05/06/16 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – C
Lc 7,11-17
CHẠNH LÒNG THƯƠNG VỚI CHÚA
[Trông thấy] người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá…, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,12-13)
Suy niệm: Trên cung đường “tử thần” hai xe khách chạy ngược chiều đâm trực diện, bốc cháy, nhiều thi thể cháy đen, nhiều hành khách khác bị thương nguy kịch… Đàng sau đó là tiếng khóc thảm thiết của bao người trước sự ra đi đột ngột và thảm khốc của thân nhân họ. Các tin tức như thế khiến cho người đọc, dẫu không trực tiếp chứng kiến, cũng phải xúc động rơi lệ. Trước cảnh não lòng của người đàn bà goá mất đi người con trai duy nhất, Chúa Giê-su chạnh lòng thương không chỉ bằng tình cảm của một con người mà còn bằng trái tim của Người Con Một của Thiên Chúa Tình Yêu nữa. Chúa dừng lại an ủi: “Bà đừng khóc nữa!” Ngài còn hiện thực lời an ủi đó bằng lệnh truyền đầy quyền năng của Thiên Chúa: “Hỡi thanh niên, hãy chỗi dậy!”
Mời Bạn: Phải chăng bạn cảm bất lực trước những đau khổ, bất công mà con người chung quanh bạn, và có khi cả chính bạn, đang phải hứng chịu? Thực ra, bạn có thể làm nhiều hơn bạn tưởng: Trước hết, bạn đừng để lòng mình vô cảm trước thảm cảnh của người khác. Một câu nói tích cực, một nụ cười cảm thông có thể vực dậy một linh hồn đang tuyệt vọng. Hơn nữa, trước khi bạn làm một nghĩa cử tốt đẹp cho người khác, bạn còn có một nguồn trợ giúp vô song đó là lời cầu nguyện của bạn dâng lên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài sẽ lắng nghe và đáp lời bạn.
Sống Lời Chúa: “Không bao giờ tuyệt vọng nhưng luôn hy vọng vào Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đấng Thương Xót, con tín thác vào Ngài.
06/06/16 THỨ HAI TUẦN 10 TN
Th. No-be-tô, giám mục Mt 5,1-12
THẾ NÀO LÀ PHÚC THẬT?
“Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,4)
Suy niệm: Nhìn thấy một gia đình có con cái ngoan ngoãn hiếu thảo, thành đạt, chúng ta thường nói gia đình đó có phúc. Tuy nhiên, để hình dung thế nào là ‘phúc’ thì thật không dễ dàng. ‘Phúc’ là gì? Thời cha ông ta còn dùng chữ nho, các cụ thường dùng phép chiết tự để giải thích ý nghĩa từ ngữ, theo đó từ “phúc” gồm bộ “kỳ” có nghĩa là thần đất, bên cạnh là tượng hình đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Như thế, từ “phúc” có nghĩa là được ơn trên ban cho có nhiều ruộng vườn. Hôm nay, Chúa Giê-su nói cho ta về “phúc”, không chỉ một mà tới tám điều phúc. Các điều phúc ấy cũng liên quan tới “đất” nhưng không giới hạn ở cuộc đời này mà là “Đất Hứa”, là “Nước Trời” mai sau. “Phúc” thật không phải là hoa màu ruộng đất hay tài lột đời này mà được Thiên Chúa ủi an, thương xót, được Ngài cho no thoả, hoan lạc nơi Ngài; và hạnh phúc đó là không giới hạn và tồn tại mãi.
Mời Bạn: Bạn băn khoăn tìm kiếm con đường dẫn đến hạnh phúc thật. Chúa Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống dẫn đưa chúng ta đến đó. Mời bạn tiến bước trên con đường của Ngài. Đó chính là con đường Chúa đã đi qua, đi trước và mời gọi chúng ta bước theo, để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài, để chúng ta được hạnh phúc có Chúa làm gia nghiệp.
Sống Lời Chúa: Tôi chọn một mối phúc và tích cực thực hiện mối phúc đó trong ngày sống hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa thế gian này vàng thau lẫn lộn, xin cho con sống theo lời Chúa dạy, vì Lời Chúa là chân thật, Lời Chúa mang lại hạnh phúc đích thực cho con. Con cám ơn Chúa, con ngợi khen Chúa. Amen.
07/06/16 THỨ BA TUẦN 10 TN
Mt 5,13-16
HƯƠNG VỊ CHO TRẦN GIAN
“Chính anh em là muối cho đời…. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)
Suy niệm: Cơn khủng hoảng lớn về đức tin trên thế giới hiện nay không phải vì Giáo Hội thiếu thốn phương tiện, cơ sở hay tổ chức ban bệ, cũng không phải vì bị cấm cách bách hại cho bằng vì chính cuộc sống của các Ki-tô hữu lắm khi trở nên “thiếu hương vị, thiếu một niềm tin trọn vẹn, thiếu cảm nghiệm về Thiên Chúa, thiếu phẩm chất của Tin Mừng, thiếu tinh thần triệt để của người môn đệ” (Felicisimo Diez Martinez, O.P., Refounding Religious Life, p. 19.). Nơi người môn đệ Chúa phải mặn mà chất Tin Mừng, và phải có sức toả lan chất Tin Mừng ấy CHO TRẦN GIAN. Nếu không mặn, không thể toả sáng, thì sự hiện diện của người Ki-tô hữu trở thành vô vị, mờ tối, “chỉ đáng quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (c. 13).
Mời Bạn: Chúng ta đã là muối mặn, đã là ngọn đèn cháy sáng rồi khi chúng ta được mai táng và sống lại với Đức Ki-tô qua Bí Tích Thánh Tẩy. Để tiếp tục là muối, là ánh sáng cho trần gian, chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng ân sủng qua đời sống bí tích và cầu nguyện. Các cơn khủng hoảng đức tin luôn gắn liền với hiện tượng bỏ bê việc lãnh nhận các bí tích, lơ là việc cầu nguyện, coi nhẹ việc học hỏi giáo lý …
Chia sẻ: Làm thế nào để bảo toàn căn tính ‘muối cho đời, ánh sáng cho trần gian’ của mình và gia đình mình?
Sống Lời Chúa: Chấn chỉnh lại một thực hành đang bị xao nhãng (dự lễ, suy niệm Lời Chúa, giờ kinh gia đình…).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con lời hằng sống và chính Mình Máu Thánh Chúa để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận hồng ân đó với tâm tình biết ơn.
08/06/16 THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Mt 5,17-19
ĐỂ CHU TOÀN THÁNH Ý
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy niệm: Chúa Giê-su không đến để hủy bỏ “Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ” là những điều được dạy trong Cựu Ước. Ngài đến trong thế gian để thực hiện điều Thiên Chúa đã hứa và các ngôn sứ đã báo trước trong Cựu ước, đó là hoàn thành sứ mạng của Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Chuộc thế gian. Thật vậy, Chúa Giê-su sinh ra trong một gia đình Do Thái yêu mến Lề Luật. Thánh cả Giu-se, “người công chính”, cùng với Đức Ma-ri-a, người “đẹp lòng Thiên Chúa” luôn chu toàn Lề Luật. Nếu như sự bất tuân của A-đam và E-và đã đem sự chết đi vào thế gian, thì Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa theo như sách Luật dạy, đã đem lại sự sống cho toàn thể nhân loại. Trong Cựu Ước, con chiên dùng để tế lễ phải là con chiên không tì vết, thì chính Chúa Giê-su là “Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích” (1Pr 1,19), là Đấng tự nguyện làm lễ tế cứu độ dân mình. Cuộc đời của Chúa Giê-su hoàn tất những gì đã nói về Ngài trong Cựu Ước; và Lề Luật chỉ nhờ Ngài mới có được đầy đủ ý nghĩa. Chính vì lý do đó mà động từ “kiện toàn” được sách Tin Mừng thánh Mát-thêu sử dụng 14 lần nhằm nhấn mạnh vai trò kiện toàn Lề Luật của Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Những điều Chúa dạy trong Thánh Kinh được bạn thực hiện đến mức nào? Bạn làm ở mức tối thiểu hay ở mức cao nhất?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc theo lời Chúa dạy với tinh thần vâng phục cao độ.
Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin hãy làm chủ tâm hồn con và cho con say mê thực hiện thánh ý Chúa.
09/06/16 THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Th. Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT Mt 5,20-26
ĐẠO CỦA YÊU THƯƠNG
“Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã.” (Mt 5,24)
Suy niệm: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh…, hãy đi làm hòa với người anh em ấy đã...” Chưa khi nào Chúa Giê-su nối kết tôn giáo và tình bác ái huynh đệ chặt chẽ như vậy. Quả thật, hiểu sâu sắc thì mỗi thánh lễ và lời cầu nguyện của tôi phải đẩy tôi tiến thêm một bước nữa trong tình yêu thương huynh đệ. Về điều này, Lời Chúa hôm nay đòi tôi phải thực hiện hai cái trước:
1. Sống tốt mối tương quan huynh đệ trước, rồi mới có thể sống đẹp mối tương quan với Chúa sau.
2. Chúa muốn tôi đi bước trước, khi dạy: “Hãy làm hòa với người anh em ấy đã.” Ngay cả dù tôi là kẻ vô tội trong chuyện này, hay tôi là kẻ đang bất bình với người anh em đã gây ra sự việc, Chúa đều muốn tôi đi bước trước để hòa giải. Như thế của lễ tôi dâng lại càng đẹp lòng Chúa vì thơm hương nhân ái, tha thứ, quảng đại.
Mời Bạn: Nhớ lại những lần chúng ta dự lễ, rước lễ mà trong lòng còn chất chứa ghen ghét, bất bình với người anh em, lúc đó trong tâm hồn chúng ta chẳng còn chỗ cho Chúa, và Chúa không vui thích được đón tiếp trong một tâm hồn hẹp hòi nhỏ nhen như vậy.
Chia sẻ: Đạo Chúa dạy ta sống nhân ái từ trong tư tưởng, đến lời nói và việc làm. Nguyên sự giận dỗi trong lòng, mắng chửi ngoài miệng đã là lỗi phạm nặng nề đức yêu thương rồi (c.22).
Sống Lời Chúa: Tập làm người kiến tạo hoà bình nơi chính tâm hồn mình, không nuôi lòng giận hờn ghen ghét ai.
Cầu nguyện: Hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đó có ân sủng người…”
10/06/16 THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Mt 5,27-32
DỨT KHOÁT TẬN CĂN
“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném nó đi, vì thà mất một phần thân thể còn hơn cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục.” (Mt 5,29)
Suy niệm: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Lời Chúa không dạy chúng ta sống cực đoan, nhưng là dạy phải có một thái độ dứt khoát tận căn đối với tội lỗi: Muốn tránh tội phải khử trừ nguyên nhân và phương tiện phạm tội. “Thà mất một phần thân thể còn hơn là cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục.”
Mời Bạn: Nhìn vào thực tế, chưa có lúc nào những giá trị của đời sống hôn nhân gia đình bị xâm thực trầm trọng đến như vậy. Hiện tượng gia đình chia rẽ, bất hoà nhan nhản khắp nơi. Các vụ ly dị ngày càng nhiều, đặc biệt nơi các gia đình trẻ. Các giải pháp của xã hội và cả Giáo Hội nữa sẽ không có hiệu quả nếu không có thái độ dứt khoát tận căn. Trước tiên đó là thái độ tôn trọng hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa: một vợ một chồng bất khả phân ly. Tiếp đến phải tiêu diệt tận gốc rễ lòng ham muốn hưởng thụ ích kỷ nơi mỗi người. Có lẽ trong đời sống gia đình bạn cũng có những lúc xào xáo, xung đột, thậm chí cả những lần có nguy cơ bị tan vỡ. Những lúc như vậy bạn hãy nhớ lại liệu pháp trị bệnh tận căn này.
Chia sẻ: Khi có những vấn đề mâu thuẫn trong gia đình, bạn có đối thoại trong tinh thần cảm thông tôn trọng lẫn nhau để tìm phương giải quyết không?
Sống Lời Chúa: Xét xem mình có thói xấu nào phương hại đến đời sống gia đình, ví dụ như thói lắm lời, đam mê cờ bạc, thích uống rượu say, đam mê lạc thú… Hãy tìm cách dứt khoát với nó, để duy trì và gìn giữ Hội Thánh tại gia của bạn.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình với tâm tình sốt sắng.
11/06/16 THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Th. Ba-na-ba, tông đồ Mt 10,6-13
RAO GIẢNG NIỀM VUI TIN MỪNG
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,6)
Suy niệm: Thánh Ba-na-ba, có nghĩa là “người có tài an ủi” (Cv 4,36) và “là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11,24). Chính ngài đứng ra bảo lãnh cho Phao-lô trước cộng đoàn An-ti-ô-ki-a và cả hai cùng đồng hành trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất tại Tiểu Á; rồi sau đó lại cùng tham dự Công Đồng tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem, với thành quả là đem lại cho Giáo Hội sự hiệp nhất: “không còn là Do Thái, nô lệ hay tự do,”… nhưng “chúng ta đều chịu cùng một phép rửa trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). Tuy không thuộc về Nhóm Mười Hai, nhưng thánh Ba-na-ba xứng danh là vị tông đồ luôn sẵn sàng “đi ra” đến với các dân ngoại để rao giảng Tin Mừng “Nước Trời đã đến gần.”
Mời Bạn: Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, lời Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “Giáo Hội đi ra” (tông huấn Niềm Vui Tin Mừng) là lời thúc giục mọi thành phần Dân Chúa phải thoát ra khỏi vỏ cứng của cái tôi ích kỷ và vô cảm để chia sẻ với những người nghèo khổ bất hạnh, không chỉ những của cải vật chất mà còn bằng tất cả tấm lòng, để nhờ đó họ có thể nhận ra “họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha.”
Sống Lời Chúa: Đồng thời với việc lần chuỗi Lòng Thương Xót hoặc đọc Kinh Năm Thánh, bạn giảm bớt một chi tiêu nào đó để chia sẻ cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con để chúng con có được trái tim, ánh mắt, và đôi tay và của Chúa, nhờ đó chúng con trao cho tha nhân lòng thương xót của Chúa để đem lại cho họ niềm vui của Tin Mừng.