5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 01-2022

Mục Lục

Ngày 1 – 8: Trang 1

Ngày 9 – 15: Trang 2

Ngày 16 – 22: Trang 3

Ngày 23 – 29: Trang 4

Ngày 30 – 31: Trang 5

* * *

01/01/22 THỨ BẢY CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GS
ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA

Ngày Hòa Bình Thế Giới
Lc 2,16-21

HỒN NHIÊN LOAN BÁO TIN MỪNG

Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (Lc 2,16-17)

Suy niệm: Thật bất ngờ thú vị khi ‘các mục đồng đến thăm máng cỏ’ lại là người kể chuyện về Hài Nhi cho chính cha mẹ của Hài Nhi! Maria và Giuse tuyệt nhiên chẳng nói lời gì trong cảnh này; chỉ có những người chăn chiên hồn nhiên đang kể về “tin mừng” mà họ nhận được, và “cũng là tin mừng cho toàn dân.” Cơ hồ ta có thể nói rằng ở đây khách đang giới thiệu chủ nhà cho… chính chủ nhà! Họ đang giới thiệu em bé trong máng cỏ ấy cho cha mẹ của em: đó là “Đấng Cứu Độ”, là “Đấng Kitô Đức Chúa” (x. Lc 2,10-11). Họ đang kể về kinh nghiệm tuyệt vời, đầy ắp niềm vui, mà họ mới nhận được (từ thần sứ của Chúa) và vẫn đang tiếp tục nhận được ở đây (trong cuộc gặp gỡ em bé này). Và đó là loan báo Tin Mừng, theo cách nói của chúng ta ngày nay.

Mời Bạn: Theo ngôn ngữ thời nay có thể ví von rằng mấy anh chăn bò đang nói về Chúa Giêsu cho một giám mục hay linh mục đang trân trọng lắng nghe, “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Ta nhận ra ai cũng có thể loan báo Tin Mừng và ai cũng cần phải biết lắng nghe Tin Mừng, kể cả từ những phía bất ngờ nhất.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống theo xác tín kép này: (1) sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho anh em bằng cách phù hợp; và (2) sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng được loan báo cho mình.

Cầu nguyệnLạy Mẹ Maria, Mẹ đã sinh hạ và trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại, xin dạy con biết rằng dù con hèn mọn đến mấy, con cũng được mời gọi đón nhận Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người, trong niềm vui.  

 02/01/22 CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH – C
Mt 2,1-12

VẤN NẠN CHO NGƯỜI KITÔ HỮU

Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức vua Do Thai mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (Mt 2,1-3)

Suy niệm: Thật là một điều nghịch lý: Dân Do Thái từ lâu đã trông đợi Đấng Cứu Tinh, họ đã được các ngôn sứ tiên báo, thế mà khi Ngài đến, họ đã không dành nổi cho Ngài một chỗ ở giữa họ, lại còn bối rối xôn xao vì sự xuất hiện của Ngài. Đau đớn thay, họ nắm giữ kho tàng mạc khải mà lại không nhận ra Ngài! Trong lúc ấy, các nhà chiêm tinh đại diện cho thế giới của lương dân chỉ biết lần theo dấu chỉ tự nhiên lên đường tìm kiếm: “Đức vua Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu?” Họ muốn biết để đến thờ lạy Ngài. Hài Nhi mới sinh đó có tầm quan trọng quyết định với cuộc đời họ. Vì thế, họ không ngần ngại chấp nhận một cuộc phiêu lưu đường dài với niềm khao khát gặp gỡ. Cuộc dấn thân của họ càng làm cho câu hỏi họ đặt ra thêm nặng ký.

Mời Bạn: Bạn có cảm thấy thán phục thiện chí và nỗ lực của những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và gia nhập Hội Thánh? Phần chúng ta, bối rối, xôn xao như Hêrôđê hay thao thức với sứ mệnh truyền giáo cho lương dân?

Chia sẻ: Chia sẻ kinh nghiệm nhận biết Chúa qua những dấu chỉ tự nhiên.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy cầu nguyện cho một gia đình lương dân, và giúp họ nhận biết Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa xin cho con luôn thao thức với việc tìm kiếm Chúa và loan báo Tin Mừng cho lương dân. 

 

03/01/22 THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Thánh danh Chúa Giêsu
Mt 4,12-17.23-25

TIẾP NỐI SỨ VỤ CHÚA GIÊSU

Đức Giêsu đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. (Mt 4,23)

Suy niệm: Galilê nằm ở miền bắc Palestine, từ bắc chí nam dài 80 cây số, thời Chúa Giêsu có 294 làng, mỗi làng độ 15 ngàn dân. Khi mới vào đất hứa, miền này dành cho chi tộc Ase, Naptali và Dơvulun nhưng luôn có người Canaan cư ngụ nên đây là vùng cư dân tạp chủng. Sứ vụ của Chúa Giêsu diễn ra hầu hết tại lãnh thổ đông dân và nhiều dân ngoại này. Chính tại đây Chúa đã chia sẻ cuộc sống và làm cho người ta nhận biết và đón nhận tình yêu Thiên Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ngài đã mang ánh sáng cứu độ đến cho những người còn ngồi trong bóng tối tội lỗi và tử thần.

Mời Bạn: Thế giới ngày nay tràn ngập thông tin, kiến thức nhiều nhưng điều minh triết thực lại hiếm hoi. Chúng ta được kêu mời để tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đây không phải thông truyền hiểu biết loài người nhưng là rao giảng sự khôn ngoan, chân lý vĩnh cửu của Thiên Chúa trong niềm tin vào quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi đem Tin Mừng cho người khác, tôi đem cho họ điều cốt yếu nhất cho sự sống của họ.

Chia sẻ: Trong Năm Đức Tin, chúng tôi có việc gì cụ thể để loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa?

Sống Lời Chúa: Sống bác ái là cách tích cực để loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: “Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin, hạnh phúc, và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.” (Thắp Sáng Niềm Tin, 71)

04/01/22 THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
Thánh Elizabeth Seton, nữ tu

Mc 6,34-44 

TẤM LÒNG MỤC TỬ

Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. (Mc 6,34a)

Suy niệm: “Chạnh lòng thương,” đó là xúc cảm cao độ xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, thể hiện qua hình ảnh Vị Mục tử nhân lành, hiện thân rõ nét nơi con người Chúa Giêsu. Khi chứng kiến đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã xúc động “chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” Chúa Giêsu thường tránh xưng mình là Mêsia, là vua, và cấm người khác gọi Ngài như thế; thế nhưng, nhiều lần Ngài nói: “Ta là mục tử nhân lành” (x. Ga 10,1tt). Đây không chỉ là lời nói suông nhưng là một xác tín được chứng minh bằng chính cuộc sống của Chúa. Nhìn thấy họ bơ vơ, “lầm than vất vưởng” (Mt 9,36), Chúa đã “giảng dạy họ nhiều điều.” Chẳng những thế, Ngài còn quan tâm lo cho họ được đầy đủ thức ăn khi bị đói vì theo Chúa; và nhất là Ngài sẵn lòng hiến thân chịu chết vì muôn người, để muôn người được cứu độ.

Mời Bạn: Yêu thương, quan tâm đến người khác là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Mang danh là kitô hữu, chúng ta có bổn phận trở nên những “mục tử” thực thụ, biết quan tâm chăm sóc đến những nhu cầu tinh thần và vật chất của anh chị em mình bằng những hành vi bác ái, bắt đầu từ những việc nhỏ bé, kín đáo nhất. Đó là điều không thể thiếu và là điều Chúa cần đến.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cụ thể cho người đang sống gần mình.

Cầu nguyệnXin cho con có được một tình yêu vô bờ bến và một trái tim nhạy cảm như Chúa. Xin biến con trở thành tấm bảnh bẻ ra, để thoa dịu phần nào sự đói khát của anh chị em đồng loại. 

 

05/01/22 THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
Thánh Gioan Newmann

Mc 6,45-52

NIỀM TIN XUA TAN SỢ HÃI

Các môn đệ cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu phép lạ hóa bánh ra nhiều: lòng các ông còn chai đá. (Mc 6,51-52)

Suy niệm: Các môn đệ có nhiều nỗi sợ: sợ sóng gió (Mc 4,41), sợ ma (Mc 6,49-50), chứng kiến những dấu lạ–như việc Chúa hiển dung—các ông cũng “kinh hoàng”; đã thế, không hiểu lời Chúa, các ông cũng “sợ không dám hỏi lại Ngài” (Mc 9,32). Sợ vì không hiểu thì cũng… dễ hiểu, bởi vì ai có thể hiểu thấu những mầu nhiệm của Thiên Chúa! Đến như Đức Maria cũng không hiểu, cũng sợ nên thiên sứ Gabrien cũng phải trấn an: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Thế nhưng sợ mà không hết sợ, là do “lòng các ông còn chai đá”: vì chai đá, nên dù có được chứng kiến những dấu lạ cũng không hết sợ. Đức Maria nhờ tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được” và chấp nhận “xin vâng” thì nỗi sợ nơi Mẹ tan biến. Với lòng tin Mẹ đã đứng vững dưới chân thập giá. Thế nên không lạ gì, nhiều lần Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36; Lc 8,50…).

Mời Bạn: “Việc đó sẽ xảy ra cách nào?” đó là câu hỏi thường ám ảnh tâm trí những ai rơi vào tình trạng hoang mang sợ hãi. Nhưng với những kẻ tin thì luôn xác tín rằng: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, để rồi nhận ra và thực thi thánh ý Chúa. Việc suy gẫm những biến cố xảy ra trong đời Mẹ Maria luôn là phương thế hữu hiệu giúp ta vượt qua những lo âu sợ hãi.

Sống Lời Chúa: Siêng năng đến với Mẹ Maria để cùng Mẹ xin ơn đức tin.

Cầu nguyệnLạy Mẹ Maria, Mẹ được chúc phúc vì đã tin. Xin giúp chúng con luôn tin những lời Chúa dạy và Hội Thánh truyền.

 

06/01/22 THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 4,14-22

CÁCH CHÚA TỎ MÌNH

Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi… để tôi loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.” (Lc 4,18-19)

Suy niệm: Chúa Nhật vừa rồi Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân. Trong Tin Mừng hôm nay, ngày trong tuần Hiển Linh, Chúa tỏ mình qua sứ vụ của Ngài là Đấng Thiên Sai. Đoạn sách ngôn sứ Isaia mà Ngài đọc trong hội đường ngày hôm ấy, được viết trước đó mười thế kỷ, được ứng nghiệm cho Ngài. Ngài là Vị Thiên Sai đảm nhận sứ vụ, nên Ngài clà Đấng đem lại niềm vui. Người nghèo được nghe Tin Mừng, sao lại không vui? Tù nhân được trả tự do, chắc chắn là mừng lắm! Người mù được sáng mắt, còn niềm vui nào sánh bằng? Sứ vụ của Chúa Giêsu nói lên rằng Ngài là Đấng tha tội, Đấng chữa lành thiêng liêng.

Mời Bạn: Phần đông chúng ta không bị tù đày và mắt chúng ta không bị mù. Chúng ta cũng không bị áp bức phải làm nô lệ cho ai. Nhưng trên phương diện thiêng liêng, rất có thể chúng ta đang bị tù đày, bì kìm kẹp bởi tội lỗi. Con mắt đức tin của chúng ta có thể bị mù. Nay Đấng Thiên Sai đến, Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài qua Lời của Ngài và bí tích hoà giải, hầu cho chúng ta trở thành những con người tự do.

Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình đọc kinh mỗi ngày, trong đó cùng đọc và suy niệm Lời Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con Lời Chúa và bí tích hoà giải như phương thế giải phóng và tha tội cho chúng con. Xin cho chúng con luôn yêu mến Lời Chúa và năng lãnh nhận bí tích hoà giải. 

 

07/01/22 THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH

Thánh Raymunđô, LM
Lc 5,12-16

CẢ HAI ĐỀU MUỐN

Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”… “Tôi muốn, anh sạch đi.” (Lc 5,12-13)

Suy niệm: Có bệnh nhân nào lại không ước ao được khỏi bệnh? Cũng thế, có bác sĩ nào lại không muốn cho bệnh nhân của mình được khỏi bệnh? Người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay thể hiện ước muốn tột cùng được khỏi bệnh của mình bằng cách đến sấp mình trước mặt Chúa để van xin Ngài, bất chấp luật cấm anh xuất hiện trước nơi công cộng. Anh ước muốn khỏi bệnh nhưng chỉ có Chúa mới có thể chữa lành cho anh “nếu Ngài muốn”. Còn Chúa Giêsu, Chúa cũng muốn ngươi phong này được lành sạch lắm chứ; hơn nữa Ngài có thể làm điều đó. Và cũng bất chấp luật cấm đụng chạm tiếp xúc với người phong cùi, Chúa đã đưa bàn tay chạm đến anh để chữa lành cho anh. Cả hai đều muốn. Ước muốn của Đấng quyền năng làm cho điều ước muốn của người phong cùi từ chỗ không có thể trở thành có thể.

Mời Bạn: Bạn cũng có thể là người phong cùi, không phải nơi thân thể mà là trong tâm hồn: nơi trái tim, khi bạn không yêu thương; nơi đôi tay, khi bạn không sẵn sàng phục vụ; nơi môi miệng, khi bạn thốt ra những lời lỗi bác ái… Chúa Giêsu đã muốn lấy hết tất cả tật phong của bạn mà đưa vào thân thể Người mà đưa lên cây thập giá. Còn bạn thì sao? Bạn có ước muốn được khỏi bệnh phong cùi tâm hồn ấy không? Chúa cần ước muốn của bạn để chữa lành bạn.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy siêng năng đến với Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải để được Chúa chữa lành.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, xin kéo con lên khỏi sự ù lì trong tội và làm cho con luôn ước muốn vươn lên sự toàn thiện mỗi ngày. Amen. 

 

08/01/22 THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30

QUI HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ

Ông Gio-an trả lời (cho các môn đệ): “Chính anh em đã làm chứng cho thầy là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,28.30)

Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình mà là nói lời của người sai mình. Gioan đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giêsu–mà sau này điều đó đã thực sự xảy ra–Gioan, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gioan đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học kitô hướng tâm: lấy Chúa Kitô là trung tâm (christocentric).

Mời Bạn: Từ thời của Gioan đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Kitô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Kitô.

Chia sẻ: Giữa các đồng nghiệp, giữa các đoàn thể trong giáo xứ bạn đang có những mâu thuẫn nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Sống Lời ChúaBắt chước tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ. 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.

Chia sẻ Bài này:

Related posts