10/02/2019: CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – C
Lc 5,1-11
TIN VÀO SỨC MẠNH LỜI CHÚA
“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5,11)
Suy niệm: Phê-rô Ngư Phủ đánh bắt cá giỏi hơn Giê-su Thợ Mộc, đó là điều chắc chắn. Thế nhưng, với Phê-rô còn có một điều chắn chắn hơn: sức mạnh kỳ diệu của Lời Đức Giê-su, Lời đã chữa cho mẹ vợ ông khỏi cơn sốt (Lc 4,39). Vì tin vào sức mạnh của Lời ấy, ông gạt bỏ đi kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm của mình, cũng như vượt thắng sự mệt nhọc sau một đêm trắng tay. Mẻ cá dư dật minh chứng cho niềm tin đúng đắn của ông, đồng thời khai mở cho ông một cái nhìn mới. Từ nay Đức Giê-su không chỉ là một vị thầy (5,5), nhưng còn là Chúa của ông (5,8). Ông không còn là người chuyên đánh bắt cá nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng là người thu phục người khác về cho Chúa. Niềm tin vào Lời Chúa đã đổi hẳn đời ông.
Mời Bạn: Bạn có thể dựa vào kinh nghiệm sống để cho rằng Lời Chúa viển vông, không khả thi trong thực tế. Cũng có thể do ngã lòng quá sớm, mệt mỏi trong cuộc sống, bạn không muốn thực hiện theo Lời Chúa dạy. Cuộc đổi đời của Phê-rô hôm nay có thể giúp bạn có một cái nhìn mới về Lời Chúa.
Chia sẻ: Người Ki-tô hữu Việt Nam cần làm gì để Lời Chúa có một vị trí tương xứng hơn trong cuộc đời của họ?
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa như kim chỉ nam cho sinh hoạt của mình, và nỗ lực sống theo Lời ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không ép ông Phê-rô chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá, nhưng chỉ gợi ý mời gọi ông. Ngày hôm nay, con tin chắc Chúa cũng đang đưa ra những lời gợi ý mời gọi tương tự như vậy. Xin cho chúng con, tựa như ông Phê-rô, tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của Lời Chúa và hết lòng thực hiện Lời ấy. Amen.
11/02/2019: THỨ HAI TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức
Mc 6,53-56
TÌNH YÊU LÀ PHƯƠNG DƯỢC
“Người ta cũng đặt kẻ đau ốm ở ngoài chợ và xin Chúa Giê-su cho họ được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” (Mc 6,56)
Suy niệm: Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân được thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II thiết lập liên kết với ngày lễ kính Đức Mẹ tại Lộ Đức, nơi khách hành hương tuôn đến xin chữa bệnh và chứng kiến những phép lạ chữa lành. Chính ngài cũng chứng nhân về những ơn lạ Thiên Chúa ban cho trong những đau đớn thương tích của ngài. Kinh nghiệm được chữa lành như thế cũng là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, bởi mọi sự chữa lành đều xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nói cách khác, lòng thương xót là phương dược Thiên Chúa chữa lành mọi cơn đau đớn bệnh tật của con người. Bất cứ ai chạm đến Chúa đều được khỏi. Niềm tin vững mạnh đó càng thôi thúc bệnh nhân mọi thời nài xin Mẹ khẩn cầu Chúa thương chữa lành những ai đang đau đớn thể xác, tinh thần và linh hồn, những người đang đối mặt với bệnh tật. Tình yêu của Chúa chữa lành bệnh nhân, tình yêu của Mẹ khẩn nài cho bệnh nhân.
Mời Bạn: Thiên Chúa đặt bạn giữa các bệnh nhân như những sứ giả tình yêu của Thiên Chúa. Nhiều người lầm tưởng tình yêu là tình dục, là tiền bạc hay quà tặng. Tình yêu các bệnh nhân và nhân loại cần đến là tình yêu chân thật. Họ cần nghe tình yêu, cần thấy tình yêu, cần tình yêu chạm đến trái tim. Họ cần loại tình yêu như “món nợ” nhau mà thánh Phao-lô nói đến (Rm 13,8).
Sống Lời Chúa: Đi thăm hay chăm sóc một bệnh nhân như đang thăm và chăm sóc Chúa vậy.
Cầu nguyện: Xin Chúa cho mọi bệnh nhân gặp được niềm vui nơi Chúa.
12/02/2019: THỨ BA TUẦN 5 TN
Mc 7,1-13
THỜ PHƯỢNG CHÚA THEO CÁCH CHÚA MUỐN
“Dân này tôn kính ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.”(Mc 7,6-7)
Suy niệm: Trong một vở kịch của G. Marcel có tình huống: một người vợ dự định tặng cho chồng món quà sinh nhật là một đôi giày thật đẹp. Chẳng may anh chồng bị tai nạn phải cưa mất đôi chân. Chị vợ vẫn nhất quyết giữ ý định cũ của mình bất chấp giờ đây chồng mình không còn chân để đi giày nữa. Đôi giày thay vì là một món quà đem lại niềm vui hạnh phúc thì lại trở thành một sự xúc phạm nặng nề. Cách giữ luật theo kiểu người Pha-ri-sêu cũng thế. Thay vì thờ phượng Chúa bằng cuộc sống “công bình, nhân ái và thành tín” như Ngài mong muốn (Mt 23,23) thì họ chỉ dành cho Ngài những lời lẽ ngoài môi miệng và tuân giữ“những giới luật phàm nhân.” Như thế không phải là xúc phạm nặng nề đến Chúa hay sao?
Mời Bạn: Chúng ta có thực sự thờ phượng Chúa đúng như lòng Chúa mong muốn không? Chúng ta không thiếu những nghi lễ long trọng nhưng chúng ta đã sống công bình và nhân ái chưa? Liệu chúng ta đã đồng cảm với những người khổ đau, nghèo đói? Liệu chúng ta đã bênh vực, chia sẻ với những người đang chịu bất công, bị loại bỏ bên lề xã hội? Nếu chưa sống như thế, chúng ta mới chỉ thờ Chúa ngoài môi miệng, chưa đúng như lòng Chúa mong muốn.
Sống Lời Chúa: Xem, xét, và làm một việc theo tinh thần Tin Mừng để chia sẻ với người đau khổ sống bên cạnh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng, không viện lý do này khác để tránh né việc thực thi công bằng và nhân ái.
13/02/2019: THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Mc 7,14-23
ĐIỀU LÀM CHO Ô UẾ
“Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)
Suy niệm: Môi trường thiên nhiên ngày nay đang bị ô nhiễm trầm trọng chẳng phải tự nó làm cho nó ô uế. Chính từ tâm địa xấu xa của con người dẫn đến những hành động làm cho môi trường bị ô uế và làm hại ngược lại con người sống trong đó. Thức ăn tự nó chẳng phải là thứ gì ô uế và không làm cho ô uế tâm hồn người ăn nó. Tâm hồn người ta bị ô uế là do lòng dạ xấu xa của họ. Từ tấm lòng xấu mới xuất ra những thứ xấu xa. “Lòng đầy thì mới nói ra.”Đức Giê-su liệt kê một loạt tội lỗi làm cho con người ra ô uế và chúng phát xuất từ lòng xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tội lỗi bắt nguồn từ trong ý muốn, trong lòng. Nếu có hành động biểu lộ ra bên ngoài thì đó chỉ là biểu hiện của cái lòng đã phạm tội.
Mời Bạn: Những tội lỗi được Đức Giê-su liệt kê vốn xuất phát từ lòng xấu của con người. Kể ra những tội lỗi xấu xa này, Đức Giê-su không có chỉ khuyên phải tránh những tội lỗi ấy, vì đó chỉ là cách “chữa bệnh theo triệu chứng”; nhưng Người muốn truy đến tận nguồn gốc phát sinh ra tội là lòng người, vì cỏ phải nhổ tận gốc, bệnh phải chữa tận căn. Bạn có thể nhận thấy mình có tội, nhưng bạn đã biết đâu là gốc rễ tội lỗi đó, đâu là “mối tội đầu” của bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi kiểm điểm đời sống thấy mình phạm tội này tội kia, mời bạn xét thêm động lực nào đã tác động khiến bạn làm như thế.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Giáo Hội Chúa là thánh thiện, nhưng con cái Giáo Hội là những tội nhân. Xin cho chúng con khi nỗ lực canh tân Giáo Hội thì trước hết hãy nỗ lực canh tân lòng mình.
14/02/2019: THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Thánh Xy-ri-lô, đan sĩ và Mê-tô-đi-ô, giám mục
Mc 7,24-30
NHỮNG VỤN BÁNH NHỎ
Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Chúa Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri-a. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. (Mc 7,25-26)
Suy niệm: Có vẻ như Chúa Giê-su mắc chứng kỳ thị chủng tộc nặng: người Do thái được coi là“con cái trong nhà”, được hưởng nguyên miếng bánh to; còn người phụ nữ gốc Phê-ni-xi này là người Hy lạp thì bị coi như “con chó con”, chỉ trông chờ những vụn bánh nhỏ từ bàn ăn rơi xuống. Nhưng thực ra chính cái gút khúc mắc đến cực điểm ấy lại được giải kết thật “có hậu”: người đàn bà “ngoại giáo” này được toại nguyện nhờ niềm tin mãnh liệt của bà. Ở nhiều nơi hành hương như Trà Kiệu, La Vang… chẳng hạn, anh chị em lương dân lại chứng kiến những phép lạ, được hưởng những ơn lành chẳng kém gì người công giáo. Phải chăng đó là “những vụn bánh nhỏ” giúp kiểm nghiệm những niềm tin lớn đang hiện hữu nơi tâm hồn biết bao anh em lương dân?
Mời Bạn: Chúa vẫn thực hiện những phép lạ lớn lao một cách âm thầm như ngày nào. Và Ngài đang mời bạn tiếp tay với Ngài dẫn đường cho những anh em đó trở thành “con cái trong nhà” cách trọn vẹn để họ không chỉ hưởng một vài “vụn bánh nhỏ” phép lạ mà còn được cả tấm bánh to là chính Thánh Thể Đức Giê-su Ki-tô.
Chia sẻ: Có gì khác giữa niềm tin của một người lương dân và đức tin của người Ki-tô hữu ?
Sống Lời Chúa: Đem “tấm bánh Tin Mừng” hằng ngày đến cho anh chị em lương dân bằng cách mỗi ngày làm một việc tốt và cầu nguyện cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống quảng đại bao dung với mọi người.
15/02/2019: THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Mc 7,31-37
“ÉP-PHA-TA!”: HÃY MỞ RA!
“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc 7,37)
Suy niệm: Trong truyện ngắn Máu Cá (tức máu lạnh), nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-89) kể chuyện một bà mẹ trẻ mất con ở ga Hàng Cỏ, kêu la thảm thiết, nhưng chẳng ai đoái hoài. Nhà văn xin một công an trực rao trên loa, người này cũng chẳng nói chẳng rằng. Cả ngàn người trên ga Hàng Cỏ như điếc, như câm trước nỗi khổ của người mẹ quẫn trí vì mất con! Bài Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su không dửng dưng trước đau khổ của con người; Ngài đã chữa lành cho người câm điếc. Lời tán dương của đám đông gợi nhớ lại lời kết luận của sách Sáng Thế về công trình sáng tạo (1,31). Đức Giê-su đến để phục hồi sự tốt đẹp của công cuộc sáng tạo: một thế giới trong đó mọi người tin nhận và sống tư thế con thảo của Cha trên trời, nhìn vào mặt người khác và nhận ra họ là anh em, chị em của mình.
Mời Bạn: Bệnh điếc và câm tinh thần khiến bạn mất khả năng sống mối tương quan với Chúa và người khác trong Nước Trời của Đức Giê-su. Hãy xin Chúa nói “Ép-pha-ta” để bạn biết lắng nghe tiếng Chúa và tiếng của người lân cận, cũng như biết mở miệng loan báo Tin Mừng và nói những điều tốt đẹp, đem lại niềm vui cho người khác.
Chia sẻ: Bạn mất khả năng lắng nghe người khác trong trường hợp nào?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập sự hoán cải: đổi mới cái nhìn về cuộc đời, thế giới, người chung quanh, để hợp với tư cách công dân một Nước Trời công lý, hòa bình, và yêu thương của Đức Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin mở tai con, để con biết lắng nghe Lời Chúa. Xin mở miệng con, để con mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Xin mở mắt con, để con nhận ra Chúa nơi người anh em.
16/02/2019: THỨ BẢY TUẦN 5 TN
Mc 8,1-10
GIỮ TRỌN LỜI THỀ KHI BẺ BÁNH
Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. (Mc 8,6)
Suy niệm: Nhà văn Quyên Di khi suy niệm về việc Chúa Giê-su “bẻ bánh” đã kể lại sự tích“Đồng Tiền Vạn Lịch” trong ca dao. Ngày xưa, các đôi nam nữ lấy đồng tiền kẽm bẻ làm đôi, mỗi người giữ một nửa, thề rằng khi nào hai người nên duyên vợ chồng chung sống với nhau, như hai mảnh đồng tiền ráp lại thành một đồng tiền trọn vẹn lúc đó họ mới trọn vẹn hạnh phúc. Từ chuyện “bẻ tiền” đến chuyện “bẻ bánh”: Chúa Giê-su không chỉ bẻ đôi tấm bánh, làm phép lạ cho dân chúng ăn no nê; Ngài còn bẻ tấm bánh trong bữa Tiệc Ly để biến nó thành Mình Ngài, để con người ăn và được sống và sống dồi dào. Trong tấm bánh được bẻ ra đó, Ngài trao thân gửi phận cho chúng ta để giữ trọn lời thề “ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.”
Mời Bạn: Cử chỉ bẻ bánh của Chúa Giêsu đã trở thành cử chỉ hết sức thân thương: Các môn đệ nhận ra Ngài và nhận ra nhau mỗi khi cử hành “lễ bẻ bánh.” Bắt chước Chúa Giê-su, bạn hãy “bẻ đôi tấm bánh đời” để muôn người được “no nê” và sống vui với tình hiệp nhất trong tình thương Thiên Chúa.
Chia sẻ: Không chỉ bố thí của dư thừa mà còn biết giảm bớt lợi nhuận để góp phần bảo vệ môi trường, đó chính là cách “bẻ một góc đồng tiền” thời nay để chia sẻ với những người nghèo thời nay. Bạn có suy nghĩ gì về ý tưởng đó?
Sống Lời Chúa: Luôn trích một chút từ khoản chi tiêu hằng ngày dành riêng để sẵn sàng chia sẻ cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trên Thập giá Chúa đã bẻ tấm bánh thân mình và hiến trao cho chúng con. Xin cho cuộc đời của chúng con trở nên tấm bánh tình yêu, bẻ ra cho muôn người.