5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 01-2022

 

23/01/22 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – C

CHÚA NHẬT LỜI CHÚA

Lc 1,1-4.14-21

BÀI GIẢNG BIẾT ĐI

            Họ trao cho Đức Giêsu cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.” (Lc 4,17-18)

            Suy niệm: Năm 1952, dân chúng tụ tập ở ga xe lửa Chicago đón mừng bác sĩ Albert Schweitser, một nhà truyền giáo nổi tiếng ở Phi Châu, vừa được trao giải Nobel hoà bình. Đang được đám đông reo mừng, chợt thấy một người đàn bà có tuổi khó nhọc khuân xách hành lý, ông bèn đến giúp đỡ. Thấy vậy, một nhà báo đã nói: “Hôm nay tôi đã thấy một bài giảng biết đi.” Thực ra, trước đó đã có “một bài giảng biết đi” và là nguồn cảm hứng cho mọi “bài giảng biết đi” khác, đó là chính Đức Giêsu Kitô. Ngài là Lời của Thiên Chúa hoá thành nhục thể, là Lời yêu thương của Thiên Chúa ngỏ với con người. Toàn bộ cuộc sống của Ngài, lời nói và việc làm, đều là Tin Mừng của Thiên Chúa. Nói cách khác, nhận ra Ngài là nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho và sẽ được thúc đẩy tiếp tục loan báo như Ngài.

            Mời Bạn: Chúng ta đã có nhiều nỗ lực loan báo Tin Mừng, nhưng hiệu quả không mấy khả quan. Có thể chúng ta là nguyên nhân thất bại đó bạn, bởi những việc chúng ta làm không phù hợp với Lời Chúa chúng ta loan báo.

            Sống Lời Chúa: Hằng đêm, trước khi ngủ, bạn nhớ xét lại những công việc của mình làm trong ngày, xem chúng có minh hoạ cho Lời Chúa mà bạn chia sẻ với người khác không.

            Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con biết cách loan báo Tin Mừng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng đời sống chứng tá, với một trái tim không ngừng rộng mở. 

 

24 28/01/13 THỨ HAI TUẦN 3 TN

Thánh Phanxicô Salêsiô, GM, tiến sĩ
Mc 3,22-30

TỘI KHÔNG ĐƯỢC THA

Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”              (Mc 3,29)

Suy niệm: Trong các lớp giáo lý — dành cho thiếu nhi cũng như người lớn — khi nhắc đến tội phạm đến Thánh Thần, là thứ tội không được tha, ai cũng thường thắc mắc không biết tội ấy là tội gì, biết để mà tránh sợ ‘mất linh hồn đời đời’, cứ nghĩ rằng chắc là tội ‘to lắm’ đến nỗi không bao giờ được tha. Thật ra, người đã sợ mắc tội-không-được-tha này thì rõ ràng người ấy chưa bao giờ phạm tội đó. Bởi vì nếu một người phạm tội mà xin Chúa tha thứ thì không bao giờ Ngài từ chối. Chỉ những ai từ chối sự tha thứ, không chịu sám hối thì mới không thể được tha: Họ không được tha không phải vì Chúa không tha mà vì họ không muốn được tha; họ từ chối sự tha thứ là vì đã từ chối sự thật, không nhìn nhận thực trạng tội lỗi của mình, nói cách khác, không nhìn nhận Đức Kitô là chính Đấng Cứu độ (Cv 16,30-31).

Mời Bạn: Khái niệm về tội xem ra ngày càng bị lu mờ, sai lệch vì thế mà nhiều khi phạm tội mà cứ viện đủ lý do để cho rằng mình không có tội gì phải sám hối. Thiên Chúa được định nghĩa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài luôn tha thứ hết mọi tội con người phạm nếu người ấy có lòng sám hối. Nhận ra mình là người có tội xúc phạm đến Chúa và tha nhân là điều kiện tiên quyết để được hưởng ơn Chúa tha tội.

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày để nhận ra tội lỗi của mình và xin ơn sám hối.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa đã đến thế gian để gánh lấy tội con. Xin cho con biết mình là tội nhân để luôn trông cậy vào lượng từ bi của Chúa và sống bao dung với anh chị em. Amen. 

 

25/01/22 THỨ BA TUẦN 3 TN
Thánh Phaolô trở lại
Mc 16,15-18

THEO GƯƠNG THÁNH PHAOLÔ

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Cha Cantalamessa diễn tả sự kiện Phaolô trở lại qua hình ảnh sau: Một người đi trong đêm tối cẩn thận giữ ánh sáng ngọn nến khỏi tắt; khi bình minh ló rạng, ánh nến trở nên nhợt nhạt, vô dụng trước ánh sáng rực rỡ của mặt trời. Tim đèn leo lét là công trạng cá nhân trong việc tuân giữ lề luật của Phaolô. Một ngày kia Đức Kitô, mặt trời công chính, đã bừng lên trong lòng ông. Ông ngộ ra công trạng cá nhân chẳng là gì so với ơn cứu độ, sự sống mới của Đức Giêsu. Từ khoảnh khắc ấy, Phaolô “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Từ nay, cuộc đời Phaolô chỉ có một hướng: loan báo Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho mọi người.

Mời Bạn: “Giáo Hội hiện hữu là để loan báo Tin Mừng” (Đức Phaolô VI). Tin Vui ấy không được giữ riêng để chỉ mình bạn, nhưng phải được loan truyền rộng rãi cho mọi người cùng mừng vui. Giáo phận, giáo xứ, hội dòng, đoàn thể, gia đình bạn chỉ hiện hữu có ý nghĩa khi quan tâm, nỗ lực cho công cuộc quan trọng này. Bạn và cộng đoàn của bạn đã coi đây là nhiệm vụ số một chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi và gia đình của mình sẽ coi loan báo Tin Mừng như trung tâm đời sống, chi phối mọi sinh hoạt khác của gia đình.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con noi theo mẫu gương nhiệt thành truyền giáo của thánh Phaolô, coi truyền giáo như lẽ sống của mình giữa thế giới. Chúng con xin ghi nhớ lời Chúa dạy hôm nay: luôn nỗ lực cộng tác với nhau để đưa Tin Mừng Chúa đến cho đồng bào chúng con. Amen. 

 

26/01/22 THỨ TƯ TUẦN 3 TN

Thánh Timôthê và Titô, GM
Mc 4,1-20

“CÓ TAI ĐỂ NGHE” VÀ NGHE GÌ?

Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu.” (Mc 4,11-12)

Suy niệm: Chúa Giêsu kể chuyện dụ ngôn để nói về Nước Trời. Ngài phân biệt thính giả một bên là những người được Chúa gọi là “anh em,” còn bên kia là “những kẻ ở ngoài,” và Ngài tuyên bố kiểu “bất cần”: “Ai có tai để nghe thì nghe!” Vâng tất nhiên “có tai là để nghe,” nhưng vấn đề là nghe gì. Những người đến với Chúa cách hững hờ như những “kẻ ở ngoài,” những khách bàng quan thì “có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu.” Còn nếu là “anh em” thì lại được ban cho hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời. Mà những người được gọi là “anh em của Chúa” là những ai? Thưa là “những người khôn ngoan xây nhà trên đá” nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Mời Bạn: Nghe và thực hành Lời Chúa là tiêu chí số một của những người “anh em của Chúa.” Lời Chúa có sinh hoa kết quả trong đời sống mình hay không là tuỳ ở cách thức đón nhận và thực thi Lời Ngài. Mời bạn xét mình và đánh giá: Bạn có là “anh em” của Chúa chưa? Tại sao?

Chia sẻ: Trong gia đình bạn có đọc và chia sẻ Lời Chúa với nhau không? Lời Chúa có là kim chỉ nam hành động cho mọi người trong nhà bạn không?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm một cách nghiêm túc cách đọc Lời Chúa và kinh gia đình hằng ngày của gia đình Bạn. Có quyết tâm đổi mới thực sự.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp con biết chăm sóc mảnh đất tâm hồn mình, để hạt giống ơn Chúa có thể sinh nhiều hoa trái nơi cuộc đời con. Amen.

 

 

27/01/22 THỨ NĂM TUẦN 3 TN

Thánh Angêla Merici,  đồng trinh

Mc 4,21-25

LÀ ÁNH SÁNG ĐƯỢC DƯƠNG CAO

Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải để đặt trên đế sao?” (Mc 4,21)

Suy niệm: Một nhà văn kể chuyện hai cậu bé lợi dụng lúc cha mẹ vắng nhà đã sơn màu đỏ cho một con gà lông trắng, rồi thả sống chung với đàn gà trắng. Tội nghiệp con gà có màu sắc khác biệt này, nó đã bị đàn gà trắng mổ cho đến chết! Cũng vậy, con người, theo bản năng, luôn trù dập, tẩy chay những người nào sống khác với họ. Không lạ gì ta sợ ăn mặc, cư cử, nói năng, suy nghĩ khác với người chung quanh. Thậm chí vì nỗi sợ khác biệt này, ta không dám sống đúng với ơn gọi, căn tính, bản chất người Kitô hữu. Lời Chúa hôm nay mời gọi ta can đảm dương cao ngọn đèn niềm tin của mình,  tuyên xưng Đấng ta tin và phụng thờ, cũng như mạnh dạn sống đúng như Đấng ấy mong muốn, dù biết rằng sống như vậy là ngược dòng đời, và có thể sẽ gặp rắc rối, ghét bỏ.

Mời Bạn: “Có hai cách để lan tỏa ánh sáng: là ngọn nến cháy hay là tấm gương phản chiếu ngọn nến ấy” (E. Wharton). Cuộc sống của bạn sẽ là ánh sáng được dương cao khi bạn gắn bó với ánh sáng Lời Chúa, rồi phản chiếu ánh sáng ấy qua lối sống đượm chất Tin Mừng của mình. Bạn có muốn là ánh sáng của Chúa không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tuyên xưng niềm tin bằng cách mạnh dạn sống đúng như Lời Chúa mời gọi, dù biết rằng sống như vậy sẽ khác với người lân cận, và có thể bị chế nhạo, trù dập.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, vì sợ khác với người chung quanh, nhiều lúc chúng con không dám sống tinh thần Tin Mừng của Chúa. Xin tha thứ cho chúng con, và xin cũng ban ơn trợ lực để chúng con can đảm sống tinh thần Tin Mừng Chúa giữa dòng đời. Amen. 

 

28/01/22 THỨ SÁU TUẦN 3 TN

Th. Tôma Aquinô, LM, tiến sĩ
Mc 4,26-34

VẪN TIN, DÙ BIẾT HAY KHÔNG!

Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa như hạt giống âm thầm nẩy mầm, mọc lên, trổ bông kết trái… nhưng bằng cách nào thì người gieo giống không biết! Chi tiết “không biết” này rất nên được lưu tâm. Thật vậy, con người càng biết nhiều – mà ngày nay, kho tàng tri thức của con người đã trở nên đồ sộ hơn bao giờ hết – thì người ta càng nhận ra rằng chúng rất hạn chế so với cõi vô minh bao la vô tận. Vũ trụ tự nhiên vận hành thế nào, người ta còn “không biết” huống chi là “Nước Thiên Chúa”! Bài học ở đây là khiêm nhường, nhìn nhận Thiên Chúa, dành chỗ cho Ngài – không phải chỉ ở những chỗ mình không hiểu, không biết, mà là mọi chỗ trong đời ta.

Mời Bạn: Trong đức tin của Abraham, của Đức Maria, luôn có bao hàm yếu tố “không biết”: Abraham lên đường mà không biết mình sẽ được dẫn đi đâu, không biết bằng cách nào mình đã già mà còn có thể trở thành cha của một dân tộc đông đúc. Maria không biết làm sao mình có thể thụ thai, rồi cũng không biết bằng cách nào “triều đại” của Giêsu, con mình, sẽ “sẽ vô cùng vô tận”! Phải chăng nhiều khi sự cố chấp đòi biết tường tận con đường là một cản trở không cho phép ta cất bước lên đường tiến tới những chân trời mới?

Sống Lời Chúa: Tập nhìn ra Chúa trong mọi sự bằng sự ‘hiểu biết’ của đức tin, ngay cả khi trí óc mình bất lực.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, con tin Chúa, nhưng Chúa biết đức tin con hèn yếu; xin ban thêm lòng tin cho con. Amen. 

 

29/01/22 THỨ BẢY TUẦN 3 TN

Mc 4,35-41

SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA

Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,41)

Suy niệm: Có người nói: “Thiên Chúa nói thì thầm với bạn chí thiết, Ngài nói đủ nghe trong tâm hồn bình an, nhưng Ngài la lớn trong cơn đau khổ của chúng ta.” Con Thiên Chúa làm người để nói cho con người biết sứ điệp yêu thương của Chúa Cha nhưng con người lắm khi chỉ nghe bằng đôi tai lơ đễnh vô tình nên không thể nghe được những lời nói thì thầm đầy yêu thương của Ngài. Người xưa nói “khốn nhi tri chi,” chỉ đến khi lâm cơn khốn cùng người ta mới biết Chúa vẫn đồng hành với họ để cứu độ họ. Ngay các tông đồ cũng thế: ở bên cạnh Đức Giêsu bấy lâu nay, được Chúa “đồng hội, đồng thuyền” với mình vậy mà họ tưởng Ngài ngủ quên, để mặc họ bị vùi dập với con thuyền trong cơn sóng gió. Mãi đến khi Ngài quát nạt truyền sóng im biển lặng, họ mới ngỡ ngàng kinh ngạc: “Ngài là ai mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?

Mời Bạn: Bạn và tôi đều đã từng trải qua những cơn sóng gió cam go của biển đời. Đừng nghĩ Chúa ‘ngủ quên’ bạn nhé. Bạn cứ ‘đánh thức’ Ngài đi, và Ngài sẽ lên tiếng mạnh mẽ để cứu bạn. Nhưng bạn đừng để đến lúc ngặt nghèo  mới chạy đến kêu cầu Ngài. Trái lại, hãy dành ra những khoảng lặng trong ngày sống của bạn, để chăm chú lắng nghe tiếng Chúa cùng với cả tấm lòng tha thiết muốn ở bên Ngài, lúc đó bạn sẽ nghe được tiếng thì thầm đầy yêu thương của Ngài. Như thế, khi bạn kêu lên chắc chắn Ngài sẽ đáp lời.

Sống Lời Chúa: Dành ít là 5 phút mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, lâm cảnh ngặt nghèo, con kêu lên Chúa, vì Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin.” (Tv 86,5.7)

Chia sẻ Bài này:

Related posts