5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 01-2019


20/01/19 CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – C
Ga 2,1-11

 
RƯỢU CỦA ĐẤNG MÊ-SI-A
“Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” (Ga 2,10)

Suy niệm: Chúa Giê-su nhiều lần sử dụng hình ảnh “rượu” để nói về chính bản thân Ngài. Các Tin Mừng Nhất Lãm coi Chúa Giê-su là “rượu mới”, tức là giao ước mới, để đối lập với thứ “rượu cũ” là giao ước cũ. Còn trong Tin Mừng Gio-an, tác giả cũng dùng một hình ảnh tương tự là “rượu ngon” để đối lập với “rượu xoàng”. Mặc dù không minh nhiên giải thích, nhưng hình ảnh “rượu ngon” trong tiệc cưới Ca-na muốn chỉ về đạo lý Tin Mừng, là chính Chúa Giê-su. Như vậy, từ thứ rượu vật chất tại tiệc cưới Ca-na, Chúa Giê-su mời gọi mọi người phải tìm đến một thứ rượu quý hơn, “rượu Mê-si-a” nghĩa là thứ rượu thiêng liêng cho tâm hồn. Thứ rượu ấy được ban cho nhân loại trong “giờ” Ngài bị treo lên thập giá. Đó là lý do vì sao mà hôm nay Chúa trả lời với thân mẫu của Ngài rằng: “giờ của con chưa đến” (c.4).

Mời Bạn: Những thứ rượu vật chất có thể làm chúng ta say sưa nghiện ngập và làm hại chúng ta. Chìm đắm trong men say đó có thể làm chúng ta xa Chúa, xa anh chị em. Tuy nhiên, thứ rượu thiêng liêng của Chúa thì khác. Chúa ban thứ rượu ấy để những ai đón nhận được “say” trong tình yêu của Ngài. Bạn hãy tìm đến thứ rượu thiêng liêng đó để tâm hồn được gần Chúa, nhờ đó bạn hăng say trong hoạt động tông đồ và làm chứng nhân cho Ngài.

Sống Lời Chúa: Bạn quyết tâm từ bỏ những thứ đam mê xấu để tâm hồn luôn hướng về Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con được say mê Lời Chúa, say “men rượu Mê-si-a” và nhờ đó, suốt đời con chỉ biết say mê một mình Chúa mà thôi.

21/01/19 THỨ HAI TUẦN 2 TN
Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo 
Mc 2,18-22

 
Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA VIỆC ĂN CHAY
“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mc 2,18)

Suy niệm: Ăn chay là việc đạo đức truyền thống trong đạo Do Thái. Việc này phát xuất từ luật dạy, từ tâm tình thống hối ăn năn vì tội lỗi cá nhân hoặc tập thể, từ lòng tự nguyện để khấn xin điều gì tốt đẹp hơn, hay bày tỏ lòng chờ mong Đấng Cứu thế ngự đến. Khi thiết lập đạo mới, Chúa Giê-su không từ bỏ thói quen đạo đức tốt lành này, vì chính Ngài cũng ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa trước khi khởi sự rao giảng Nước Trời. Thế nhưng, Ngài đặt việc ăn chay đúng vị trí của nó: Nước Trời được ví như bữa tiệc cưới vui vẻ mà chú rể là Chúa Giê-su; khi Ngài còn hiện diện giữa họ, các phù rể – các môn đệ – không thể ăn chay, họ mừng vui vì sự hiện diện của Ngài, họ không thể ủ dột buồn bã, vì Chúa chính là nguồn vui đích thực của đời họ.

Mời Bạn: Ki-tô giáo là đạo của niềm vui, niềm vui vì có Chúa đồng hành với ta trong cuộc đời, hạnh phúc vì được Chúa yêu thương, chăm sóc. Sống trong Nước Trời của Chúa, niềm vui luôn được bày tỏ nơi khuôn mặt bạn, trong cách hành xử, cung cách chọn lựa. Tuy nhiên, để có niềm vui ấy, bạn phải chấp nhận tinh thần chay tịnh, chay tịnh trong việc sửa đổi các thói hư tật xấu, chay tịnh trong lời ăn tiếng nói… 

Sống Lời Chúa: Không nên chất vấn khắt khe người khác khi thấy họ không thực hành một số việc đạo đức giống mình, không hỏi ai đó “tại sao” khi không cần thiết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại với Chúa và anh chị em, vì sống như thế, con sẽ biết phải làm thế nào trong mỗi hành vi ứng xử của mình. Amen. 

22/01/19 THỨ BA TUẦN 2 TN
Th. Vinh Sơn, phó tế, tử đạo
Mc 2,23-28

 
SỰ SỐNG CON NGƯỜI LÀ SỐ MỘT
“Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)

Suy niệm: “Sự văn minh khởi sự lần đầu khi một người giận dữ “ném” một lời nói thay vì hòn đá” (S. Freud). Thế nhưng, lời kết án của người Pha-ri-sêu chẳng khác gì hòn đá ném vào thầy trò Đức Giê-su, vì nó có thể “châm ngòi nổ” cho những hòn đá ném vào người vi phạm luật ngày sa-bát. Để biện minh cho các môn đệ, Đức Giê-su dựa vào  trường hợp vua Đa-vít, khi đói, có thể ăn thứ bánh tiến vốn chỉ dành cho các tư tế. Quan trọng hơn, Ngài minh định ý nghĩa đích thực của ngày sa-bát. Ngày sa-bát là ngày dành cho Chúa, dành thời gian thờ phượng Ngài, nhưng cũng là ngày của con người, phục vụ cho sự sống của con người. Đức Giê-su cho thấy sự sống con người quan trọng hơn lề luật, vì lề luật phục vụ cho sự sống viên mãn của con người.

Mời Bạn: “Tôi không quan tâm bạn thích hay không thích tôi… Điều tôi đòi hỏi là bạn tôn trọng tôi như một con người” (J. Robinson). Bạn phải tập nhìn người khác như một con người, một nhân vị, với sự sống và phẩm giá cao cả, chứ không phải dựa trên ngoại hình, cấp bậc, giới lớp… Khi ấy, bạn mới xứng danh là Ki-tô hữu, người thuộc về Đức Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn người khác với cái nhìn của Chúa Giê-su: cái nhìn tôn trọng, thông cảm, yêu mến. Rồi từ cái nhìn “Giê-su” ấy sẽ đưa đến những nghĩa cử phục vụ cụ thể khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con sự sống con người quan trọng hơn mọi lề luật. Xin cho con có trái tim nhân ái của Chúa, để tim con biết rung cảm trước nỗi khổ của tha nhân; nhờ đó, con cũng có cái nhìn của Chúa. 

23/01/19 THỨ TƯ TUẦN 2 TN
Mc 3,1-6

 
LUẬT BÁC ÁI TRÊN HẾT
Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng hay giết đi?”(Mc 3,4)

Suy niệm: Theo truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những người Do Thái đang “chẻ sợi tóc ra làm tư” dò xét, bắt bẻ, để kết án, Chúa Giê-su vẫn can đảm chữa lành cho người bại tay trong ngày sa-bát. Theo luật Do Thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày sa-bát trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài muốn chữa lành cho anh ngay hôm nay. Ngày sa-bát là ngày dành cho Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của mình.

Mời Bạn: Ngày Chúa Nhật, bạn nghỉ ngơi, không phải để ăn chơi, nhậu nhẹt  xả láng, nhưng để thánh hóa ngày ấy. Thánh hóa bằng việc tham dự thánh lễ cách trọn vẹn và sốt sắng, dành thời giờ để quan tâm, chia sẻ tình thương với người chung quanh, đặc biệt với những gia đình khó khăn trong năm “Đồng hành với các gia đình khó khăn.”

Sống Lời Chúa: Hãy quyết tâm thánh hóa ngày Chúa nhật bằng việc thờ phượng Chúa, sống tình mến với người khác để sống tinh thần ngày nghỉ này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng ngày Chúa Nhật theo đúng ý Chúa muốn: dâng lễ sốt sắng, tham gia hội đoàn tông đồ, nghỉ ngơi bồi dưỡng thân xác và tinh thần, chăm lo cho người thân và con cái, quan tâm đến những người nghèo, bệnh tật, neo đơn và đau khổ. Amen. 

24/01/19 thứ Năm tuần 2 tn
Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 3,7-12

 
Liệu có sự thật từ ma qủy?
Các thần ô uế vừa thấy Người liền sụp lạy và hô lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người. (Mc 3,11-12)

Suy niệm: Theo lẽ thường, ma quỷ chẳng muốn ai tin nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Thế nhưng lạ thay hôm nay chúng lại “rao” điều đó công khai trước mặt mọi người. Điều kỳ lạ hơn, chính Chúa Giê-su cấm không cho chúng tiết lộ về Ngài. Phải chăng có gì bí ẩn trong câu chuyện này? Đúng là ma quỷ đang muốn phá đám bằng cách tiết lộ thân thế và sứ mạng cứu thế của Chúa Giê-su, điều mà đúng ra mỗi người phải nói lên bằng sự xác tín của mình. Vả lại, Chúa Giê-su còn lạ gì chiến thuật của ma quỉ! Chúng đã từng đưa chiêu bài “nếu ông là Con Thiên Chúa” để cám dỗ Ngài đi lệch khỏi chương trình cứu độ của Chúa Cha. Nay chúng lại muốn “phá bĩnh” bằng chính những lời có vẻ đúng nhất, thật nhất nhưng lại khiến người ta hiểu sai vai trò cứu thế của Ngài theo kiểu một vị vua trần tục. Và vì vậy Ngài đã cấm chúng nói thêm.

Mời Bạn: Chúng ta dễ bị cám dỗ coi Hội Thánh như một phương thế để đạt được lợi lộc hay quyền lực thế tục. Noi gương Chúa Giê-su chúng ta khước từ thứ sự thật từ ma quỉ để bước theo con đường tự hiến phục vụ trong khiêm tốn và yêu thương. Mặt khác Ngài dạy chúng ta “có thì nói có,” dùng lời nói để xây dựng Hội Thánh thành một “Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình”.

Sống Lời Chúa: Châm ngôn sống: Khiêm tốn phục vụ (Mc 10,43-44) và nói sự thật trong lòng mến (x. Ep 4,15).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tin nhận sự thật Chúa dạy để được quy tụ trong Nước Cha, là Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình.

25/01/19 THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Th. Phao-lô tông đồ trở lại
Mc 16,15-18
 
ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI
Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Để loan báo Tin Mừng, trước hết người môn đệ phải có niềm vui. Niềm vui không do thế gian ban tặng, mà là niềm vui có được nhờ cảm nhận những giá trị từ nơi Chúa Ki-tô, Đấng là Thầy và là Chúa của mình. Những giá trị ấy được Chúa Ki-tô ví như kho báu chôn dưới ruộng; nếu biết được, ta sẽ vui mừng, đánh đổi tất cả để chiếm lấy; còn không, rất dễ bị coi thường, thậm chí đem bán với giá rẻ mạt – như Giu-đa bán Chúa chỉ với ba mươi đồng bạc. Sự khác biệt ấy được thể hiện rõ nơi cuộc đời của thánh Phao-lô: khi chưa cảm nhận được những giá trị từ nơi Chúa Ki-tô, ông là người hăng say lùng bắt các Ki-tô hữu để đem về trị tội; nhưng một khi được cảm hóa bởi Ngài, ông đã khẳng định: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Và “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Mời Bạn: Trước khi sai các môn đệ đi rao giảng, bao giờ Chúa Ki-tô cũng mời gọi họ đến và ở lại với Ngài. Chúng ta cũng không thể rao giảng Tin Mừng, nếu chưa được cảm hóa nhờ ở lại cùng Chúa Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để ở lại bên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ kết hợp với Chúa mà cuộc đời thánh Phao-lô đã sinh nhiều hoa trái. Xin cho con biết dành thời gian ở lại bên Chúa, để có thể nói được như ngài: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi.” Amen.

26/01/19 THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Th. Ti-mô-thê-ô và Ti-tô, giám mục
Lc 10,1-9

 
CUNG CÁCH NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI
“Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà ai, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì sự bình an của anh em đã cầu chúc sẽ ở lại với người ấy… Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: “Triều đại Thiên Chúa đã đến cùng các ông.” (Lc 10,1-9)

Suy niệm: Chúa Giê-su dạy chúng ta về cung cách sống của người được sai đi loan báo Nước Trời. 1/ Cung cách khiêm nhu, hiền lành “như con chiên ở giữa bầy sói”, một sự hiện diện khích lệ chứ không áp đặt niềm tin cho ai. 2/ Cung cách nghèo khó, không ỷ lại vào phương tiện con người và các động cơ trần thế. 3/ Cung cách của người được Thánh Thần sai đi mang bình an và niềm vui đến cho mọi người. 4/ Cung cách sứ giả phúc lành và an ủi, khử trừ những sự dữ, đau khổ thân xác cũng như tinh thần. 5/ Cung cách ưu tiên dành cho Thiên Chúa và sự hiển trị vinh quang Nước Ngài. Nước Trời đã gần kề và đang tới rất nhanh. Việc loan báo Nước Trời quá cấp bách và quá quan trọng, không được phí thời giờ vào những việc vô bổ!

Mời Bạn: Mời bạn đọc cẩn thận và suy gẫm kỹ những lời tuyệt diệu trên đây của Đức Giê-su và dưới ánh sáng của Lời Chúa, hãy kiểm điểm lại cung cách đời sống chứng tá của mình !
Chia sẻ: Cụ thể bạn làm gì để đạt được một trong những cung cách trên ?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy chọn một cung cách mà bạn tâm đắc nhất và áp dụng vào cuộc sống tông đồ của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương huấn luyện và biến đổi các môn đệ Chúa trong cung cách sống như lòng Chúa mong ước.

Chia sẻ Bài này:

Related posts