5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 03-2022

 27/03/22 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – C

Lc 15,1-3.11-32

TẤM LÒNG NGƯỜI CHA

Người con thứ còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để… Ông bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng …” (Lc 15,20-23)

Suy niệm: Đứa con thứ muốn bỏ cha, cha không thể cản. Cha chỉ có thể… buồn và đợi chờ! Nó quay về vì đói vì rách chứ không hẳn vì nhớ vì thương cha. Nhưng, cha đang chờ sẵn và đón nhận con một cách niềm nở đến mức nó không ngờ. Tình yêu và sự tha thứ của cha vẫn luôn có sẵn đó, tròn đầy, ngay khi nó còn đi hoang! Và, có lẽ chính lúc này, nếm cảm tấm lòng cha, nó mới thật sự quay về với cha trong sâu thẳm cõi lòng mình. Còn người con cả, ở trong nhà cha, nhưng tấm lòng của anh đã xa cha nghìn trùng! Anh làm việc cho cha mà so kè tính toán – như một gia nhân chứ không như một người con. Cha vẫn xem “mọi sự của cha là của con”, nhưng anh thì chưa hề nghĩ như thế. Anh chỉ chăm bẳm nghĩ đến phần của mình – đến nỗi cuối cùng anh tố cáo tình yêu của cha dành cho đứa em của anh, đứa em mà thật ra từ lâu rồi anh không còn nhìn nhận là em của anh nữa. Anh gọi nó là “thằng con của cha đó …”!

Mời Bạn: Nhìn lại mối quan hệ hiện tại của mình với Thiên Chúa: Tôi đang đi hoang như người con thứ hay đang so đo tính toán với Chúa như người con cả?

Sống Lời Chúa: Luôn nhớ rằng Chúa đang yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho bạn. Bạn sắp xếp để lãnh bí tích hòa giải sớm, nếu cần.

Cầu nguyện: Hết lòng thành khẩn, bạn đọc Kinh Ăn Năn Tội.

 

28/03/22 THỨ HAI TUẦN 4 MC
Ga 4,43-54

TIN VÀO LỜI CHÚA

Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Chúa nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)

Suy niệm: Thoạt đầu, có lẽ viên sĩ quan chỉ tin vào Đức Giêsu một cách cầu may. Có lẽ ông đã tìm thầy chạy thuốc nhưng tất cả đều đành bó tay. Nghe nói về Chúa Giêsu và những “điềm thiêng dấu lạ” Ngài thực hiện, ông đánh liều đến xin. Biết đâu, may mà được. Ít ra, ông cũng đặt niềm tin tưởng vào Đức Giêsu, dù đó mới chỉ là “một thoáng đức tin”. Chúa Giêsu chấp nhận đức tin còn non yếu của ông, để nâng cấp trở thành niềm tin đích thực: Ngài không đến Caphácnaum để chữa con ông theo như ông yêu cầu, nhưng đã thanh luyện đức tin của ông chỉ bằng vỏn vẹn một lời, Lời có sức cứu sống, có quyền năng sáng tạo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông đã tin không phải vì thấy những “điềm thiêng dấu lạ” nữa, nhưng chỉ dựa vào Lời Chúa mà thôi.

Mời Bạn: Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đức tin, để càng ngày chúng ta càng nhận ra Chúa một cách nhanh chóng và rõ ràng dù những dấu chỉ khả giác được tinh giản đến mức tối thiểu: qua Lời Chúa trong Thánh Kinh và qua hình Bánh-Rượu nơi Bí tích Thánh Thể.

Chia sẻ: Người ta không thể dùng phương pháp thực nghiệm để phân tích những mầu nhiệm, đối tượng của đức tin. Có phải vì thế mà đức tin trở thành mơ hồ hay vô lý và không đáng tin hay không?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy làm một cử chỉ diễn tả niềm tin của mình: hôn kính sách Lời Chúa hoặc bái chào Mình Thánh Chúa một cách thật cung kính.

Cầu nguyện: Lặp lại nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con.

29/03/22 THỨ BA TUẦN 4 MC
Ga 5,1-16

COI CHỪNG CHAI LÌ TRONG TỘI!

Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước gọi là Bết-da-tha. Ở đó có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Chúa Giê-su biết anh ta sống trong tình trạng ấy đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5,2.5-6)

Suy niệm: Đó là những lời đầu trong trình thuật phép lạ của Chúa tại hồ Bết-da-tha. Chúng ta thật bất ngờ về cách tra lời thờ ơ của người bệnh: Phải chăng sau ba mươi tám năm dài đằng đẵng đau ốm nằm bên bờ hồ trước sự vô cảm của những người chung quanh, anh ta đã mất hết hy vọng? Khỏi bệnh hay không, đối với anh có lẽ cũng thế thôi. Biết đâu, cứ như thế này mà lại hay: dù sao anh đã quen với cảnh sống này rồi… Anh thờ ơ ngay cả khi được khỏi bệnh: vác chõng mà đi, không cần tìm hiểu người vừa chữa lành mình là ai – trông thật bất cần đời. Thậm chí đến khi những người biệt phái tra vấn anh mới tìm hiểu điều đó và trả lời một cách hờ hững như thể là ông Giêsu ấy không có liên quan gì đến anh nữa. Nhưng coi chừng! Lời cảnh báo của Đức Giêsu thật kinh khủng: “Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.

Mời Bạn: Lời cảnh báo đó có thể “ứng nghiệm” vào chính mỗi người chúng ta. Có thứ tội nào tôi vi phạm cách “vô tư” như thể đó không phải là tội? Biết bao lần tôi lãnh nhận Bí tích Hoà Giải, thế nhưng, có những thứ tội chúng ta cứ tái phạm hoài. Phải chăng đó là dấu chúng ta chưa ăn năn dốc lòng chừa cho thật?

Chia sẻ: Vì sao ngày nay nhiều bạn trẻ “dị ứng” với việc lãnh nhận Bí tích hoà giải?

Sống Lời Chúa: Trong những dịp sám hối Mùa Chay, bạn hãy quyết tâm chừa bỏ hẳn một tật xấu mà bạn hay phạm nhất.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Ăn Năn Tội.

30/03/22 THỨ TƯ TUẦN 4 MC
Ga 5,17-30

TÌNH THƯƠNG BAN SỰ SỐNG

“Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.” (Ga 5,19)

Suy niệm: Người thông thạo võ học dễ dàng nhận ra môn đệ chân truyền của một võ phái nào đó bởi vì các đệ tử ấy đã tập luyện dưới sự huấn luyện của cùng một tổ sư: thấy thầy làm gì thì trò cũng làm theo như vậy. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tương tự để trả lời cho những người Do Thái chống đối Chúa Giêsu vì Chúa chữa bệnh trong ngày Sabat. Chúa cho họ biết Ngài hành động theo như cung cách mà Ngài thấy nơi Chúa Cha: “Con người không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người đã thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì Con Người cũng làm như vậy.” Cung cách của Thiên Chúa đó là: Yêu Thương, Trao Ban Sự Sống (bao gồm cả Phục Sinh kẻ chết) và Phục Vụ Sự Sống. Ngài chữa bệnh trong ngày Sabát vì Chúa Cha luôn luôn làm việc và công việc của Ngài là không ngừng Yêu Thương, và vì thế không ngừng chữa lành, không ngừng trao ban sự sống, không ngừng phục vụ.

Mời Bạn: Cung cách “Yêu Thương, Trao Ban sự sống và Phục Vụ sự sống” là cung cách của Thiên Chúa mà loài người được mời gọi sống theo để đạt đến cùng đích sự sống vĩnh hằng nơi Thiên Chúa. Bạn có sẵn lòng sống theo cung cách này bằng cách tham gia phục vụ sự sống, phục vụ Tin Mừng không?

Chia sẻ: Làm cách nào để cho đời sống Kitô hữu chiếu tỏa một niềm vui và một niềm đam mê phấn khởi trong việc phục vụ sự sống con người?

Sống Lời Chúa: Làm một hành động cụ thể để phục vụ sự sống con người.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha.

31/03/22 THỨ NĂM TUẦN 4 MC
Ga 5,31-47

SAO CỨNG LÒNG THẾ!

Các ông nghiên cứu Kinh Thánh vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời, mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.” (Ga 5,39-40)

Suy niệm: Toàn bộ Kinh Thánh mạc khải Thiên Chúa và tập trung vào con người Đức Giêsu Kitô. Người Do Thái đọc Kinh Thánh và thuộc lòng các sách luật. Các Kinh sư và Biệt phái thì xúng xính trong bộ áo thụng với những hộp ghi những câu Kinh Thánh đeo lủng lẳng đầy người; ấy thế mà họ đã không nhận ra và cũng chẳng tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Họ chai lì đến độ Đức Giêsu phải nói cho họ: “Chính Kinh Thánh làm chứng về tôi, các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống đời đời.” Đáng tiếc thay họ nắm giữ kho tàng mạc khải mà họ không nhận ra Ngài, Đấng là chính Lời Mạc Khải!

Mời Bạn: Lời Chúa đem lại sự sống đời đời, nhưng cũng là lời chất vấn chúng ta. Đừng khép chặt lòng mình trong những câu chữ của ngôn ngữ, những thành kiến, tập tục cứng nhắc, nhưng biết khiêm tốn cởi mở cõi lòng để Thần Khí thúc đẩy bạn đến với Đức Kitô. Bạn cần đọc Lời Chúa với con tim và bằng sự nhận biết của lòng tin.

Chia sẻ: Bạn đã giúp gia đình bạn cầu nguyện và sống lời Chúa thế nào ?

Sống Lời Chúa: Trung thành đọc kinh chung gia đình với việc suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và xin cho Lời Chúa biến đổi tâm hồn bạn trong Mùa Chay này.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm ra những giây phút trầm lặng để gặp gỡ Chúa qua Tin Mừng, và để Lời Chúa nuôi dưỡng niềm tin của chúng con trong cuộc sống chao đảo hôm nay. 

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts