15/05/16
CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG – C
Ga 20,19-23
kHAO KHÁT CHÚA THÁNH THẦN
Nói xong, Đức Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22)
Suy niệm: Có một ngày các linh mục đồng loạt xách va-li rời khỏi giáo xứ; giáo dân gia nhập các đoàn thể Công giáo chỉ để mua vui; mỗi lần cầu nguyện, các Ki-tô hữu cảm thấy khó khăn vì Thiên Chúa với họ thật ngàn trùng xa cách và xa lạ; Đức Giê-su chỉ là một nhân vật của quá khứ, xa xưa; các sách Tin Mừng với những dòng chữ chết khô, đọc mãi chẳng thấy một sức mạnh nào; các tu sĩ hoạt động trong các bệnh viện, trại phong… chán nản trước các công việc nhàm chán mỗi ngày; Giáo hội như một bảo tàng viện gồm những nghi thức cũ kỹ lạc hậu… Đó là một ngày không có Chúa Thánh Thần. May mắn thay, ngày ấy đã không xảy ra! Vì từ ngày Hiện xuống trên các tông đồ, Chúa Thánh Thần luôn ở mãi trong thế giới.
Mời Bạn: Ghi nhớ lời của Charles Spurgeon, một nhà truyền giáo nổi tiếng của Mỹ: “Nếu chúng ta không có Thánh Thần, chúng ta nên đóng cửa các nhà thờ. Nếu các giáo sĩ không có Thánh Thần, tốt hơn họ đừng rao giảng Lời Chúa và giáo dân nên ở nhà mà ngủ”. Thế nhưng, có Thánh Thần, mọi sự đã đổi khác. Bạn có nhận ra sự hiện diện âm thầm và mạnh mẽ của Thánh Thần trong đời bạn không?
Chia sẻ: Làm thế nào để nhận ra sự hiện diện tác động của Thánh Thần?
Sống Lời Chúa: Bắt đầu một ngày sống với một tư tưởng tích cực: khao khát những giá trị Tin Mừng, khao khát một cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô. Nhờ sự khao khát này, Thánh Thần sẽ đến, đem lại hứng khởi cho cuộc sống.
Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi” hoặc kinh Đức Chúa Thánh Thần.
16/05/16 THỨ HAI TUẦN 7 TN
Mc 9,14-29
VŨ KHÍ TRỪ QUỶ: ĐỨC TIN VÀ CẦU NGUYỆN
Đức Giê-su đã nói với ông ta: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể được? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” (Mc 9,23)
Suy niệm: Trong thế giới và trong mỗi người luôn có một cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt, cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác. Ma quỉ chính là kẻ cầm đầu những thế lực ác tà tìm mọi cách để khống chế con người dưới sự thống trị của nó. Đứa bé bị quỉ ám là một điển hình cụ thể. Quỉ hành hạ em thật ghê rợn: nó làm “em ngã vật xuống đất, lăn lộn, sùi bọt mép, ngã vào lửa, rớt xuống nước…” Dường như không có “thầy” nào, kể cả các môn đệ được Chúa ban quyền trừ quỷ, đủ “cao tay ấn” để trị nổi nó. Chúa Giê-su bày cho ta bí quyết: “Việc gì cũng có thể, đối với người có lòng tin”. Ngài nói riêng với các môn đệ: “Giống quỉ này chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện.”
Mời Bạn: Mỗi chúng ta đều có kinh nghiệm về cuộc chiến đó nơi chính mình: có những lúc thật đau thương vì sa ngã thảm hại, vì đắm chìm trong tội lỗi. Nếu không trang bị cho mình thứ áo giáp là niềm tin, thứ vũ khí là cầu nguyện, chúng ta cũng có thể bị “ngã vật, sùi bọt mép, nghiến răng và cứng đờ người ra”, chứ chưa nói đến việc chúng ta có thể chữa lành cho người khác. Ước gì chúng ta cũng hãy ý thức về sự yếu đuối của chúng ta mà biết chạy đến với Chúa và thân thưa với Người: “Xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của con”.
Chia sẻ: Liệu chúng ta có đang bị quỉ ám, nghĩa là đang sống trong vòng nô lệ của ma quỷ vì sa đoạ trong những đam mê dục vọng thấp hèn không?
Sống Lời Chúa: Chu toàn việc cầu nguyện hằng ngày trong gia đình.
Cầu nguyện: Hát bài “Chúa là gia nghiệp đời con”.
17/05/16 THỨ BA TUẦN 7 TN
Mc 9,30-37
PHỤC SINH, ÂN HUỆ NHIỆM MẦU
“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc 9,31)
Suy niệm: Trọn vẹn cuốn Tin Mừng Mác-cô chỉ qui hướng về đỉnh cao là cái chết của Đức Giê-su. Thật kỳ lạ! Hầu như đối với Đức Giê-su, cuộc sống tại thế này không đáng kể mà duy chỉ có cái chết của Ngài mới là điều quan trọng thôi! Người còn báo trước cái chết của mình cách bình tĩnh và đương nhiên không phải một lần mà tới ba lần!
Mời Bạn suy nghĩ: Thật lạ! Trong lịch sử loài người, chưa từng có một danh nhân hay một nhà sáng lập tôn giáo nào, dù là Đức Phật hay Mahômét, dám có cao vọng giải phóng con người khỏi định mệnh cuối cùng là cái chết! Chỉ có một mình Đức Giê-su với sự bình thản và đơn giản tuyên bố: “Họ sẽ giết Người và sau ba ngày Người sẽ sống lại!” Vì Người biết rõ sự gì đang đón chờ Người sau cánh cửa sự chết! Chính là sự sống! Mầu nhiệm sống lại là điều cơ bản của Đức Tin Ki-tô giáo, đặc ân duy nhất và cốt thiết của Đức Giê-su.
Chia sẻ: Đứng trước linh cữu một người thân yêu vừa nhắm mắt ra đi, bạn nghĩ gì? Nếu bạn là hành khách duy nhất sống sót trong chuyến bay MH370 mất tích cách đây hơn hai năm, trong khi những người khác bên cạnh bạn đã chết, bạn sẽ nghĩ gì về cuộc sống hiện tại? Về cuộc sống bên kia thế giới? Làm thế nào để bạn cũng có tâm trạng bình tĩnh trước cái chết như Đức Giê-su?
Tin tưởng cầu nguyện cùng Chúa Cha: Lạy Cha, sau cánh cửa sự chết, như Đức Giê-su, con tin Cha sẽ đón chờ con, ôm con vào vòng tay yêu thương của Cha! Con không sợ chết nữa! Allêluia!
18/05/16 THỨ TƯ TUẦN 7 TN
Th. Gio-an I, giáo hoàng, tử đạo
Mc 9,38-40
BÀI HỌC LÒNG KHOAN DUNG
“Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)
Suy niệm: Để bảo vệ quyền lợi của mình, người làm ra sản phẩm thường đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu trước cơ quan pháp luật, nhờ đó sản phẩm của mình được độc quyền sản xuất; mọi hình thức sao chép, làm hàng nhái, hàng giả đều bị cấm. Trong một xã hội công bằng, văn minh, đó là yêu cầu chính đáng. Tông đồ Gio-an cũng đòi độc quyền thương hiệu làm phép lạ cho Thầy Giê-su nên đã ngăn chặn một người nhân danh Thầy để trừ quỷ chỉ vì người ấy không phải là một trong số môn đệ của Chúa. Nhưng Chúa Giê-su tuyên bố tác quyền thiêng liêng của Ngài vẫn được bảo vệ mà không cần cấm đoán bởi vì không ai có thể nhân danh Ngài làm phép lạ mà đồng thời lại là thù địch của Ngài.
Mời Bạn: Thương hiệu của Chúa là lòng khoan dung, những ai thiện chí đều được đón nhận vì mọi điều tốt đẹp đều bởi Thiên Chúa, cho dù trước mắt, họ chưa thuộc về cùng một cơ chế hữu hình: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Không ai độc quyền hưởng ơn cứu độ. Chân lý rộng lớn con người đều có thể lĩnh hội được. Căn bản của lòng khoan dung là việc nhận thức được tầm mức rộng lớn của chân lý để đón nhận cho dù chân lý đó từ đâu mà đến. Thiếu khoan dung là dấu chỉ cho thấy sự hẹp hòi và cao ngạo của mình.
Sống Lời Chúa: Sống khoan dung bằng cách lắng nghe những lời phê bình mình và đón nhận những sáng kiến khác với suy nghĩ của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống “hiền hậu và khiêm nhường” như lời Chúa dạy (Mt 12,29) và xin Chúa giúp con biết nhìn tha nhân bằng cặp mắt bao dung của Chúa.
19/05/16 THỨ NĂM TUẦN 7 TN
Mc 9,41-50
TRẢ GIÁ
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi, thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.” (Mc 9,43)
Suy niệm: Thế giới hôm nay tràn ngập những người chạy theo vật chất: tiền của, danh vọng là giá trị lớn nhất; mục đích cuộc đời là hưởng thụ, khoái lạc. Đối với họ, Thượng Đế quá mơ hồ; Nước Trời và sự thưởng phạt đời sau quá xa vời. Họ quên rằng một ngày nào đó, họ sẽ phải chết! Hoặc họ cố quên đi điều đó để tận hưởng cuộc đời phù du ngắn ngủi. Lời Chúa hôm nay vạch cho chúng ta một thang giá trị khác: Nước Trời quý giá đến độ đáng cho ta hy sinh tất cả, kể cả mạng sống để đạt được. Thánh Phao-lô cũng quả quyết: Một chút gian nan nhẹ tênh trong hiện tại sánh sao được với vinh quang bất diệt mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho những kẻ yêu mến Người. Trong lịch sử Giáo Hội, biết bao người đã dám hy sinh cả mạng sống để chiếm hữu được Nước Trời.
Mời Bạn: Cái gì càng quý, thì giá phải trả càng đắt. Nước Trời thật là quí giá, nhưng vấn đề là ở chỗ bạn đã ý thức được điều đó chưa? Bạn đã dám “cắt bỏ” cả những điều thiết thân nhất của bạn để đổi lấy cuộc sống vĩnh cửu chưa?
Chia sẻ: Bạn đang quyến luyến điều gì đến độ có thể đe doạ đến đời sống vĩnh cửu của bạn?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn hãy “cắt bỏ” một cái gì đó đang làm bạn xa Chúa, xa anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con can đảm loại bỏ những gì không đẹp lòng Chúa, những gì làm cho anh em con vấp phạm. Con ước ao trở nên muối và ánh sáng để làm chứng nhân cho Chúa nơi mọi người mà con gặp gỡ hôm nay.
20/05/16 THỨ SÁU TUẦN 7 TN
Th. Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục
Mc 10,1-12
NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU
“Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10,6-8)
Suy niệm: Nhà văn Nga I. Tourguéniev tâm sự: “Tôi sẵn sàng đổi hết tài năng và tác phẩm của tôi để được cái thú êm đềm biết rằng ở một nơi nào đó, có một người đàn bà lo âu vì tôi về trễ.” Không gì hạnh phúc cho bằng biết rằng mình được yêu, cũng như không có gì chua xót cho bằng từ tình yêu chuyển thành thù hận. Hôm nay, Đức Giê-su nhắc ta hai điều: 1/ Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người!). 2/ Hai người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn cả trong lý tưởng, trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình… Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời.
Mời Bạn: Nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ đem lại thú vui, mà còn mang đến trách nhiệm. Bạn chỉ tìm thấy niềm vui thật sự khi nào bạn chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình.
Chia sẻ: Trong đời sống gia đình, tôi tìm thú vui riêng cho bản thân, hay tôi quên mình để chăm lo hạnh phúc của những người thân?
Sống Lời Chúa: Phục vụ, giúp đỡ vợ, chồng, cha mẹ tôi trong những việc nho nhỏ hằng ngày trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Cha nhân ái, xin thương gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha nhập thể thuở ấu thơ. Xin sai Thánh Thần biến mọi gia đình thành tổ ấm tình yêu. Xin cho chúng con nhớ rằng hạnh phúc luôn ở trong tam tay từng người chúng con.
21/05/16 THỨ BẢY TUẦN 7 PS
Th. Ki-tô-pho-rô Ma-ga-la-nê
Mc 10,13-16
ĐIỀU KIỆN ĐẠT TỚI NƯỚC TRỜI
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” (Mc 10,15)
Suy niệm: .Có nhiều phương thế để lên thiên đàng: tử đạo, ẩn tu, làm việc tông đồ, bác ái… và cũng có một cách giản dị để đạt tới Nước Trời là có tâm hồn trẻ em, cách của thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giêsu. Ngài trở thành chứng nhân và mẫu gương sống động cho chúng ta trong việc áp dụng Lời Chúa hôm nay. Nói là giản dị nhưng thực ra phương thế này đòi hỏi con người phải đấu tranh quyết liệt để chống lại thói kiêu ngạo, cậy mình, ích kỷ, tự mãn, vô cảm…. Tính đấu tranh lúc này mãnh liệt tựa như đứa trẻ khóc thét lên đòi bú sữa mẹ vậy, một hành động đòi hỏi chính đáng đối với em, nhưng có thể không thích hợp với người lớn. Trẻ em đâu có gì để từ bỏ; thế nên từ bỏ là làm cho mình trở thành không có gì giống như trẻ em chỉ trừ nhìn nhận mình là thấp hèn, hư không trước mặt Chúa và một niềm khát vọng mãnh liệt là đạt được tất cả trong Thiên Chúa. Vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình” (Tv 62,2).
Mời Bạn: Có kẻ xin Gandhi tóm gọn đời mình bằng một câu không quá ba đặc điểm. Ông bảo đó là: “từ bỏ và vui hưởng” cuộc sống. Thái độ an bình vô tư lự và vui hưởng cuộc sống là đặc điểm tự nhiên của một trẻ nhỏ. Còn người “trẻ thơ trưởng thành” đạt đến sự an nhiên tự tại đó qua một quá trình chiến đấu từ bỏ để siêu thoát khỏi mọi ràng buộc thế tục và hướng tới Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Mỗi lần xưng tội tội hãy quyết tâm từ bỏ một thói xấu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn hồn mẫn cảm trước những đòi hỏi giản dị nhưng chính đáng để hướng tới Nước Trời.