Tin mừng qua những nỗ lực xây dựng đời sống xã hội tốt đẹp hơn; bằng sự quảng đại dấn thân và cho đi để phục vụ người khác. Nhờ đó bạn cũng được giàu lên trong đời sống đức tin của mình.
Chia sẻ: Điều bạn có thể quảng đại cho đi trong cuộc sống hiện nay là gì?
Sống Lời Chúa: Đọc lại lời ĐGH Phanxicô trong ngày bế mạc đại hội giới trẻ thế giới (2013): “Ai trao niềm vui đức tin sẽ nhận được niềm vui, đừng sợ sống quảng đại với Đức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết sống quảng đại, biết mở lòng ra với Chúa và biết mở lòng ra đón nhận anh em mỗi ngày. Amen.
29/01/16 THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Mc 4,26-34
SỨC MẠNH ÂM THẦM
“Chuyện Nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)
Suy niệm: Nếu bạn gieo một hạt lúa xuống đất, rồi cứ 5 phút bạn moi lên coi thử xem chuyện gì đã xảy ra cho nó, có lẽ bạn sẽ tưởng rằng nó đã chết, nhưng chính lúc ấy cả một qui trình vận hành phức tạp đã bắt đầu khởi động bên trong hạt lúa ấy. Những người nông dân tuy không học lập trình, nhưng họ đã biết vận dụng tiến trình phát triển của hạt lúa một cách nhuần nhuyễn trong việc canh tác của mình. Để hạt giống phát triển, họ làm phần của họ: chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho hạt giống: cày xới đất, bón phân, làm cỏ, v.v… Hạt giống cứ âm thầm phát triển theo qui luật: nẩy mầm, mọc lên, trổ bông kết hạt và trở thành một vụ mùa bội thu. Sức mạnh âm thầm của Lời Chúa cũng thế: một khi hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng người, hạt giống đó sẽ âm thầm mọc lên và sinh hoa trái, bất chấp mọi thế lực cản phá.
Mời Bạn cộng tác vào công việc “canh tác Lời” của Thiên Chúa. Chúa muốn tuyển bạn làm người cày bừa, gieo giống, chăm bón, làm cỏ hay thu hoạch hoa màu trong cánh đồng thế giới. Việc của bạn là làm chứng cho Ngài cách kiên trì và luôn luôn hy vọng; phần còn lại hãy để sức mạnh âm thầm của Lời Chúa hoạt động.
Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm gì về sức mạnh âm thầm của Lời Chúa?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn nói Lời Chúa khi được Thánh Thần thúc đẩy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết kiên trì gieo Lời Chúa dù gặp điều kiện thuận lợi hay không.
30/01/16 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Mc 4,35-41
ĐỨC KI-TÔ LÀ AI ĐỐI VỚI BẠN?
“Người là ai mà cả gió lẫn biển đều phải tuân lệnh Người?” (Mc 4,41)
Suy niệm: Nhạc sĩ P. Kim trong một tác phẩm của mình đã tự hỏi: “Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai vậy?” Đó là câu hỏi mà các tông đồ thốt lên khi tận mắt chứng kiến Thầy mình chỉ nói một lời mà gió và biển đang ào ào sôi sục phải vâng lệnh lặng im ngay tức khắc. Mặc dù được phúc ở gần Chúa, nhưng mãi đến hôm nay, các tông đồ của Chúa mới đặt câu hỏi về con người Giê-su đó. Đặt câu hỏi cũng có nghĩa là đã trả lời rồi: không phải là thường nhân thì phải chăng là Người được Thiên Chúa sai đến? Thế nhưng, ngay lúc đó, các ông đã không trả lời được rành rọt, mà phải với thời gian, đặc biệt là sau khi Chúa sống lại, các ông mới hiểu và nhận ra Người đích thực là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Mời Bạn: “Đối với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Đó cũng là câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải thường xuyên tự hỏi mình về Đức Ki-tô và mối tương quan với Ngài. Chúa Ki-tô vẫn đang hiện diện trong mỗi người chúng ta, cùng đồng hành trong mọi vui buồn, thành công và thất bại của cuộc sống. Làm sao có thể nhận ra Chúa nếu như ta không có mối liên hệ mật thiết với Người! Mời bạn xét lại mối tương quan giữa bạn với Chúa. Những hoàn cảnh đổi thay xảy đến trong đời có làm thay đổi mối tương quan đó không? Bạn có than trách Chúa khi gặp khó khăn thử thách không?
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về Chúa Giê-su hiện diện trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian tâm sự với Chúa Giê-su để sống thân thiết hơn với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là tình yêu của con, xin cho con thêm lòng yêu mến Chúa.
31/01/16 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – C
Lc 4,21-30
ĐÓN NHẬN LỜI HẰNG SỐNG
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (Lc 4,22)
Suy niệm: Nhà bác học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20 là A. Einstein thú nhận: “Khi còn bé, tôi đã học cả Kinh Thánh và sách Talmud. Là người Do Thái, nhưng tôi đã bị khuôn mặt sáng ngời của Đức Giê-su Na-da-rét mê hoặc… Chưa ai đọc các sách Tin Mừng mà không cảm thấy sự hiện diện thật sự của Đức Giê-su. Tính cách của Ngài rung lên trong mỗi từ ngữ. Một đời sống như vậy không huyền thoại nào chứa hết được.” Trước Einstein 20 thế kỷ, dân làng Na-da-rét cũng bị mê hoặc bởi những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người như vậy. Đó không chỉ là lời khôn ngoan của bậc vĩ nhân, mà còn là Lời hằng sống, là Ngôi Lời Thiên Chúa, là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Mời Bạn: “Đức Giê-su là một bậc thầy nghệ thuật không ai bì kịp về khả năng phơi bày cái cốt lõi thâm sâu của chân lý tinh thần” (G. Vermes). Ngài không chỉ nói những lời hay ý đẹp, nhưng còn có thể giúp bạn nhận thức chân lý mang tính sinh tử cho đời mình. Bạn hãy đọc và nghiền ngẫm lời Ngài trong sách Tin Mừng để hiểu được chân lý ấy.
Sống Lời Chúa: Trong năm mới cũng là Năm Thánh này, tôi sẽ dành thời gian mỗi ngày đọc một đoạn Tin Mừng nhằm giúp mình hiểu biết và yêu mến Chúa Ki-tô hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con thán phục lời hay ý đẹp từ miệng Chúa như bao người khác. Thế nhưng, nhiều khi nại cớ bận rộn công việc mỗi ngày, con ngại ngùng khi phải dành thời gian đọc và suy gẫm Lời Chúa. Kế hoạch sống của con trong năm nay là có thời giờ tiếp cận Lời Chúa hằng ngày. Amen.