06/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – B
KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ
Mc 14,12-16.22-26
LƯƠNG THỰC BỞI TRỜI
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”… “Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14,22b.24)
Suy niệm: Về mặt thể lý, con người phải ăn phải uống mới có thể sống và làm việc; khi thiếu ăn, con người không chỉ bị suy nhược, mà còn có nguy cơ tử vong nữa. Đối với sự sống tâm linh cũng vậy, linh hồn cần được nuôi dưỡng bằng thần lương mà Chúa Ki-tô ban cho, đó là Mình và Máu Thánh Ngài. Điều kỳ diệu không chỉ là phép lạ Chúa hoá thân nơi hình bánh rượu khi linh mục đọc lời truyền phép theo lệnh truyền của Chúa, mà còn là Ngài hoá thân trở nên một xương một thịt với chúng ta khi chúng ta rước Thánh Thể. Chính vì yêu thương và để cứu độ nhân loại, Chúa Ki-tô đã có sáng kiến hiến mình làm của ăn nuôi sống con người.
Mời Bạn: Thánh lễ là bàn tiệc chính Chúa dọn ra và mời chúng ta đến dự. Đó là bữa “tiệc cưới” của Chúa để kết hiệp nên một với Hội Thánh là hiền thê và chúng ta là thành phần của Hội Thánh đó. Được mời tham dự bữa tiệc linh thánh, bữa tiệc của tình yêu thương đó, là vinh dự và diễm phúc vô cùng lớn đến nỗi bất cứ lấy lý do nào từ chối cũng là vặt vãnh và phụ lòng Thiên Chúa, Đấng đã muốn dành cho chúng ta hồng ân đó. Bạn sẵn lòng đến dự bữa tiệc này chứ!
Sống Lời Chúa: Vì yêu Chúa và muốn được sống kết hiệp với Chúa, bạn hãy thường xuyên tham dự thánh lễ và siêng năng rước lễ. Ngay cả khi bị giãn cách do dịch bệnh, bạn cũng có thể tham dự thánh lễ và rước lễ thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thờ lạy Chúa nơi tấm bánh bé nhỏ này Xin cho chúng con luôn biết hướng về Chúa để kính thờ, mến yêu và siêng năng lãnh nhận bí tích cực trọng này.
07/06/21 THỨ HAI TUẦN 10 TN
Mt 5,1-12
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC
“Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,12)
Suy niệm: Có người nói, đến ba mươi tuổi người ta hướng đến ba mục đích, nhưng đến bốn mươi, chỉ còn nhắm hai, và ngoài năm mươi người ta chỉ nhắm đến một mục đích, rồi đến sáu mươi tuổi mới ngộ ra rằng đạt được hạnh phúc mới là mục đích của cuộc đời. Phải chăng suy nghĩ đó phản ánh não trạng tham vọng thực dụng, muốn chiếm hữu thật nhiều để hưởng thụ thật nhiều, thế rồi đến lúc nhận ra rằng mục đích tối hậu của cuộc đời mình không phải là những thứ đó, mà là phải đạt được hạnh phúc đích thực, thì đời mình đã xế chiều? Để giúp chúng ta khỏi bị lạc hướng, Chúa Giê-su ban cho chúng ta bộ chìa khoá mở ra tám cánh cửa dẫn vào hạnh phúc, đó là Tám Mối Phúc Thật. Chỉ cần một trong bộ tám chìa khoá đó là có thể mở ra cánh cửa dẫn vào hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu.
Mời Bạn: Người ta dễ lầm tưởng những niềm vui, khoái cảm, sự hưởng thụ cảm nhận được dễ dàng và tức thời trước mắt là đem lại hạnh phúc thật. Thế nhưng cũng dễ nhận thấy rằng những thứ “hạnh phúc” đó rất chóng qua, và một khi qua rồi, chúng để lại sự chán chường, trống rỗng. Tám mối phúc thật của Chúa thoạt xem có vẻ là đau khổ, bất hạnh, nhưng chúng lại là phương thế thanh luyện những gì cản trở để mở rộng cánh cửa dẫn vào cõi hạnh phúc tròn đầy và không bao giờ phai tàn.
Sống Lời Chúa: Chọn một mối phúc thật làm châm ngôn sống trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho chúng con chìa khoá hạnh phúc từ đời này để mở cửa bước vào niềm vui tối hậu mai sau, xin cho chúng con sống trọn vẹn hạnh phúc chúng con lựa chọn.
08/06/21 THỨ BA TUẦN 10 TN
Mt 5,13-16
LÀ MUỐI VÀ ÁNH SÁNG!
“Chính anh em là muối cho đời,… là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)
Suy niệm: Đặc tính của muối là mặn và của ánh sáng là tỏa sáng. Muối đã nhạt thì vô dụng, không còn ướp mặn được gì nữa; ánh sáng không sáng thì chẳng còn là mình nữa. Đức Giê-su gọi các môn đệ là muối và ánh sáng cho trần gian, bởi trần gian này đang thiếu vị mặn tình thương, bao dung và đức hạnh; trong khi lại đầy dẫy bóng đêm hận thù, tội lỗi và sự chết. Là muối và ánh sáng nghĩa là phản ứng lại thế gian, là làm chứng cho những giá trị của Tin Mừng. Sứ mạng thật cam go và đầy thử thách nhưng đó lại là căn tính của người môn đệ. Lời Đức Giê-su: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy… và tôn vinh Cha anh em Đấng ngự trên trời” tiếp tục âm vang nơi thư thánh Phao-lô: “Giữa một thế hệ gian tà và sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời” (Pl 2,5).
Mời Bạn: Làm sao ướp mặn, tỏa sáng cho trần gian trong khi bạn lại ‘nhạt’ và ‘tối’ bởi những tính hư tật xấu, cùng lối sống thiếu chất “văn minh tình thương?” Bạn không có lấy gì mà cho! Tin Mừng là nơi và phương thế để bạn hút lấy những phẩm chất của muối và ánh sáng đó.
Chia sẻ: Để là muối men và ánh sáng, người Ki-tô hữu phải phục vụ sự thăng tiến con người qua việc phục vụ sự sống, chăm sóc sức khỏe, chăm lo giáo dục và xây dựng hòa bình (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 35–38). Bạn sẽ làm gì để thực hiện lời dạy này của Hội Thánh?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cụ thể trong ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê–su, xin cho con biết thắp ánh sáng đời mình, trở nên muối men ướp cho anh chị em con bằng chính tình thương, sự quảng đại và tha thứ của bản thân. Amen.
09/06/21 THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Th. Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT
Mt 5,17-19
TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy niệm: Qua những việc Chúa chữa lành bệnh nhân trong ngày Sa-bát, ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, bênh vực những người bé mọn yếu thế trong xã hội… nhiều người, nhất là các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu, cho rằng Chúa Giê-su “bãi bỏ luật Mô-sê và lời các ngôn sứ.” Chúa Giê-su minh định Ngài không bãi bỏ nhưng kiện toàn lề luật với tôn chỉ: “Luật vì con người chứ không phải con người vì luật” (x. Mc 2,27). Và Ngài gồm tóm toàn thể Lề Luật giới răn trọng nhất, giới răn yêu thương, đó là “kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự” và “yêu người như chính mình.”
Mời Bạn: Mục tiêu của Luật là bảo vệ thiện ích cho con người. Vì thế, Luật là con đường dẫn đến yêu thương. Nhưng Luật vẫn có giới hạn của nó, vì hiện hữu qua chữ viết, còn tình yêu thì vô biên. Vậy nên, nếu chỉ trung thành giữ luật cách cứng nhắc, theo mặt chữ, thì chưa đủ; mà hơn thế nữa, mọi điều luật lớn nhỏ đều phải qui chiếu vào giới răn trọng nhất là “mến Chúa và yêu người”.
Sống Lời Chúa: Dịch bệnh Cô-vít có thể cản trở chúng ta trong một số hoạt động, nhưng không thể làm tê liệt tình yêu của ta đối với Chúa và tha nhân. Mời bạn thực hiện như lời thư thánh Phao-lô: “Hãy làm việc thiên, đừng sờn lòng nản chí” (2Tx 3,13).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, cảm tạ Chúa đã yêu chúng con bằng một tình yêu cao độ, dám vượt qua mọi rào cản, và hy sinh cả tính mạng. Xin cho con ơn can đảm để dám vượt qua mọi chướng ngại, hầu tiếp tục lan tỏa tình yêu của Chúa qua hành động đời sống của con.
10/06/21 THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Mt 5,20-26
CỦA LỄ THIÊN CHÚA YÊU THÍCH
“Khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)
Suy niệm: Quà tặng là một trong những cách thể hiện lòng quý mến. Đối với Thiên Chúa, món quà lớn nhất và ý nghĩa nhất con người có thể dâng lên Ngài là lễ vật hiến dâng tất cả cuộc sống và chính thân mình để tỏ lòng tôn thờ yêu mến cách trọn vẹn. Lời Chúa nói với chúng ta: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình,” nếu không chỉ là kẻ sát nhân, kẻ nói dối (x. 1Ga 3,15; 4,20.21). Vì thế, đi dâng của lễ lên Thiên Chúa mà lòng còn vướng vất sự bất bình, lòng ghen ghét thù hận, của lễ đó sẽ là bất xứng nếu không tìm phương hoà giải trước đã. Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là lễ hiến tế của Đức Ki-tô để hoà giải nhân loại với Chúa Cha.
Mời Bạn: Biết bao lần chúng ta đã dâng lễ bất xứng vì mình vẫn còn mang nặng trong tim sự hờn giận, ganh tỵ, thù hận với người anh em. Chúa dạy chúng ta chủ động “đi làm hoà” ngay cả khi không phải mình, mà là người khác “có chuyện bất bình” với chúng ta. Hoà giải không chỉ bằng lời nói suông. Muốn “đem thứ tha vào nơi lăng nhục” phải biết “sát tế” cái tôi tự ái của mình; muốn “đem an hoà vào nơi tranh chấp” phải trở nên giống Đức Ki-tô, “con chiên hiền lành” (x. Is 53,7), dám hiến thân mình để “xoá bỏ tội trần gian” (x. Ga 1,29).
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng là người đầu tiên xin lỗi, làm hoà mỗi khi trong cộng đoàn có chuyện bất bình với nhau.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”
11/06/21 THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su
Ga 19,31-37
LỜI TỎ TÌNH CỦA CHÚA
Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Ki-tô. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,34)
Suy niệm: Máu và nước trào ra từ trái tim của Chúa Giê-su, đó là dấu cho thấy Ngài đã chết thật sự. Chúa Giê-su cũng sợ hãi trước cái chết, nhưng nếu cái chết này là giá phải trả của một tình yêu đến cùng dành cho những kẻ thuộc về mình thì Ngài tự nguyện đón nhận, vì: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Trong biến cố này, Chúa đã đảm nhận thân phận bi đát nhất của kiếp người và đã đi đến tận cùng qui luật của tình yêu: yêu là trao hiến tất cả. Do đó, máu và nước chảy ra từ trái tim bị đâm thâu của Chúa chính là lời tỏ tình tha thiết nhất mà Ngài thổ lộ với toàn thể nhân loại. Chúa đã tỏ tình cách chân thành và đang mong chờ lời đáp trả của chúng ta.
Mời Bạn: Chính trong những giờ phút cầu nguyện mà người ta lắng nghe dễ dàng hơn lời tỏ tình của Chúa và tìm ra những cách thế để đáp trả. Cầu nguyện là việc của ‘trái tim nói với trái tim’ (Thánh Newman). Cầu nguyện không cốt ở lời nói hoa mỹ hay ý tưởng cao siêu, nhưng cốt ở tâm tình. Tâm tình của Chúa Giê-su, chúng ta đã biết, còn tâm tình của bạn đối với Ngài đang ở mức nào trong giờ cầu nguyện của bạn?
Sống Lời Chúa: Dành vài phút thinh lặng chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Chúa để cảm nghiệm tình yêu đến cùng của Ngài dành cho nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tình yêu của Chúa lớn hơn sự chết và lớn hơn sự vô tâm bội bạc của chúng con. Xin giúp chúng con biết mở lòng để đón nhận tình yêu chảy ra từ trái tim của Chúa và để đáp trả lời tỏ tình âm vang từ thập giá.
12/06/21 THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Ma-ri-a
Mt 5,33-37
COI TRỌNG SỰ TRUNG THỰC
“Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)
Suy niệm: Chúa Giê-su luôn lên án sự dối trá. Ngài quở trách nặng lời thói đạo đức giả của các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu. Giáo huấn của Chúa rất rõ ràng: “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Lời nói trung thực thì đáng tin và không cần gì phải thề thốt. Ngài tuyên bố bằng những lời đanh thép: Dối trá là công việc của ma quỷ! Và Ngài chỉ đích danh ma quỷ là “cha sự gian dối” (x. Ga 8,44). Cũng thế, kẻ dối trá chính là “tên Phản Ki-tô, kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con” (1Ga 2,22). Chúa Giê-su quyết liệt chống lại sự gian dối bởi vì Ngài là Sự Thật (x. Ga 14,6), Ngài đến thế gian này để làm chứng cho Sự Thật, và ai đứng về phía Sự Thật thì nghe theo Ngài (x. Ga 18,37).
Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập sự dối trá: gian dối, lừa đảo trong việc làm ăn, lối sống ảo cách riêng nơi người trẻ, những tin giả đặt điều vu khống trên mạng xã hội, gian lận trong môi trường giáo dục, dối lừa ngay cả trong mối tương quan gia đình, bạn bè, v.v…. Là môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi “sống theo sự thật trong tình bác ái” để xây dựng Giáo Hội “đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,13.15).
Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi đính chính lại những gì tôi đã nói hoặc làm sai sự thật và hàn gắn lại những mối quan hệ bị tổn hại do đó mà ra
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô, xin “thánh hiến chúng con trong sự thật” để chúng con được nên một trong Chúa và trung thành “làm chứng cho sự thật” trong đời sống của chúng con. Amen.