5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 02-2018

18/02/18 Chúa Nhật Tuần 1 MC – B
Mc 1,12-15

CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG

Người ở trong hoang địa… chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. (Mc 1,13)

Suy niệm: Nhà văn nổi tiếng Nikos Kazanzakis đặt cơn cám dỗ vào cuối đời Đức Giê-su khi Ngài bị treo trên thập giá. Các tác giả sách Tin Mừng Nhất Lãm lại đặt cám dỗ ngay đầu đời hoạt động của Ngài. Thật ra, cám dỗ đeo đẳng suốt cuộc đời Đức Giê-su dưới nhiều dáng vẻ khác nhau: cám dỗ sử dụng sức mạnh, quyền lực, thay cho tình yêu; cám dỗ im lặng trước những bất công trong xã hội thời ấy để không bị rắc rối; cám dỗ rao giảng con đường dễ dãi thay cho đường thập giá… Cám dỗ đến từ ma quỷ, từ giới lãnh đạo Do Thái giáo, từ đám đông dân chúng, thậm chí từ chính Phê-rô, môn đệ số một của Ngài, và đặc biệt từ chính ý muốn riêng của bản thân Ngài.

Mời Bạn: Bạn thường cảm thấy xấu hổ khi phải nói về các cám dỗ của mình với người khác. Cám dỗ là điều bình thường, bởi vì chính Đấng Thánh như Đức Giê-su cũng phải cảm nghiệm khi sống kiếp người. Điều này cho thấy Ngài đã chia sẻ và liên đới với con người trong mọi tình huống, kể cả trong điều tế nhị nhất mà ai cũng e ngại. Hãy chiến đấu với cám dỗ như Ngài và chắc chắn bạn sẽ cùng chiến thắng với Ngài.

Chia sẻ: Bạn sẽ “ăn chay và cầu nguyện” thế nào để chiến thắng các cám dỗ do ba thù: thế gian, xác thịt, và ma quỷ, gây ra?

Sống Lời Chúa: Tôi quyết chiến đấu chống lại những cám dỗ nhắm vào giác quan của mình (mắt, miệng…) cách sai trái trong mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con can đảm và dứt khoát nói “không” trước các cám dỗ đang vây bủa chúng con mỗi ngày. Amen.

19/02/18 Thứ Hai Tuần 1 MC
Mt 25,31-46

TƯƠNG LAI TỪ HÔM NAY

“Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.” (Mt 25,31-32)

Suy niệm: Lời Chúa hôm nay hé lộ cho chúng ta bí quyết để được ngài ân thưởng khi Ngài lại đến trong vinh quang. Khi đó, Ngài sẽ qui tụ mọi người trên trái đất và tách biệt họ như tách chiên ra khỏi dê. Chiên sẽ có chỗ vinh dự bên phải Chúa, còn dê thì ở bên trái. Những người ở bên phải sẽ được lãnh ân thưởng vì đã từng quan tâm săn sóc những người đói khát, đau yếu, tù đày, rách rưới, cơ nhỡ. Chúa Giê-su nhấn mạnh: khi làm những nghĩa cử đó cho anh em mình là họ đang làm cho Chúa. Họ đã bối rối và bất ngờ vì nghĩ rằng mình chưa bao giờ thấy Chúa như thế để mà giúp đỡ. Chúa Giê-su nói rõ với họ rằng, khi họ làm điều đó cho anh chị em mình đang khốn khó là họ đang làm cho Chúa. Ngược lại, những người ở bên trái là những người không quan tâm gì đến nỗi khốn cùng của anh chị em mình, nên không được vào hưởng phúc. Qua đó, Chúa Giê-su cho biết những gì chúng ta làm hay không làm cho tha nhân ở đời này là yếu tố quyết định cho cuộc sống mai sau của chúng ta. Nếu muốn được hưởng phúc thiên đàng thì trong hiện tại, Ki-tô hữu cần ra sức yêu thương và phục vụ anh chị em mình.

Mời Bạn: Trong Mùa Chay này, bạn có những cử chỉ nào để giúp đỡ từ vật chất, tinh thần đến đức tin cho tha nhân với lòng ao ước làm cho Chúa?

Sống Lời Chúa: Thực hiện một nghĩa cử cho tha nhân với ý thức làm cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trong Mùa Chay này, xin cho con biết quảng đại sống với anh chị em con và với lòng yêu mến Chúa.

20/02/18 Thứ Ba Tuần 1 MC
Mt 6,7-15

CẦU NGUYỆN TRONG PHÓ THÁC

“Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,8)

Suy niệm: Có bao giờ chúng ta xin Chúa ban cho ta có không khí, có ánh sáng mặt trời, có gió mát…? Nhiều lúc chúng ta không ý thức để cầu xin những điều ấy, nhưng Thiên Chúa vẫn nhớ và âm thầm ban cho ta vì đó là những điều cần thiết cho sự sống chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người có những nhu cầu và ước muốn khác nhau, do đó lời cầu nguyện của mỗi người cũng thật đa dạng: khẩn khoản van nài hay biện minh, giải thích với Chúa… cho đến khi đạt được. Lời cầu nguyện chân thành nào cũng có giá trị trước mặt Chúa, nhưng Chúa Giê-su đã dạy ta lời cầu nguyện lý tưởng nhất chính là Kinh Lạy Cha, và tâm tình đẹp lòng Chúa nhất chính là phó thác hoàn toàn vào tình thương và sự quan phòng của Chúa: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin”.

Mời Bạn: Nhìn lại kinh nghiệm của mình về thời thơ ấu: luôn được cha mẹ che chở, bảo bọc và sắm sửa những thứ cần thiết dù khi chúng ta chưa nhận thấy và kêu xin. Thiên Chúa quan tâm và nhìn thấy những điều cần thiết cho chúng ta ở đời này và cả hạnh phúc đời sau. Chúng ta cứ an tâm dâng lời cầu xin cho sáng danh Chúa và cho thiện ích của tha nhân, hơn là chỉ dừng lại nơi những nhu cầu của bản thân mình. Tinh thần phó thác vào Chúa sẽ đem lại cho ta nhiều điều thật thú vị, bất ngờ.

Chia sẻ: Cảm nghiệm của bạn khi nhận được một điều tốt lành và cần thiết mà bạn chưa dám xin hay tìm kiếm.

Sống Lời Chúa: Tập cầu nguyện một cách đơn sơ và để Chúa quyết định mọi việc xảy đến với ta theo ý Ngài.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha một cách chậm rãi và sốt sắng.

21/02/18 Thứ Tư Tuần 1 MC
Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 11,29-32

DẤU LẠ NÀO CHO TA?

“Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,20)

Suy niệm: Dân Do Thái xưa bị Chúa Giê-su gọi là thế hệ gian ác vì họ đòi “dấu lạ” theo ý riêng họ, mà không nhìn nhận Ngài chính là DẤU LẠ Thiên Chúa gửi đến. Điều kiện để nhận ra dấu lạ của Chúa là thái độ mở rộng cõi lòng, sẵn sàng lắng nghe, còn hiệu quả dấu lạ đem đến là lòng sám hối và được biến đổi. Sự hoán cải của dân thành Ni-ni-vê trước dấu lạ Gio-na đã trở thành điềm báo trước “dấu lạ Gio-na đích thực” là chính Đức Giê-su Ki-tô.

Mời Bạn: Khi một người tội lỗi từ bỏ con đường xấu xa để trở về với đường lành, lúc đó, dấu lạ đã thể hiện nơi người ấy. Dấu lạ cũng sẽ thể hiện nơi mỗi người chúng ta trong quá trình đi tìm và nhận ra chân lý. Đó chính là điều Chúa Giê-su muốn bạn thực hiện trong Mùa Chay này nếu bạn không muốn bị Chúa liệt vào “thế hệ gian ác”.

Bí quyết đổi đời, đặc biệt cho mùa này, là hãm dẹp ngũ quan, gia tăng cầu nguyện và làm phúc bố thí. Làm được thế, không những bạn biến đổi chính mình mà còn ảnh hưởng tốt đến gia đình, con cái, và xã hội bạn đang sống.

Quá trình đi tìm và nhận ra chân lý là dấu lạ mỗi chúng ta cần thực hiện trong Mùa Chay; khi đó chúng ta sẽ được biến đổi và tìm gặp Chúa Giêsu đang ở gần ta.

Sống Lời Chúa: Ngay trong những ngày đầu Mùa Chay, bạn đặt ra cho mình một quyết tâm hoán cải cụ thể và kiên trì thực hiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết con để con chiến thắng điều xấu nơi con; và biết Chúa để vì yêu Chúa mà con có sức chiến đấu và chiến thắng tội lỗi. Amen.

22/02/18 Thứ Năm Tuần 1 MC
Lập Tông tòa Thánh Phê-rô
Mt 16,13-19

HỘI THÁNH BỀN VỮNG MUÔN ĐỜI

Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Suy niệm: “Tôi xác quyết rằng thiểu số có sức sáng tạo sẽ quyết định tương lai, và theo nghĩa này, Hội Thánh Công giáo phải hiểu mình như một thiểu số sáng tạo có một gia sản giá trị không phải là những điều của quá khứ, nhưng là một thực tại rất sinh động và thích đáng” (Đức Bê-nê-đi-tô XVI). Hội thánh được xây dựng trên nền tảng là tảng đá Phê-rô, một tảng đá vững chắc không do chính mình, nhưng dựa trên Chúa Giê-su, vị sáng lập Hội Thánh ấy. Phê-rô hay các vị giáo hoàng, dù thánh thiện, tài ba đến đâu, thì cũng chỉ là con người. Hội Thánh gồm những con người, nhưng đầu của Hội thánh lại là Chúa Ki-tô, một vị Thiên Chúa làm người. Đó là điều bảo đảm cho sứ vụ của Hội Thánh trong hiện tại, và cả tương lai.

Mời Bạn: “Tôi nghĩ sức mạnh của Hội thánh Công giáo ở chỗ khi rốt cuộc nhận ra một vấn đề, Hội thánh ấy sẽ nỗ lực để giải quyết nó” (Hồng y D. Wuerl). Là thành phần của Hội Thánh, bạn được mời gọi giải quyết vấn đề của đời sống một khi nhận ra đó là vấn đề cần phải khắc phục. Những vấn đề hiện nay cản trở bạn sống đời Ki-tô hữu là gì, và bạn tìm phương cách nào để giải quyết?

Sống Lời Chúa: Ý thức mình là chi thể của Hội Thánh Công Giáo, tôi tích cực tham gia các sinh hoạt của Hội Thánh địa phương, nhất là gia nhập một hội đoàn để dấn thân hơn trong đời sống đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã tin tưởng xây dựng Hội Thánh Chúa trên tảng đá Phê-rô. Xin tiếp tục nâng đỡ Hội Thánh, để Hội Thánh ấy thi hành sứ vụ chứng tá cho Chúa ở mọi nơi và qua mọi thời. Amen.

23/02/18 Thứ Sáu Tuần 1 MC
Th. Pô-ly-cáp, giám mục, tử đạo
Mt 5,20-26

XIN LỖI NGƯỜI ANH EM

“…Hãy đi làm hoà với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,24)

Suy niệm: Là con người, ai cũng có thể phạm lỗi lầm. Mà đã phạm lỗi, trước hết phải biết xin lỗi. Vì thế, xin lỗi là điều cần thiết phải làm thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Ta có thể cảm nghiệm được điều này là một lời xin lỗi, dù vụng về đến đâu, cũng có thể đem lại một hiệu quả nào đó, khi lời xin lỗi ấy phát xuất từ tấm lòng chân thành, sẵn lòng chịu trách nhiệm về điều sai lỗi của mình. Trong thánh lễ, ta thú nhận với Thiên Chúa và anh chị em về lỗi phạm của mình trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Thế nhưng, có thể ta chỉ thú nhận trên môi miệng, theo thói quen cách máy móc, chứ chưa hẳn đã thành tâm hối hận, muốn sửa chữa và đền bù. Làm hòa với nhau là điều vô cùng cấp bách, đến nỗi Chúa Giê-su dạy ta để của lễ trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đang có chuyện bất hòa với ta, rồi mới trở lại tiếp tục dâng của lễ cho Chúa (c. 23-24).

Mời Bạn: Lời xin lỗi rất cần thiết với mọi người trong cuộc sống. Không chỉ người “nhỏ” phải xin lỗi người “lớn,” mà cả người “lớn” cũng phải biết xin lỗi người “nhỏ.” Sai lầm làm bạn bất an và cuộc sống trở nên nặng nề, nhưng lời xin lỗi chân thành khả dĩ phục hồi niềm vui của cuộc sống. Mời bạn hãy can đảm nói lời xin lỗi với tha nhân và Chúa, với ý muốn sửa lỗi và đền bù, khi tham dự thánh lễ hay trước khi đi ngủ.

Sống Lời Chúa: Hãy cảm nghiệm và sống câu Lời Chúa này: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26).

Cầu nguyện: Đọc kinh Thú nhận chậm rãi mỗi ngày để xin lỗi Chúa và tha nhân trong Mùa Chay này.

24/02/18 Thứ Bảy Tuần 1 MC
Mt 5,43-48

YÊU KẺ THÙ

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Một nhà thơ đương thời đã phản ứng lại trước các đối thủ như sau: “Trước một blog cá nhân đòi tát vào mặt (…), hoặc đang phát động cuộc vây đánh hội đồng, chúng tát vào má phải Jesus, Jesus chìa má trái. Chúng tát vào má ta bên phải, ta không làm Jesus, ta tập trung một thế hệ căm thù, để chìa ra quả đấm.” Chữ ta ở đây không riêng chỉ nhà thơ, nhưng có thể là hầu hết chúng ta, những môn đệ của Đức Giê-su. Ta không chìa ra một, hai quả đấm bằng tay trước mặt đối thủ, nhưng lòng trí ta có cả trăm quả đấm căm thù. Ta phản ứng theo cảm xúc con người, còn Thầy ta dạy yêu thương, cầu nguyện cho kẻ thù không phải theo tình cảm, nhưng bằng ý chí để chiến thắng bản năng và cảm xúc tự nhiên.

Mời Bạn: Bạn chỉ có thể thắng cảm xúc cay đắng, giận dữ với kẻ xúc phạm khi lòng bạn có Chúa Giê-su ngự trị và Lời Ngài chi phối cách hành xử của bạn. Dập tắt sự cay đắng và nuôi dưỡng lòng khoan dung, từ tâm giúp bạn nên giống Chúa hơn, và nhờ vậy, bạn nên trọn lành như Lời Chúa dạy.

Chia sẻ: Trong thực tế, bạn có thể yêu thương kẻ thù như Chúa dạy không?

Sống Lời Chúa: Tối nay tôi sẽ cầu nguyện cho một (hoặc những) “kẻ thù” của mình, như một cách bắt đầu tập sống yêu thương theo Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin tha thứ cho chúng con vì chúng con thường để cảm xúc cay đắng, giận dữ, làm chủ mình. Xin hãy là chủ nhân lòng chúng con, ngự trị và chi phối mọi cảm xúc của quả tim chúng con, giúp chúng con vượt qua mọi trả thù ti tiện, mọi giận hờn cay độc, để sống lòng yêu mến.

Chia sẻ Bài này:

Related posts