5 Phút cho Lời Chúa Tháng 03-2017

Mục Lục

Ngày 1 – 4: Trang 1

Ngày 5 – 11: Trang 2

Ngày 12 – 18: Trang 3

Ngày 19 – 25: Trang 4

Ngày 26 – 31: Trang 5

* * *

01/03/17                                                    THỨ TƯ LỄ TRO

 

                                                                       Mt 6,1-6.16-18

PHẬN NGƯỜI HẠT BỤI

“Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh… Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,17-18)

Suy niệm: Tuy chỉ là một “hạt bụi hoá kiếp thân tôi,” nhưng lại “tôi-hạt bụi” ấy lại có một giá trị thật lớn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chiêm nghiệm: “Ôi cát bụi tuyệt vời!” Người Ki-tô hữu càng có lý do để thấy phận người cát bụi đó còn tuyệt vời hơn nữa. Vì yêu, Chúa đã cất nhắc cho hạt bụi “hoá kiếp thân tôi” được phú ban sinh khí của Ngài. Rồi phận người cát bụi càng tuyệt vời hơn khi nhờ Đức Ki-tô, nó được trở thành con cái Chúa. Hằng năm Giáo Hội khai mạc Mùa Chay bằng việc ăn chay và cử hành thánh lễ xức tro, để nhắc nhở ta ý thức phận người cát bụi, và mai ngày sẽ trở về với bụi cát. Nhưng nhờ Đức Ki-tô chịu chết và sống lại, “hạt bụi” đó sẽ sống lại và được sống vĩnh hằng.

Mời Bạn: Dù biết rằng cuộc sống con người mai ngày sẽ trở về “cát bụi hư vô”, nhưng Trịnh Công Sơn đã thấy ý nghĩa của nó để cuộc sống này, mỗi ngày biết tìm một niềm vui và biết sống bằng trái tim. Là Ki-tô hữu, sống niềm tin vào sự sống vĩnh cửu, thì Mùa Chay là thời gian giúp chúng ta sống chay tịnh để đổi đời một cách đích thực. Lời Chúa hôm nay mời ta trở về với chính mình để biến đổi, hầu có thể sống tốt với mọi người trong mọi tương quan.

Chia sẻ: Chối bỏ giá trị của chay tịnh là sản phẩm của một xã hội thực dụng, quá đề cao thân xác để thỏa mãn dục vọng. Chay tịnh có chỗ đứng nào trong cuộc sống của bạn?

Sống Lời Chúa: Làm một việc chay tịnh kín đáo và xin ơn nhạy bén cảm nhận giá trị siêu nhiên của mọi sự.

Cầu nguyện: Hát: Kinh Hòa Bình.


02/03/17                 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG SAU LỄ TRO

                                                                             Lc 9,22-25

TÌM CÁI ĐƯỢC TRONG CÁI MẤT

“Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25)

Suy niệm: Ngày 05/01/2009, Adolf Merkle, một trong những doanh nhân giàu nhất nước Đức và thế giới đã đâm đầu vào xe lửa gần nhà để tự tử! Đồng nghiệp cho rằng: “ông quá tham lam, thèm muốn và đố kỵ.” Cái chết của tỉ phú 74 tuổi này cũng như hàng loạt những tuyên bố phá sản của một số công ty hàng đầu thế giới là lời cảnh báo về giá trị tạm bợ của tiền bạc, lợi nhuận và danh vọng. Chúng không phải là tất cả và càng không thể quyết định vận mệnh của con người. Chúng là vốn liếng cho chúng ta sử dụng, đầu tư. Nếu hiểu cuộc đời tại thế như một thương trường, thì Lời Chúa hôm nay nhắc ta phải khéo léo đầu tư, đừng để phải gánh phần thua lỗ nặng nề nhất là đánh mất phần rỗi đời đời của mình. Dùng vốn liếng mình có để đạt được những giá trị lớn hơn là mục tiêu đầu tư. Vậy, đầu tư cho phần rỗi đời đời phải là mục tiêu hàng đầu.

Mời Bạn: Mùa Chay nhắc ta tỉnh thức trước những cám dỗ ở đời. Khả năng, tài sản và cơ hội bạn có là vốn liếng Chúa trao, để bạn xây dựng một thế giới đậm nét Tin Mừng. Đó là phương cách đầu tư cho mai sau. Lối đầu tư đi ngược với thói đời như thế lại là chọn lựa của những người theo Đức Giêsu, Đấng-Chịu-Đóng-Đinh. Nói cách khác, đó là đi tìm cái ‘được’ trong cái ‘mất.’

Chia sẻ: Bạn đang đầu tư vào đâu?  Mục tiêu của việc đầu tư đó là gì?

Sống Lời Chúa: Nhìn lại mục tiêu bạn đang theo đuổi và đối chiếu nó với Lời Chúa hôm nay.

Cầu nguyện: Đọc hay hát: “Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi.”


03/03/17                 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG SAU LỄ TRO

                                                                             Mt 9,14-15

MỤC ĐÍCH CHAY TỊNH

“Tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)

Suy niệm: Người Do thái thường ăn chay trong dịp tang chế, đền tội hay để chuẩn bị đón nhận một dịp lễ quan trọng. Dù trong trường hợp nào đi nữa, việc ăn chay vẫn nhằm tự luyện trong đức tin, với thái độ khiêm nhường, để đón nhận Chúa và đặt mình theo chương trình của Ngài. Nói cách khác, việc ăn chay là dấu chỉ của tâm hồn sám hối, sẵn sàng cho một đời sống mới, một đời sống hiệp thông với Thiên Chúa bền chặt hơn. Kết hợp với Chúa là mục đích của chay tịnh. Thế nhưng, người Do Thái thời ấy thật ngớ ngẩn, khi nghiêm nhặt thực hành chay tịnh mà vẫn không nhìn nhận Đức Giê-su. Hôm nay, Giáo Hội duy trì truyền thống chay tịnh nhằm giúp tín hữu mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng Chúa, trong khi chờ đợi Chúa lại đến.

Mời Bạn: Nhiều người xem thường việc chay tịnh, hoặc giới hạn nó chỉ trong hai ngày, thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, với những thực hành qua quít. Để đẹp lòng Thiên Chúa, chay tịnh phải dẫn con người đến ước muốn giao hòa và sống thân tình với Chúa và mọi người. Vì thế, Giáo Hội tha thiết mời bạn tiết chế trong ăn uống để tâm hồn được thanh thoát, siêng năng tham dự các bí tích, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Chia sẻ: Ăn chay và làm việc bác ái có liên hệ với nhau không?

Sống Lời Chúa: Nhắc nhở người trong gia đình thực hành các việc đạo đức trong mùa Chay này và chuẩn bị tâm hồn tham dự vào biến cố Khổ nạn và Phục Sinh của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết sống khổ chế, biết nghĩ đến những người đang sống khốn cùng. Xin hướng tâm hồn con về Chúa và tha nhân.


04/03/17                 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG SAU LỄ TRO

Th. Ca-xi-mia                                                      Lc 5,27-32

LÊ-VI TRỞ LẠI

“Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.” (Lc 5,27)

Suy niệm: Sự trở lại của Lê-vi được thực hiện bằng một loạt hành động: từ bỏ tất cả, đứng dậy, đi theo Đức Giê-su. Bỏ tất cả đối với Lê-vi là bỏ nghề thu thuế cùng với những hệ quả kéo theo do cái nghề tội lỗi này mang lại như: bỏ nguồn thu nhập béo bở nhưng bất chính, bỏ chỗ dựa vững chắc vào đế quốc Rô-ma, bỏ ánh mắt khinh miệt của dân chúng đối với ông. Nay gặp dịp Đức Giê-su kêu gọi, ông mau mắn đứng dậy, dứt khoát bước ra khỏi cái ghế thu thuế, rũ bỏ nghề nghiệp gắn liền với tội lỗi. Đi theo Đức Giê-su, nghĩa là làm một cuộc đổi đời. Từ người thu thuế Lê-vi trở thành môn đệ Đức Giê-su với tên gọi là Mát-thêu. Ông theo Chúa, chứng kiến việc Chúa làm, nghe Chúa giảng dạy và ghi chép lại, nhờ đó chúng ta có được cuốn Tin Mừng gọi là Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.

Mời Bạn: Lê-vi là người thu thuế tội lỗi đã trở về và trở thành người môn đệ Đức Giê-su. Chúng ta không làm việc gì cộng tác với đế quốc để bóc lột dân mình như Lê-vi, nhưng mỗi người chúng ta có chung một ông tổ là A-đam. Chúng ta sinh ra trong tội A-đam, và lớn lên trong tội riêng. Chúng ta cần trở về. Mẫu gương trở lại của Lê-vi là lời nhắc nhở chúng ta hãy trở về. Trở về vì tội lỗi đã đưa chúng ta đi xa. Trở về bằng tâm tình sám hối và xưng thú. Đó cũng chính là cách sống tinh thần Mùa Chay.

Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay mời bạn thực hiện lời kêu gọi “hãy trở về” bằng hành động hòa giải với Chúa và Hội Thánh qua bí tích Giao Hoà.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con Mùa Chay như cơ hội trở về. Xin cho chúng con mau mắn dùng cơ hội này để trở về cùng Chúa.

Chia sẻ Bài này:

Related posts