13/05/18 CHÚA NHẬT TUẦN 7 PS – B
Chúa Thăng Thiên
Mc 16,15-20
HƯỚNG LÒNG VỀ TRỜI
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: “Thứ hai thì ngắm, Đức Giê-su lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.” Kinh Mân Côi, ngắm thứ hai, mầu nhiệm Năm Sự Mừng này nhắc nhở rằng ở dưới đất cũng có những đối tượng hấp dẫn khiến ta ái mộ. Tiền bạc có thể làm ta ái mộ; vì có tiền là có quyền, có tiện nghi, đời sống được thăng tiến, “có tiền mua tiên cũng được”… Những sự “dưới đất” ấy thật hấp dẫn, có thể mê hoặc, trói buộc chúng ta quên mất rằng quê hương đích thực của chúng ta là ở trên trời (x. Pl 3,20; Dt 11,16). “Chúa lên trời” nhắc cho chúng ta luôn hướng về quê hương vĩnh hằng đó. Đó chính là động lực thúc đẩy chúng ta luôn nhiệt thành hăm hở thực thi mệnh lệnh tối hậu của Chúa Phục Sinh giao phó cho các môn đệ trước khi Ngài về trời: đó là loan báo Tin Mừng của Ngài cho đến tận cùng thế giới.
Mời Bạn: Cuộc sống ở trần gian là một cuộc hành trình hướng về quê thật, nơi Đức Giê-su Phục Sinh đang chờ đợi ta. Nước Trời là cùng đích chúng ta hướng tới. Vậy đang khi sống tại thế này chúng ta cần có tinh thần siêu thoát, sử dụng thực tại trần thế này như phương tiện giúp nhau đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Quốc.
Sống Lời Chúa: Lần chuỗi Mân Côi, một chục và suy gẫm Năm Sự Mừng, thứ hai: “Đức Giê-su lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con sống ở trần gian là sống trong vị thế “đầu đội trời, chân đạp đất.” Xin đừng để chúng con bị cuốn hút bởi những hấp lực của trần gian, nhưng hướng lòng chúng con về trời, là quê thật Chúa đã sắp sẵn cho chúng con.
14/05/18 THỨ HAI TUẦN 7 PS
Th. Mát-thi-a, tông đồ
Ga 15,9-17
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU
“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,9)
Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng thốt lên: “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ.” Ai đã từng cảm nghiệm hương vị ngọt ngào khi yêu và được yêu hẳn cũng nhìn nhận tình yêu như một động lực “đột biến” khiến những người vốn cứng cỏi lạnh lùng có thể trở nên “từ bi bất ngờ” như thế. “Từ bi” ở đây bao hàm niềm khao khát vươn đến tận cùng của Chân-Thiện-Mỹ. Nó không bằng lòng với việc độc chiếm để thoả mãn khát vọng, thèm muốn của bản thân. Nó cũng không dừng lại ở thứ tình yêu vị tha, quan tâm nhau trong tình bằng hữu; song động lực “đột biến” ấy còn thúc đẩy người ta tiến đến một thứ tình yêu mà Kinh Thánh gọi là “agapê”, là thứ tình yêu hy sinh trao hiến cả mạng sống cho người mình yêu. Tình yêu ấy người ta thấy được từ tình yêu của Thiên Chúa. Đây chính là tình yêu mà Chúa Giê-su trao ban tròn đầy cho các môn đệ hôm nay. Hơn nữa, Ngài còn mời gọi các ông ở lại trong tình thương đó để mãi mãi là bạn hữu của Thầy, là người môn đệ của ‘tình thương’: người dám thí mạng vì người mình thương (c. 13).
Mời Bạn: Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp mới nhất “Gaudete et exsultate” đã mời gọi mọi người hãy bám lấy Thánh Thể và Lời Chúa để múc lấy suối nguồn tình yêu agapê đó. Bạn có khát khao để được yêu như vậy không? Bạn hãy tận dụng những phương tiện Chúa ban để ở lại trong tình yêu agapê, tình yêu của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Nhớ tới ơn lành Chúa ban để cảm nghiệm hạnh phúc mình được Chúa yêu. Và trong tâm tình đó cầu xin điều tốt đẹp nhất cho một người anh em.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
15/05/18 THỨ BA TUẦN 7 PS
Ga 17,1-11
LỜI CẦU CỦA CHÚA GIÊ-SU
“Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.” (Ga 17,3-4)
Suy niệm: Rất nhiều lần Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta cầu nguyện, cầu nguyện cách xác tín, kiên trì không khoe khoang… Ngài còn dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào qua việc dạy chúng ta kinh Lạy Cha. Còn hôm nay, Phúc Âm Gio-an kể lại, chính Chúa Giê-su cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su như thế nào? Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha. Ngài cầu nguyện để Chúa Cha được tôn vinh. Ngài cầu nguyện cho chúng ta: cho chúng ta nhận biết sự sống đời đời – “sự sống đời đời đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô,” cho chúng ta được nên một với Cha và Con. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su bao giờ cũng đầy ắp tình yêu mến Cha-Con với Chúa Cha, và tình yêu thương dành cho chúng ta trong Cha của Ngài.
Mời Bạn: Tôn vinh Chúa Cha và cứu độ chúng ta là hai chiều kích luôn có trong lời cầu của Chúa Giê-su. Lời cầu nguyện của Ngài chính là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa Cha nhất. Bạn muốn lời cầu xin của mình được Thiên Chúa ưng nhận, hãy cầu nguyện như Chúa Giê-su.
Sống Lời Chúa: Khởi đầu và kết thúc một ngày sống, bạn đọc kinh Lạy Cha.
Cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con tạ ơn tình thương của Cha được tỏ bày nơi Con Cha, Đấng nói cho chúng con biết Cha là Đấng Chân Thật, và cho chúng con được nên một với Cha. Xin cho chúng con sống thân mật, cầu nguyện, trò chuyện với Cha, để chúng con yêu mến Cha, như Cha yêu mến chúng con.
16/05/18 THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Ga 17,11b-19
ƠN GỌI GIÁO DÂN
“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.” (Ga 17,15-16)
Suy niệm: Theo cha Congar, giáo dân là những người được Chúa Giê-su đặt ở giữa thế gian cách đặc biệt và luôn chiếm chỗ trong mối quan tâm mục tử của Chúa Giê-su, điển hình trong lời nguyện Ngài dâng lên Chúa Cha hôm nay. Thực vậy, giáo dân, chứ không phải linh mục hay tu sĩ, hiện diện trong mọi lãnh vực xã hội, do đó vai trò của họ trong công cuộc truyền giáo rất quan trọng, đến nỗi việc loan báo Tin Mừng cho thế giới chỉ được thực hiện bởi họ, vì họ được mời gọi sống ơn gọi trong các lãnh vực trần thế. Ở giữa thế gian, nhưng họ được ơn Chúa trợ lực để “không thuộc về thế gian,” hơn nữa, còn trở nên chứng nhân của Chúa bằng đời sống đậm chất Tin Mừng. Trong tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân, Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh rằng vai trò này của giáo dân là không thể thay thế.
Mời Bạn: Giáo dân ở giữa thế giới chẳng khác gì hoa sen trong đầm lầy, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Chính vì để làm chứng cho sự thật mà Chúa Giê-su đã sai chúng ta vào thế gian như Chúa Cha đã sai Ngài. Bạn đang tỏa hương thơm Tin Mừng nơi bạn sống đấy chứ?
Chia sẻ: Theo ý Chúa Giê-su, thế nào là “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”?
Sống Lời Chúa: Tuần này bạn quyết tâm tập luyện một nhân đức.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin thánh hoá chúng con, để chúng con luôn thuộc về Cha trong mọi hoàn cảnh, như Đức Giêsu con yêu dấu của Cha đã sống và nêu gương cho chúng con. Amen.
17/05/18 THỨ NĂM TUẦN 7 PS
Ga 17,20-26
“ĐỂ HỌ TẤT CẢ NÊN MỘT”
“Để họ tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21)
Suy niệm: Một bạn trẻ trăn trở: Thưa cha, con có một người bạn theo đạo Tin Lành. Anh ấy rất tốt, nhưng chúng con thường tranh luận với nhau về đức tin. Cuối cùng thì chẳng bên nào chịu bên nào. Làm thế nào để anh ấy tin như mình, hả cha? Bạn ơi, bạn nhớ rằng trong cuộc tranh luận không có người thua. Nếu bạn mưu toan dùng những lý luận sắc bén của mình để bẻ gãy mọi luận điểm của đối phương thì bạn nên biết rằng người kia cũng nỗ lực làm điều đó không kém gì bạn. Bạn hãy nghiền ngẫm Lời Chúa để biết Ngài dạy bạn ứng xử thế nào.
Chúa ơi, Chúa làm con chưng hửng bởi vì lắm khi Chúa đã làm những kẻ tố cáo Chúa không bắt bẻ gì được Chúa, nhưng Chúa lại không dạy con phương pháp lý luận để có thể khiến đối phương cứng họng. Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại nhưng Chúa lại chấp nhận vác thập giá, và trên thập giá Chúa từ chối lời thách thức “xuống khỏi thập giá để chúng ta tin” (Mt 27,42). Trái lại, Chúa dạy chúng con phương thế để mọi người tin Chúa là chúng con phải hiệp nhất nên một như Chúa và Chúa Cha là một. Chúa ơi! quả thật vì chúng con chưa nên một mà mọi người chưa tin vào Chúa! Ôi, đau lòng quá!
Chia sẻ: Phương thức hoạt động của nhóm chúng tôi có thể có nhiều ưu điểm. Thế nhưng nó có xây dựng hiệp nhất trong cộng đoàn ki-tô không? Nếu không chúng tôi phải xét lại.
Sống Lời Chúa: Lời Chúa hôm nay là phương châm mọi hoạt động của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.
18/05/18 THỨ SÁU TUẦN 7 PS
Th. Gio-an I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 21,15-19
CHÚA BIẾT CON YÊU CHÚA
“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,17)
Suy niệm: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,42). Chúa khen cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất đó là ngồi bên cạnh Chúa để nghe Chúa nói bằng tất cả tâm tình yêu mến Chúa của cô. Hôm nay Chúa lại chất vấn Phê-rô về điều duy nhất Ngài chờ nơi ông: “Anh có yêu mến Thầy không?” Dù lý lịch của Phê-rô có nhiều vết đen: nóng nảy, thích sướng, tránh khổ, “miệng hùm gan sứa” mới thề thốt dù có chết cũng không bỏ Thầy, thế nhưng vừa đối mặt với thử thách đã vội vàng chối bỏ Thầy mình…, Chúa vẫn chỉ yêu cầu Phê-rô một điều duy nhất: tình yêu của ông đối với Ngài. Về phần Phê-rô, ông đã quá rõ sự bất toàn của mình, và ông biết Đức Giê-su phục sinh còn thấu hiểu điều đó hơn ông nữa. Ông chẳng còn gì để mà khoe, chỉ có một điều đáng kể ra, ông biết và Chúa cũng biết, đó là: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Thực vậy, khi Phê-rô yêu mến và gắn kết đời mình với Chúa, ông có thể vượt thắng mọi yếu đuối và làm điều Chúa muốn.
Mời Bạn: Chẳng phải là Chúa cần chúng ta yêu Chúa, cũng chẳng phải là những việc làm hoặc lời ca tụng của chúng ta thêm gì cho Chúa. Nhưng được Chúa yêu và được yêu Chúa là hạnh phúc và ơn cứu độ muôn đời cho chúng ta. Điều này mời gọi chúng mình mến yêu Chúa hơn và luôn minh chứng tình yêu ấy bằng những hành động cụ thể.
Sống Lời Chúa: Nghĩ tới một ơn Chúa ban cho mình và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả. Con xin dâng về Chúa tất cả đời con.”
Cầu nguyện: Lặp lại lời nguyện trên hoặc đọc: “Chúa ơi, con yêu Chúa. Chúa là hạnh phúc, là tất cả của đời con.”
19/05/18 THỨ BẢY TUẦN 7 PS
Ga 21,20-25
HÃY THEO CHÚA
Thấy người môn đệ Chúa yêu, ông Phê-rô nói với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Chúa Giê-su trả lời: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh. Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 21,21-22)
Suy niệm: Thánh Phê-rô quan tâm đến số phận của thánh Gio-an và hỏi Chúa: “Thưa Thầy, còn anh này sao?” Thánh Phê-rô có lý do để quan tâm, vì từ lâu hai người có mối tương quan mật thiết với nhau: cùng đánh cá với nhau, cùng làm môn đệ Chúa. Cả hai đều là môn đệ thân tín của Ngài, cùng có mặt trong những biến cố đặc biệt của Chúa, như: được chứng kiến Chúa hiển dung trên núi, và cùng khám phá ngôi mộ trống khi Chúa sống lại…. Chúa Giê-su trả lời giống như không trả lời, mà chỉ nhấn mạnh đến điều Ngài nhiều lần từng nói: “Hãy theo Thầy.” Lời kêu gọi làm môn đệ Ngài luôn bao hàm một đòi hỏi triệt để: “Anh có yêu mến Thầy hơn những anh em này không?” Giờ đây ý nghĩa đó lại càng rõ ràng hơn: theo Chúa thì phải đặt Chúa trên gia đình, bạn bè, của cải, và trên cả mạng sống mình nữa: “phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16,24). Tình bạn giữa Phê-rô và Gio-an thật cao quý, nhưng tình bạn đó không được cản trở mối tình thân với Chúa. “Hãy theo Thầy” luôn là lời mời gọi và lệnh truyền cho những ai đang do dự hay muốn dừng tình yêu của mình ở một đối tượng khác, mà giảm sút tình yêu đối với Chúa.
Mời Bạn: Theo số thứ tự, Chúa Giê-su có vị trí thứ mấy trong trái tim bạn? Ngài không được vị trí số một sao?
Sống Lời Chúa: Dành vài phút chuyện trò chân tình với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Xin cho con học theo Mẹ Ma-ri-a, ngày càng yêu mến Chúa hơn.