5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 01-2024

14/01/24 CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – B
Ga 1,35-42

 

GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ

[An-rê] dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha’’(tức là Phê-rô). (Ga 1,42)

Suy niệm: Hai anh em, An-rê và Si-môn, con ông Gio-an, tên của họ ngày nay sẽ chẳng ai còn nhắc đến, nếu họ vẫn tiếp tục, ngày qua ngày, ‘bám biển bám tàu’ bên bờ hồ Ti-bê-ri-a. Nhưng mọi sự thay đổi khi Đức Giê-su bước vào cuộc đời của họ. Đầu tiên là An-rê, nhờ lời giới thiệu của Gio-an Tẩy giả, đi theo Đức Giê-su và ở lại với Ngài đêm hôm ấy. Thế rồi, ông về giới thiệu và dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Chúa đã đổi tên ông thành ‘Kê-pha’ nghĩa là ‘Đá’. Không chỉ là thay tên đổi họ, nhưng là đổi đời thay vận để xây dựng nền móng của Hội Thánh Chúa Ki-tô. Cả hai được chọn làm Tông đồ. Riêng Phê-rô trở thành thủ lãnh các Tông đồ và là vị Giáo Hoàng đầu tiên của Hội Thánh.

Mời Bạn: “Gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi của đời mình.” Bài hát quen thuộc ấy nói lên kinh nghiệm đổi đời trong cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô. ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI khẳng định: “Là ki-tô hữu không phải là hệ quả của một lựa chọn luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một người; một cuộc gặp gỡ có khả năng mở ra cho đời mình một chân trời mới và một hướng sống có tính quyết định” (Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 1). Đối với bạn ngày hôm nay, Đức Ki-tô không chỉ là một nhân vật dẫu rất tuyệt vời trong quá khứ, mà hơn thế nữa, Ngài là Thiên Chúa đang hiện hữu sống động mà tôi có thể gặp gỡ.

Sống Lời Chúa: Siêng năng gặp gỡ Chúa Ki-tô bằng việc suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con siêng năng gặp Chúa và cũng biết dẫn đưa tha nhân đến gặp gỡ Chúa.

 

15/01/24 THỨ HAI TUẦN 2 TN
Mc 2,18-22

 

VỚI CẢ TẤM LÒNG VÌ CHÚA

Có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,18-19)

Suy niệm: Có một số người thắc mắc rằng tại sao các môn đệ không ăn chay giống như môn đệ Gio-an Tẩy giả hoặc như người Pha-ri-sêu. Chúa trả lời cho họ rằng ăn chay không phải là phong trào, thấy người khác ‘ăn’, mình cũng ‘ăn’ cho giống với họ. Ăn chay ở đây là một hành vi tôn giáo, một việc đạo đức, nó chỉ có ý nghĩa, giá trị khi qui hướng về Chúa, khi được làm vì Chúa, cho Chúa mà thôi. Cũng như khách dự tiệc không ăn chay khi chàng rể còn ở với họ, các môn đệ cũng thế, không thể đau buồn khi đang ở bên Chúa là Nguồn Vui. Đối lại, khi Đức Ki-tô, “chàng rể của họ bị đem đi” trong cuộc Thương Khó, họ không chỉ ăn chay, mà còn “vác thập giá mình mà đi theo Ngài”.

Mời Bạn: Chúa Giê-su luôn chống lại những thực hành tôn giáo chỉ có hình thức bên ngoài, hoặc theo thói quen, rập khuôn cách máy móc mà không có ý thức và tâm tình xứng hợp, như Ngài từng dẫn lời ngôn sứ I-sai-a để nói về họ: “dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,8). Rượu mới thì bầu da cũng phải mới. Tinh thần mới của giao ước mới là làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và để vinh danh Chúa mà thôi.

Sống Lời Chúa: Tập thói quen làm mọi việc đều qui hướng về Chúa bằng cách trước khi làm việc gì, dành một khoảnh khắc thinh lặng, làm Dấu Thánh giá hoặc dâng lên Chúa một lời nguyện tắt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý Chúa. A-men.

 

16/01/24 THỨ BA TUẦN 2 TN
Mc 2,23-28

 

GIỮ GIỚI RĂN VỚI TÌNH YÊU MẾN

Đức Giê-su nói tiếp: “Ngày Sa-bát được lập ra vì loài người, chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày Sa-bát, bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” (Mc 2,27-28)

Suy niệm: Có bạn trẻ than van: “Đạo Chúa sao nhiều luật lệ quá, nhiều cấm đoán quá!” Bạn trẻ ấy quên rằng trong xã hội loài người, bất cứ một cơ cấu nào cũng phải có luật lệ để ổn định và phát triển. Bạn tới một ngôi nhà và thấy dép giày sắp lớp ở cửa, bạn biết rằng nhà này có qui định cởi giày dép trước khi bước vào. Một gia đình nhỏ cũng có luật lệ riêng đấy chứ! Tuy nhiên, luật lệ trong Hội Thánh khác luật lệ của tất cả các cơ chế khác ở điểm này: Đức Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay, “Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” Người môn đệ Đức Giê-su không bị chi phối bởi một số điều răn hay một hệ thống luân lý phải giữ, mà là bị chi phối bởi một Đấng, là Đức Ki-tô. Họ giữ luật vì yêu mến Chúa Ki-tô, vì biết rằng những điều Ngài muốn họ phải giữ chỉ vì lợi ích thật sự và trường cửu của họ.

Mời Bạn: Thử lượng giá lại cách giữ luật thánh hoá ngày Chúa Nhật của mình: nặng nề, miễn cưỡng hay vui tươi vì biết rằng luật thánh hoá ngày Chúa Nhật ấy cũng vì yêu mến, vì con người.

Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để sống tâm tình mến Chúa yêu người đặc biệt trong ngày Chúa nhật ?

Sống Lời Chúa: Chương trình của tôi mỗi ngày Chúa Nhật sẽ là tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa, làm việc tông đồ, bác ái và nghỉ ngơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con hiểu rằng Chúa là Đấng chi phối tất cả cuộc đời chúng con, chứ không phải các điều răn này nọ. Xin cho chúng con, vì yêu mến Chúa, vui tươi và sẵn sàng tuân giữ mọi điều răn ấy. Amen.

 

17/01/24 THỨ TƯ TUẦN 2 TN
Th. An-tôn, viện phụ
Mc 3,1-6

 

LÀM GÌ TRONG NGÀY SA-BÁT?

Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? ” (Mc 3,4)

Suy niệm: Hôm nay lại vào ngày sa-bát, Chúa Giê-su chữa lành cho một người bại tay tội nghiệp. Thật ra đứng trước nhóm người biệt phái luôn rình rập bắt lỗi để tố cáo mình, Chúa Giê-su có thể nói với người bại tay: Anh thông cảm cho, hôm nay là ngày sa-bát, tôi không thể chữa cho anh được.  Nhưng không, Ngài lại nói: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Và kết quả  là “tay liền trở lại bình thường”. Ngài dạy họ ý nghĩa sâu xa về luật yêu thương: Luật để cứu sống, để chữa lành, chứ không phải để lên án nhau, để giết chết; giữ luật để làm tâm hồn biết cảm thông và yêu thương hơn, chứ không phải là thái độ ‘mackeno’ (mặc kệ nó), dửng dưng vô cảm trước đau khổ của người khác.

Mời Bạn: Còn chúng ta, chúng ta đã làm gì trong ngày Chúa Nhật? Thái độ của người Chúng ta đi lễ vì động lực nào, vì yêu mến hay vì theo thói quen hoặc chỉ để phô trương? Ngày Chúa Nhật, chúng ta đã thực sự tìm kiếm việc lành, hay vẫn để mình buông theo những điều tội lỗi? Trong cuộc sống nơi công ty, nhà máy, trường học, chúng ta đã sống thế nào với câu hỏi của Chúa: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”

Sống Lời Chúa: Tham dự Thánh lễ cách sốt sắng và làm việc bác ái với lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Đôi khi như người biệt phái, chúng con giữ ngày sa bát không trọn vẹn, đi lễ chỉ vì hình thức, hay giữ luật bởi thói quen. Xin Chúa cho chúng con sống “ngày của Chúa” với lòng yêu mến và tình bác ái với anh chị em.

 

18/01/24 THỨ NĂM TUẦN 2 TN
Tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất
Mc 3,7-12

 

ĐỨC GIÊ-SU LÀ CON THIÊN CHÚA

Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” (Mc 3,11)

Suy niệm: Thật không bình thường khi thông tin về Đức Giê-su là Con Thiên Chúa lại không đến từ lời tuyên xưng của các môn đệ mà lại được thốt ra từ ma quỷ. Phải chăng chúng đang ‘quảng cáo không công’ cho Chúa, Đấng mà chúng luôn căm ghét, và trốn chạy: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Ông đến đây làm khổ chúng tôi sao?” (Mt 8,29). Chúa cấm chúng tiết lộ thân phận của Ngài vì đó không phải là một lời tuyên xưng mà là lời chứa đựng âm mưu thâm độc khiến người ta hiểu sai về căn tính của Chúa và sứ mạng cứu thế của Ngài. Lời tuyên xưng đích thực về Thiên Tính của Đức Giê-su mà Ngài công nhận, phải xuất phát từ lòng tin mến và được chính Chúa Cha thúc đẩy, như Ngài nói với Phê-rô: “Không phải phàm nhân mặc khải cho con điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

Mời Bạn: Muốn nhận biết Thiên Chúa và tuyên xưng niềm tin vào Ngài, tại sao bạn phải nghe theo lời của quỷ? Sao bạn không đến trực tiếp với Chúa và Lời của Ngài? Đó không phải là điều đúng đắn và tốt đẹp nhất hay sao? Mỗi ngày bạn chọn thời khắc thuận tiện, giữ tâm hồn thinh lặng, hướng tâm tình tin mến lên Chúa, rồi đọc nghiền ngẫm một câu Lời Chúa, và trong thinh lặng bạn lắng nghe Chúa nói trong tâm hồn mình.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian suy niệm Lời Chúa và nói lên lời tuyên xưng: “Lạy Chúa, con tin Chúa là Con Thiên Chúa”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin Chúa thương xót và cứu độ chúng con. Amen.

 

19/01/24 THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Mc 3,13-19

 

Ở LẠI VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI

Bấy giờ Đức Giê-su gọi lại với Người  những kẻ mà Người muốn chọn. Người thành lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-15)

Suy niệm: Mục đích thứ nhất của Chúa Giê-su khi lập nhóm Mười Hai là để họ “ở với Người” trước khi được “Người sai đi rao giảng với quyền trừ quỷ.” Quả vậy, các tông đồ từ khi được kêu gọi đã ở với Thầy suốt ba năm, cùng giong ruổi với Thầy trên mọi nẻo đường rao giảng. Ở với Đức Giê-su, nghĩa là cùng chia sẻ mọi cảnh huống của cuộc sống, hiểu được nỗi lòng, có chung ý hướng, ước mơ như Thầy mình, để thấm nhuần cung cách ứng xử cũng như đường lối của Thầy.

Mời Bạn: Ngày hôm nay, Hội Thánh cũng đang dùng bí quyết huấn luyện tông đồ của Thầy Giê-su đó thôi. Bạn hãy nghe Jacques Delarue nói: “Mọi phần tử trong Hội Thánh phải sống Lời Chúa và yêu mến với cùng một tình yêu của Đức Giê-su. Chính vì thế, ngày Chúa Nhật họ đi gặp gỡ Chúa trong Lời Người và trong Thánh Thể, trước khi nghe đọc: ‘Hãy đi bình an’. Hãy ra đi, đừng ở lại. Các bạn được sai đến cho mọi tạo vật.” Bạn đã “ở với Thầy Giê-su” thật sự chưa và ý thức mình được sai đi như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay của bạn?

Chia sẻ: Khi làm việc tông đồ, bạn có dành cho việc ở lại với Chúa một vị trí thích đáng, hay chỉ chú trọng đến những hoạt động hướng ngoại?

Sống Lời Chúa: Trong cả năm nay, tôi sẽ ở lại với Thầy Giê-su bằng cách đọc và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, Thầy đã thương chọn gọi chúng con làm tông đồ của Thầy. Xin cho chúng con biết ở lại với Thầy và luôn sẵn sàng để được Thầy sai đi. Amen.

 

20/01/24 THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng, tử đạo
Mc 3,20-21

 

BỊ CHO LÀ ‘MẤT TRÍ’

Thân nhân của Người hay tin ấy liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc 3,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su khởi đầu rao giảng tại Ga-li-lê, mà nói rõ hơn, nơi Ngài thường xuyên lui tới là Ca-phác-na-um. Ngài say mê với sứ vụ đến độ thường quên cả ăn uống. Thế là Ngài bị cho là mất trí. Na-da-rét chỉ cách Ca-phác-na-um khoảng 47 km về hướng tây nam nên tiếng đồn về ông thầy Giê-su nhanh chóng được loan truyền về làng. Nghe tiếng đồn ấy, thân nhân xuống Ca-phác-na-um tìm Ngài để đưa về quê nhà. Với họ, Chúa Giê-su là con người không bình thường: bỏ nghề mộc ổn định, đi lang thang đây đó; không lập gia đình như những người đàn ông khác; chiêu mộ một nhóm môn đệ mà đa số là ngư dân chẳng giống ai; rồi rước họa vào thân khi gây chuyện với giới lãnh đạo tôn giáo. Mà kể cũng lạ: Mất trí mà làm được các phép lạ kỳ diệu, mà có những lời rao giảng thu hút lòng người? Điều này chỉ có ai tin Chúa Giê-su mới lý giải được: “Vì lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 3,17).

Mời Bạn: Nhiệt thành trong đời sống đạo, trong nỗ lực loan báo Tin Mừng, có thể bạn cũng được gán cho cái nhãn “mất trí, bất bình thường”. Bạn nản lòng hay kiên vững trong tư thế người môn đệ Chúa Ki-tô? Khi thấy những chứng tá nhiệt thành trong giáo xứ, bạn thờ ơ, cười chê hay bạn hoán cải và sống theo các mẫu gương ấy?

Sống Lời Chúa: Tôi chấp nhận tất cả, miễn sao Chúa Ki-tô được rao giảng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ngạc nhiên và buồn lòng vì bị người thân hiểu lầm. Xin giúp con khi gặp những hiểu lầm, chống đối vì là môn đệ Chúa, biết kiên trì sống niềm tin và loan báo Tin Mừng Chúa. Amen.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts