5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 04-2025

27/04/25 Chúa nhật tuần 2 ps.

cuối tuần bát nhật ps

Kính lòng Chúa Thương Xót                        Ga 20,19-31

 

dấu vết riêng của người môn đệ

“Bình an cho anh em… Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em… Hãy nhận lấy Thánh Thần…” (Ga 20,19-31)

Suy niệm: Chúa Phục Sinh hiện đến, trao ba điều: bình an, sứ mạng, và Thánh Thần. Sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Chúa Phục Sinh chỉ là tạm thời: Người sẽ về cùng Cha. Nếu Người có tiếp tục hiện diện với các môn đệ ‘mọi ngày cho đến tận thế’, thì đó là hiện diện trong Thánh Thần, bảo chứng của bình an và nguồn lực của sứ mạng. Từ đây, ‘dấu vết riêng’ ghi trong căn cước của người môn đệ Chúa Giê-su sẽ là sự hiện diện của Thánh Thần. Không thể trực tiếp thấy Thánh Thần nơi tôi, nhưng thế giới có thể thấy dấu vết của Ngài nơi sứ mạng của tôi và nơi sự bình an sâu thẳm (phát tiết thành niềm vui sâu thẳm) trong tâm hồn tôi, cho dẫu bao thăng trầm, bao nghịch cảnh.

Mời Bạn: ‘Dấu vết riêng’ của người môn đệ Chúa Phục Sinh có nơi bạn không? Tôi có đang thi hành sứ mạng (bằng hình thức nào đó) không? Tôi có đang thật sự cảm nếm niềm bình an sâu xa không? Nói cách khác: tôi có đang sống trong Thánh Thần của Chúa Phục Sinh không?

Chia sẻ : Bạn đã từng cảm nghiệm được niềm bình an sâu xa mà ngay giữa hoàn cảnh đầy bất an và tăm tối chưa? Sự bình an đó có gắn liền với sứ mạng và với kinh nghiệm của bạn về Chúa Thánh Thần không?

Sống Lời Chúa: Chu toàn bổn phận hằng ngày của bạn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần và với tâm hồn bình an để những Tô-ma của ngày nay thấy được và sờ được sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh qua cuộc sống của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin chiếm lĩnh trọn vẹn con người con, để con không bao giờ đánh mất bình an, và không bao giờ xa rời sứ mạng. Amen.

 

28/04/25                                              Thứ Hai tuần 2 ps

Th. Lu-y Gri-nhông Mông-pho, linh mục          Ga 3,1-8

 

TÁI SINH NHỜ THÁNH THẦN

“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)

Suy niệm: Ta không thể điều khiển gió theo hướng mình muốn, nhưng có thể lái con tàu theo hướng mình muốn đi nhờ cánh buồm. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã dùng hình ảnh gió để diễn tả Thánh Thần hay Thần Khí hoạt động trong đời ta. Ta không thấy Ngài vì Ngài thiêng liêng, nhưng có thể nhận ra hoạt động của Ngài trong đời mình, người khác, cũng như trong Hội thánh. Ta không thể bắt Ngài hành động thế này thế kia theo ý mình, nhưng phải điều khiển cuộc đời mình theo sự thúc đẩy của Ngài, một sự thúc đẩy có lúc nhẹ nhàng tựa cơn gió hiu hiu, cũng có lúc mạnh mẽ như cơn bão. Khi ngoan ngoãn bước theo Thánh Thần mỗi ngày, ta được tái sinh, sinh lại lần nữa về đời sống tâm linh, lớn lên dần dần, được Ki-tô hóa, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài lặng lẽ âm thầm, nhưng mạnh mẽ tựa hạt giống thầm lặng lớn lên.

Mời Bạn: Đời sống thiêng liêng của bạn thay đổi từ từ mỗi ngày, đâu phải kiểu bỗng vươn vai lớn mạnh như Thánh Gióng ngày xưa. Kiên trì thực hiện Lời Chúa dẫu khó hiểu và khó làm; kiên tâm tin tưởng Chúa trong mọi tình huống cuộc đời; kiên nhẫn giữ các điều răn, nhất là mến Chúa yêu người. Đó là những phương cách tuyệt hảo giúp bạn tái sinh trong Thánh Thần mọi ngày.

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng khi thức dậy tôi nhớ đến hai từ “tái sinh” để đời mình hôm nay được sinh ra lần nữa trong Chúa Ki-tô nhờ ngoan ngùy vâng theo Thánh Thần thúc đẩy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi con tái sinh trong đời sống thiêng liêng. Xin giúp con tái sinh nhờ bỏ mình, vâng theo Thánh Thần. Amen.

 

29/04/25                                               Thứ Ba tuần 2 ps

Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT  Ga 3,7b-15

 

ơn tái sinh

“Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.”  (Ga 3,7b)

Suy niệm: Trước khi trở thành con bướm, con sâu phải chui vào cái kén, hoá thành con nhộng; nhìn bề ngoài, nó dường như đã chết. Và nó còn phải tự mình nỗ lực đến mức kiệt sức, từ bỏ cái kén là tổ ấm an toàn của nó rồi mới hoá bướm được. Đó là qui luật của Tạo Hoá dành cho muôn loài. Còn con người có trí khôn, lại càng phải ý thức được định luật tất yếu đó: Cần phải có sức mạnh của Chúa để tái sinh mình trong ân sủng. Qui luật ấy, hôm nay Chúa Giê-su nhắc lại cho Ni-cô-đê-mô, nhưng thay vì đón nhận nó để sống vững vàng trong niềm tin, thì ông ngạc nhiên như điều không thể có và không thể chấp nhận. Chúa Giê-su khơi lại đức tin cho ông từ chính những kiến thức uyên bác của ông về Thánh Kinh: hình tượng con rắn đồng được treo lên trong sa mạc giải thích cho ông hiểu mầu nhiệm của việc tái sinh: phải tin vào Đấng đã vượt qua cái chết để tới được cõi sống: “Ai TIN vào Ngài thì được sống muôn đời.”

Mời Bạn: Hành động tin chính là biết nỗ lực lột bỏ được con người cũ của mình trong cái kén định kiến, cố hữu, và những thói quen không tốt, để mở lòng đón nhận ơn sủng Chúa. Với ơn tái sinh trong bí tích Thanh Tẩy, bạn hãy để cho Chúa tiếp tục tái sinh bạn mỗi ngày qua việc lắng nghe lời Chúa, tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích.

Chia sẻ: “Đức tin không hành động là đức tin chết.” Bạn hiểu điều đó thế nào?

Sống Lời Chúa: Tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích với tất cả tấm lòng yêu mến để bạn được ơn biến đổi, chứ đừng làm theo thói quen.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thực hiện trong con mỗi ngày ơn biến đổi thiêng liêng.

 

30/04/25                                               Thứ Tư tuần 2 ps

Th. Pi-ô V, giáo hoàng                                     Ga 3,16-21

 

yêu đến nỗi!

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  (Ga 3,16)

Suy niệm: Sự tích Hòn Vọng Phu của Việt Nam là câu chuyện về một tình yêu chung thuỷ tuyệt đẹp: người phụ nữ bế con lên núi chờ chồng cho đến khi hoá đá. Tình yêu bao giờ cũng đòi phải đạt tới mức cao nhất, mức tuyệt đối, vĩnh cửu. Con người đã thế huống hồ là Thiên Chúa. Thánh Gio-an diễn tả rất hay về Tình Yêu Thiên Chúa cũng chỉ có thể nói: “Thiên Chúa yêu đến nỗi”! Vâng, Ngài yêu con người đến nỗi: thay vì trừng phạt con người phản bội, thì Ngài tha thứ và hứa cứu độ; thay vì thịnh nộ bởi sự chai lì không tin yêu Ngài, thì Ngài lại rất kiên nhẫn cho dù phải trải dài suốt dòng lịch sử nhân loại, đến độ hiến tặng cả người Con duy nhất là Đức Giê-su, để chờ đợi  tình yêu đáp trả của con người. Đức Giê-su lại tiếp tục yêu cho đến cùng trong thân phận con người, để phục sinh giá trị của nhân  loại được kiện toàn khi biết sống một tình yêu mang dáng dấp của vị tha, của hiến dâng, của phục vụ.

 

 

Mời Bạn: Hãy cảm nghiệm tình yêu của Chúa để sống câu châm ngôn này: “không phải chúng ta đi tìm một người hoàn mỹ để yêu, mà chính là chúng ta học cách yêu thương một cách trọn vẹn một người không hoàn mỹ”.

Chia sẻ một gương sống yêu thương  mang giá trị Tin Mừng mà bạn đã gặp.

Sống Lời Chúa: Với tình thương Chúa bạn hãy tha thứ và cầu nguyện cho một người mà bạn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tình yêu Chúa mạnh hơn những yếu hèn của con, xin tình yêu Chúa thu hút con, cho con luôn biết yêu mến Chúa để con thắng vượt mọi cám dỗ làm mất lòng Chúa.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts