5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 04-2025

20/04/25                                Chúa nhật phục sinh – c

                                                                              Ga 20,1-9

 

allêluia! chúa đã phục sinh!

Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. (Ga 20,9)

Suy niệm: “Những gì thiết yếu quan trọng trong cuộc sống, chúng ta không thể nhìn thấy bằng đôi mắt thường, nhưng nhìn thấy bằng con tim” (Nhà văn St. Exupéry). Đôi mắt thường của Gio-an chỉ nhìn thấy ngôi mộ trống, các đồ khâm liệm không bị vứt bừa bãi, nhưng đều nằm y nguyên tại chỗ: những băng vải nằm đó, khăn che đầu cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Thế là đã đủ cho Gio-an tin Thầy mình đã phục sinh. Ông đã không nhìn bằng đôi mắt thường, nhưng nhìn thấy bằng quả tim của “người môn đệ Đức Giê-su thương mến,” cũng như bằng con tim của người môn đệ thương mến Thầy mãnh liệt. Tình yêu đã giúp cho đôi mắt Gio-an thấy và đọc được các dấu hiệu, tâm trí ông đã hiểu và ông đã tin.

Mời Bạn: Gio-an là người môn đệ đầu tiên tin Thầy mình sống lại. Tô-ma cứng cỏi hoài nghi như Tào Tháo rồi cũng trở thành người tin; các tông đồ trước đây ích kỷ khép kín bây giờ quảng đại dấn thân cho Nước Trời. Cái gì đã tạo nên sự thay đổi thần kỳ ấy? Thưa, những lần Đức Giê-su hiện ra với các ông, củng cố niềm tin phục sinh của các ông, khiến các ông luôn xác quyết đã gặp Đấng Phục Sinh. Bạn nghĩ sao về những người dám sống dám chết cho lời chứng của mình?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nỗ lực sống như người có niềm tin phục sinh qua việc siêng năng phụng thờ Thiên Chúa, vui vẻ thực hiện Tám Mối Phúc Thật.

Cầu nguyện: Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho niềm tin phục sinh chi phối mọi sinh hoạt trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con. Allêluia!

 

21/04/25                              Thứ Hai tuần bát nhật ps

                                                                             Mt 28,8-15

 

tin vui từ các phụ nữ

“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

Suy niệm: Người ta nói rằng phụ nữ mau miệng, dễ tin, nên ta phải dè chừng những gì họ loan đi. Thời Chúa Giê-su, lời chứng của phụ nữ không có giá trị pháp lý nào cả, lời chứng phải là của hai người, mà là hai người đàn ông! Thế nhưng, với Chúa Phục Sinh thì khác, Ngài không ngần ngại giao phó cho các chị sứ mạng loan báo Tin Mừng vĩ đại Ngài đã sống lại. Ngài dám tin tưởng như vậy vì cảm nhận lòng yêu mến đặc biệt của các chị dành cho mình: can đảm đứng dưới chân thập giá giữa rừng người cổ võ bản án tử hình và nhục mạ Ngài, vượt lên nỗi sợ đến mồ từ sáng sớm tinh mơ, để làm nghĩa cử cuối cùng với người đã khuất là xức thêm thuốc thơm cho thi thể Ngài. Ngài để cho các chị “ôm chân và bái lạy Ngài,” một sự tưởng thưởng bất ngờ với các chị, tiếp theo sẽ là món quà loan báo Tin Mừng sống lại cho chính các môn đệ thân tín của Ngài.

Mời Bạn: Đàn ông thường phán đoán theo lý trí, đang khi phụ nữ theo tình cảm. Cần kết hợp cả hai trong đời sống đức tin, chẳng hạn: trong việc thực hành đức bác ái, quá lý luận sẽ khiến bạn dễ thành lãnh đạm, vô cảm trước nỗi khổ của tha nhân; quá tình cảm làm người khác dễ lợi dụng bạn. Thờ phượng Chúa không chỉ theo sự hướng dẫn của lý trí, nhưng lắm lúc cũng cần sự sốt sắng, nhiệt tâm của trái tim.

Sống Lời Chúa: Tôi nhớ sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa sống lại, thực thi với lòng yêu mến của con tim, cũng như với tất cả sáng kiến của trí óc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn mau mắn loan báo Tin Mừng Nước Trời, không so đo, tính toán hơn thiệt, vì đó là sứ mạng Chúa trao cho con.

 

22/04/25                               Thứ Ba tuần bát nhật ps

                                                                          Ga 20,11-18

 

qua nước mắt, nhận ra TIẾNG GỌI cỦA chúa phục sinh

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la dứng bên mộ mà khóc… Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói: “Lạy Thầy!” (Ga 20,11.16)

Suy niệm: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần ấy trong khu vườn có ngôi mộ trống âm vang tiếng khóc thổn thức của bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Nhìn thấy hai thiên thần qua làn nước mắt nhưng bà không quan tâm. Điều bà đau đáu trong lúc này là thi thể Thầy biến mất và bà muốn biết người ta đã để Thầy ở đâu để bà đem Thầy về. Thầy Giê-su phục sinh đứng đó nhưng bà không nhận ra cho đến khi Thầy gọi chính tên bà, bằng giọng nói quen thuộc như bà đã từng nghe. Lúc đó bà mới chợt nhận ra đúng là Thầy. Trong tình yêu và đối thoại chân thành, nhìn nhận nhau, cảm mến, hiểu biết nhau, sẵn lòng thực hiện điều người kia mong muốn. Ở đây Chúa Phục sinh muốn Ma-ri-a đi báo tin vui cho môn đệ, trở thành “Tông đồ của các Tông đồ.” Lời loan báo của bà: “Tôi đã thấy Chúa” đã trở nên mẫu mực cho mọi lời loan báo của mọi chứng nhân.

Mời Bạn: Có nhiều loại nước mắt; không phải nước mắt nào cũng là nước mắt cá sấu. Ai đó có thể không chảy nước mắt khi cảm động, nhưng khóc không phải là giả dối. Trái lại, nước mắt có thể biểu thị một tình mến nồng nàn, cảm xúc sâu xa. Đàng sau nước mắt là hành động, việc làm cụ thể, thực thi những nghĩa cử tốt đẹp cho tha nhân.

Sống Lời Chúa: Tình cảm và lý lẽ một khi được sử dụng đúng cách, hợp thời hợp buổi sẽ giúp ta nhận ra đâu là chân, thiện, mỹ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được tâm tình của thánh Ma-ri-a Mác-đa-la trong cuộc sống đức tin, để con thấy Chúa vẫn ở bên con. Amen.

 

23/04/25                             THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS

                                                                           Lc 24,13-35

 

NHẬN RA CHÚA PHỤC SINH

“Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”(Lc 24,18)

Suy niệm: Buổi chiều trên con đường về Em-mau hôm nay mang nhiều cung bậc cảm xúc. Hai môn đệ bước đi với tâm trạng buồn, không nhận ra Đấng Phục sinh. “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” về người có tên là Giê-su Na-da-rét bị đóng đinh vào thập giá. Hai môn đệ này hẳn đã nghe kể về việc Thầy mình sống lại, nhưng hẳn các ông chưa có kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đấng Phục Sinh. Lời chứng của người khác không “chạm” đến tâm trí, mắt họ cũng chưa thể mở ra để nhận biết Ngài. Mãi đến khi họ được giải thích Kinh Thánh, nhìn thấy cử chỉ Thầy mình bẻ bánh, mắt họ mới nhận ra. Cuộc gặp gỡ buổi chiều hôm ấy đã đổi hướng cuộc đời các ông: từ chỗ bỏ Giê-ru-sa-lem – miền ánh sáng, để về quê – miền bóng tối, đến việc quay trở lại Giê-ru-sa-lem, với cộng đoàn đức tin, để nhận được lời chứng và làm chứng Đức Giê-su đã từ cõi chết trỗi dậy.

Mời bạn: Làm một Ki-tô hữu, đó không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao vời, nhưng là gặp gỡ một biến có, một con người, vốn đem lại một chân trời mới và một chiều hướng quyết định” (Đức Bê-nê-đi-tô XVI, Thiên Chúa là Tình yêu, 217).

Sống Lời Chúa: Xin ơn nhận ra Chúa trong từng biến cố vui buồn của đời bạn, để đón nhận, tin tưởng phó thác hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đã sống lại và đang sống, đang cùng bước với con trong từng khoảnh khắc, ban ánh sáng và xua đi mọi nỗi buồn phiền, cô đơn. Amen. (Christus vivit, 125)

 

24/04/25             Thứ Năm trong tuần bát nhật ps

                                                                           Lc 24,35-48

 

nhịp điệu phục sinh

Hai ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,35-36)

Suy niệm: Các trình thuật về những lần Chúa Ki-tô phục sinh hiện ra thật dồn dập: Nhóm này đang thuật chuyện mình gặp Chúa thế nào, chưa xong thì nhóm khác lại kể tiếp kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh. Kể chưa xong thì Chúa lại hiện đến đứng giữa các ông. Đây không phải là một thủ pháp văn chương của vị thánh sử muốn ghi đậm ấn tượng về biến cố sống lại, mà đó chính là nhịp sống của Hội Thánh ngay từ những ngày đầu cảm nếm mầu nhiệm phục sinh. Điệu luân vũ phục sinh đó gồm mấy động tác cơ bản sau đây: -1/ gặp gỡ Đấng Phục Sinh; -2/ quy tụ cộng đoàn; -3/ chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa; -1/ Chúa Ki-tô phục sinh lại hiện diện giữa cộng đoàn để củng cố và mở ra một kinh nghiệm gặp gỡ mới.

Mời Bạn: Những diễn viên múa lành nghề để cho vũ điệu thấm vào máu thịt, rồi toát ra trong từng cử chỉ, bước đi của mình; chúng ta, các ki-tô hữu đã để cho nhịp điệu phục sinh thấm vào máu thịt và toát ra đời sống của mình chưa?

Chia sẻ: Bạn có ý thức trong cộng đoàn mỗi người đều có nghĩa vụ chia sẻ là nghĩa vụ để xây dựng cộng đoàn không?

Sống Lời Chúa: Mời bạn luyện tập các động tác cơ bản của điệu vũ: -1/ gặp gỡ Đấng Phục Sinh (bằng cách siêng năng rước lễ, suy niệm cá nhân); -2/ quy tụ (gặp gỡ nhóm, gia đình, cộng đoàn của bạn); -3/ chia sẻ (đọc và chia sẻ Lời Chúa); -1/ tiếp tục gặp gỡ Đức Ki-tô. Chúc bạn thành công.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin ở lại với chúng con.

 

25/04/25              Thứ Sáu trong tuần bát nhật ps

                                                                            Ga 21,1-14

 

thú vị thay được ở bên chúa!

Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?” vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến cầm lấy bánh, trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. (Ga 21,12-13)

Suy niệm: Đức Giê-su đã chết; các tông đồ hoang mang như rắn mất đầu. Giờ đây tuy vẫn ở với nhau nhưng họ có nguy cơ ‘tụt hậu’ để chỉ là một nhóm đồng nghiệp đánh cá với nhau. Thế thôi. May thay! Đức Giê-su phục sinh đến với các môn đệ để khôi phục đời sống cộng đoàn đích thực nơi họ.

Mời Bạn: Thật giống hệt một kỳ trại hè trên bờ biển: – mật thư “Hãy thả lưới bên phải thuyền” được dịch ra là một mẻ cá lạ lùng; – kho tàng tìm được hoá ra không phải là dưới biển sâu mà là chính Thầy đang chờ đợi trên bờ; – ngon lành biết mấy, những con cá tươi rói nướng thơm lừng trên ngọn lửa hồng; mà cảm kích nhất là do chính Thầy nướng cho; – sau một đêm vất vả, còn gì thân tình hơn cảnh Thầy trò hàn huyên giữa tiếng sóng biển rì rào vào buổi sáng tinh mơ. Thật thú vị thay phút thư giãn bên Thầy!

Mời bạn chia sẻ một kinh nghiệm của bạn sống kết hiệp thân tình với Chúa Giê-su Thánh Thể.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm một vài nét của cộng đoàn môn đệ đang ở bên Chúa để cảm nghiệm và để sống: – cộng đoàn hiệp nhất: “Các môn đệ nói với Phê-rô: Chúng tôi cùng đi với ông”; – cộng đoàn lắng nghe lời ngôn sứ: Người môn đệ được Chúa thương mến nói: “Chúa đó!”; – cộng đoàn hiệp thông trong tiệc thánh: Đức Giê-su nói: “Anh em hãy đến mà ăn”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật thú vị thay được sống bên Chúa. Thật hạnh phúc thay được sống thuộc về Chúa.

 

26/04/25                             Thứ Bảy tuần bát nhật ps

                                                                            Mc 16,9-15

 

lên đường loan báo tin mừng

Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa… Người nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,14-15)

Suy niệm: Phúc âm Mác-cô ghi lại ba lần Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ (lần 1: với bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na; lần 2: với hai môn đệ trên đường Em-mau). Lần thứ ba, thánh sử viết “sau cùng”. Có lẽ “bất quá tam chăng”!!! Nhưng cho dẫu hiểu thế nào đi nữa, thì ba lần là đủ để các môn đệ “lên đường loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Chúa Giê-su không bỏ rơi các môn đệ dù họ chưa tin, Ngài kiên nhẫn hiện ra, củng cố niềm tin và giúp họ vượt qua sự sợ hãi và do dự. Dù biết đức tin của các môn đệ còn ‘non và xanh’, nhưng Chúa vẫn tin tưởng trao cho họ sứ mạng đi khắp tứ phương rao giảng Tin Mừng. Điều này trở thành động lực cho mỗi người chúng ta: dù Chúa biết chúng ta kém cỏi và sợ hãi, nhưng Ngài vẫn luôn tin tưởng trao phó cho chúng ta sứ mạng làm chứng Ngài đã Phục Sinh.

Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong những ngày trọng đại nhất của Năm Phụng vụ: Mầu Nhiệm Vượt Qua. Bạn sống Mầu Nhiệm cao cả đó thế nào? Bạn đã sẵn sàng đem niềm vui Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người xung quanh, nhất là những ai đang đau khổ, tuyệt vọng chưa?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời thư thánh Phao-lô “Ơn Ta luôn đủ cho con” (2Cr 12,9), để luôn vui sống và trở nên niềm vui Tin Mừng cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin thêm niềm tin cho con, để con xác tín Chúa đã sống lại và đang hiện diện với con, nhờ đó con luôn nhiệt thành loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống chứng nhân của con. Amen.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts