5 Phút cho Lời Chúa Tháng 07-2018

15/07/18 CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – B
Th. Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 6,7-13

 

“NGƯỜI CHỈ THỊ CHO CÁC ÔNG…”

“Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông…” (Mc 6,7-8)

Suy niệm: Chúa Giê-su sai Nhóm Mười Hai  ra đi rao giảng “với quyền trừ quỷ”. Sứ mệnh đặc biệt này được kèm theo bởi một chỉ thị cụ thể và chi tiết, liên quan đến việc phải ăn mặc thế nào, được mang theo những gì, trú ngụ ở đâu, và cả khi bị tẩy chay thì phải ứng xử thế nào. Phải chăng Chúa Giê-su quá câu nệ những việc có vẻ tiểu tiết chi li ấy? Thế nhưng, sự thật là sứ mạng loan báo Tin Mừng và tiễu trừ ma quỷ hết sức quan trọng và cấp bách lại có nguy cơ bị đình trệ bởi vì những lý do nhỏ nhặt như vậy; và Ngài không muốn sứ mạng cao cả lại trở nên nặng nề, trở ngại vì sự níu kéo của “bao bị, giầy dép, miếng ăn, manh áo” hay của bất cứ thứ lợi lộc, tiếng khen nào khác. Những thứ đó làm cho người môn đệ Chúa bị tê liệt, không còn hứng khởi, không cảm thấy hạnh phúc và vì thế, không còn thiết tha với việc loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Lòng đam mê danh vọng, ham muốn hưởng thụ lạc thú, của cải trần gian cũng như sự cậy dựa vào những phương thế trần tục là những chướng ngại nghiêm trọng cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Cần phải có tinh thần siêu thoát đối với những điều đó mới có thể đáp lại mệnh lệnh của Chúa Ki-tô qua lời mời gọi của vị chủ chăn “đi ra đến vùng ngoại biên”, để ưu tiên đến với những người nghèo khó, hèn mọn.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên thực hành những hy sinh từ bỏ nho nhỏ mỗi ngày để cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn đồng cảm với trái tim Chúa, để con hăng say loan báo Tin Mừng.

 

16/07/18 thứ hai tuần 15 tn
Đức Mẹ Núi Cát-minh
Mt 10,34-11,1

 

CAN ĐẢM TRONG MỌI THỬ THÁCH

“Này, Thầy sai các con đi như chiên vào giữa bầy sói.” (Mt 10,16)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã có lần báo trước con đường thập giá Ngài phải trải qua. Và nay đã đến lúc Chúa thẳng thắn nói đến những đau khổ thử thách sẽ xảy đến với các môn đệ. Vâng, bách hại là số phận không thể tránh được của các môn đệ. Các ông phải đối diện nhiều thử thách khi đi theo Chúa Giê-su. Chẳng hạn: thánh Tê-pha-nô bị bách hại và ném đá chết tại Giê-ru-sa-lem, hoặc thánh Phao-lô bị cầm tù, rồi tử vì đạo. Tuy nhiên, dù thử thách đến đâu và bị bách hại thế nào, các môn đệ vẫn luôn trung thành với Chúa cho đến cùng, như thánh Phao-lô đã nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giê-su, để sự sống của Chúa Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).

Mời Bạn: Có cuộc sống nào mà không có thách đố? “Nếu có ai cho tôi một cuộc sống không gặp trở ngại nào thì hấp dẫn thật đấy, nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi sẽ không còn học được điều gì từ cuộc sống nữa” (Allyson Jones). Còn bạn, bạn có cảm thấy sợ hãi trước những đau khổ đang diễn ra trong cuộc sống mình không? Bạn có chắc là bạn đang đi theo Chúa Giê-su và cố gắng “vác” lấy những gánh nặng ấy với niềm xác tín: “Ơn Thầy đủ cho con”?

Chia sẻ: Phản ứng của bạn khi gặp đau khổ, thử thách: né tránh, oán trách Chúa, hay đón nhận như cái giá của người môn đệ của Đấng chịu đóng đinh?

Sống Lời Chúa: Đón nhận đau khổ của ngày hôm nay, như một cách sống tư thế môn đệ trung thành của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa báo trước ai theo Chúa sẽ gặp những đau khổ bách hại. Xin giúp chúng con ghi nhớ để luôn trung thành với Chúa.

 

17/07/18
THỨ BA TUẦN 15 TN
Mt 11,20-24

 

NGUY CƠ PHÁ SẢN

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bét-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm cho các ngươi mà được làm tại Tia và Si-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro trên đầu tỏ lòng sám hối.” (Mt 11,21)

Suy niệm: Trong thời buổi kinh tế suy thoái toàn cầu, hàng loạt các công ty làm ăn lỗ lã, lâm cảnh nợ nần. Cả những “ông lớn” trong ngành sản xuất ô-tô của Mỹ như Chrysler, Delphi, GM cũng lần lượt tuyên bố phá sản. Về phương diện thiêng liêng, Chúa Giê-su cũng đã tuyên bố phá sản đối với Kho-ra-din, Bét-sai-đa và mấy thành phố nằm quanh bờ hồ. Quả thật, Chúa đã “đầu tư” vào những nơi đó thật nhiều lời giảng dạy và những phép lạ, nhưng kết quả là thua lỗ, bởi vì họ đã không đáp lại bằng việc tin và hoán cải cuộc sống.

Mời Bạn: Mọi biến cố xảy ra trong đời người cũng như tất cả những gì họ có đều là hồng ân Chúa ban tặng để mời gọi họ tin và được cứu độ. Càng là những kitô hữu lâu năm, đạo dòng đạo gốc, thì càng được Chúa “đầu tư” nhiều hơn; và vì thế càng được đòi hỏi phải sinh lời bằng việc hoán cải đời sống và dấn thân trong sứ mạng tông đồ. Liệu những sự “đầu tư” của Chúa nơi bạn có nguy cơ bị phá sản như những hạt giống rơi vào bụi gai và chết yểu chỉ vì bạn quá bận tâm lo lắng việc đời chăng?

Chia sẻ: Đức hồng y quá cố Lustiger nói giáo hội Việt Nam đang suy yếu vì chủ nghĩa tiêu dùng. Đó có phải là nguy cơ phá sản đời sống đạo cho bạn, gia đình bạn, hoặc thậm chí cho Giáo hội tại Việt Nam không?

Sống Lời Chúa: Trước khi mua sắm, tiêu dùng của cải, tự vấn xem mình phải tiêu dùng thế nào cho hợp với tinh thần Phúc Âm.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 

18/07/18 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Mt 11,25-27

 

MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

“… Vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Ai lại chẳng trải qua tuổi ấu thơ? Thế nhưng nơi trẻ nhỏ bạn thấy điều gì? Trước hết, các em bé bỏng, yếu ớt, đơn sơ, không tự vệ, không biết đi, không biết nói… bất lực. Chính vì biết mình bé nhỏ, yếu đuối, nghèo nàn, đơn sơ, mà các em biết sống tin tưởng, phó thác hoàn toàn trong vòng tay của cha mẹ. Chúa Giê-su dạy chúng ta phải có những đặc tính trẻ thơ đó trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha để trở nên người bé mọn ngõ hầu đón nhận mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Lòng tín cẩn đơn sơ, không tự phụ kiêu căng của những người bé mọn sẽ được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc và mạc khải cho biết về Thiên Chúa.

Mời Bạn: Không gì làm cho Thiên Chúa xa lánh loài người hơn là tính kiêu ngạo và tự mãn. Chúa muốn bạn và tôi cần phải có tâm tình đơn sơ, chân thành khao khát để đón nhận ý Chúa và được Chúa mạc khải mỗi khi học hỏi và tiếp xúc với Lời và Giáo Lý của Chúa. “Nếu các con không nên giống trẻ nhỏ, các con chẳng được vào Nước Trời.”

Chia sẻ: Theo bạn những người hiền triết khôn ngoan đó là ai? Tại sao họ không được đón nhận mạc khải của Thiên Chúa? Bạn thuộc hạng người hiền triết hay là người bé mọn của Thiên Chúa?

Sống Lời Chúa: Dù bạn là nhân vật gì đi nữa, trước mặt Chúa bạn chỉ là bé nhỏ. Mời bạn luôn ý thức thân phận đó của mình để luôn sống như người con bé nhỏ đơn sơ phó thác vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sống suốt đời với tâm hồn khiêm nhường, bé mọn theo lời Chúa dạy.

 

19/07/18 THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Mt 11,28-30

 

ĐẠO CHÚA NẶNG NỀ HAY ÊM ÁI?

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Suy niệm: Nghe lời này của Chúa mà chỉ nhìn thấy, nói chung, Chúa có lòng tốt thôi thì chưa đủ. Và nếu “những ai vất vả mang gánh nặng nề” chỉ làm ta liên tưởng đến giới lao động nghèo thì e rằng vẫn còn thiếu sót và hời hợt lắm. Cần phải tự hỏi Đức Giê-su nhắm đến những ai khi Ngài nói “những ai vất vả mang gánh nặng nề,” thì ta mới mong rút ra được những ứng dụng thích đáng cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Căn cứ vào bối cảnh, các nhà chú giải đồng thanh giải thích rằng “gánh nặng nề” Chúa nói ở đây trước hết là gánh nặng tôn giáo, gánh nặng lề luật. Cũng vậy, khi Chúa nói “ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng,” thì Ngài muốn nói rằng luật của Ngài đưa ra là luật giải phóng chứ không đè bẹp người ta.

Mời Bạn: Thử xét về việc giữ ngày Chúa Nhật. Đây là một bổn phận tối thiểu của tín hữu, và nhắm đến ích lợi trước hết cho người tín hữu. Nhưng biết bao người, nhất là giới trẻ, còn xem đây như một gánh nặng phải mang. Vì thế, họ dễ bỏ lễ. Nhưng điều đáng nói là khi coi Thánh Lễ Chúa Nhật như gánh nặng, thì ngay cả nếu người ta đến dự lễ, họ cũng chỉ đến một cách máy móc thôi và không được bổ ích như kỳ vọng.

Chia sẻ: Theo bạn, việc cố thúc đẩy người ta đi lễ đông, và việc giúp người ta cảm nhận niềm vui và sự bổ ích của Thánh Lễ – đàng nào cần hơn?

Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng sống đạo với đầy yêu mến và vui tươi, để người chung quanh nhận ra đạo của tôi đích thực là nguồn năng lực giải phóng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con cảm nhận sự êm ái và nhẹ nhàng của luật Chúa. Amen.

 

20/07/18 thứ Sáu tuần 15 tn
Th. A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo
Mt 12,1-8

 

chúa muốn lòng nhân

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 12,7)

Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh công Sơn có viết trong một bài hát của ông: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng.” Lòng ở đây là “lòng nhân,” ngụ ý đó là lòng của một con người đúng nghĩa là một con người, chứ không phải là “lòng chai dạ đá” hay tệ hơn nữa, “lòng lang dạ thú”. Làm người, cần có lòng nhân nghĩa, nhân từ, nhân hậu, nhân ái. Điều đó làm cho con người xứng đáng là “nhân linh ư vạn vật”, xứng danh là con cái Thiên Chúa. Tiếc thay, ta không nhận thấy “lòng nhân” đó nơi người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng hôm nay, khi họ tìm cách bắt lỗi các môn đệ của Chúa về một việc nhỏ nhặt. Chúa Giê-su đã khéo léo sửa lỗi họ, đồng thời mời gọi họ hãy sống như Chúa là Đấng có lòng nhân ái bao la.

Mời Bạn: Báo chí đăng tải mỗi ngày không biết bao nhiêu là chuyện lừa đảo, gian dối, hận thù, chém giết, loại trừ nhau. Phải chăng trong xã hội ngày nay người thiếu lòng nhân ngày càng nhiều hơn và ngày ngày càng lấn lướt áp đảo những con người hiền lành lương thiện? Là con cái của Thiên Chúa giàu lòng nhân ái (Dives in Misericordia, tên một thông điệp của Đức Gioan-Phaolô II), bạn hãy tập có một tấm lòng với mọi người, bất luận họ là ai.

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi sẽ thể hiện lòng nhân bằng cách không xét nét anh em, không nói xấu anh em, không khép lòng lại trước nhu cầu của anh chị em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin uốn nắn lòng con nên bao dung như lòng Chúa, để con biết cảm thông với những yếu đuối, khiếm khuyết của anh em con, như Chúa hằng cảm thông với những yếu hèn của con. Amen.

 

21/07/18 THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Th. Lô-ren-sô Brin-đi-si, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 12,14-12

 

GIÁ TRỊ CỦA LỜI CHỨNG

“Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.” (Mt 12,18)

Suy niệm: Dù dân chúng hết lòng ca ngợi, thán phục về những việc lạ Chúa làm, về lời giảng dạy của Đấng có uy quyền, Chúa Giê-su vẫn không coi đó là điều đáng quan tâm. Bởi lẽ Chúa biết mình là ai và lời chứng nào về Ngài mới có giá trị thực sự: lời chứng ấy đến từ Cha, Đấng sai Ngài đến trần gian. Để thực hiện ý muốn của Cha, làm hài lòng Cha, trước hết và trên hết Chúa Giê-su phải hoàn tất nơi mình từng nét, từng lời loan báo xưa về Người Tôi trung khiêm hạ và đau khổ. Ngài từ chối làm những phép lạ hoành tráng: nhảy từ nóc Đền thờ, xuống khỏi thập giá, nhưng tận tình chữa lành từng bệnh nhân. Với “các cây lau bị giập, tim đèn leo lét người thu thuế và kẻ tội lỗi,” Ngài kết thân thay vì kết án, để khơi lên niềm hy vọng hoán cải, đổi đời.

Mời Bạn: Đa số chỉ muốn thấy mặt nổi của vấn đề, ít ai muốn nhìn thấu chiều sâu. Quần chúng tự phát là hạn từ có thể dùng để chỉ hạng người này từ thời Chúa Giê-su cho đến cả hôm nay. Họ khen ngợi Chúa Giê-su nhưng không muốn dấn thân sống theo Tin Mừng của Ngài. Còn bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Ta hãy bắt chước thái độ của Chúa trước dư luận quần chúng: đừng vội hài lòng với một vài lời khen, nhưng phải biết hành xử sao để đáng được Chúa khen thưởng, hài lòng về ta mới là điều quan trọng và có giá trị.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và cho con biết con, để con trung thành với Chúa mỗi ngày đời con. Nhờ sự hiểu biết chân lý ấy, con sống đúng thân phận thụ tạo, con thảo của mình và được giải thoát. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts