07/02/21 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – B
Mc 1,29-39
KHÔNG VƯƠNG VẤN
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lịch làm việc dày đặc, không ngừng nghỉ của Chúa Giê-su. Vừa ra khỏi hội đường – chắc hẳn Ngài vừa giảng dạy ở đó – Chúa Giê-su đã đến nhà mẹ vợ ông Phê-rô và chữa bà khỏi cơn sốt. Buổi chiều, “khi mặt trời đã lặn” dân chúng vẫn còn xúm đen xúm đỏ trước cửa nhà, để xin được chữa lành, và vì tò mò cũng có. Chúa lại chữa lành và trừ quỷ cho họ. Nhưng dẫu có bận bịu và được quần chúng hâm mộ như thế, Thầy Giê-su để mình vương vấn vì sự thành công và nổi tiếng hay nhân cơ hội đó để ‘đánh bóng tên tuổi’ để rồi sao nhãng sứ mạng chính yếu của Ngài. Đó là kết hiệp thân thiết với Chúa Cha bằng cách “từ sáng sớm đã ra nơi thanh vắng cầu nguyện”, và dứt áo ra đi trước sự chèo kéo của dân chúng để tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời “vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
Mời Bạn: Bạn có bao giờ bị kìm chân bởi những thành công của chính mình chưa? Có khi nào bạn lao vào mọi công việc tất bật để rồi bạn đánh mất sự quân bình nội tâm, một mặt không còn dành thời gian để hồi tâm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, mặt khác sinh lòng tự mãn trước những lời khen lao, và trở nên vô cảm nghiệt ngã với tha nhân?
Sống Lời Chúa: Noi gương Chúa Giê-su trung thành với việc cầu nguyện mỗi ngày dù bạn bận rộn thế nào đi nữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu mực của phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con noi gương Chúa để tất cả những gì chúng con làm là đều nhờ ơn Chúa ban chứ không phải do sức của con. Amen.
08/02/21 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-nô
Mc 6,53-56
CHẠM ĐẾN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHÚA CHỮA LÀNH
“Người đi tới đâu… người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ… và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” (Mc 6,55-56)
Suy niệm: Đời vốn là bể khổ; thời đại nào con người cũng phải đối mặt với những bệnh nan trị. Dân chúng chạm đến giới hạn của mình khi bất lực trước những đau khổ bủa vây. Khi hay tin Đức Giê-su xuất hiện, họ tuôn đến với Người. Họ khao khát, đặc biệt các bệnh nhân, được chạm đến Chúa dù chỉ là qua tua áo của Ngài thôi, thì họ cũng toại nguyện. Chạm đến tua áo cũng chính là chạm đến con người Đức Giê-su. Cũng có nghĩa là chạm đến cánh cửa thần linh, để Ngài mở ra cho họ nguồn mạch ân sủng quyền năng và tình yêu vô biên của Ngài, để phá vỡ sự bế tắc bất lực họ đang đối mặt; và như thế nhờ họ được Chúa chữa lành.
Mời Bạn: Bạn có nhận ra mình đang mắc căn bệnh thiêng liêng nào khiến mình trở nên yếu nhược và cần được chữa lành không? Mời bạn tìm cách chạm đến Chúa và để Ngài chữa lành. Thật ra Ngài đã tìm cách để bạn chạm đến Ngài hay đúng hơn Ngài đã thân hành đến để đón chờ bạn khi Ngài mở sẵn những cánh cửa thần linh đó là Tin Mừng và các bí tích, để mỗi khi bạn chạm đến, Ngài liền tuôn đổ muôn ơn phúc thiêng liêng cho bạn.
Sống Lời Chúa: Đến với Chúa Giê-su trong Bí tích Hoà giải để Người chạm đến tâm hồn bạn, để bạn cảm nếm lòng nhân hậu của Ngài, và chữa lành bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết và dám để Chúa đụng chạm đến tâm hồn con. Nhờ đó, không những con được chữa lành thương tích tâm hồn, mà còn được múc lấy nguồn sinh lực thiêng liêng là ân sủng Chúa. Amen.
09/02/21 THỨ BA TUẦN 5 TN
Mc 7,1-13
TÌNH YÊU GIÚP PHÂN ĐỊNH
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”… Người trả lời: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. (Mc 7,5.8)
Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu nại đến “truyền thống tiền nhân” để bắt bẻ Chúa Giê-su; nhưng Ngài vạch ra cho thấy những tập tục đó là do họ đề ra, và cũng chính họ ‘nâng cấp’ thành luật buộc. Rồi qua việc thực hành tỉ mỉ, họ cho rằng mình đang rất trung thành tuân thủ luật Chúa, nhưng thực chất là chiêu trò ‘mập mờ đánh lận con đen’ nhằm che đậy việc họ “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa”. Ngài dẫn chứng việc họ viện cớ dâng cúng của cải cho Thiên Chúa để khước từ bổn phận phụng dưỡng cha mẹ. Và Ngài đưa ra tiêu chí để phân định: Mọi lề luật phải dựa trên “điều răn của Thiên Chúa” và phải được thực thi không chỉ “bằng môi bằng miệng” mà là với cả tấm lòng yêu mến.
Mời Bạn: Truyền thống có thể góp phần tạo nên phong hóa và duy trì những giá trị cho xã hội. Nhưng chúng cũng có nguy cơ trở thành bình phong che đậy cái tôi ích kỷ, hẹp hòi và ganh ghét. Thánh Au-gút-ti-nô khuyên chúng ta: “Cứ yêu đi rồi bạn biết phải làm gì.” Tình yêu chính là tiêu chí phân định. Quả thật, Chúa dạy rằng ai yêu mến Ngài thì giữ giới răn của Ngài, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Sống Lời Chúa: Mỗi tối xét mình: Công việc phục vụ của tôi phát xuất từ tình yêu Chúa hay từ cái tôi ích kỷ?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Đấng kiện toàn mọi sự, xin giải thoát con khỏi những định kiến, để chỉ sống theo Thần Khí Chúa mà thôi. Amen.
10/02/21 THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Mc 7,14-23
CÁI LÀM CON NGƯỜI RA Ô UẾ
“Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế; nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)
Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu một mực cho rằng phải thanh tẩy tâm hồn bằng cách thực hành các nghi thức như rửa tay, tẩy rửa chén bát. Hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại chân lý hiển nhiên mà họ đã bỏ qua, đó là không có thứ thực phẩm vật chất nào có thể làm cho tâm hồn con người ra ô uế được. Những ý nghĩ xấu xa, những tâm tình lệch lạc từ lòng người phát xuất ra, mới là thủ phạm làm dơ bẩn lòng người và làm cho con người mất ân nghĩa với Chúa, mất tương quan tốt đẹp với tha nhân: “Vì từ bên trong, từ trái tim, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phi báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.”
Mời Bạn: Việc thanh tẩy chỉ bằng một số nghi thức tẩy rửa bên ngoài không thể làm cho chúng ta trở nên thanh sạch. Thay vào đó, chúng ta phải bắt đầu bằng việc “tu tâm dưỡng tính,” và nhờ ơn Chúa như “mạch nước hằng sống vọt lên từ trong lòng” (x. Ga 4.14) tâm hồn ta được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Nhờ đó, chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng chính cái tâm trong sáng qua những việc làm tích cực, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Sống Lời Chúa: Luôn quy hướng về Chúa để lời nói, hành động của chúng ta xuất phát từ cái tâm ngay thẳng.
Cầu nguyện: Xin cho chúng con biết quy hướng về Chúa, lắng nghe Lời Chúa, để tâm hồn chúng con được thanh tẩy khỏi những sự ô uế hầu chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa.
11/02/21 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức
Mc 7,24-30
KIÊN TRÌ KÊU XIN CHÚA
“Chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” (Mc 7,28)
Suy niệm: Chúa Giê-su là “ngai Thiên Chúa”, là “nguồn ân sủng” mà con người có thể mạnh dạn tiến lại gần để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần (x. Dt 4,16). Người phụ nữ dân ngoại đã vượt qua rào cản ngăn cách giữa Do Thái và Hy Lạp để sấp mình dưới chân Chúa Giê-su mà kêu xin Người chữa đứa con gái bị quỷ ám. Chúa Giê-su có ý thử thách bà nên chưa nhận lời ngay với lý do dành ưu tiên cho dân Do Thái trước hết. Dù biết phận mình là dân ngoại, nhưng người phụ nữ này quyết không bỏ cuộc. Bà tiếp tục nài nỉ với những lời lẽ đầy khiêm hạ và tin tưởng: “Thưa Ngài, chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Rốt cục, lòng chân thành và nhẫn nại của bà đã được Chúa Giê-su đoái đến. Người đã giải thoát đứa con gái bà khỏi quỷ ám.
Mời Bạn: Thánh Âu-gút-ti-nô nói: “Cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa”. Do đó, chúng ta cần lòng kiên nhẫn để kêu xin Chúa luôn mãi, vì không phải bất cứ lời cầu xin nào cũng được toại nguyện ngay tức khắc. Bạn hãy tin rằng, nếu điều mình xin đẹp ý Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ nhận lời vào lúc Người muốn và theo cách Người muốn.
Sống Lời Chúa: Kiên trì xin Chúa ban một ơn nào đó mà Người ‘có vẻ’ chưa nhậm lời: chẳng hạn, xin cho cơn đại dịch mau chấm dứt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy cầu nguyện luôn, đừng sờn lòng nản chí, nhưng chúng con thường hay ngã lòng khi đối diện với những vấn đề gai góc. Xin giúp chúng con biết kiên trì kêu xin Chúa để được xót thương và trợ giúp.
12/02/21 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Mồng Một Tết. Cầu bình an năm mới
Mc 6,25-34
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)
Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau nững điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta : “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta những điều đó, – “ban thêm” – sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.
Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không ? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều : dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.
Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.
13/02/21 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Mồng Hai Tết. Kính nhớ tổ tiên
Mc 15,1-6
THỜ CHA KÍNH MẸ MỚI LÀ ĐẠO CON
“Ngươi hãy kính thờ cha mẹ.” (Mt 15,4)
Suy niệm: Cha ông ta dạy: “Bách thiện, hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, việc hiếu thảo luôn đứng đầu. Đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam không xa lạ với giáo huấn của Chúa. Sau ba điều răn đầu trong Mười Điều Răn dạy ta phải phụng thờ Thiên Chúa, thì điều răn thứ tư, điều răn đầu tiên nói về bổn phận đối với tha nhân là “hãy thảo kính cha mẹ.” Thánh Phao-lô đã nói như thế: “Hãy thảo kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất” (Ep 6,2). Nghiêm khắc hơn, Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta, “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử.” Và chính Chúa Ki-tô trong những năm tháng ẩn dật tại Na-da-rét cùng với Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se, “Người hằng vâng phục các ngài.” Người ki-tô hữu tôn kính tổ tiên là thực hành giới răn của Chúa, vừa đền đáp công ơn vừa phá tan thành kiến: “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”.
Mời Bạn: Tết là dịp làm mới lại lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ. Bạn sẽ làm gì để bày tỏ lòng hiếu kính: thăm viếng, mừng tuổi các ngài? Mời bạn làm một việc thật ý nghĩa để nói lên lòng hiếu thảo của bạn và thể hiện điều đó trong suốt năm nay và mai sau nữa. Nếu bạn không cho mình một cơ hội làm điều đó ngay hôm nay thì biết đâu ngày mai bạn không còn dịp nào khác nữa. Không lúc này thì lúc nào? Hãy làm ngay hôm nay, kẻo muộn màng.
Sống Lời Chúa: Sự vô tâm của người Ki-tô hữu đối với tổ tiên, cha mẹ đã gây nên hiểu lầm và cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng, thì nay, chúng ta xin lỗi Chúa, xin lỗi ông bà, cha mẹ và quyết tâm sống đạo hiếu như Chúa dạy.
Cầu nguyện: Xin cho làn hương trầm trong dịp tết diễn tả được lòng thành của chúng con đối với Chúa và với ông bà tổ tiên. Amen.