5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 02-2022

13/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – C
Lc 6,17.20-26

 

HẠNH PHÚC THẬT

“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)

Suy niệm: Chắc chắn Chúa Giê-su không có ý nói rằng cuộc sống lầm than túng thiếu, không xứng với phẩm giá con người lại là điều đáng chúc phúc. Vậy Chúa ám chỉ ai và điều gì khi Ngài nói “Phúc cho anh em là những người nghèo khó”? Dĩ nhiên, nghèo khó trước hết nói về những người thiếu thốn về vật chất, người không có quyền lực, bị áp bức, bị bóc lột… Sau nữa, theo Thánh Kinh, người nghèo khó là những người luôn đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Khi không đặt cho mình chỗ dựa nào trong cuộc đời này, người ta mới khám phá hạnh phúc thật không thể tìm thấy ở của cải đời này mà là ở nơi Thiên Chúa. Và như thế, ngay cả những người có nhiều của cải vật chất cũng có thể trở nên nghèo khó bằng cách sống trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa và cảm thông chia sẻ với người đang gặp cảnh khó khăn.

Mời Bạn: Trở ngại lớn nhất khiến người ta không thể sống tinh thần nghèo khó không phải là vì ngày nay người ta có thể làm ra quá nhiều của cải, mà là vì người ta quá lệ thuộc của cải đến nỗi không thể chia sẻ cho nhau một cách quảng đại, và nhất là không thể sống trong niềm tín thác vào Chúa.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm để cảnh giác mình khỏi trở thành nô lệ cho của cải vật chất: – Tôi có cảm thấy mất bình an khi bị mất hay thiệt thòi về của cải không? – Tôi có cảm thấy ngần ngại do dự khi phải cho đi một cái gì không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy biết sống nghèo khó như Chúa, là biết luôn tựa nương vào Chúa là nguồn hạnh phúc chân thật vĩnh cửu.

 

14/02/22 thứ hai tuần 6 tn

Th. Xy-ri-lô và Mê-tô-đi-ô
Mc 8,11-13

 

dấu lạ giê-su

“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12)

Suy niệm: Chuyện kể rằng một vị thánh đang chầu Thánh Thể thì có người vào báo tin ở ngoài đang xảy ra một phép lạ và người ta kéo tới xem đông lắm. Vị thánh đã trả lời ở đây cũng đang diễn ra một phép lạ vĩ đại, đó là chính Chúa Giê-su hiện diện trong nhà chầu, nơi bí tích Thánh Thể và ngài đang chiêm ngắm. Người Do Thái đòi Chúa Giê-su làm một dấu lạ trên trời, nhưng chính Ngài là dấu lạ đang ở trước mặt họ thì họ không nhận biết: Ngài sẽ là Dấu Lạ đích thực cho họ, “dấu lạ Gio-na,” qua cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Biết bao phép lạ lớn lao Chúa đã thực hiện không phô trương ồn ào, mà kín đáo tế nhị, âm thầm khiêm tốn. Làm cho nước hoá thành rượu tại tiệc cưới Cana, làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, Chúa đã làm như một việc bình thường, tự nhiên tới mức không ngờ! Và giờ đây, ngày ngày, Ngài vẫn hiện diện trong Lời của Ngài, trong bí tích Thánh Thể; bạn có ý thức sự hiện diện đó chưa?

Chia sẻ: Chúa Ki-tô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể nhưng lại có vẻ thầm lặng và quá tầm thường; điều đó có làm bạn quên lãng hoặc coi thường “dấu lạ” bí tích này không?

Sống Lời Chúa: Trong tuần dành thời gian đến chầu Thánh Thể ít là một lần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với con nhưng nhiều khi con không nhận biết; và con cứ mãi tìm kiếm một giải pháp theo kiểu thế gian mà quên hành động trong sự kết hiệp với Chúa. Xin cho chúng con nhận ra rằng chính Chúa là dấu chỉ đích thực mang lại ơn cứu độ cho con mà thôi. Amen.

 

15/02/22 THỨ BA TUẦN 6 TN
Mc 8,14-21

 

ĐỪNG CỨNG LÒNG

Lòng anh em ngu muội thế?(Mc 8,17)

Suy niệm: Các môn đệ quả là hậu đậu, ngần ấy người với biết bao lần đi biển mà chỉ mang theo một cái bánh! Thật ra chuyện nhỏ ấy đâu đáng để Chúa Giê-su bận tâm. Ngài vừa mới làm phép lạ hoá bánh ra nhiều đấy thôi! Chúa cảnh báo các ông “đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê” vì Ngài muốn các ông hướng lên tìm kiếm “lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh” (x. Ga 6,27). Thế nhưng các ông chỉ nghĩ đến những chuyện ‘sàn sàn mặt đất’, đến tấm bánh vật chất đời tạm này. Chúa trách mắng các ông “ngu muội” quả là không oan. Hơn một lần Chúa Giê-su đã nặng lời quở trách các môn đệ như thế, lúc thì vì các ông tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất (x. Lc 22,24), lúc thì vì các ông kém lòng tin (x. Mt 17,20). Chính vì mang nặng tinh thần thế tục mà các môn đệ dù ở với Chúa đã lâu mà các ông chưa biết, chưa hiểu Ngài.

Mời Bạn: Chỉ cậy dựa vào sức riêng tự nhiên con người, chỉ chạy theo tính háo danh và lòng ham muốn hưởng thụ lạc thú, chúng ta dễ quên mất sự hiện diện của Đức Ki-tô và đánh mất niềm tin và trông cậy vào quyền năng của Ngài mỗi khi cơn thử thách tăm tối ập đến. Lúc đó chúng ta tưởng rằng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Những lúc đó chúng ta hãy nhớ lại những lần Chúa can thiệp trong cuộc đời mình để vững tin vào Ngài.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày, thường xuyên thầm thĩ lời nguyện tắt: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những khi gặp khó khăn, thử thách, con lại bị cám dỗ xa rời Chúa mà chạy đến với các vị “thần” khác. Xin Chúa hãy mở lòng, mở mắt để con nhận ra tình yêu và quyền năng của Chúa trong đời mình mà một lòng tín thác vào Chúa. Amen.

 

16/02/22 THỨ TƯ TUẦN 6 TN
Mc 8,22-26

 

TAY CON TRONG TAY CHÚA

Đức Giê-su và các môn đệ đi đến Bét-sai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, dẫn ra khỏi làng… (Mc 8,22-23)

Mời Bạn chiêm ngắm cảnh tượng cảm động này: Chúa Giê-su dắt anh mù, tay anh ta trong tay Ngài cả hai cùng đồng hành. Chúa thật kín đáo tế nhị. Người vẫn sẵn sàng chữa cho anh mù… nhưng bằng cách “cầm lấy tay anh và dẫn ra khỏi làng”… Cử chỉ thật đơn sơ những cũng thật cảm xúc… Mắt không thể nhìn xem thì bàn tay thay thế để cảm nhận. Bạn hãy nhắm mắt lại đặt mình vào địa vị anh mù ấy và thử hình dung Chúa đang nắm lấy tay mình và trên quãng đường đi ra khỏi làng đó, trong lòng mình rộn lên những tâm trạng nào.

Chia sẻ: Tin Mừng theo thánh Mác-cô là một Tin Mừng hướng nội tâm và quan tâm đến sự tăng trưởng thiêng liêng. Bạn hãy nêu rõ điều đó dựa vào đoạn Tin Mừng trên.

Sống Lời Chúa: Như anh mù nài xin Chúa sờ vào mình và đưa tay để Chúa dắt đi, bạn cũng hãy để Lời Chúa đụng đến mình, mỗi ngày chỉ 5 phút thôi, Lời Chúa sẽ dẫn dắt trí lòng bạn sống kinh nghiệm đức tin làm cho đức tin tăng trưởng từ chỗ u tối về phương diện thiêng liêng đến chỗ dần dần khám phá ra con người Đức Giê-su và ký thác niềm tin nơi Người.

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin cho con biết say mê Lời Chúa! Xin nắm tay con trong tay Chúa và dẫn con đi theo Lời Chúa, Ánh Sáng đời con, để nhờ đó mỗi ngày, nhờ được đụng chạm đến Lời Chúa, con được khơi dậy niềm tin và cậy trông vui sướng vì biết rằng Chúa thương con thật.

 

17/02/22 THỨ NĂM TUẦN 6 TN
Bảy Thánh lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ
Mc 8,27-33

 

rao giảng chúa Ki-tô chịu đóng đinh

Chúa Giê-su dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều,…bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó không úp mở. (Mc 8,31-32)

Suy niệm: Các môn đệ, cách riêng là Phê-rô, không khỏi hụt hẫng bởi vì vừa tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô thì liền bị Thầy nghiêm cấm không được tiết lộ điều ấy cho bất kỳ ai; đã thế Ngài lại nói trắng ra cho họ – không chỉ một lần, mà tới ba lần – rằng Ngài sẽ “phải chịu đau khổ nhiều, chịu chết” và rồi sẽ phục sinh. Đấng Ki-tô, mà lại phải chịu khổ hình ư? Đầu óc nặng tinh thần thế tục của các ông không thể chấp nhận điều đó. Các ông lại càng không hiểu nổi “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì (Mc 9,30-32). Chỉ sau khi lời báo trước của Chúa trở thành hiện thực, và được Ngài giải thích Kinh Thánh cho các ông, các ông mới hiểu rằng “Đức Ki-tô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người” (x. Lc 24,26).

Mời Bạn: Quả thật, để cứu độ nhân loại, không chỉ đơn giản ‘xí xoá’ hình phạt do tội lỗi gây ra mà đủ. Trái lại, Đức Ki-tô, “Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29) phải gánh lấy thân phận tội đồ, chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá để đền bù hơn cả sòng phẳng mọi tội lỗi trần gian. Rao giảng Đức Ki-tô đích thực phải là “rao giảng một Đức Ki-tô chịu đóng đinh”. Bạn không thể trở thành môn đệ loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô nếu bạn không đi theo Ngài trên con đường thập giá. Bạn có sẵn sàng “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày” mà theo Ngài chưa?

Sống Lời Chúa: Năng làm những việc hy sinh hãm mình (vui vẻ chấp nhận khó nhọc, làm chủ cảm xúc nóng giận…) là cách vác thập giá mình theo Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Trông Cậy.

 

18/02/22 THỨ SÁU TUẦN 6 TN
Mc 8,34-9,1

 

ĐƯỢC VÀ MẤT TRONG ĐỜI

“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,35)

Suy niệm: Tin Mừng của Chúa Ki-tô thường đưa ra những đòi hỏi xem ra thật nghịch lý. Theo xu hướng tự nhiên người ta hăm hở tìm kiếm những gì là có lợi cho mình: của cải, danh vọng, càng nhiều càng tốt. Thế nhưng càng tìm kiếm những thứ đó càng bị mất. Và ngược lại ai dám liều mạng sống mình thì lại được mạng sống ấy! Nhưng với một điều kiện dám liều “vì Chúa Ki-tô và vì Tin Mừng”. Lối sống tưởng chừng trái ngược tự nhiên, nhưng lại là giá trị sống đích thực, viên mãn không chỉ ở đời này mà vững bền mãi đến cả đời sau. Kinh Hòa Bình, được cho là của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, diễn đạt lại chân lý ấy: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời!”

Mời Bạn: Lời Chúa mời gọi chúng ta dám ra khỏi chính mình, dám bỏ đi sự tự ái, ích kỷ, ganh tỵ, hận thù, tham lam, bạo lực, gian dối và biết mở lòng ra để Chúa đong đầy yêu thương, tha thứ, quảng đại, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Phải dám liều “mất mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng” khởi đi những việc nho nhỏ ngay trong đời thường. Cái chúng ta cần để cho mất đi là những tiêu cực trong cuộc sống và để được lại lối sống tích cực từ trong suy nghĩ lời nói và hành động.

Sống Lời Chúa: Dám liều “mất mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng” bằng cách suy nghĩ và nói điều tích cực, và biết quảng đại cho đi trong việc cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa từ nhân, Chúa đã chết để chúng con được sống. Xin cho chúng con biết chết đi cho những con người tội lỗi, để làm mới lại con người của chúng con trong Chúa.

 

19/02/22 THỨ BẢY TUẦN 6 TN
Mc 9,2-13

 

SẴN SÀNG VÁC THÁNH GIÁ

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (Mc 9,3)

Suy niệm: Chúa Giê-su ẩn giấu thiên tính của Ngài trong thân phận con người như bao người chung quanh. Qua biến cố biến hình trên núi, Chúa Giê-su tỏ mình trong khung cảnh uy nghi khiến các môn đệ phải thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!” Việc hiển dung chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng nhờ đó các ông thêm niềm tin hầu sẵn sàng đương đầu với cơn thử thách sắp đến. Quả thật, Chúa Giê-su đã chọn con đường thập giá để chu toàn ý Chúa Cha và để cứu rỗi nhân loại. Ngài biết chắc chắn rằng: chọn lựa đó sẽ làm cho các môn đệ chao đảo vấp ngã khi Thầy của họ dấn thân vào cuộc thương khó sắp tới. Trong biến cố này, Chúa Giê-su chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ của Ngài giữ vững niềm tin.

Mời Bạn: Thánh giá gắn liền với cuộc sống ki-tô hữu, như lời sách Gương Chúa Giê-su: “Bạn tiến lên hay lùi lại. Bạn ra ngoài hay vào trong bản ngã, ở đâu bạn cũng vẫn gặp thánh giá” (Q.II, Ch.12). Bạn có sẵn sàng đón nhận thánh giá Chúa gửi tới, với xác tín rằng: đây là phương dược Chúa ban để chữa lành, để uốn nắn, dạy dỗ hầu cho người của Chúa được nên giống Chúa hơn không?

Sống Lời Chúa: Xin ơn xác tín như thánh Phao-lô “cùng chịu đóng đinh thập giá với Đức Ki-tô” (Gl 2,19) để rao giảng thập giá là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin cho con sự sống của Chúa, sự sống làm cho đời con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Amen. (Rabbouni)

Chia sẻ Bài này:

Related posts