5 Phút cho Lời Chúa Tháng 02-2016

14/02/16                               CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – C

                                                                               Lc 4,1-13

CẦN CÓ MÙA CHAY

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. (Lc 4,1-2)

Suy niệm: Ngay từ Chúa Nhật đầu Mùa Chay thánh, Phụng vụ Lời Chúa thuật lại cho chúng ta việc Đức Giê-su đã trải qua những cơn cám dỗ khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai. Biến cố đó không chỉ nhắc nhở chúng ta rằng, trong thân phận con người, ai cũng phải đối mặt với cám dỗ. Mà hơn thế nữa Chúa Giê-su cho thấy sứ mạng của Ngài là dẫn đầu gia đình nhân loại khẳng định lại căn tính và ơn gọi của mình là thụ tạo và là con cái Thiên Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” – “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” – “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

Mời Bạn: Cơn cám dỗ là cần thiết để nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người vốn yếu đuối vì tội nguyên tổ và dễ bị tổn thương trước sức tấn công của ác thần. Cơn cám dỗ đặt chúng ta trước sự chọn lựa: chối bỏ hay khẳng định lại ơn gọi và sứ mạng của mình là con cái của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần được Thánh Thần dẫn đưa vào trong hoang địa của mùa Chay, để ở đó cùng Đức Giê-su, đối đầu với cơn cám dỗ, chúng ta chiến đấu và chiến thắng.

Chia sẻ: Để chiến đấu và chiến thắng cám dỗ, Chúa Giê-su đã dùng phương thế nào?

Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay này, gia đình tôi quyết tâm dành 5 phút mỗi ngày để đọc và suy niệm Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con là những người  tội lỗi. Chúng con tín thác vào Chúa.


15/02/16                                            THỨ HAI TUẦN 1 MC

                                                                           Mt 25,31-46

LÀ LÀM CHO CHÍNH CHÚA

“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)

Suy niệm: Khi phục vụ những người nghèo trong khu ổ chuột ở Ấn Độ, mẹ Têrêsa Calcutta trả lời các nhà phỏng vấn: “Tôi thấy Chúa qua những con người bé nhỏ này”. Vì thế, mẹ Têrêsa đã phục vụ họ một cách trân trọng, như một con người, mang trong mình hình ảnh Đức Ki-tô. Mẹ đã sống Lời Chúa một cách triệt để. Bởi vì Chúa Ki-tô hiện thân nơi người nghèo, như Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta. Việc bác ái mang chất Ki-tô này giúp ta làm việc lành mà không cầu danh lợi, không huênh hoang tự đắc, không tìm lời khen, không coi thường người nghèo nhưng luôn tôn trọng họ… Chất Ki-tô khiến chúng ta làm tất cả để tôn vinh danh Chúa, để tình người được lớn lên trong tình Chúa.

Mời Bạn: Mùa Chay kêu gọi chúng ta không phải chỉ ăn kiêng vài món bị cấm. Nhưng sống chay tịnh là bớt những thói hư tật xấu để tập tính tốt, bớt chi tiêu ăn uống để chia sẻ cho người nghèo hơn mình, bớt thời gian cho mình để quan tâm đến người khác, bớt hận thù để gia tăng yêu mến, bớt nghi ngờ để thêm tin tưởng… Đó là chay tịnh đích thực. Không chay tịnh như thế thì không thể cho đi để phục vụ Chúa nơi người anh em được.

Chia sẻ: Cho đi cách tốt đẹp nhất là cho đi với nụ cười. Tại sao?

Sống Lời Chúa: Làm bất cứ điều gì cho người anh em, bạn hãy tự nhủ: “Con đang làm cho Chúa đó.” Như thế mọi việc sẽ nên tốt đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa trong anh em, để tình Chúa thắt chặt tình người nơi chúng con.


16/02/16                                             THỨ BA TUẦN 1 MC

                                                                               Mt 6,7-15

CẦU NGUYỆN LÀ TÔN VINH

Đức Giê-su nói với họ: Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,8)

Suy niệm: Cầu nguyện là hơi thở, là lẽ sống của người môn đệ Chúa. Thế nhưng, phải sau một thời gian dài đi theo Chúa, các môn đệ mới được Ngài dạy cho biết cách cầu nguyện. Phải chăng là hơi muộn? Song Ngài làm thế là để các môn đệ không theo lối cầu nguyện rập khuôn, hình thức sáo rỗng, lải nhải nhiều lời, mà trái lại Ngài muốn họ ở lại với Ngài, sống với Ngài, để họ cảm nghiệm được mối tương quan thân tình giữa Ngài với Chúa Cha, hiểu được lương thực của Thầy là làm theo ý Cha và sứ mạng của Thầy là làm vinh danh Cha. Bởi thế, Chúa Giê-su nói thật rõ ràng: cầu nguyện là như Ngài thưa chuyện cùng Cha, là làm cho danh Cha được vinh hiển, là tôn vinh Cha, là vui lòng trở nên dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay quan phòng của Ngài.

Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian đặc biệt nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện phải đi đôi với việc ăn chay và bố thí, để sống thật đậm đà lòng khao khát được yêu mến Chúa, nỗi thao thức ước mong Chúa được tôn vinh. Bạn đã đi vào tâm tình ấy chưa? Như thế, bạn đâu cần phải xin Chúa có của ăn của để, vì Chúa là Đấng thấu suốt những gì kín ẩn, Ngài biết rõ bạn cần gì trước khi bạn cầu xin. Vậy bạn hãy cầu nguyện đi, như Chúa Ki-tô đã dạy chúng ta.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi nghe Chúa Giêsu nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,6)?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi bắt đầu ngày sống và trước khi đi ngủ, bạn hướng lòng về Chúa và dâng lên Ngài một tâm tình cầu nguyện

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


17/02/16                                             THỨ TƯ TUẦN 1 MC

Bảy Thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ            Lc 11,29-32

ĐỪNG THẢ MỒI BẮT BÓNG

“Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.” (Lc 11,31)

Suy niệm: Cha James F. Keenan, Dòng Tên, khai triển một luận đề luân lý rất thú vị rằng “người ta phạm tội vì họ quá mạnh chứ không phải vì họ quá yếu.” Nghịch lý này còn được thấy nơi nhiều trường hợp khác nữa. Thiếu, không phải vì thiếu, mà vì có quá nhiều. Như cá giữa đại dương mà loay hoay đi tìm… nước! Như người Việt Nam ta từng bị mang tiếng là ‘chết trên đống thuốc’ (có ý nói rất nhiều cây cỏ quen thuộc của chúng ta là những vị thuốc quí giá mà ta không ngờ!). Chung qui, vấn đề nằm ở chỗ hoặc do người ta vô minh, hoặc do bướng bỉnh, hoặc do cả hai. Đây cũng là vấn đề của những người Do Thái thời Đức Giê-su. Họ có điều quí nhất trong tầm tay, nhưng họ không nhận ra, và họ mải kiếm tìm những thứ khác thôi.

Mời Bạn: Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta sực tỉnh nhìn lại thấy mình đang ‘thả mồi bắt bóng’. Ta sẽ đi tìm ánh sáng và sự khôn ngoan đích thực ở đâu, nếu không phải nơi Lời Chúa vốn luôn trong tầm tay ta? Ta sẽ tìm sự sống và sức mạnh tinh thần ở đâu, nếu không phải là nơi Thịt Máu Chúa vốn được trao ban cho ta mỗi ngày?

Chia sẻ: Là Ki-tô hữu, bạn nghĩ thực ra chúng ta rất giàu hay rất nghèo?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, tiếp cận với Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, ta ý thức rằng mình đang có được điều quí nhất có thể có dưới gầm trời này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ nơi Chúa con mới no thoả mọi khát vọng của con.


18/02/16                                          THỨ NĂM TUẦN 1 MC

                                                                               Mt 7,7-12

CẦU NGUYỆN HỮU HIỆU

“Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ  gõ cửa thì sẽ được mở cho.” (Mt 7,7)

Suy niệm: Chúng ta bị ảnh hưởng bởi cơ chế xin-cho ngoài xã hội, nên trong lãnh vực tôn giáo, nhiều lúc đâm ra nghi ngờ: Xin gì? Điều này có đáng xin không? Xin với ai? Liệu có được không? Chúa Giêsu dạy ta khác: “Cứ xin, cứ tìm, cứ gõ,” và kết quả là: “sẽ được, sẽ thấy, sẽ được mở cho”; bởi vì Đấng mà ta khấn xin là Chúa, hơn thế nữa, là Cha ta. Chúa nói với ta cầu nguyện không phải với quan hệ trên-dưới, có quyền-không có quyền, cho-không cho…, mà là trong quan hệ thân thiết cha-con. Ngài chỉ mong chúng ta cầu nguyện với cả tấm lòng, với trọn niềm tín thác.

Mời Bạn: Bạn có nhận thấy rằng đã bao lần mình cầu xin mà không được không phải tại Chúa hẹp hòi, mà vì chúng ta thiếu niềm tin-cậy-mến, và hơn nữa chúng ta đã không cầu nguyện với tư cách người con “xin cho ý Cha được thể hiện”?

Chia sẻ: Bạn hãy duyệt lại cách cầu nguyện qua việc đọc kinh có thật là “khẩu niệm tâm suy”, “trí-lòng hòa hợp” chưa? Hay bạn đọc cách máy móc, kiểu “dân này thờ kính ta ngoài môi miệng, còn lòng trí chúng thì xa ta” (Mt 15,8)?

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm Lời Chúa trong thư Gia-cô-bê: “Anh em phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm” (Gc 1,6-8).

Cầu nguyện: Mượn lời viên đại đội trưởng Rôma cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa chỉ nói một lời là tôi tớ Chúa được lành mạnh” (Mt 8,8).


19/02/16                                           THỨ SÁU TUẦN 1 MC

                                                                             Mt 5,20-26

KHỬ TRỪ SỰ TỨC GIẬN

“Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.” (Mt 5,21-22)

Suy niệm: Cái làm cho con người phải ân hận nhất là tính dễ nổi giận của mình, bởi vì người dễ nổi giận thì rất dễ phá hoại công việc của mình cũng như kế hoạch của người khác. Khi trưng dẫn luật Mô-sê: “Chớ giết người”, Chúa Giê-su không bác bỏ, Ngài cũng đồng ý như vậy, nhưng Ngài còn muốn đưa nó đi xa hơn nữa, đi đến tận cùng ý muốn của Thiên Chúa, đó là trừ khử sự tức giận, là nguyên nhân sâu xa đi đến tội giết người, chẳng những giết thân xác mà còn giết cả phẩm giá và danh dự kẻ khác. Kinh nghiệm cho thấy chiến tranh phát sinh từ hận thù tranh chấp: trước khi loại bỏ kẻ khác bằng súng đạn, thì người ta đã loại trừ nhau ra khỏi tâm hồn mình bằng lòng hờn giận, ghen ghét, bằng tiếng cãi cọ, chửi rủa.

Mời Bạn: Tính nóng nảy thì ai cũng có. Bạn có phải là người không biết kềm chế tính nóng mà phải nhận lấy hậu quả khó lường của nó? Thiên Chúa thì rất chậm nổi giận nhưng rất mau thi ân giáng phúc cho kẻ cầu xin với Người, và nếu có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì yêu thương suốt đời từ đời nọ đến đời kia. Là con cái Thiên Chúa, bạn tập sống như Ngài.

Chia sẻ: Bạn có thể làm gì để chế ngự tính nóng nảy?

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, bạn chủ động đến làm hoà với một người mà vì nóng nảy bạn đã làm mất lòng họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã rộng lượng tha thứ cho con tất cả, xin giúp con cũng biết quảng đại tha thứ cho anh chị em con. Con muốn sống yêu thương mọi người chỉ vì chính Chúa đã quảng đại yêu thương con. Amen.


20/02/16                                           THỨ BẢY TUẦN 1 MC

                                                                             Mt 5,43-48

THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. ” (Mt 5,48)

Suy niệm: “Lòng thương xót thì không gượng ép, tựa như mưa từ trời nhẹ rơi xuống đất. Lòng thương xót ấy đem lại phúc lành cho người thực hiện lẫn người được thực hiện” (W. Shakespeare). Khi yêu thương kẻ thù, lòng ta không còn cay đắng, nhưng được thanh thản, an bình, và kẻ thù của ta cũng được nhẹ nhỏm, an vui như vậy. Lòng yêu thương kẻ thù ấy được diễn tả bằng những việc làm cụ thể như cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, chào hỏi kẻ ghét mình. Yêu thương kẻ thù không phải là chuyện của cảm xúc, nhưng là của ý chí, của quyết tâm vượt qua khuynh hướng bản năng tự nhiên. Tại sao Chúa đòi ta lại phải yêu thương kẻ thù? Thưa, vì lòng thương xót ấy làm ta nên giống Thiên Chúa, Đấng luôn khoan dung với người lành kẻ dữ.

Mời Bạn: “Tôi luôn nhận thấy rằng lòng thương xót đem lại nhiều hoa trái hơn là sự công bằng nghiêm ngặt” (Tổng thống A. Lincoln). Cư xử dựa trên lẽ công bằng chặt chẽ, lý lẽ đúng-sai có thể làm bạn yên tâm, uy quyền của bạn được bảo đảm. Thế nhưng, cư xử dựa trên lòng thương xót lại đem nhiều thiện ích cho người anh em hơn. Bạn chọn cư xử theo cung cách nào trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này?

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi tập tha thứ cho những người tôi ghét bằng cách chào hỏi, nói chuyện với họ, nhất là với người chung một mái nhà.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa tha thứ cho người ngược đãi mình bằng cách cầu nguyện cho họ trên thập giá. Xin cho con, nhờ noi gương Chúa, cũng biết sẵn lòng tha thứ cho kẻ thù, để có thể trở nên con cái Cha trên trời. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts