5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 02-2022

27/02/22 CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – C
Lc 6,39-45

 

CHỮ TÂM HAY CHỮ TÀI?

“Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.” (Lc 6,45)

Suy niệm: Người tốt là người từ tâm. Tâm tốt được gọi là từ tâm, là kho tàng tốt để lúc nào cũng sẵn sàng phát ra những lời nói, hành vi tốt cho người cho đời. Người từ tâm nghĩ đến gánh nặng của người lân cận hơn của mình, suy nghĩ và hành động cho người khác hơn cho mình. Một người vừa có tâm vừa có tài – được gọi là hiền tài – thì còn gì tốt bằng! Chúa Giê-su muốn ta quan tâm, đi vào nội tâm của mình, được Ngài coi như kho tàng – có thể chất chứa bao điều tốt hay tràn ngập bao ý tưởng xấu xa – từ đó phát xuất ra bao lời nói, hành vi tốt hay xấu, quảng đại hay ích kỷ, vì Chúa hay vì mình. Người Ki-tô hữu chứng tỏ mình là người tốt thực sự khi biết hành động cho lẽ phải bằng một lương tâm đúng đắn và khách quan. Người tài có thể mang mặt nạ diễn tuồng hay, nhưng không bao giờ được nhìn nhận là người tốt nếu người ấy tri hành không hợp nhất.

Mời Bạn: Thi hào Nguyễn Du nhận thức rõ cái ‘thiện căn’ đó khi nói “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Bạn nghĩ sao bao người chung quanh ta cứ muốn chứng tỏ mình có tài mà không trau dồi tâm đức? Điều đó đang gây ra bao hệ lụy đáng tiếc cho xã hội.

Sống Lời Chúa: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Vì thế, ta nên cẩn trọng trong lời nói, trong các xét đoán của mình để người khác thấy được lòng ta chứa đựng điều tốt lành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đưa con đi tận vào tâm hồn mình, để Chúa thanh lọc những tâm tư xấu xa, lấp đầy bằng tâm tình đạo đức. Xin cho con biết quan tâm đến kho tàng lòng mình, sống chân thực với Chúa và chân thành với mọi người. Amen.

 

28/02/22 THỨ HAI TUẦN 8 TN
Mc 10,17-27

 

KHẮC KHOẢI KIẾM TÌM

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17)

Suy niệm: Một trình thuật thật đẹp về người sở hữu nhiều của cải nhưng vẫn khắc khoải kiếm tìm điều quan trọng hơn trong cuộc đời, đó là sự sống đời đời. Đẹp đến nỗi Thầy Giê-su “đưa mắt nhìn” và “đem lòng yêu mến.” Ánh mắt của Đấng Thiên-Chúa-làm-người dừng lại trên anh, và Ngài đang có một hoạch định cho người này: kêu gọi anh làm môn đệ. Thế nhưng, kế hoạch ấy bị chết yểu: câu chuyện rẽ sang một hướng khác khi anh “sa sầm nét mặt” “buồn rầu bỏ đi,” ngược hẳn với sự hào hứng ban đầu. Anh không thể vươn cao hơn để có Chúa là gia nghiệp chỉ vì anh không thể từ bỏ, siêu thoát được với những tài sản anh cho là quý giá ở đời này.

Mời bạn: Sự giàu có là phúc lành của Thiên Chúa và phần thưởng chính đáng của lao động. Nước Thiên Chúa là của mọi người. Nhưng ai có thể vào? Chúa Giê-su nhấn mạnh: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Bởi vì, bao lâu bạn và tôi chưa thể thoát mình khỏi vật chất và làm chủ của cải đời này, ta cũng sẽ dừng lại như người giàu kia. “Khắc khoải đi tìm” phải thúc bách ta ra khỏi mình, đến với những ai cần một bàn tay, sự giúp đỡ từ kho tàng của mình: tài năng, trí tuệ, khả năng, của cải, tình yêu, lòng trắc ẩn…

Sống Lời Chúa:Nếu chúng ta sở hữu cái gì đó, thì đấy chỉ là để dành phục vụ cho thiện ích của mọi người” (Fratelli Tutti, 122). Bạn hãy làm một cử chỉ bác ái với người gần bạn nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi ngày con có nhiều khắc khoải, con cứ kiếm tìm hoài. Xin cho con không chỉ dừng lại nơi chính mình, nhưng biết để ý đến nhu cầu của tha nhân và bén nhạy trước lời mời gọi của Chúa. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts