22.04.18 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – B
Chúa Chiên Lành
Ga 10,11-18
ĐI THEO VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Tôi là Mục tử nhân lành, tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” (Ga 10,14)
Suy niệm: “Một người mục tử tốt lành thì luôn quan tâm đến sự phát triển riêng của mỗi người trong giáo xứ của mình” (S. Adelaja). Khuôn mẫu, mô hình cho người mục tử là Thầy mình, Đức Giê-su, Mục tử nhân lành. Vị Mục tử nhân lành ấy, vì lợi ích của đàn chiên, đã hủy mình ra không, từ bỏ tất cả uy quyền, vóc dáng của một vị Thiên Chúa khi nhập thể làm người. Rồi trong ba năm miệt mài rao giảng Tin Mừng, Ngài rảo khắp mọi thành phố, làng mạc, Ngài làm việc suốt ngày, Ngài cầu nguyện thâu đêm, Ngài quan tâm đến thiện ích của từng người, từ người bị gạt bên lề xã hội đến các môn đệ thân tín. Ngài chạnh lòng thương mỗi khi thấy dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, để rồi thay vì nghỉ ngơi, Ngài giảng dạy, chữa lành, cũng như có lúc ban lương thực cho họ. Đỉnh cao là dâng hiến mạng sống mình trên thập giá, và sau đó, sống lại, để thông ban cho đàn chiên sự sống sung mãn, hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài.
Mời Bạn: Khi luôn sợ hãi và lo lắng, bạn đang sống như thể mình không tin rằng chúng ta có một vị Mục tử nhân lành luôn tỏ lòng nhân hậu với ta, một người chỉ nhằm dẫn ta đến những nơi tốt lành, một người bảo vệ, gìn giữ ta trong yêu thương. Bạn có tin mình có một vị Chúa chiên lành như vậy không?
Sống Lời Chúa: Tin tưởng Chúa Giê-su là Chúa Chiên Lành, tôi tập sự phó thác, tin tưởng nơi Ngài, để Ngài đưa dẫn tôi trên mọi nẻo đường cuộc đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con an tâm vì có Chúa là Mục tử nhân lành luôn ở với con, đồng hành với con mọi ngày trong cuộc đời. Amen.
23.04.18 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Thánh A-đan-be-tô, giám mục, tử đạo
Ga 10,1-10
NOI GƯƠNG MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,11)
Suy niệm: Chúa Giê-su ví mình như người Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tại sao người mục tử lại xả thân cho chiên như vậy? Đơn giản vì người ấy yêu thương chiên. Tình thương đã tạo nên mối tương quan mật thiết, gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên. Mục tử biết từng con chiên, gọi tên từng con một; còn chiên thì chỉ nghe tiếng của mục tử. Còn hình ảnh nào đẹp cho bằng hình ảnh người mục tử đi trước, chiên theo sau đến đồng cỏ. Rồi khi một con chiên lạc mất, người mục tử băng núi vượt đồi để đi tìm cho được con chiên lạc. Chúa Giê-su không chỉ là Mục tử nhân lành chăm sóc ta, Ngài còn là Cửa chuồng chiên, đưa ta đến với Thiên Chúa.
Mời Bạn: Bạn thật hạnh phúc vì được sống trong đoàn chiên của Chúa Giê-su, được Ngài biết đến bằng chính tên của bạn, được chăm sóc yêu thương, đặc biệt qua các bí tích, được Ngài đồng hành để đưa dẫn đến hạnh phúc muôn đời. Chúa Giê-su cũng muốn bạn trở thành một mục tử theo mẫu gương Ngài, để chia sẻ hạnh phúc ấy cho người thân, người lân cận. Bạn sẽ làm gì để thi hành sứ vụ cao quý này?
Sống Lời Chúa: Noi gương Mục Tử nhân lành, tôi quan tâm thăm viếng, an ủi, khuyên bảo và phục vụ những người bệnh tật, neo đơn, trẻ em đường phố, những người lầm lỡ…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Mục tử nhân lành, cảm tạ Chúa đang đồng hành với con. Xin nâng đỡ và giúp con biết yêu thương phục vụ mọi người như Chúa đã yêu thương con. Amen.
24.04.18 THỨ BA TUẦN 4 PS
Thánh Phi-đen Dich-ma-ring-gân, linh mục
Ga 10,22-30
VIỆC LÀM MINH CHỨNG
“Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.” (Ga 10,24-25)
Suy niệm: Trả lời cho viên sĩ quan cai ngục về nguồn gốc của mình, cha Kolbe dõng dạc nói: “Tôi là một linh mục Công Giáo”. Lời tuyên bố này được minh chứng bằng những việc bác ái ngài thực hiện trong tù, đặc biệt bằng hành động chết thay cho một người bạn tù đáng thương. Những hành vi bác ái ấy minh chứng cha Kolbe thuộc về Thiên Chúa và là môn đệ Chúa Giê-su. Chúa Giê-su luôn thể hiện nguồn gốc của mình thuộc về Chúa Cha, bằng lời giảng dạy và việc làm. Đời sống của Ngài khiến những người đương thời nhìn nhận nơi Ngài không có điều gì gian dối, là “người vô tội” và là “Con Thiên Chúa”. Việc của Ngài làm chứng minh nguồn gốc của Ngài.
Mời Bạn: Chúng ta là Ki-tô hữu, là những người được chọn để thuộc về Thiên Chúa. Trong khuôn viên nhà thờ quen thuộc, chúng ta dễ dàng để tuyên xưng như thế. Nhưng có những lúc rất ngại để nói mình là Ki-tô hữu, vì những việc chúng ta làm nghịch lại với nguồn gốc và ơn gọi của mình. Bạn sẽ nói thế nào về nguồn gốc Ki-tô hữu của bạn khi bạn không sống phù hợp với đức tin?
Chia sẻ: Người ta hãnh diện về vị trí, tài năng, nguồn gốc của họ. Tại sao bạn ngại ngùng nói về nguồn gốc Ki-tô hữu của bạn?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm thực hiện Lời Chúa dạy qua một việc làm cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con mạnh dạn sống Lời Chúa dạy, để con vui sướng khi tỏ dấu con thuộc về Chúa.
25.04.18 THỨ TƯ TUẦN 4 PS
Thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng
Mc 16,15-20
KHÔNG THỂ BƯNG BÍT TIN MỪNG
Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Một khi đã là ‘tin mừng’ thì dù có cấm người ta vẫn cứ loan đi. Nhiều lần Chúa Giê-su chữa lành bệnh nhân và liền sau đó chỉ thị họ đừng nói cho ai biết; nhưng thông tin về việc Ngài chữa lành không thể bưng bít, bởi niềm vui được lành bệnh quá lớn, khiến những người được chữa lành không thể im lặng, mặc cho lời Chúa Giê-su dặn (x. Mc 1,40-45; 7,31-37…). Sau này, các Tông đồ cũng thế, mặc cho giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái cấm đoán, đe dọa, bỏ tù, thậm chí là giết chết, các ngài vẫn không thôi loan báo về Chúa Ki-tô Phục sinh, bởi vì niềm vui được gặp Chúa phục sinh quá lớn: Không gì có thể ngăn cản các ngài ra đi làm chứng, dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Như thế chúng ta mới hiểu tâm trạng của thánh Phao-lô khi bảo rằng: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 6,16).
Mời Bạn: Để loan báo Tin Mừng, trước hết chúng ta cần gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh. Nếu không cảm nhận được niềm vui khi biết Ngài, và không tự hào về những giá trị Ngài mang đến, chúng ta chẳng có gì để mà loan báo!
Sống Lời Chúa: Hãy dành thời gian sống thân mật với Chúa Ki-tô, đặc biệt qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, để có thể cảm nhận cách sâu sắc về Ngài, hầu ‘có cái’ để mà loan báo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, không ai có thể loan báo Tin Mừng nếu trước đó không cảm nhận được niềm vui về Chúa. Xin cho con biết Chúa, hầu có thể say mê loan báo Tin Mừng, như thánh Mác-cô mà chúng con mừng lễ hôm nay. Amen.
26.04.18 THỨ NĂM TUẦN 4 PS
Ga 13,16-20
XIN CHO CON “NHỎ” HƠN THẦY
“Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn người sai đi.” (Ga 12,16)
Suy niệm: Để lập cộng đoàn Emmau chuyên đón tiếp và nuôi dưỡng những người vô gia cư tại Pháp, cha Pierre đã chịu bao khổ nhục cay đắng. Khi được hỏi muốn ghi câu gì trên mộ của mình, cha trả lời: “Xin đề trên mộ tôi câu này: nơi yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương.” Cuộc đời của cha chỉ muốn được hoạ lại lý tưởng yêu thương theo mẫu gương của Thầy mình là Đức Giê-su. Tin Mừng hôm nay kể tiếp việc Đức Giê-su “cúi xuống” rửa chân cho các môn đệ. Ngài muốn dạy cho ta sự cao trọng trong Nước Trời không do làm các việc vĩ mô to tát, nhưng do những nghĩa cử phục vụ bình thường, nhỏ bé trong cuộc sống. Con đường phục vụ, “cúi xuống,” hạ mình của ông Thầy cũng phải là con đường của các môn đệ.
Mời Bạn: Nhiều Ki-tô hữu hôm nay lại thực hiện Lời Chúa theo cung cách “lộn ngược”: mình quá cao trọng vì chức vụ này, chức thánh kia, nên không thể nào làm những việc phục vụ nhỏ nhặt, tầm thường! Trong xã hội cũng như các sinh hoạt của giáo xứ, dòng tu, lắm khi ta đùng đùng giận dữ và phản ứng chỉ vì cảm thấy không được coi trọng, không được đặt để vào chức vụ tương xứng với khả năng (theo chủ quan) của mình. Thế là bài học ông Thầy quỳ xuống rửa chân cho môn đệ mất tác dụng mà chỉ còn là một kỷ niệm đẹp của Tuần Thánh!
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập sống sự cao trọng của Nước Trời qua việc hạ mình phục vụ những kẻ bé mọn quanh mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường thích được phục vụ hơn là quỳ gối phục vụ người khác. Xin ghi khắc hình ảnh Chúa cúi xuống, hạ mình rửa chân cho các môn đệ trong tâm trí chúng con. Amen.
27.04.18 THỨ SÁU TUẦN 4 PS
Ga 14,1-6
CON ĐƯỜNG MANG TÊN GIÊ-SU
“Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Suy niệm: Con đường ngắn nhất và duy nhất, chắc chắn đưa ta đến với Thiên Chúa, đến hạnh phúc đời đời, là con đường mang tên Giê-su, con đường của sự thật và sự sống, vì “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Như thế, Chúa Giê-su khẳng định Ngài là con đường ai cũng phải đi theo để được dẫn vào Nước Trời, đến sự sống viên mãn. Nhưng oái oăm thay! Con đường này “chẳng mấy ai đi” vì đó là “con đường hẹp;” đang khi đa số thích bước đi trên con đường rộng thênh thang, nhưng có nguy cơ dẫn đến diệt vong. Chọn lựa bước đi trên con đường nào vẫn luôn là thách đố cho con người. Chỉ những ai cộng tác với ơn Chúa, biết nhìn xa thấy rộng mới đủ can đảm bước trên con đường mang tên Giê-su. Nhìn xa thấy rộng bao hàm việc tìm hiểu cuộc đời các thánh, nhìn lại lịch sử đời mình, nhất là qua những lần thất bại do “bỏ mồi bắt bóng.”
Mời Bạn: Bạn đang bước đi trên con đường nào để đạt được hạnh phúc viên mãn? Đích điểm và trung tâm của con đường ấy là bạn hay là Chúa Giê-su? Đi trên con đường Giê-su, bạn chắc chắn sẽ nghe Ngài nói với bạn: “Hãy vào hưởng hạnh phúc với chủ ngươi”.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín, ghi nhớ và nỗ lực thực hành Lời Chúa dạy hằng ngày: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo” (Lc 9,22).
Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài. Xin hướng dẫn con đi trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý vì Chúa là Đấng cứu độ con, là Đấng ngày đêm con cậy trông.” Amen.
28.04.18 THỨ BẢY TUẦN 4 PS
Thánh Lu-y Ma-ri-a Gri-nhông Mông-pho, linh mục
Ga 14,7-14
BIẾT – THẤY – tin
“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” (Ga 14,8)
Suy niệm: Đối với người Do Thái, Lề Luật là trung tâm và nguồn mạch của đời sống đạo, vì Luật là chuẩn mực để thi hành giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Dân riêng Ngài. Đức Giê-su lại dạy các môn đệ đến với Thiên Chúa không còn phải qua Luật, mà là nơi một ngôi vị bằng xương bằng thịt là chính Ngài: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Chúa Cha không còn tỏ mình ra một cách uy nghi như trong Cựu Ước, mà Ngài tỏ mình ra nơi con người của Chúa Con. Thế nhưng, “thấy – biết” Đức Giê-su chưa đủ, còn phải tin vào lời và việc Ngài làm. Từ nay, nơi chốn cho con người gặp gỡ Thiên Chúa, để đón nhận tình thương và lòng thương xót của Ngài chính là Đức Ki-tô. “Chỉ khi ta gặp được Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Ki-tô, ta mới hiểu được sự sống là gì. Không có gì đẹp hơn là được nối kết lại, được ngạc nhiên sửng sốt bởi Phúc âm, bởi Chúa Ki-tô.” (Đức Bênêđitô XVI)
Mời Bạn: Để thấy, biết, tin vào Chúa Giê-su, bạn cần phải chuẩn bị trí tuệ và con tim. Trí tuệ để học hỏi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tình thương của Chúa qua Lời Chúa, các Bí tích; còn con tim để yêu mến. Hãy là một Ki-tô thứ hai để là con đường đưa dẫn người khác đến với Sự thật và Sự sống, bằng cách tích cực dấn thân nơi môi trường, trong bậc sống của bạn!
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi cầu nguyện cho mình và một ai đó, được nhận biết tình thương của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Chúa vẫn luôn yêu thương và hiện diện trong cuộc sống này. Xin giúp con lan tỏa tình thương ấy cho những người xung quanh. Amen.