5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 02-2022

06/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – C
Lc 5,1-11

 

BƯỚC THEO THẦY GIÊ-SU

Thế là họ đưa thuyền vào bờ và bỏ hết mọi sự mà đi theo Người. (Lc 5,11)

Suy niệm: Chúa Giê-su xuống thế làm người không như một khách đến tham quan thoáng chốc rồi rời đi. Trái lại, Ngài đến để ở lại, đồng hành, và chia sẻ cuộc sống với con người và để nâng con người lên tầm cao mới. Ngài gặp gỡ dân chúng ngay giữa cuộc sống xô bồ của họ bên hồ Ghen-nê-xa-rét. Ngài kêu gọi các môn đệ khi họ vừa đánh cá về và đang giặt lưới. Ngài mượn thuyền của họ để hỗ trợ việc giảng dạy dân chúng. Thế rồi ngay trên con thuyền ấy, Ngài tỏ quyền năng qua mẻ cá lạ lùng, và các ông đã được Ngài thu phục. Bỏ mọi sự đi theo Chúa, các ông vẫn là ngư phủ, nhưng là ngư phủ của Nước Trời (x. Mt 13,47-50); các ông vẫn thả lưới, nhưng không phải bắt cá mà là “thu phục người ta” (Lc 5,10).

Mời Bạn: Chúa kêu gọi bạn làm môn đệ của Ngài ngay trong đời thường của bạn. Bạn được Ngài sai đi không phải đâu xa, mà ngay trong môi trường gia đình, nghề nghiệp đời thường của bạn. Qua Bí tích rửa tội, bạn được trở nên con cái Chúa, không phải để được cất lên trời mà là vẫn ở lại giữa trần gian nhưng được biến đổi lên “tầm cao mới”; nhờ đó, bạn vẫn là công nhân, nhưng là một công nhân tông đồ; vẫn là giáo viên, nhưng là giáo viên tông đồ… Bạn vẫn là bạn, nhưng mang sứ mạng tông đồ để loan báo Tin Mừng ngay trong môi trường đời thường của bạn.

Sống Lời Chúa: Lan toả tình yêu Chúa bằng cách chu toàn việc bổn phận hằng ngày với tinh thần phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Xin cho chúng con biết sống theo Thần Khí Chúa soi dẫn để trở nên chứng nhân cho Chúa trong ngày hôm nay. Amen.

 

07/02/22 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Mc 6,53-56

 

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

Đi đến đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Đức Giê-su cho họ ít là được chạm đến tua áo của Người; và bất cứ ai chạm đến thì đều được khỏi. (Mc 6,56)

Suy niệm: Trong Tông thư về Lòng Thương Xót, thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh rằng, lòng thương xót được biểu lộ đặc biệt bằng việc khôi phục các giá trị và giúp con người thăng tiến, vươn lên khỏi những điều ác. Nhìn vào Đức Giê-su, người ta mới nhận rõ nét mặt khả ái của lòng thương xót. Ngài thương nhận lời cầu xin đầy tin tưởng của nhiều người, dù họ lên tiếng rõ ràng như anh trộm lành hay như ông viên trưởng hội đường; hoặc họ chỉ im lặng đợi trông như người đàn bà bị bệnh loạn huyết hay như nhiều người bệnh khác mong chỉ chạm đến tua áo Ngài. Lòng thương xót của Ngài không dừng lại ở lòng trắc ẩn về thể lý hay vật chất, nhưng để cho họ được sống và sống dồi dào trong tư cách là con Thiên Chúa.

Mời Bạn: Lòng thương xót của Chúa thúc đẩy ta nhìn thấy tình trạng tâm hồn của ta và của tha nhân, xuyên qua cái nhìn đầy trắc ẩn của ta đối với họ. Nhiều người chưa biết Chúa là Đấng hay thương xót.

Chia sẻ: Những tặng phẩm mà bạn có thể mang đến cho người khác là gì? “Chất” Tin Mừng có thấm trong những tặng phẩm ấy không?

Sống Lời Chúa: Bạn nài xin Chúa cho gia đình bạn và gia đình người lương mà bạn kết nghĩa được những ơn cần thiết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, đã hai mươi thế kỷ Chúa đến với nhân loại, nhưng nhiều người vẫn chưa biết đến Tin Mừng này. Xin cho con biết hăm hở loan báo lòng thương xót Chúa cho anh em con.

 

08/02/22 THỨ BA TUẦN 5 TN
Th. Giô-sê-phi-na Ba-khi-ta, trinh nữ
Mc 7,1-13

 

LÒNG ĐẠO ĐỨC ĐÍCH THỰC

Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa.(Mc 7,13)

Suy niệm: Để tiếp thị một sản phẩm, yếu tố quyết định lắm khi không phải là chất lượng của sản phẩm mà là mẫu mã hấp dẫn, đánh động thị hiếu người tiêu dùng. Não trạng chuộng hình thức ấy lại càng nguy hiểm khi nó tiêm nhiễm vào cả trong cung cách sống đạo. Chúa Giê-su chống lại cung cách sống đó nơi người Pha-ri-sêu: Họ chú trọng truyền thống tiền nhân như rửa tay, rửa chén bát… nhưng lại lơ là điều quan trọng là giới răn của Thiên Chúa, mà cốt lõi ở tại tấm lòng. Nói cách khác, họ chăm chăm đến hình thức bên ngoài nên không còn nhận ra lòng đạo đức đích thực hệ tại điều gì. Lòng sùng đạo đích thực phải đưa người ta đến với Thiên Chúa và tha nhân trong tình mến, chứ không phải chỉ là thực hành nghi thức hay luật lệ. Đây mới là “chính đạo” mà Chúa mời gọi các môn đệ Ngài hướng tới.

Mời Bạn: Bạn có nghĩ việc sống đạo của mình đã ổn chỉ dựa vào việc thực hành bên ngoài không? Bạn ơi, hãy coi chừng việc đánh giá theo cung cách ấy sẽ rất phiến diện. Kỳ thực, vẻ bề ngoài tốt lành như siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ, làm việc tông đồ… vẫn chưa thể phản ảnh chính xác tâm hồn bên trong. Cần phải xét xem cách mình cầu nguyện, đối xử với tha nhân, cách phản ứng trước một quyền lợi nào đó có xuất phát từ lòng yêu mến để biết mình có lòng đạo đức đích thực hay không.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm các việc đạo đức với tình mến thực sự.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy con đâu là việc thờ phượng đích thực. Xin cho con biết lấy Luật Chúa làm cốt lõi của đời sống, chứ không chú tâm vào bề ngoài mà đánh mất ý nghĩa bên trong.

 

09/02/22 THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Mc 7,14-23

 

TỐT XẤU HỆ TẠI TÂM

Đức Giê-su nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” (Mc 7,20-22)

Suy niệm: Thiên Chúa là Đấng Thánh. Những gì thuộc về Ngài đều là thánh. Người Do Thái tự hào mình là dân thánh vì được thánh hiến cho Thiên Chúa (Xh 19,6). Sự thanh sạch được coi như là biểu hiện của sự thánh thiện. Vì thế, người Do Thái, đặc biệt giới kinh sư và Pha-ri-sêu, những thành phần được coi là có trách nhiệm bảo vệ ‘sự thánh’, rất chú trọng đến việc giữ mình khỏi sự ô uế. Họ đặt ra nhiều qui định như: “không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng” (Mc 7,3-4), vì tưởng rằng tẩy rửa bên ngoài đủ để thanh sạch cả trong tâm hồn. Nhưng họ đã lầm, bởi theo Chúa Giê-su, thanh sạch phải từ trong tâm hồn vì “chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15).

Mời Bạn: Tâm tốt sẽ sinh ra hành vi tốt. Và để có được tâm tốt, cần bồi bổ những dưỡng chất tốt. Vậy, bạn thường nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những thứ gì? Là thần lương ban xuống từ trời, hay những thứ ô uế do ma quỉ bày ra?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để đọc và suy gẫm Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã đến để chúng con được sống và sống dồi dào. Xin hấp dẫn con bởi chính Chúa, để trong quyền năng, tâm hồn con được biến đổi, nhờ đó mà đời sống con sinh nhiều hoa trái tốt. Amen.

 

10/02/22 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Mc 7,24-30

 

ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU

Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Đức Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. (Mc 7,25)

Suy niệm: Người đàn bà xứ Xy-ri này phải chịu đựng những thành kiến, dị nghị của người Do Thái đối với những người dân ngoại, khi bà đến xin Đức Giê-su cứu chữa đứa con gái bé bỏng của mình khỏi quỷ ám; giờ đây hẳn bà cảm thấy bất lực, tuyệt vọng không còn chỗ để bám víu trước những lời hắt hủi phũ phàng của Chúa: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Tình mẫu tử đã giúp bà tăng thêm lòng can đảm để vượt lên tất cả, bà vẫn “sấp mình dưới chân Chúa” và thưa lại với tất cả niềm tin, hy vọng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Những lời xem ra thử thách của Đức Giê-su lại càng tỏ lộ rõ lòng tin kiên trì của bà và nhất là lòng thương xót vô biên của Chúa. Nhờ thế, con gái của bà đã được Chúa chữa lành.

Mời Bạn: Chúng ta khi đứng trước những khó khăn, đặc biệt của chính con cái, người thân của mình, có đến “sấp mình dưới chân Chúa” cầu xin Ngài với tất cả lòng thành và tin tưởng kiên trì phó thác hoàn toàn cho tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa? Bạn đừng ngại dâng lên Chúa những ưu tư, những nỗi khổ của mình, của người thân để được Chúa trợ giúp, an ủi, chữa lành.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi cầu nguyện, bạn dâng lên Chúa ý chỉ cầu xin cho những người đau khổ đang cần trợ giúp mà bạn quen biết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con vững tin vào Chúa, biết tìm đến với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, đặc biệt những lúc khó khăn nhất trong đời sống chúng con. Amen.

 

11/02/22 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày quốc tế bệnh nhân
Mc 7,31-37

 

KHAI THÔNG BẾ TẮC

Đức Giê-su ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-ta,” nghĩa là hãy mở ra! Lập tức, tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,34-35)

Suy niệm: Chứng câm điếc khiến khả năng giao tiếp, truyền thông với người  khác bị phế bỏ. Người câm điếc không thể biểu đạt tâm tư, suy nghĩ của mình, đồng thời cũng không thể tiếp nhận lời nói, tư tưởng của người khác. Đó là một tình trạng bế tắc và bị cô lập! Khi thi hành sứ vụ ở vùng đất dân ngoại, Chúa Giê-su đã chữa lành một người câm điếc. Chúa dẫn anh ta ra riêng một nơi, đặt ngón tay vào lỗ tai, bôi nước miếng vào lưỡi, rồi nói: “Ép-pha-ta, hãy mở ra!” Thế là sự bế tắc khoá chặt người câm điếc bấy lâu nay đã được phá vỡ. Anh ta nghe được và nói rõ ràng. Chúa Giê-su đã làm cho cuộc đời anh ta mở sang một trang mới.

Mời Bạn: Chứng câm điếc tâm linh là sự tối tăm, mù quáng của tâm hồn con người. Đó là lối sống cố thủ cực đoan, đóng kín nơi chính mình, không đón nhận Thiên Chúa đi vào tâm hồn mình cũng như không mở lòng ra với tha nhân. Chứng câm điếc tâm linh này dần dà sẽ hủy hoại đời sống Ki-tô hữu. Bạn hãy cho phép Chúa Giê-su dẫn riêng ra một nơi để Người chữa lành chứng bệnh câm điếc tâm linh, để khai thông sự bế tắc chết người này trong đời sống bạn.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn dành thời giờ riêng tư ở lại với Chúa Giê-su, và xin Người mở lòng bạn và chữa lành chứng câm điếc tâm linh cho bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin mở tai con để con biết chân thành lắng nghe Chúa và anh chị em mình. Xin mở miệng con để con cao rao tình thương của Chúa và nói những lời bác ái với tha nhân. Amen.

 

12/02/22 THỨ BẢY TUẦN 5 TN
Mc 8,1-10

 

NO THOẢ CƠN ĐÓI

Đám đông đã ăn và được no nê. (Mc 8,8)

Suy niệm: Để lại sau lưng mọi mối bận tâm cơm áo gạo tiền, đám đông dân chúng theo Chúa Giê-su vào “nơi hoang vắng” say mê lắng nghe Lời Chúa đến mức quên cả nhu cầu thiết yếu nhất: “suốt ba ngày mà không có gì ăn!” Họ đói khát Lời Chúa còn hơn cả đói cơm bánh. Phần Chúa Giê-su, với tấm lòng chạnh thương, miệt mài rao giảng Nước Trời, Ngài còn hóa bánh ra nhiều nuôi đoàn dân ăn no nê, không “để họ nhịn đói mà về kẻo họ xỉu dọc đường.” Ngài cung cấp lương thực dồi dào và cho họ no thỏa cơn đói tinh thần lẫn thể chất.

Mời Bạn: Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Ta sẽ đổ xuống muôn hồng ân, cho Xi-on được lương thực dồi dào, và ban cho kẻ nghèo hèn được no nê cơm bánh”. Nhưng Ngài còn mời gọi đừng theo Ngài chỉ vì thứ “lương thực mau hư nát” mà hãy tìm kiếm “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (x. Ga 6,27). Mời bạn tự vấn xem việc bạn đi theo làm môn đệ Chúa Ki-tô đang bị lệch lạc bởi tinh thần thế tục như thế nào? Liệu bạn có vì lắng lo cho “những của cải chóng qua đời này” mà quên “gắn bó với của cải muôn đời tồn tại” hay không?

Chia sẻ: Bạn thường viện lý do bận rộn điều gì để thoái thác việc thờ phượng Chúa (thánh lễ Chúa Nhật, đọc kinh gia đình…)?

Sống Lời Chúa: Sắp xếp công việc để trung thành với việc cầu nguyện chung trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi con trú ẩn (Tv 90,1). Chỉ có Ngài mới thỏa mãn những khao khát sâu thẳm trong trái tim con. Xin giúp con luôn hướng về Ngài và làm việc vì vinh danh Ngài.

Chia sẻ Bài này:

Related posts