5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 05-2021

Mục Lục

Ngày 1 – 8: Trang 1

Ngày 9 – 16: Trang 2

Ngày 17 – 23: Trang 3

Ngày 24 – 31: Trang 4

* * *

01/05/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS
Th. Giu-se Thợ
Mt 13,54-58

GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG

“Ông này không phải là con bác thợ mộc ư?” (Mt 13,55)

Suy niệm: Con Thiên Chúa Đấng Tạo thành khi xuống thế làm người, sống giữa loài người, đã được biết đến như là “Con bác thợ mộc”! Ngài thực sự đã đồng hoá với loài người, chia sẻ đời sống của loài người: làm việc để nuôi sống, để phát triển bản thân và xã hội. Việc Chúa tự hạ làm con người lao động thật đáng cảm kích. Và giá trị của lao động thật cao cả, vì nâng con người lên địa vị cao là con cái Thiên Chúa.

Mời Bạn: Ngày nay, con người thấy rõ giá trị của lao động và vai trò của minh trong chương trình “thống trị trái đất” (St 1,28) của Đấng Tạo Dựng, đặc biệt qua những thành tựu khoa học kỹ thuật… Tuy nhiên về phương diện xã hội và đạo đức, thì còn rất “chậm tiến”! Cứ xem những cuộc đấu tranh, lắm khi rất căng thẳng, thậm chí bạo động, xảy ra mọi nơi hiện nay, thì biết việc lao động của con người vẫn còn ở giai đoạn “kiếm sống”: hàng triệu người hiện nay vẫn đói đủ ăn!… Việc lao động để “thống trị trái đất” như Chúa muốn, phải thực sự giải phóng con người, phát triển con người toàn diện nhất là phần tâm linh.

Chia sẻ: Qua việc Thiên Chúa nhập thể làm người trong “giới lao động”, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại việc lao động của chúng ta có giúp cho tôi và anh em tôi được xích lại gần nhau hơn không!

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc, dâng lên Chúa một lời nguyện xin Ngài thánh hoá việc lao động mình sắp làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi ngày khi con bắt đầu công việc lao động, dù là lao động trí óc hay chân tay, xin giúp con biết làm việc không chỉ để kiếm sống mà còn để làm cho trái đất này được xinh đẹp hơn và phẩm giá anh em con được tôn trọng hơn.



02/05/21 
CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – B
Ga 15,1-8

HOA TRÁI TỐT LÀNH

“Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” (Ga 15,8)

Suy niệm: Cành nho chỉ sinh được nhiều hoa trái nếu gắn liền với cây nho, được cắt tỉa, vun tưới, chăm sóc. Đời sống người Ki-tô hữu cũng sinh nhiều hoa trái tốt lành thánh thiện nếu gắn kết với nguồn mạch sự sống của mình là Đức Ki-tô, mà hai đường huyết mạch cung cấp dưỡng chất thiêng liêng cho linh hồn là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Đồng thời cành nho linh hồn còn phải được cắt tỉa khỏi những rườm rà và sâu bệnh của tinh thần thế tục, hầu sự sống từ nơi Chúa không bị thất thoát nhưng được tập trung tối đa để sinh nhiều hoa trái tốt lành.

Mời Bạn: Nếu người nào tách ra khỏi Chúa, họ sẽ thiếu sức sống của Ngài, linh hồn trở nên èo uột, ốm yếu, và như một lẽ đương nhiên, mất dần khả năng đề kháng trước sự tấn công của vi-rút tội lỗi. Mời bạn mỗi ngày dành thời gian suy niệm Lời Chúa, để sống những giá trị Tin Mừng trước những mời mọc quyến rũ của thế gian. Và đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng linh hồn mình bằng lương thực thần linh là chính Thánh Thể Chúa Ki-tô.

Chia sẻ: Bạn có nhận ra giá trị tích cực của khó khăn, nghịch cảnh là việc Thiên Chúa “cắt tỉa” để bạn kết hợp với Chúa, lớn lên và nhờ đó, sinh hoa kết trái không?

Sống Lời Chúa: Củng cố mối liên kết bạn với Chúa bằng việc thường xuyên suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa, và xin Chúa thanh luyện con, con mạnh mẽ vượt qua những trở ngại bản thân, sống sung mãn nhờ sức sống của Chúa và chia sẻ cho người khác. Amen.



03/05/21 
THỨ HAI TUẦN 5 PS
Th. Phi-líp-phê và Gia-cô-bê, tông đồ
Ga 14,6-14

BIẾT CHÚA CHA QUA CHÚA CON

“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy.” (Ga 14,7)

Suy niệm: Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy hình Chúa Cha do các họa sĩ vẽ khá giống hình Chúa Con. Vẽ như thế có lẽ vì họ đã dựa vào lời Chúa Giê-su mặc khải về tương quan giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha: Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy;” “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha;” và “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy;” “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” Những lời mặc khải này cho ta hiểu rằng Chúa Cha đã dùng Chúa Con để nói, để làm, để biểu lộ Chúa Cha như thế nào. Chúa Con chính là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), nhìn vào Chúa Con là thấy được Chúa Cha. Vì thế, để biết Chúa Cha thế nào chúng ta cứ nhìn vào lời nói và việc làm của Chúa Con.

Mời Bạn: Thắc mắc của tông đồ Phi-líp-phê với tính thực tế của mình cho thấy ông chưa thực sự hiểu biết Thầy mình nhưng lại là dịp Chúa Giê-su mặc khải rõ hơn mầu nhiệm quan trọng về Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Nhờ đó chúng ta có thể biết được Chúa Cha. Thật là phải cám ơn Phi-lip-phê thật nhiều và tạ ơn Chúa Giê-su vô vàn, bởi vì nơi Ngài, Thiên Chúa trở nên hữu hình, gần gũi; cứ ở trong Chúa Giê-su là chúng ta có thể ở trong Chúa Cha.

Sống Lời Chúa: Gắn bó với Chúa Giê-su bằng việc rước lễ và đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ biết và ở trong Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha, xin ban cho chúng con lòng khao khát được gặp Chúa Cha bằng việc gắn bó với Chúa Con trong mọi sinh hoạt thường ngày của chúng con.



04/05/21 
THỨ BA TUẦN 5 PS
Ga 14,27-31a

BÌNH AN TRONG TÌNH YÊU

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”(Ga 14,27)

Suy niệm: Đứng trước viễn cảnh chia ly, Chúa Giê-su đã ban cho các môn đệ món quà vô giá là sự “bình an” của chính Ngài. Bình an Chúa ban không giống như kiểu thế gian, nghĩa là không chỉ là một lời chúc xã giao; nó cũng không phải là khoảng thinh lặng đáng sợ giữa hai cuộc chiến. Bình an của Chúa Giê-su là hoa trái của nỗ lực tìm kiếm, trung thành, và chu toàn ý định của Chúa Cha. Chính nhờ sống trong tình yêu kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và Thánh Thần mà Chúa Giê-su sống dồi dào niềm vui, hạnh phúc, và bình an. Bởi thế, Chúa Giê-su, Hoàng tử Bình An, muốn trao ban nó cho các môn đệ để giúp các ông vượt qua mọi sợ hãi trước những gì sắp xảy ra và tiếp tục vững tin lời Thầy trước bao biến cố thăng trầm.

Mời Bạn: Theo thánh Bonaventura, để lớn lên trong bình an chúng ta cần yêu Chúa hết lòng. Càng yêu Chúa hết lòng, càng sống trào tràn bình an và càng khát khao chia sẻ nó cho mọi người. Đó chính là niềm vui Tin Mừng mà Chúa Giê-su muốn loan báo cho con người. Để sống trong bình an của Chúa, chúng ta cần cảm nhận mình được Chúa yêu thương bắt đầu từ những điều, những con người nhỏ bé nhất, gần gũi nhất  với chúng ta. Và hơn nữa bình an khi cảm nghiệm tình yêu Chúa qua những khổ đau Chúa để cho xảy đến trong đời chúng ta.

Sống Lời Chúa: Làm một việc để trợ giúp người đang gặp khó khăn hoặc một việc để bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ niềm vui để xây dựng bình an cho gia đình và người thân.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.



05/05/21 
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,1-8

CHẤP NHẬN “MẤT” ĐỂ “ĐƯỢC”

“Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15,2)

Suy niệm: Chúa Giê-su chỉ ra 2 điều kiện để cành nho sinh được nhiều hoa trái: 1) phải gắn liền với cây nho; 2) là phải được cắt tỉa. Gắn liền với cây nho, đó là điều đương nhiên vì nếu cành nho bị tách lìa khỏi thân thì nó sẽ khô héo ngay. Còn việc cắt tỉa, đó là kỹ thuật chăm sóc cây của người trồng nho, chính là Thiên Chúa Cha. Cắt tỉa có nghĩa chấp nhận bỏ đi để đạt được nhiều thành quả hơn. Một cây nho cành lá sum sê um tùm, cần phải được cắt tỉa để cây khỏi phải nuôi quá nhiều cành lá dư thừa nhưng tập trung nhựa sống vào việc sinh nhiều hoa, kết nhiều trái ngon ngọt. Chuyện cây nho cũng là chuyện đời sống thiêng liêng trong mối tương quan giữa chúng ta với Chúa Ki-tô: chấp nhận “mất đi” cho tội lỗi để “được” hoa trái là hạnh phúc vĩnh hằng bên Chúa.

Mời Bạn: Cắt tỉa là chấp nhận chịu đau đớn, chịu thương tích để mất đi nhưng đó lại là điều kiện cần thiết để có được kết quả tốt hơn. Đời sống thiêng liêng của Bạn cũng vậy, muốn sinh được hoa trái tốt thì ngoài việc kết hiệp mật thiết với Chúa, Bạn còn phải để cho Lời Chúa cắt tỉa và uốn nắn từng ngày. Có thể Chúa muốn bạn ‘cắt tỉa’ đi những thói xấu, những tội lỗi, để chỉ giữ lại cho Bạn những gì là tốt đẹp nhất, những gì có thể sinh được hoa trái tốt lành mà thôi.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm từ bỏ một thói xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết ngoan ngoãn để cho Chúa uốn nắn và sửa dạy qua mọi biến cố vui buồn của cuộc sống, nhờ đó con sẽ được kết hiệp với Chúa cách mật thiết hơn. Amen.



06/05/21 
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,9-11

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CHÚA

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,9)

Suy niệm: Để thể hiện tình cảm với nhau, người ta dùng nhiều cách thức: gởi thư thăm hỏi, nhắn tin, gởi quà, thăm viếng, có khi đến thăm và ở lại nữa… Những cách thức đó, dù có rất đậm đà, thân thiết, nhưng cũng chỉ là từ xa hoặc nhất thời. Chúa Giê-su muốn thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cách đặc biệt khôn ví. Ba lần Ngài tha thiết mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài. Ở lại trong Chúa không phải để bị Ngài “quấy rầy” mà là để được Ngài yêu thương, được thông ban sự sống thần linh, được trở nên con cái Chúa và nên một với Ngài, nghĩa là để hưởng “niềm vui của Chúa, niềm vui trọn vẹn,” và hưởng mãi mãi.

Mời Bạn: Chúa đã mời gọi bạn đến và ở lại với Ngài. Bạn đã nghe và đáp lại lời Ngài chứ! Mời bạn đến và ở lại với Ngài qua việc cầu nguyện liên lỉ, suy niệm Lời Chúa hằng ngày và tham dự Thánh lễ thường xuyên hơn. Một khi bạn ở lại trong tình yêu của Chúa, thì bạn đi đâu, làm gì, cũng có Chúa ở với bạn và bạn có thể đem Chúa đến với bất cứ ai mà bạn gặp gỡ tiếp xúc.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, thường xuyên tham dự Thánh lễ và rước Chúa không chỉ trong ngày Chúa Nhật, luôn sẵn sàng chia sẻ phục vụ anh chị em, đó là những việc luôn phải có trong lịch trình đời sống hằng ngày của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thêm lòng yêu mến và sự khát khao để chúng con biết tìm đến Chúa và ở lại trong Chúa như một nguồn sống và là cùng đích của cuộc đời chúng con. Amen.



07/05/21 
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,12-17

DI NGÔN TÌNH YÊU

“Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)

Suy niệm: Có những người biết mình sắp lìa bỏ cuộc đời nên đã để lại những lời trăng trối; đó có thể là những di ngôn cô đọng, những tâm tình lưu luyến nhất gửi cho người còn ở lại, những công trình dang dở mong được nối tiếp… để mình vẫn còn hiện diện dù đã ra đi. Chúa Giê-su, trong bữa Tiệc Ly, cũng đã nói với các môn đệ những lời yêu thương nhất, đã thực hiện những việc mà Ngài căn dặn các ông “hãy làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Những điều đó như một bản đúc kết những lời nói việc làm của Chúa trong ba năm các môn đệ ở với Thầy, mà có lẽ các ông chưa đủ thẩm thấu, giờ đây được trối lại qua giới răn riêng của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em.”

Mời BạnChúng ta là con cái được bố mẹ sinh ra cho đến khi lớn lên và bay xa tổ ấm, chưa chắc đã lãnh hội được những lời cha mẹ dạy, những việc cha mẹ làm cho mình và những hoài bão cha mẹ gửi gắm nơi cuộc đời mình. Ấy vậy mà có ba năm đi với Thầy, làm sao các môn đệ “khắc cốt ghi tâm” cho đủ đầy được. Do vậy Thầy vừa dặn dò vừa chỉ dẫn chi tiết. Và một xác quyết Đức Giê-su khẳng định với các môn đệ rằng: các ông không phải là tôi tớ mà là anh em, là bạn hữu nghĩa thiết thân tình. Bạn sống thân tình với Chúa hay giữa Chúa và bạn còn một khoảng cách?

Sống Lời Chúa: Hãy coi việc cầu  nguyện với Chúa mỗi ngày như việc quan trọng nhất giúp bạn sống thân tình hơn với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn nhớ đến di ngôn của Chúa và đem ra thực hành trong đời mình hàng ngày. Amen.



08/05/21 
THỨ BẢY TUẦN 5 PS
Ga 15,18-21

SỨC CĂNG VÔ HÌNH

Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19)

Suy niệm: Trong Tin mừng Gio-an, hạn từ thế gian mang nhiều nghĩa: Có khi đó là thế gian mà “Thiên Chúa đã quá yêu” (x. Ga 3,16); nhưng ở đây “thế gian” có ý nói thế lực sự dữ chống lại đường lối Thiên Chúa, tiêu biểu nơi một số lãnh đạo Do Thái giáo. Họ thù ghét, kình chống và tìm cách hãm hại Đức Giê-su. Vì ghét Ngài nên họ ghét luôn các môn đệ (c.18), cũng tìm cách bắt bớ, giết hại các ông. Đang khi ấy, các ông lại được sai vào thế gian, thực thi sứ vụ biến đổi thế gian. Tư thế vừa ở trong thế gian, vừa được tách khỏi thế gian, đã tạo ra  một ‘sức căng vô hình’ nơi các môn đệ. Tuy nhiên, bước theo Đức Giê-su là mặc nhiên chấp nhận đối diện với những thách đố, thậm chí là đối đầu không khoan nhượng với thế gian.

Mời Bạn: Chắc bạn cũng cảm thấy một ‘sức căng’ nào đó trên ơn gọi Ki-tô hữu của mình khi sống giữa thế gian này? Thế gian chuộng bóng tối và giả dối; còn bạn phải bước đi trong ánh sáng và sự thật. Như vậy, bạn đang ở trong cuộc chiến cam go, bất khoan nhượng với thế gian rồi. Dám sống khác biệt, dám hướng đến những lý tưởng khác với lý tưởng của thế gian mới là hướng đi dành cho bạn-người môn đệ Chúa, bất chấp cả việc bị thế gian ghét bỏ.

Sống Lời Chúa: Dám sống quảng đại, trung thực và can đảm lên tiếng cho bất công nơi bạn đang sống hay làm việc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết xa rời những giả trá của thế gian, để bước đi theo đường lối Chúadầu phải chịu ghét bỏ, chống đối, hay thiệt thânhầu mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts