Mục Lục
Ngày 1 – 5: Trang 1
* * *
01/03/16 THỨ BA TUẦN 3 MC
Mt 18,21-35
ĐỘ LỚN CỦA TÂM HỒN
Ông Phê-rô hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22 )
Suy niệm: Trước tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng tới mức “kịch trần,” người ta truy tìm nguyên nhân của nó và càng lo lắng hơn, vì bạo lực phát xuất từ tâm hồn con người. Người ta chế tạo được những thứ vũ khí chui vào mọi ngõ ngách hang ổ để hủy diệt kẻ thù, nhưng chưa có thứ vũ khí nào có thể vào tận sâu tâm hồn con người để hủy diệt mọi nguyên cớ bạo lực. Vì thế, xúc phạm tiếp nối xúc phạm, báo thù tiếp nối báo thù. Một người xúc phạm, người kia báo thù; thế là cả hai trở thành người kẻ thù, và cứ thế bạo lực ngày càng gia tăng. Bấy giờ, người ta còn tệ hơn loài cầm thú khi giết chóc, báo thù nhau, không còn là anh em con một Cha trên trời nữa. Phê-rô cho rằng phải tha thứ đến “bảy lần,” tưởng thế đã là nhiều; nhưng đối với Chúa Giê-su như thế vẫn chưa đủ. Là con cái Chúa thì phải nên giống Ngài, trước tiên ở nết biết tha thứ cho nhau như Ngài tha thứ cho chúng ta. Đó là tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” nghĩa là tha thứ vô điều kiện, là tha thứ đến vô cùng.
Mời Bạn: Bạn đang hằn học với ai? Bạn đang nghỉ chơi với ai? Chẳng lẽ bạn cứ muốn sống trong sự “chật hẹp” mãi sao? Tầm vóc tâm hồn của bạn lớn hơn bạn tưởng, bởi nó có khả năng tha thứ và vươn đến mọi người, vì Chúa tạo dựng nên nó như thế.
Sống Lời Chúa: Nhẩm đi nhẩm lại lời Chúa dạy: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ, như Chúa tha thứ cho con.
02/03/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC
Mt 5,17-19
ĐỨC TIN HỘI NHẬP VĂN HOÁ
“Ta không đến để huỷ bỏ nhưng để kiện toàn…” (Mt 5,17)
Suy niệm: Người Việt Nam có lý do rất chính đáng để tự hào về 4.000 năm văn hiến của dân tộc mình. Đó là di sản vô cùng quí giá mà cha ông để lại, và chúng ta được kế thừa và phát huy. Với cái nhìn siêu nhiên, đó là công trình mà Chúa Thánh Thần âm thầm xây dựng qua dòng lịch sử nhân loại, để mạc khải tình yêu Thiên Chúa và từng bước “đổi mới bộ mặt địa cầu.” Nếu Đức Ki-tô không đến để huỷ bỏ nhưng để kiện tòan lề luật, truyền thống đạo đức Do Thái, thì Ki-tô hữu Việt Nam hôm nay cũng đón nhận nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình với lòng tri ân, và cố gắng sống đức tin của mình trong cung cách Việt Nam.
Mời Bạn: Còn gì đau đớn cho bằng khi thấy một dân tộc đánh mất các giá trị tích cực trong truyền thống đạo đức và văn hoá của mình? Còn gì đáng thất vọng hơn khi thấy một lớp trẻ đang cuồng nhiệt chạy theo những trào lưu vong bản, vọng ngọai, bỏ mất cội nguồn? Chúng ta không được quên rằng: Ơn Chúa thường đến với ta qua khung cảnh văn hoá chúng ta đang sống và cũng qua đó, chúng ta thể hiện và làm chứng cho những giá trị vỉnh cửu của Nước Thiên Chúa.
Chia sẻ: Tại địa phương bạn, có tập tục tốt đẹp nào đó đã bị mai một đi không? Có biểu hiệu suy đồi do du nhập từ nền văn hoá ngoại lai đồi truỵ không (trong phim ảnh, sách báo, cách ăn mặc…)?
Sống Lời Chúa: Không phải mọi yếu tố trong văn hoá đều trong sáng, đều lành mạnh dưới cái nhìn của người Kitô. Do đó tôi cần luôn tỉnh thức và biết nhận định dưới ánh sáng Lời Chúa.
Cầu nguyện: Hát “Hãy chiếu sáng tâm hồn con.”
03/03/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC
Lc 11,14-23
THUẬN HAY NGHỊCH Ý TRỜI?
“Ai không thuận với Tôi là chống lại Tôi và ai không cùng Tôi thu góp là phân tán.”(Lc 11,23)
Suy niệm: Sách chữ nho có câu: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, nghĩa là người sống thuận ý trời thì sống, kẻ sống ngược với ý trời thì chết. Trước những phép lạ của Chúa Giê-su làm, đáng lý ra những người biệt phái phải nhận rằng do quyền năng Thiên Chúa. Nhưng họ lại cho rằng đó là do quyền năng ma quỷ. Và họ đã chọn thái độ thù nghịch với Chúa Giê-su. Sống hay chết, tồn hay vong là tuỳ ở sự lựa chọn thuận hay nghịch này.
Mời Bạn: Chúng ta thường gọi đó là khả năng nhận định mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta: hiểu biết ý Chúa và chọn lựa sống thuận theo ý Ngài. Không nhận biết sự thật, chọn thái độ thù nghịch với Thiên Chúa, tội đó phạm đến Chúa Thánh Thần, và không thể có ơn tha thứ là vì thế. Thánh Thần luôn hoạt động trong chúng ta. Đừng quên Ngài. Hãy xin ơn Ngài soi sáng và nhất là sống dưới sự hướng dẫn của Ngài để ta khỏi lầm lạc.
Chia sẻ: Ngụy biện là “một lập luận hoặc một lời giải thích, bề ngoài có vẻ thông minh và tinh tế nhưng thực ra có nhiều lỗ hổng, dẫn đến sai lạc và có ý lừa dối” (x. Sophism, trong http://encarta. msn.com/encnet/features/dictionar) Thảo luận: Vì sao nguỵ biện có thể dẫn đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút để nhìn lại một thái độ, một hành động của mình xem mình đã thuận hay nghịch với Chúa.
Cầu nguyện: Xin Chúa Giê-su, xin cho con luôn xác tín rằng: Chúa là Đấng cứu độ con và xin cho con luôn tôn trọng sự thật vì chỉ có sự thật mới giải phóng chúng con.
04/03/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC
Th. Ca-xi-mia Mc 12,28b-34
YÊU ĐẾN MỨC TỐI ĐA
“Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12,30)
Suy niệm: Tình yêu không phải là của cải vật chất để con người có thể cân, đo, đong, đếm được. Không ai có thể nói với người mình yêu rằng anh (em) yêu em (anh) như thế là đủ rồi! Khi nhận thấy người mình yêu là đáng yêu thì người ta tìm mọi cách để yêu và yêu hết mức có thể. Chúa là Đấng chân thiện mỹ, Đấng đáng yêu hơn bất cứ thụ tạo nào. Do đó, tình yêu dành cho Chúa là tình yêu tuyệt đối. Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Yêu Chúa tới mức “hết” là yêu bằng tất cả con người của mình và không giới hạn, hay nói như thánh Bê-na-đô: “mức độ của tình yêu Thiên Chúa là tình yêu không mức độ.”
Mời Bạn: Thiên Chúa đã yêu ta bởi lòng thương xót của Người. Tình yêu của Chúa quá bao la hải hà như nắng, như mưa. Con người nhận được tình yêu của Chúa thì cần tỏ lòng biết ơn, bằng cách yêu lại Chúa. Nhưng trái tim con người quá nhỏ bé, không thể yêu Chúa cho xứng. Để chứng minh tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, con người chỉ còn cách yêu Ngài đến cùng.
Sống Lời Chúa: Tình yêu đáp đền tình yêu. Nhớ tới tình yêu lớn lao Chúa dành cho mình, để đáp lại bằng một tình yêu hết mức có thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự con có đều do lòng thương xót của Chúa. Con xin dâng tất cả con người con như của lễ toàn thiêu để nói lên lòng yêu mến hết mức độ của con dành cho Chúa.
05/03/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC
Lc 18,9-14
ÂN SỦNG TỪ LÒNG CHÚA BAN
Người thu thuế thì đứng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13)
Suy niệm: Vì sao người Pha-ri-sêu kể lể công trạng của mình, nào là ăn chay mỗi tuần hai lần, nào là nộp phần thu nhập, nào là không tham lam, ngoại tình…? Vì sao người thu thuế chỉ biết đấm ngực và nhận mình là người tội lỗi? Tất cả thái độ của họ là kết quả từ nhận thức họ có về ân sủng. Hiểu sao, sống vậy. Người Pha-ri-sêu hiểu rằng Thiên Chúa phải ban ơn cho ông, vì ông làm những việc theo Luật dạy, nên đã kể lại một cách chính xác và tỉ mỉ những gì ông làm, không thêm thắt điều gì. Đối với ông, ân sủng ông nhận được là do công trạng của ông. Còn người thu thuế hiểu rằng, ân sủng không đến từ tội lỗi, nhưng là hồng ân của Thiên Chúa ban cách vô điều kiện. Ông không làm được việc gì đáng được hưởng ân sủng. Ông chỉ còn lòng tin vào Chúa, nhờ đó ông được hưởng ân sủng Chúa ban, như lời thánh Phao-lô đã nói: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 5,2). Quả thật, Chúa ban ân sủng của Ngài cho chúng ta theo lòng thương xót của Ngài, vượt xa mọi công trạng của chúng ta.
Mời Bạn: Bạn rút tỉa được gì từ thái độ hai nhân vật trong dụ ngôn trên? Bạn trở nên khiêm tốn và nài xin ơn Chúa hay tự phụ những việc mình làm, những gì mình có để bắt bẻ, xét đoán anh em?
Sống Lời Chúa: Xếp lại thời khóa biểu mỗi ngày, trong đó có giờ tạ ơn Chúa.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Xin cho con nghiệm thấy lòng thương xót của Chúa và vui mừng vì được Chúa thứ tha.