5 Phút cho Lời Chúa Tháng 02-2016

07/02/16                                CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – C

                                                                               Lc 5,1-11

BÀI HỌC RA KHƠI

Người bảo ông Si-mon: “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-mon trả lời: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,4-5)

Suy niệm: Ngư dân giàu kinh nghiệm thường nắm rất rõ về khí hậu, con nước, địa điểm, thời gian… Thế mà nhiều khi chẳng bắt được gì! Si-mon hôm nay tưởng phải nếm một đêm trắng tay như thế, nhưng cuối cùng ông được một mẻ cá thật to. Điều thú vị là thành công này không do kinh nghiệm nghề biển của ông, mà do ông sẵn sàng vâng lời Đức Giê-su – một bác thợ mộc (có lẽ không biết gì nhiều về chuyện đánh cá!) Câu chuyện cho thấy rõ: đành rằng kinh nghiệm là một chìa khóa quan trọng của thành công, nhưng đức tin còn quan trọng hơn kinh nghiệm nhiều. Đức tin có thể làm nên phép lạ!

Mời Bạn: Đời Ki-tô hữu là một chuyến ra khơi chài lưới người. Những kiến thức, kỹ năng, ‘ngón nghề’ có thể rất ích lợi cho chuyến ra khơi này, và ta được khuyến khích trang bị. Song đừng quên rằng cái ta cần nhất là đức tin. Thiếu một đức tin đủ mạnh, tất cả kiến thức và kinh nghiệm của ta đều trở thành thừa. Chính Đức Giê-su xác nhận: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Chia sẻ: Tại sao sự vâng phục đức tin lại quan trọng như thế trong đời sống đạo của Ki-tô hữu?

Sống Lời Chúa: Tập buông ‘khí giới’ của mình xuống – đó là những chống chế dựa trên kinh nghiệm và khôn ngoan thuần túy con người – để mau mắn đáp trả các gợi ý của Chúa trong đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa biết rõ lòng tin nơi con yếu nhược. Xin rứt con ra khỏi thái độ tự mãn và cứng cỏi. Xin cho con biết tin vào tình yêu và quyền năng của Chúa nhiều hơn. Amen.


08/02/16                                             THỨ HAI TUẦN 5 TN

Mồng Một Tết Bính Thân                                 Mt 6,25-34

GIÁ TRỊ NHỮNG NGÀY XUÂN

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

Suy niệm: Tết là ngày đoàn tụ, ngày gia đình, gia tộc sum vầy. Theo cha Cadière, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, những dịp như ngày Tết, mọi cá nhân trong gia đình sum họp bên nhau, đầm ấm, san sẻ tình thương và lòng kính trọng đối với người còn sống, người còn sống nhớ đến và noi gương người đã khuất, mọi thành viên nhớ đến trách nhiệm và vinh dự cùng các thành viên khác.[1] Vì nhận ra tính cách linh thiêng và cao quý của ngày Tết, mọi người Việt khắp nơi sẵn lòng xếp lại mọi lợi ích vật chất thường ngày để về đoàn tụ với gia đình của mình. Đối với người Việt, mọi lợi ích vật chất đó không thể so sánh với lợi ích thiêng liêng và cao quý của những ngày Tết. Đánh giá và chọn lựa đúng đắn đó phát sinh từ thứ bậc ưu tiên được Thiên Chúa thiết định trong mỗi con người: tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Mọi lợi ích vật chất có giá trị của nó, nhưng không thể lấn át việc tìm thánh ý Chúa và xây dựng Nước Chúa. Nói tóm lại, sum họp gia đình là sống ý Chúa, thể hiện ưu tiên tìm những giá trị thiêng liêng và cao quý, còn những thứ khác Thiên Chúa sẽ ban thêm cho.

Mời Bạn: Sum họp gia đình là điều Thiên Chúa muốn khi Ngài nài xin Chúa Cha cho chúng ta nên một và cho biết đó là dấu hiệu chúng ta là môn đệ của Ngài. Bạn làm gì trong những ngày Tết này để biểu thị ước muốn sum họp?

Sống Lời Chúa: Đi thăm viếng nhau

Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình


09/02/16                                              THỨ BA TUẦN 5 TN

Mồng Hai Tết. Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ Mt 15,1-6

THỜ CHA KÍNH MẸ LÀ ĐẠO CON

“Các ông bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đầu là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt 15,5-6)

Suy niệm: Đối với người Công Giáo, ngày mồng Hai Tết là ngày thực hiện hành vi đạo Hiếu. “Hiếu” là biết kính trọng thương mến và phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Ông bà cha mẹ đã qua đời, con cái lo viếng phần mộ, sớm tối lo hương khói, dâng lễ cầu nguyện cho và xin các ngài phù hộ; nếu các ngài còn sống, con cái thăm viếng và bày tỏ lòng hiếu thảo. Cha mẹ già yếu thì ở với con. Con có thì của ngon vật lạ dâng tiến cha mẹ; con không có thì dâng chén cơm nóng, bát canh ngon phụng dưỡng cha mẹ; con ở riêng thì cứ tháng gởi đồng quà hay tấm bánh cung dưỡng mẹ cha. Những người con nào tìm lý do này khác để thoái thác sống đạo hiếu với cha mẹ thì bị liệt vào hàng bất hiếu. “Hiếu” phải có “Đễ.” “Đễ” là tình anh chị em yêu thương nhau, kính trên nhường dưới và điều này là báo hiếu cha mẹ. Trong Thánh Kinh, chữ hiếu được xem trọng. Chính Chúa Giê-su trở nên gương mẫu cho ta. Ngài thảo kính Cha trên trời và hiếu thảo với cha mẹ trần gian. Ngài vừa lo việc Chúa Cha trên trời, vừa vâng phục giúp đỡ thân mẫu, nhất là đem ơn cứu độ cho cha mẹ mình.

Mời Bạn: Bạn có kế hoạch nào để phụng dưỡng ông bà cha mẹ trong năm mới này?

Sống Lời Chúa: Dâng một món quà và một lời cầu cho ông bà cha mẹ.

Cầu nguyện: Xin Chúa cho gia đình chúng con sốt sắng thờ phượng Chúa và hết lòng hòa thuận thương yêu nhau.


10/02/16                                                    THỨ TƯ LỄ TRO

Mồng Ba Tết. Thánh hoá công ăn việc làm Mt 6,-6.16-18

GẶP CHÚA TRONG THANH VẮNG

“Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,6)

Suy niệm: Lời Chúa trong Lễ Tro nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta tìm giờ thinh lặng đối diện với Ngài để được rọi soi tận tâm hồn và để được Ngài biến đổi bên trong. Thiếu sót những thời giờ cần thiết này sẽ là một thảm họa. Bất ngờ chuyện nữ sinh một trường ở Huế đánh nhau, người ta mới nhận ra rằng, nét dịu dàng, e ấp, ngoan hiền làm nên phẩm hạnh cao quý của các cô gái Huế đã biến mất tự bao giờ theo sự xuống cấp của nền giáo dục. Chuyện đáng tiếc xảy ra, bấy giờ người ta mới ngộ ra rằng, từ lâu cha mẹ, nhà trường, xã hội và các cộng đoàn Giáo Hội nữa, đã không nhìn lại trách nhiệm của mình. Nếu mỗi thành phần thường xuyên dành thời giờ nhìn lại bổn phận của mình, đạo đức sẽ không sa sút. Vì vậy, thời giờ thinh lặng cần biết bao, nhất là đối với Ki-tô hữu. Mẹ Tê-rê-xa nói rằng, chúng ta cần tìm gặp Thiên Chúa, nhưng không thể tìm gặp Ngài trong sự ồn ào, náo loạn, bởi Thiên Chúa là người bạn của thinh lặng. Hãy nhìn thiên nhiên thinh lặng thế nào! Chúng ta cần thinh lặng để nhìn lại chính mình, để lắng nghe lời Chúa, gặp gỡ Chúa và đắm mình trong tình yêu của Chúa. Mùa Chay là mùa tạo bầu khí thinh lặng để được gặp Chúa.

Mời Bạn: Bạn có dốc lòng nào để hằng ngày thực hiện việc gặp Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, dành 5 phút đọc và suy niệm lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài. Xin cho con trở lại với Chúa và yêu Chúa.


11/02/16                                        THỨ NĂM SAU LỄ TRO

Đức Mẹ Lộ Đức                                                  Lc 9,22-25

VÁC THẬP GIÁ MỖI NGÀY THEO CHÚA

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Mt 25,40)

Suy niệm: Mùa Chay thánh là thời gian thuận tiện để các Ki-tô hữu chiêm ngắm và cùng bước theo Chúa Ki-tô trên con đường khổ nạn của Ngài. Con đường Chúa đã đi qua không phải là con đường du lịch nghỉ mát mà là con đường chiến đấu thường xuyên và trường kỳ chống lại sự ác và ma quỷ, là kẻ chẳng những gây ra, cầm đầu sự ác mà còn là tên cám dỗ loài người chúng ta nữa. Đi trên con đường khổ nạn của Chúa, mỗi người phải vác lấy cây thập giá của mình, đó chính là từ bỏ “cái tôi” với những thói hư tật xấu của mình, đồng thời chiến đấu chống lại những cám dỗ thử thách mà ai cũng phải gặp trên đường đời của mình.

Bạn có biết bạn cần phải từ bỏ những gì để bước theo Chúa Ki-tô trên con đường khổ giá mà Ngài đã đi không? Sự từ bỏ mà Chúa Ki-tô mời gọi có làm cho bạn khó chịu, đau khổ trong hành trỉnh theo Chúa không? Mùa Chay này là dịp thuận tiện để bạn khám phá và triệt bỏ những thói hư tật xấu đang cản trở bạn sống cuộc sống thân mật với Chúa.

Mời bạn suy nghĩ và chia sẻ: Tại sao, để vác thập giá mình trong đời sống cộng đoàn, rất cần thái độ nhẫn nại và bao dung?

Sống Lời Chúa: Xét mình để thấy rõ nết xấu thâm căn cố đế nhất, nết xấu làm bạn ray rứt nhất và bạn quyết tâm cách mạnh mẽ nhất để nhổ bỏ nó trong Mùa Chay thánh này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đoái nhìn con bằng ánh mắt đầy yêu thương của Chúa để giải thoát con khỏi ách nô lệ của tính hư nết xấu và cho con sẵn sàng mang lấy ách êm ái của Chúa. Amen.


12/02/16                                         THỨ SÁU SAU LỄ TRO

                                                                             Mt 9,14-15

TINH THẦN MỚI CỦA LỀ LUẬT

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ?” (Mt 9,15b)

Suy niệm: Tại sao ăn chay, tại sao không? Một vấn nạn tưởng là nhỏ nhưng lại thúc bách người ta đặt ra nhiều vấn nạn khác! Phải chăng đối với các môn đệ của Gio-an, những người giữ luật, họ sợ mình đang làm sai? Hoặc giả họ băn khoăn, vì ghen tỵ: mình thì “bị” luật giữ còn môn đệ Giê-su thì không? Đức Giê-su có đang gây “gương mù gương xấu” khi thả lỏng cho các môn đệ trong chuyện tịnh chay? Hay đời sống chan hòa giữa Đức Giê-su và các môn đệ có lôi cuốn họ đến để tìm hiểu về mối tương quan thầy trò này? Để trả lời một vấn nạn, Đức Giê-su lại đưa ra một vấn nạn khác, qua Chúa minh định rằng: Ngài chính là vị Tân Lang, và các môn đệ là khách mời dự tiệc cưới: “Chẳng lẽ khách dự tiệc – là các môn đệ – lại than khóc khi chàng rể – là chính Ngài – còn đang ở với họ” sao?

Mời Bạn: “Rượu mới phải đổ vào bầu da mới” (Mt 9,17). Chúa là Rượu Mới của Giao Ước mới. Ngài mời gọi chúng ta hãy “thức thời”, mặc lấy tinh thần mới để thực thi luật mới của Ngài là luật yêu thương.

Chia sẻ: Những việc làm nào của tôi còn theo thói nệ luật, chưa được thúc đẩy bởi lòng thương xót như Chúa dạy?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, hãy sống chậm lại, nhìn sâu hơn những dấu chỉ của Chúa để nhận ra tiếng nói và sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, có những lề luật chúng con phải tuân giữ, có những lúc chúng con phải sống theo Lời Chúa mà bỏ qua luật. Xin cho chúng con biết sang suốt để nhận ra đâu là những gì chúng con cần làm hầu mang lại vinh quang Thiên Chúa. Amen.


13/02/16                                         THỨ BẢY SAU LỄ TRO

                                                                             Lc 5,27-32

ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG

Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. (Lc 5, 27-28)

Suy niệm: Người Do thái coi những nhân viên thuế vụ là người gian dối, thậm chí là phản quốc vì họ cộng tác với người Rô-ma và sách nhiễu đồng bào. Nhiều chỗ trong Phúc Âm cho thấy họ bị liệt vào hạng người bị loại trừ khỏi xã hội, đồng sàng với hạng ‘gái điếm’ và ‘ngoại giáo’ (Mt 9,10; 11,19; 18,17; 21,31). Ai giao du với họ cũng bị coi là ‘dơ bẩn’. Thế nhưng, Chúa Giê-su không ngại tiếp xúc với họ. Thậm chí Chúa còn kêu gọi ông Lê-vi, một quan chức ngành thuế, và chọn ông làm tông đồ của Ngài. Chưa hết Ngài còn đến dùng bữa tại nhà ông cùng với nhiều đồng bạn của ông Lê-vi. Quả thực “cái nhìn đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát Lê-vi khỏi ách nô lệ bạc tiền” và biến đổi ông thành tông đồ Mát-thêu của Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Trái ngược với Đức Ki-tô, chúng ta lại thường giam hãm người khác trong ngục tù của cái nhìn thành kiến. Chính bạn cũng hãy đặt mình trước cái nhìn yêu thương của Chúa và nhìn người khác bằng cái nhìn của Chúa. Đó là cái nhìn bao dung, tha thứ, biết khám phá ưu điểm của người khác và tin tưởng điều tốt đẹp nơi họ và trợ giúp họ thể hiện điều tốt đẹp đó.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày xét mình: Tôi đang có thành kiến với ai? Nguyên do tại sao? Tôi sẽ sửa chữa thế nào?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ để con biết nhìn người khác với ánh mắt đầy yêu thương của Chúa. Xin Chúa cho con nhận ra được những điều tốt đẹp nơi tha nhân. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts