5 Phút cho Lời Chúa Tháng 07-2016

 

Mục Lục

Ngày 1 – 9: Trang 1

Ngày 10 – 16: Trang 2

Ngày 17 – 23: Trang 3

Ngày 24 – 31: Trang 4

* * *

01/07/16                  THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN

                                                                               Mt 9,9-13

ÁNH MẮT ĐẦY YÊU THƯƠNG

Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9,9)

Suy niệm: Dù bản văn Tin Mừng không nói rõ, chỉ nói Chúa Giê-su “thấy” Mát-thêu đang ngồi ở trạm, người đọc vẫn nghĩ đến cái nhìn của Chúa Giê-su dành cho ông. Ánh mắt này không khác với ánh mắt của Chúa dành cho Phê-rô sau khi ông chối Chúa. Ánh mắt này đang được lô-gô Năm Thánh Lòng Thương Xót họa lại với cái nhìn của Chúa dành cho tội nhân đang được vác trên vai, một ánh mắt yêu thương xuyên thấu tâm hồn vừa cảm thông vừa có quyền năng biến đổi. Cũng như Phê-rô và bao tội nhân khác, Mát-thêu được hưởng lòng thương xót Chúa qua ánh mắt của Chúa và nghe được lòng Chúa thương xót rõ ràng qua lời truyền gọi: “Hãy theo tôi.” Lời này có quyền năng làm bật dậy con người của ông khỏi chiếc ghế bẩn thỉu, đứng thẳng như con người được phục sinh và bước theo Chúa. Lời này đi thẳng vào trái tim của Mát-thêu và tâm hôn ông được chữa lành, cuộc đời của ông thay đổi từ đây.

Mời Bạn: Chúa đâu chỉ thương Phê-rô hay Mát-thêu, mà thương hết mọi tội nhân, nên ánh mắt của Chúa vẫn nhìn bạn trìu mến và vẫn cho bạn nghe được lời quyền năng “hãy theo Tôi” để bạn bật dậy khỏi tình trạng u ám của bạn, đứng thẳng như người môn đệ của Chúa đang hăng hái với sứ mạng tông đồ.

Sống Lời Chúa: Nhìn vào đôi mắt nhân từ của Chúa trên thánh giá và dâng lời cảm tạ Chúa vì được làm môn đệ Ngài.

Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót.


02/07/16                     thứ bảy đầu tháng tuần 13 tn

                                                                             Mt 9,14-17

chỉ vì yêu chúa mà thôi!

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)

Suy niệm: Trong một đám cưới, cô dâu chú rể là “cái đinh” của sự kiện. Điều này càng đúng đối với một đám cưới theo phong tục Do Thái. Mọi sự long trọng bậc nhất đều dành cho đôi tân hôn. Ngay cả những việc đạo đức quan trọng như ăn chay cũng phải nhường bước cho niềm vui của bữa tiệc cưới khi chàng rể còn đang hiện diện. Chúa Giê-su ví mình như chàng rể và các môn đệ như những bạn thiết của chàng. Mọi niềm vui hay nỗi buồn của các môn đệ đều qui hướng về Đức Ki-tô, nghĩa là họ có làm gì cũng vì Chúa muốn và vì yêu mến Ngài.

Mời Bạn: Giống như tâm sự một thiếu nữ đang yêu: “Có chàng, đánh phấn tô son. Vắng chàng, điểm thắm trang hồng với ai?”, việc trang điểm không chỉ là để làm đẹp cho bản thân mà còn để diễn tả tình yêu chung thuỷ. Cũng thế, làm các việc đạo đức không phải để hoàn thiện bản thân – sự hoàn thiện ấy đương nhiên sẽ có; tôi làm hay không làm việc gì đó chỉ vì ý Chúa muốn, chỉ vì lòng tôi yêu mến Ngài. Nếu mọi việc chúng ta làm đều “vì chàng rể”, nghĩa là vì yêu mến Đức Ki-tô thì việc gì cũng trở thành việc đạo đức, có giá trị, có công phúc trước mặt Chúa.

Chia sẻ: Làm việc tốt với ý hướng ích kỷ khác làm việc tốt với ý hướng tốt thế nào?

Sống Lời Chúa: Trước khi sắp làm việc gì, bạn hãy dâng lên Chúa lời nguyện này: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, con xin dâng lên Chúa công việc con sắp làm đây. Con ước ao làm việc này vì yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con làm việc này hết sức tốt đẹp theo thánh ý Chúa. Amen.


03/06/16                              CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN – C

                                                                   Lc 10,1-12.17-20

HÀNH TRANG TÔNG ĐỒ

“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” (Lc 10,1-20)

Suy niệm: Người đi đường cần phải mang theo bao bị, túi xách. Đi càng lâu càng xa, bao bị càng lớn, va li càng to. Vậy mà Đức Giê-su lại căn dặn người môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng không túi tiền giắt lưng, cũng chẳng bao bị, túi xách, va li. Lỡ hết tiền dọc đường chẳng lẽ ngửa tay xin? Không có đồ dùng cá nhân thì lấy gì lo cho những nhu cầu tối thiểu? Chúng ta cần phải hiểu đúng lời Đức Giê-su, Ngài muốn hành trang người tông đồ phải là hành trang gọn nhẹ, đơn giản hết sức. Đúng hơn nữa, hành trang ấy phải là lòng yêu mến Thiên Chúa, tâm tình nhiệt thành đối với các linh hồn, những con người chưa biết Tin Mừng Nước Trời. Chính lòng yêu mến Chúa và công cuộc Nước Trời mới là hành trang cho sinh hoạt mỗi ngày của những ai muốn làm tông đồ.

Mời Bạn: Hãy ghi nhớ lời Thánh Gandhi: “Một vật cứng rắn đên đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh.” Bạn sẽ làm gì để lửa yêu mến các linh hồn làm tan chảy sự dửng dưng của bạn đối với công cuộc truyền giáo và sau đó làm tan chảy các tâm hồn khác?

Chia sẻ: Tại sao cuộc sống của tôi chưa là lời chứng về Tin Mừng Chúa Ki-tô cho người chung quanh?

Sống Lời Chúa: Gia đình tôi sẽ kết nghĩa với một gia đình ngoài Công giáo để cầu nguyện cho họ, bắc nhịp cầu thông cảm, để nhờ đó chia sẻ tình yêu Chúa với họ.

Cầu nguyện: Sốt sắng hát bài: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán…” để cầu cho việc truyền giáo.


04/07/16                                           THỨ HAI TUẦN 14 TN

Th. Ê-li-sa-bét, Bồ Đào Nha                             Mt 9,18-26

SỰ NHẠY BÉN CỦA TÌNH YÊU

Đức Giê-su nói với bà: “Này chị, cứ yên tâm, lòng tin của chị đã cứu chữa chị.” Và từ giây phút ấy, bà được khỏi bệnh. (Mc 9,22)

Suy niệm: Nhà văn Công giáo lão thành người Pháp là Jean Guitton nói rằng: “Nhạy bén trước nhu cầu của người khác, đó là nét tinh tế nhất của tình yêu”. Nhìn vào cách ứng xử của Đức Giê-su, ta thấy Ngài đã nhiều lần bày tỏ nét tinh tế nhất của tình yêu ấy, chẳng hạn qua Tin Mừng hôm nay. Một người đàn bà bị bệnh hoại huyết đã 12 năm lẫn trong đám đông như bao người vô danh khác, thế nhưng, Ngài nhận ra nhu cầu cấp bách của bà, để rồi cho bà lành bệnh. Hơn thế nữa, Ngài còn ban cho bà niềm tin, để bà không còn tiếp xúc với Ngài một cách vô danh, ẩn mặt, nhưng mặt đối mặt, trái tim đến trái tim, giữa hai bên: Đấng Cứu Độ và con người cần được cứu độ. Ngài không muốn bà chỉ dừng lại ở việc chữa lành thân xác, nhưng đi đến tận nguồn: ơn cứu độ, sự sống đời đời, là chính Ngài.

Mời Bạn: Hãy tập sự nhạy bén trước nhu cầu của những người bên cạnh bạn: họ cần lời an ủi, sự quan tâm, sự ân cần, lòng dịu dàng, sự kiên trì, một sự nâng đỡ vật chất. Bạn hãy tỏ ra nét tinh tế nhất của tình yêu, như Giê-su.

Chia sẻ: Tại sao tôi chưa hoặc ít nhạy bén trước nhu cầu của người lân cận?

Sống Lời Chúa: Thực hành cách cụ thể tâm tình mời bạn trên đây với một người anh em cụ thể ở bên cạnh tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cứ gởi chúng con vào khu xóm, đem an hoà cho những ai bất thuận, đem thanh bình cho kẻ sống âu lo, đem ủi an cho người đang sầu khổ, đem niềm vui cho những ai bất hạnh, đem vận may cho người gặp rủi ro. Xin cứ dùng chúng con làm tất cả cho mọi người.                  (Rabbouni)


05/07/16                                            THỨ BA TUẦN 14 TN

Th. An-tôn Ma-ri-a Da-ca-ri-a, linh mục          Mt 9,32-38

HÀNH ĐỘNG VÀ XÓT THƯƠNG

Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng không người chăn dắt. (Mt 9,36)

Suy niệm: Như biết bao lần khác, hôm nay, Chúa Giê-su lại chạnh lòng thương. Ngài chạnh lòng thương khi thấy đám đông tất tưởi bơ vơ. Ngài chạnh lòng thương khi thấy bao nhiêu lầm than, vất vả mà họ đang gánh nặng. Chạnh lòng thương, ngay lập tức, Ngài đã ra tay trừ quỷ, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Không những thế, Ngài còn kêu gọi các môn đệ cùng chia sẻ sứ mạng “chạnh lòng thương” ấy với Ngài. Tức là cũng biết thổn thức, cưu mang và hành động trước nỗi khổ của con người. Hành động chứ không nói suông, không “phủi tay” như “các kinh sư và người Pha-ri-sêu” thường làm. Và hơn cả, Chúa Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện cùng Chúa Cha, là “chủ ruộng”, để được như thế. Cầu nguyện cùng Chúa Cha vì Ngài là nguồn cội của Lòng Thương Xót; vì một khi đã cảm nghiệm được Tình Cha họ sẽ bị lôi vào tâm tình xót thương trọn vẹn: tâm tình của Thầy Giê-su, tâm tình của người môn đệ, tâm tình của người “yêu mến nhiều vì đã được thứ tha nhiều.”

Mời Bạn: Nhạc sĩ Nguyễn Tân Xuân than thở: “Bao nhiêu năm qua dân ta sống xa nhà. Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà…” Bạn có loanh quanh đi tìm “nhà mình” như thế? Bạn có nhận ra mình đang sống dưới mái nhà của “Đấng chạnh lòng thương” không? Bạn có cảm thấy mình đang cần thương và được thương nhiều hơn hay không?

Sống Lời Chúa: Nhìn và yêu thương mọi người vì có một Cha chung trên trời và một mái nhà chung là Giáo Hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi tâm hồn con, để con biết rung cảm trước nỗi đau của anh em con.


06/07/16                     THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 14 TN

Th. Ma-ri-a Gô-rét-ti, trinh nữ, tử đạo              Mt 10,1-7

ĐIỂM “NÓNG” SỨ ĐIỆP TIN MỪNG

“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,5-7)

Suy niệm: Khi sai mười hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, điều đầu tiên Chúa căn dặn các ông là: đừng đi về phía dân ngoại, nhưng hãy đến với những con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Có vẻ như Chúa Giê-su đang giới hạn việc rao giảng trong phạm vi quá nhỏ hẹp so với tầm mức hoàn vũ của chương trình cứu độ. Thế nhưng, đó lại chính là điểm “nóng”, là việc phải làm ngay. Quả thế, sứ điệp Ngài rao giảng là không thể trì hoãn: “Nước Trời đã đến gần,” và việc rao giảng phải được khởi đầu từ dân Ít-ra-en, dân riêng Chúa tuyển chọn, và trải rộng đến mọi dân tộc. Trước khi về trời, Chúa còn nhắc lại cho các môn đệ “phải rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” “cho đến tận cùng trái đất” (Lc 24,47; Cv 1,8).

Mời Bạn: “Nước Trời đã gần đến.” Bạn có tự hỏi, tại sao sứ điệp của Chúa lại “nóng” đến như vậy? Việc rao giảng Tin Mừng không phải là chuyện xa xôi, mơ hồ nữa. Đó là đến với những người vốn mang danh là ki-tô hữu, nhưng vì quá bận tâm đến cuộc sống đời thường, hoặc đang thoả mãn với cuộc sống hưởng thụ nên đã lơ là việc thờ phượng Chúa và thờ ơ trước hạnh phúc Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Bạn làm chứng “Nước Trời đã gần đến” bằng cách phục vụ những người thân cận trong tinh thần vui tươi và khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xưa đã Chúa sai các tông đồ đi loan báo Nước Chúa đã gần đến. Hôm nay, xin Chúa cũng sai chúng con đi làm chứng về Chúa cho anh chị em và gia đình chúng con.


07/07/16                  THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 14 TN

                                                                             Mt 10,7-15

ĐEM TIN MỪNG BIẾU KHÔNG

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng.” (Mt 10,8)

Suy niệm: Trong cuốn “Chút này làm tin”, đức cha Nguyễn Thái Hợp thuật lại hành trình gặp Chúa của chị Thu Thủy, một câu chuyện thật cảm động. Theo chị kể, hành trình Thiên Chúa dắt dìu chị đi từ một người vô thần đến làm người Ki-tô hữu là một hành trình dài, có bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn. Ngài dùng nhiều người chỉ lối dọc theo đường chị đi. Khởi đầu, khi đang tuyệt vọng, có người giới thiệu chị đến cầu xin với thánh Giu-se, dù bấy giờ chị chưa phân biệt thánh Giu-se với Chúa Giê-su; người thì dẫn chị đi vào nhà thờ lần đầu; người giới thiệu chị vào học khoá giáo lý; người giảng giải giáo lý cho chị; các học viên cùng khóa tỏ lòng thân thiện với chị… Điều đáng nói, tất cả mọi người đều giúp chị cách “miễn phí”. Dễ hiểu thôi, bởi họ đã “được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Những chứng nhân này sẵn sàng “miễn phí” cho mọi thì giờ, miễn sao Đức Kitô được “nối mạng” với hết mọi người.

Mời Bạn: Lời Chúa đây vẫn còn hiệu lực cho mỗi Ki-tô hữu hôm nay, để không ai được viện bất cứ lý do gì làm gián đoạn hành trình gặp Chúa của tha nhân.

Chia sẻ: Vì sao Ki-tô hữu phải đem Lời Chúa biếu không?

Sống Lời Chúa: Thay vì tán gẫu vô bổ, bạn dùng thì giờ để nói về Chúa cho người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, có gì nơi con mà không là ân huệ Chúa ban? Mọi sự con có đều là ân huệ Chúa ban cách nhưng không. Xin cho con biết phân phát ân huệ con lãnh được theo cách thức không điều kiện như Chúa.


08/07/16                                          THỨ SÁU TUẦN 14 TN

                                                                           Mt 10,16-23

LÀM CHỨNG CHO CHÚA

“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và dân ngoại được biết.” (Mt 10,18)

Suy niệm: Làm chứng cho Chúa luôn là một thách đố lớn lao đối với Ki-tô hữu. Như Chúa Giê-su đã báo trước, thánh giá sẽ quyện lấy cuộc đời người làm chứng cho Chúa. Thánh Phê-rô và Gio-an đã bị người Do Thái giam giữ và cấm không được rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô trước khi được thả về. Tuy nhiên, hai thánh tông đồ đã dõng dạc tuyên bố phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm và các ngài tiếp tục loan báo Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ, dù bị đe dọa tính mạng.  Người Ki-tô hữu thời đại hôm nay vẫn đang bị sự cấm đoán vô hình đến nỗi không dám mang theo mình một cuốn Thánh Kinh, không dám làm dấu thánh giá trước mặt mọi người trong một đám tiệc. Nỗi sợ hãi làm cho nhiều người không còn nghe được tiếng Chúa mời gọi làm chứng cho Ngài và tưởng rằng họ sẽ tìm được bình an trong sự lẩn trốn. Nhưng, người ta không thể làm chứng cho Chúa mà không có can đảm và hy sinh, như Barclay quả quyết; và cần phải biết rằng con đường dễ dãi không thu hút người ta; trái lại những gì đòi hỏi sự dũng cảm rốt cuộc sẽ có sức thuyết phục hơn.

Mời Bạn: Mỗi ngày sống là mỗi cơ hội Chúa ban cho bạn làm chứng cho Chúa. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian thách thức đức tin của bạn vào Chúa và thách đố lòng trung thành của bạn vào việc làm chứng cho Chúa.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bày tỏ đức tin mà trước đây bạn từng e ngại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm đức tin và lòng mến cho con, để con dám sống cho Chúa và không e thẹn vì Chúa.


09/07/16                                          THỨ BẢY TUẦN 14 TN

Th. Âu-tinh Dao Rong, linh mục và các bạn tử đạo Mt 10,24-33

ĐỪNG ĐỂ MẤT LINH HỒN

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10,28)

Suy niệm: Thế giới không khỏi ngưỡng mộ người phụ nữ gan dạ của đất nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi. Vì dân tộc, vì lý tưởng, bà chấp nhận dấn thân, dù phải chịu nhiều năm tháng bị giam cầm không được nhìn thấy con cái lớn lên, không chứng kiến được nhịp sống xã hội của dân mình. Nói đúng hơn, vì muốn sống nên người, bà không sợ hãi sự đe dọa nào. Vậy thì lòng mến Chúa nơi mỗi Ki-tô hữu còn khích lệ họ dám sống đến cùng niềm tin của mình hơn. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu chấp nhận sống cho sự thật bất chấp mọi thiệt thòi. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu sẵn sàng chịu mọi gian nan, miễn sao Tin Mừng được rao giảng. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu nỗ lực bảo vệ gia đình trong đức tin, mặc người đời tránh xa. Người đời có thù ghét cũng chỉ giết được thân xác chứ không giết được linh hồn. Và nếu sự kiên trì sống nên người của người phụ nữ Myanmar kia lúc này được đáp đền, thì sự kiên tâm chịu đựng vì đức tin và lòng mến Chúa chắc chắn được Thiên Chúa bảo đảm như Ngài đã hứa.

Mời Bạn: Điều gì khiến bạn ngần ngại không dám bày tỏ và sống đức tin trước mặt mọi người? Phải chăng vì bạn chỉ nghĩ đến đời này mà quên đời sau, nơi linh hồn và thân xác bạn phải được vui hưởng trong Chúa, Đấng có quyền trên hồn và xác của bạn?

Sống Lời Chúa: Dành riêng 5 phút trong tĩnh lặng, gặp Chúa và nhìn lại đức tin của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con được nhồi nắn bằng gì. Xin cho con được mạnh sức và nâng đôi mắt con hướng về Chúa mỗi khi gặp thử thách.

Chia sẻ Bài này:

Related posts