5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 03-2024

CHÚA NHẬT 17/03/24 – TUẦN 5 MC – B                         Ga 12,20-33

CHỨNG TÁ TRUNG GIAN

Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” (Ga 12,21)

Suy niệm: Những người Hy Lạp này hẳn đã trải qua một hành trình thiêng liêng dài trước khi đến gặp Đức Giê-su. Thêm vào đó, bầu khí thù địch nhắm vào Chúa trong những ngày này không cho phép họ đến gặp trực tiếp Ngài. Họ đã ngỏ lời với Phi-líp-phê, ông này lại nói với An-rê và hai môn đệ này đã là những người dẫn đưa họ đến với Đức Giê-su. Đây không phải là lần đầu tiên hai môn đệ này làm công việc giới thiệu đó: An-rê dẫn em mình đến với Chúa Giê-su (Ga 1,41); Phi-líp-phê thì dẫn bạn mình là Na-tha-na-en đến gặp Ngài (Ga 1,45); ông còn giới thiệu một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá để qua đó Chúa làm phép lạ vĩ đại (Ga 6,5-10). Phi-líp-phê, An-rê là mẫu mực của người môn đệ truyền giáo điển hình, là trung gian dẫn người khác đến với Chúa.

Bạn thân mến! Bất cứ ai được thanh tẩy trong bí tích Rửa tội, trở thành môn đệ Chúa Ki-tô đều có sứ mạng truyền giáo và giới thiệu Chúa cho anh em mình. Thế giới chúng ta đang sống cũng cần lắm những nhịp cầu chứng nhân để người khác nhận biết và tin vào Đức Ki-tô để được hưởng ơn cứu độ. Bạn đã nhờ ai mà nhận biết Chúa và tin vào Ngài? Đến lượt bạn, bạn tiếp tục giới thiệu Chúa cho người khác chứ!

Sống Lời Chúa: Bạn loan báo Tin Mừng trước tiên bằng việc làm bác ái, và hành động theo tinh thần Phúc Âm; tiếp đến bằng lời nói trình bày về Chúa và niềm tin của mình cho người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng khép kín trong lớp vỏ bọc ích kỷ, nhưng vâng lời Chúa, dám đi ra đến cánh đồng lúa đang thiếu thợ gặt. Amen.

 

THỨ HAI 18/03/24 – TUẦN 5 MC                                           Ga 8,1-11

Thánh Xy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ HT

ĐỂ KHÔNG BỊ CHÚA LÊN ÁN

Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,7)

Suy niệm: Có người nói: “Khi giơ một ngón tay chỉ người đối diện, hãy nhớ ba ngón tay kia đang hướng về phía ta.” Đây không đơn giản là việc chỉ một ngón tay, mà là lời ám chỉ thói xấu thường có nơi nhiều người, đó là chỉ trích, kết án người khác. Trong vụ việc người phụ nữ ngoại tình hôm nay, các kinh sư và người Pha-ri-sêu không chỉ rắp tâm kết án người khác mà còn âm mưu gài bẫy Chúa Giê-su. Đáp trả sự thách thức của họ, Chúa Giê-su nhắc lại yêu cầu của Lề Luật: “Ai sạch tội thì ném đá trước đi”. Ngài nhắc họ nhớ rằng mọi người mang thân phận yếu đuối, tội lỗi, không ai có quyền xét xử và kết án người khác. Mặt khác, Đức Giê-su, là “Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích” (1Pr 1,19), Đấng có quyền xét xử (x. Ga 5,22.27), lại tuyên bố không lên án chị nhưng khuyên chị “hãy về và đừng phạm tội nữa”.

Mời Bạn: “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6,37). Thay vì chỉ trích người khác, chúng ta phải nhìn lại bản thân mình. Thay vì kết án người khác, chúng ta hãy nhớ mình là tội nhân đã được Chúa tha thứ và mời gọi cũng hãy đối xử bao dung và tha thứ cho nhau. Và hơn nữa, thay vì đổ lỗi cho người khác, chúng ta hãy nhận ra rằng mình có trách nhiệm trong điều sai lỗi của anh em.

Sống Lời Chúa: Để khỏi lên án người khác, bạn tự lên án mình bằng việc thành tâm xét mình mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con quả tim của Chúa, để con mặc lấy tâm tình quảng đại bao dung tha thứ của Chúa, mà đối xử với anh chị em như Chúa đã đối xử với con. Amen.

 

THỨ BA 19/03/24 – TUẦN 5 MC                                Mt 1,16.18-21.24a

Thánh Giu-se, Bạn Trăm Năm Đức Ma-ri-a

GIU-SE, CON NGƯỜI LẮNG NGHE

“Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)

Suy niệm: Trong trường hợp của thánh Giu-se, câu ngạn ngữ “Nghe nhiều thêm khôn ngoan, nói nhiều hối hận nhiều” như thể đúc kết đời sống thinh lặng và sự khôn ngoan của ngài. Tuy chỉ có hai tác giả Tin Mừng đề cập đến thánh Giu-se, nhưng vẫn không một lời nào của ngài được thuật lại. Dĩ nhiên, ngài vẫn dạy dỗ và chơi đùa với trẻ Giê-su, vẫn trò chuyện với Ma-ri-a, vẫn hàn huyên với hàng xóm láng giềng, với những người đến nhờ làm nhà cửa, bàn ghế. Nhưng trong mọi trường hợp, ngài luôn lắng nghe, đặc biệt lắng nghe lời Thiên Chúa. Các tác giả Tin Mừng đã thuật lại tỉ mỉ những sự kiện sứ thần của Thiên Chúa đến nói cho biết mầu nhiệm và sự quan phòng của Thiên Chúa và thánh Giu-se lắng nghe. Ngài lắng nghe và đón nhận Ma-ri-a, chăm sóc trẻ Giê-su. Ngài lắng nghe đưa gia đình lánh sang Ai Cập và biết thời điểm trở về. Ngài sẵn sàng đón nhận ý Chúa trong sự thinh lặng vâng phục. Gương sáng của ngài và Mẹ Ma-ri-a, những người suy đi nghĩ lại lời Chúa trong lòng để vâng theo, là mẫu gương đào tạo trẻ Giê-su trở nên người luôn vâng phục cha mẹ, nhất là chu toàn ý Chúa Cha. Còn sự khôn ngoan nào hơn sự thinh lặng vâng phục ý Chúa?

Mời Bạn: Mùa Chay là dịp chúng ta tập thinh lặng suy niệm và tìm biết thánh ý Chúa để sống. Mẫu gương cụ thể của thánh Giu-se giúp chúng ta tập luyện việc thinh lặng lắng nghe tiếng Chúa.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để thinh lặng suy niệm Lời Chúa.

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát: “Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối…”

 

THỨ TƯ 20/03/24 – TUẦN 5 MC                                          Ga 8,31-42

GIẢI THOÁT KHỎI NÔ LỆ TỘI LỖI

“Thật, tôi bảo thật cho các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.” (Ga 8,34)

Suy niệm: Người Do Thái đang sống dưới ách thống trị của đế quốc Rô-ma thế mà lòng kiêu hãnh dân tộc vẫn không chấp nhận bị nô lệ: “Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ” (Ga 8,33). Chúa Giê-su nhắc họ về một tình trạng nô lệ nguy hiểm hơn nhiều: nô lệ cho nết xấu, cho tội lỗi; nguy hiểm hơn vì: – nó khó nhận biết: đang bị nó trói buộc mà vẫn tưởng mình tự do; – nó là viên thuốc độc bọc đường: người ta phạm tội mà vẫn cảm thấy vui khoái, an nhiên tự tại. Lời Chúa cảnh báo người Do Thái cũng là cảnh báo chúng ta phải gọi đích danh, nhìn đúng chân tướng của thứ nô lệ nguy hiểm này.

Mời Bạn: Chế độ nô lệ ngày nay đã bị xoá bỏ, nhưng vẫn còn đó biết bao nhiêu kiểu nô lệ mới: tình trạng bóc lột sức lao động, cách riêng lao động trẻ em, những hình thức mại dâm công khai hoặc trá hình, v.v… Bi đát hơn nữa có những thứ nô lệ trói buộc cả tinh thần: Cứ nhìn những người nghiện ma túy trong cơn vật vã khi thiếu thuốc mới thấy hết nỗi khổ của những ai phải chịu cảnh nô lệ do đam mê tự họ gây nên. Rồi còn những thứ nghiện mới, nghiện mua sắm, nghiện trò chơi trên mạng… Những thứ đó làm người ta mất tự do nhưng vẫn cứ tưởng rằng: “Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ.” Mời bạn xét mình xem còn đam mê nào bạn đang vướng mắc mà không thể dứt bỏ.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một thói quen xấu trong Mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối trước những cảm dỗ của thế gian. Xin thêm sức cho con, để con có thể vác thập giá theo Chúa bằng cách từ bỏ lối sống theo trào lưu tục hóa của thế giới hôm nay. Amen.

 

THỨ NĂM 21/03/24 – TUẦN 5 MC                                       Ga 8,51-59

LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

“Tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,52)

Suy niệm: Cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su với người Do Thái về sự sống, sự chết, nguồn gốc thần linh của Ngài ngày ấy diễn ra gay gắt, đến độ họ ném đá định giết Ngài. Chúa minh định Lời Ngài đem lại sự sống đời đời; còn người Do Thái bảo Ngài bị quỷ ám, vì ai cũng chết kể cả tổ phụ Áp-ra-ham của họ. Lời Chúa là Lời xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng Lời ấy cũng là chính con người Đức Giê-su, Ngôi Lời đang hiện diện nơi trần thế. Ai tin vào Ngài, tuân thủ Lời Ngài chính là tin vào Con Thiên Chúa, Đấng hằng hữu cùng Cha từ muôn đời. Quan niệm sự sống thuần thể lý nơi người Do Thái khiến họ không thể hiểu được ý nghĩa Lời Ngài nói, cũng như nhận ra Đấng sinh ra trước mọi thời gian đang đối diện với họ. Sự sống Ngài khẳng định ở đây không phải là sự sống thể lý hiện tại, nhưng thuộc bình diện khác, sự sống thiêng liêng của linh hồn. 

Mời Bạn: Cung cách cư xử của người Do Thái đối với Chúa Giê-su là lối cư xử “cả vú lấp miệng em” không thể dẫn đến chân lý Chúa muốn mạc khải. Từ kinh nghiệm đó, giờ bạn và tôi hãy tìm cách tiếp cận khác về Chúa Giê-su, đó là bình tâm suy nghĩ những Lời Ngài phán dạy, kiểm nghiệm hiệu quả của Lời, đừng vội kết luận cách nông nổi.

Sống Lời Chúa: Chính khi dành thời gian đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ dần dần được Chúa soi sáng cho thấy tác động của Lời hiệu quả thế nào trong cuộc sống người Ki-tô hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con xác tín Chúa mới có những Lời đem lại sự sống đời đời, vì Chúa là Đấng Hằng Sống. Lời ấy tạo ra các tương quan yêu thương cho đời con. Amen.

 

THỨ SÁU 22/03/24 – TUẦN 5 MC                                       Ga 10,32-42

SỐNG CAN ĐẢM ĐỂ BẢO VỆ CHÂN LÝ

“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10,32)

Suy niệm: Trong thế giới người gù lưng, kẻ thẳng lưng là người khuyết tật. Thật là mỉa mai, ngược đời! Ta có thể dùng hình ảnh này để áp dụng cho trường hợp của Chúa Giê-su: làm vô số việc lành cũng như biết bao phép lạ kỳ diệu mà vẫn bị ném đá, vì người Do Thái không muốn hiểu, cũng chẳng bao giờ chấp nhận Ngài là Đấng Mê-si-a, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa. Đối với họ, Ngài cũng là con người bình thường, với gốc gác không có gì cao sang: từ Na-da-rét, con bác thợ, và chính mình cũng là bác thợ: “Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Họ muốn một Thiên Chúa phải xuất hiện theo như ý họ nghĩ, làm điều họ mong muốn, cứu độ thế giới bằng vũ lực kiểu thế gian, chứ không phải bằng tình yêu của một vị Thiên Chúa dịu hiền khiêm nhường.

Mời Bạn: Làm ác bị khổ đã đành; đàng này làm lành cũng bị khổ, bị hàm oan. Vì thế, nhiều người ngại làm chứng cho chân lý vì sợ bị liên lụy. Vậy phải làm sao để sự thật Chúa dạy được công nhận và con người biết khuất phục trước sự thật ấy? Điều này đòi hỏi bạn niềm xác tín vững vàng, lòng can đảm kiên vững theo gương Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Luôn xác tín vào sức mạnh của Lời Chúa, vì Lời Ngài mới có thể đem lại sự sống đời đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con khâm phục việc Chúa can trường sống theo chân lý. Xin ban cho con niềm tin kiên vững, can đảm làm những gì Chúa muốn con thực hiện cho con người hôm nay. Amen.

 

THỨ BẢY 23/03/24 – TUẦN 5 MC                                     Ga 11,45-57

CHẾT THAY – QUY TỤ

“Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ.” (Ga 11,47)

Suy niệm: Thượng Hội Đồng được triệu tập bởi một mối nguy mang tên Giê-su vì “có nhiều kẻ tin vào Người… rồi người Rô-ma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh… lẫn dân tộc.” Thực tế là Phi-la-tô chẳng thấy mối nguy nào từ Đức Giê-su, người tự xưng là vua dân Do Thái như lời các thượng tế và kinh sư tố cáo. Sự lo sợ của giới lãnh đạo tôn giáo phải đến hơn 30 năm sau mới thành hiện thực, Đền thờ bị phá hủy bình địa, dân tộc bị lưu đày. Thế nhưng, cái chết do âm mưu độc ác của con người với chiêu bài “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” trở thành kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa, Ngài “phải chết thay cho dân,… để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.

Mời bạn: “Các ông có nghĩ rằng ông ấy (Đức Giê-su) sẽ không lên dự lễ chăng?” Chắc chắn Đức Giê-su sẽ đến dự lễ, vì Vượt qua mà không có Người, thì sẽ mất đi ý nghĩa tầng sâu. “Vẫn có một cây thập giá trong cung lòng Thiên Chúa trước khi cây thập giá đó được trồng trên một ngọn đồi bên ngoài Thành thánh Giê-ru-sa-lem. Và giờ đây, dù cây thập giá gỗ ấy đã bị loại trừ, cây thập giá đó vẫn còn trong cung lòng Thiên Chúa và nó sẽ vẫn còn bao lâu vẫn còn dù chỉ một tội nhân để cho Thiên Chúa phải đau khổ.” (Dinsmore).

Sống Lời Chúa: Bạn chậm rãi đọc lại bài Tin Mừng hôm nay để cảm nếm tình yêu Chúa nơi kế hoạch cứu độ của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã chấp nhận chết thay để cứu độ và quy tụ chúng con về với Chúa Cha. Xin cho chúng con bước vào Tuần Thánh với Chúa thật sốt mến, cảm nếm tình yêu dịu ngọt này. Amen.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts