22/07/18 CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – B
Mc 6,30-34
NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA MỖI NGÀY
Đức Giê-su bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)
Suy niệm: “Lao động là phúc lành cho ta. Chúa đã khôn khéo sắp đặt thế giới để lao động là điều cần thiết; Ngài ban cho ta đôi tay và sức lực để lao động. Tận hưởng thú vui sẽ không có ý nghĩa nếu ta chỉ có thú vui. Chính niềm vui khi lao động miệt mài giúp ta vui hưởng sự nghỉ ngơi, tựa như trải nghiệm đói và khát làm cho thức ăn thức uống đem lại những thú vị như vậy” (nhà văn Mỹ E. Elliot). Đời sống con người gồm có hai nhịp: lao động và nghỉ ngơi. Lao động mải mê mà không nghỉ ngơi sẽ làm ta kiệt sức, chán ngán. Trái lại, chỉ nghỉ ngơi mà không lao động, cuộc sống sẽ vô vị và dễ đưa đến sự ác. Trong đời sống thiêng liêng, ngày sống gồm có những giờ lao động vất vả, nhưng cũng cần những giây phút nghỉ ngơi bên Chúa qua cầu nguyện, dâng lễ… giúp cho đời sống ta quân bình, và đầy niềm vui.
Mời Bạn: Hãy tổ chức một ngày sống theo hai nhịp gợi ý trên đây: lao động và nghỉ ngơi bên Chúa. Nghỉ ngơi bên Chúa để Ngài bồi dưỡng, tăng cường sức lực tinh thần, cũng như để cảm nếm sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời, và nhờ vậy, việc lao động của bạn cũng được đổi mới và tràn đầy sáng tạo.
Sống Lời Chúa: Trong 288 ngày của Năm thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mỗi ngày tôi sẽ dành 5 phút để đọc và suy niệm Lời Chúa và dâng lễ hằng ngày (nếu có thể).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng như thể lý của các môn đệ. Xin cho con cũng biết, bên cạnh việc chăm lo cho sức khỏe thể lý, cũng dành thời gian cho đời sống thiêng liêng qua việc cầu nguyện, dâng lễ, đọc Lời Chúa. Amen.
23/07/18 THỨ HAI TUẦN 16 TN
Th. Bi-ghít-ta, nữ tu
Mt 12,38-42
DẤU CHỈ YÊU THƯƠNG
“Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.” (Mt 12,40)
Suy niệm: Chúa Giê-su mượn hình ảnh tiên tri Giô-na để loan báo về chính cái chết của Ngài. Cũng như Giô-na đã vâng phục Thiên Chúa đến rao giảng sự sám hối cho dân thành Ni-ni-vê, thì Chúa Giê-su cũng vâng phục Chúa Cha: sống kiếp con người. Quả thật, Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, rao giảng, chữa lành bệnh tật, chịu nạn, chết, sống lại để cứu chuộc loài người. Vì thế, Chúa Giê-su là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua muôn thế hệ đồng thời Ngài trở thành lời mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau đó là dấu chỉ của môn đệ Chúa Ki-tô.
Mời Bạn: Người Ki-tô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những hạnh phúc và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, bạn được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh qua việc chấp nhận sống và vâng phục Thánh ý của Chúa giữa lúc hạnh phúc, thành công hay tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, ngõ hầu tiếp tục chiếu sáng đức tin trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.
Sống Lời Chúa: Hãy yêu thương mọi người để cứ dấu ấy mà người ta nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Thương Người có 14 mối.
24/07/18 THỨ BA TUẦN 16 TN
Th. Sa-bê-li-ô Mác-lúp
Mt 12,46-50
LÀ MẸ VÀ ANH EM VỚI CHÚA
Chúa Giê-su chỉ các môn đệ và nói với người Do thái: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,48-50)
Suy niệm: Thánh Mát-thêu mô tả “mẹ và anh em” Chúa là những người “đứng bên ngoài” (x. Mt 12,46), còn các môn đệ, những người đang nghe Ngài giảng dạy là những người ở vòng trong. Một cách công khai, Chúa Giê-su cho biết nếu chỉ dựa vào mối liên hệ huyết thống thì chưa phải là người thân thiết chưa thuộc về gia đình Thiên Chúa với Ngài. Đúng hơn, gia đình của Ngài gồm tất cả những ai “thi hành ý muốn của Cha.” Đó là một cơ hội cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia dân tộc, không phân biệt giàu nghèo, đều có thể thuộc về gia đình của Chúa nếu thi hành ý muốn của Cha trên trời. Nhưng, ý muốn của Cha là gì? Xin thưa, đó là tin vào Đức Giê-su và làm theo lời Người dạy (x. Ga 6,40).
Mời Bạn: Chỉ dựa vào huyết thống để là người nhà của Chúa Giêsu mà chưa đủ thì càng bất cập hơn nữa nếu muốn thuộc về Ngài mà chỉ dựa vào cái tên thánh ghi trong Sổ Rửa Tội. Điều kiện để là “mẹ và anh em” với Chúa là tin và làm theo Lời Ngài dạy. Là ki-tô hữu, bạn đã thực hiện được như vậy hay chưa?
Sống Lời Chúa: Nhớ và làm lời Chúa: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, gia đình của Chúa là cộng đoàn của những người tin và làm theo lời Đức Giê-su. Xin cho con được gia nhập thật sự vào gia đình đó bằng một đức tin vững vàng và một đời sống yêu thương phục vụ theo gương và theo lời dạy của Chúa Giê-su, Người Anh Cả của chúng con. Amen.
25/07/18 THỨ TƯ TUẦN 16 TN
Th. Gia-cô-bê, tông đồ
Mt 20,20-28
TRỞ THÀNH ANH EM
Đức Giê-su nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mt 20,25-27)
Suy niệm: Mục tiêu của Chúa Giê-su khi huấn luyện các môn đệ là làm cho họ trở thành anh em. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bởi trước khi là anh em, họ là những người xa lạ, có tham vọng riêng khi đi theo Chúa Giê-su, ít nhất là quyền làm lớn trong Nước của Ngài. Để thay đổi não trạng này, trước hết Chúa Giê-su coi họ như anh em bạn hữu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,… nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15); đồng thời, Ngài phục họ trong tư cách là người anh cả, để rồi sai họ đi với nhiệm vụ: “ Hãy làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).
Mời Bạn: Tiến trình huấn luyện môn đệ của Chúa Giê-su hệ tại nơi lời mời gọi hãy đến và ở lại: đến gặp Ngài để ở lại, chứng kiến những việc Ngài làm, được Ngài phục vụ, để có mối tương quan cá vị với Ngài. Chính vì thế, Ngài không ngừng tha thiết mời gọi những ai muốn trở thành môn đệ: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).
Sống Lời Chúa: Hãy kiểm điểm xem, bạn đã được Chúa Ki-tô phục vụ thế nào, để rồi đến lượt mình, bạn cũng được mời gọi để phục vụ người khác cũng như vậy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, một khi nhận ra nhau là anh em, chúng con tự biết phải làm gì cho nhau; nhưng sự thật ấy vẫn còn lu mờ nơi con. Xin soi lòng mở trí và chữa lành cặp mắt tâm hồn, hầu giúp con khiêm tốn phục vụ nhau như Chúa hằng phục vụ con. Amen.
26/07/18 THỨ NĂM TUẦN 16 TN
Th. Gio-a-kim và An-na, song thân Đức Ma-ri-a
Mt 13,10-17
CHÚA GIÊ-SU, VỊ THẦY TINH TẾ
Các môn đệ đến gần hỏi Chúa Giê-su rằng: “Sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.” (Mt 13,10-11)
Suy niệm: Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su, như một người thầy tinh tế, thường dùng các dụ ngôn qua những câu chuyện thực tế với những hình ảnh quen thuộc hằng ngày để người nghe có thể dễ dàng tiếp cận sứ điệp Tin Mừng. Thái độ đáp lại của họ thật khác biệt nhau: có người thì trầm trồ khen ngợi tài giảng thuyết của Ngài, có người lại trở nên chai đá cứng lòng. Thế nhưng các mầu nhiệm Nước Trời vẫn còn bị che khuất đối với họ. Điều đó khiến các tông đồ thắc mắc: tại sao Thầy không nói trắng ra mà lại dùng dụ ngôn? Thì đây, bí quyết được chính vị Thầy tinh tế đó tiết lộ: Hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời là một hồng ân Chúa ban; và để tiếp nhận được hồng ân đó cần có một cuộc sống thân mật gần gũi với Chúa Ki-tô. Quả thật trong những giây phút thân mật thầy và trò, Ngài mới giải thích ý nghĩa thâm sâu đích thực của các dụ ngôn đó.
Bạn thân mến, Chúa Ki-tô vẫn đang nói với chúng ta qua những “dụ ngôn” đời thường, những sự kiện văn hoá, xã hội, chính trị…, những biến cố xảy ra nơi giáo xứ, cộng đoàn, gia đình… Chúng mình chỉ có thể nhận ra sứ điệp của Chúa trong những giây phút cầu nguyện thân mật trầm lắng với Ngài.
Sống Lời Chúa: Luôn dành thời giờ để tâm sự với Chúa, tại gia và hơn nữa, trước Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin ban thêm Đức Tin cho con, để con luôn bình an – vui tươi và nhận diện ra sự đồng hành của Ngài trong từng giây phút cuộc sống. Amen.
27/07/18 THỨ SÁU TUẦN 16 TN
Mt 13,18-23
BỐN CẤP ĐỘ TIÊU HÓA LỜI CHÚA
“Kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả.” (Mt 13,23)
Suy niệm: Chúa Giê-su phân tích bốn cấp độ hay cung cách “tiêu hóa” Lời của người nghe: (1) nghe nhưng không hiểu; (2) nghe rồi để ngoài tai; (3) nghe nhưng bị sự đời bóp nghẹt; và (4) nghe rồi chịu khó tìm hiểu và sống Lời. Như vậy, điểm chung của cả bốn cấp độ là ai cũng được nghe Lời Chúa. Thế nhưng, Lời ấy sẽ khó với kẻ không muốn ghi nhớ, suy niệm; Lời ấy sẽ càng khó thực thi trong cuộc sống hơn khi việc quá bận tâm lo lắng sự đời, bã vinh hoa phú quí như lực đẩy Lời ra bên lề cuộc đời. Chỉ có ai chú ý lắng nghe, ghi khắc, suy niệm, thực hành mới có cơ may sinh hoa kết hạt là các việc lành phúc đức, làm ích cho bản thân người nghe và cho người chung quanh. Chúng ta không thấy Chúa nhãn tiền, cũng chẳng trực tiếp nghe những âm thanh từ tiếng Chúa vọng lại, ta chỉ có thể nghe qua việc đọc, suy gẫm và nghe người khác đọc cho ta nghe Lời Chúa mà thôi.
Mời Bạn: Với bạn, Lời có chỗ đứng như thế nào trong cuộc sống? Lời đang hướng dẫn từng đường đi nước bước, từng chọn lựa lớn nhỏ trong đời bạn, hay Lời chỉ là những con chữ trang trí cho người ta biết bạn có đạo?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày đọc một đoạn Lời Chúa, cầu nguyện theo ý tưởng của đoạn ấy, rồi tìm cách áp dụng trong cuộc sống đời thường của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Lời Chúa là sức sống giúp con hăng hái tiến bước, là đường dẫn cho con bước đi đến đích, là ánh sáng chỉ đường con đi. Xin đừng để những bận tâm lo lắng về công ăn việc làm, về các thứ hưởng thụ cuộc sống dễ dãi làm con nhụt chí, lơ là với Lời hằng sống của Ngài. Amen.
28/07/18 THỨ BẢY TUẦN 16 TN
Mt 13,24-30
KIÊN NHẪN VÀ TÍN NHIỆM
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13,24)
Suy niệm: Có một sự thật hiển nhiên là Thiên Chúa luôn luôn là người gieo giống tốt. Thửa ruộng là thế giới, là nhân loại mà Thiên Chúa đã rộng tay gieo vãi các giống tốt của sự thật, niềm cậy trông, bác ái, tình yêu chân chính. Cỏ lùng của sai lầm, thiếu cậy trông, óc tranh chấp, thiếu tình yêu từ đâu ra? – Thưa, chính từ Xa-tan, kẻ thù của nhân loại, đã gieo vào mảnh ruộng thế giới, thửa ruộng lòng người. Một sự thật nữa: Thiên Chúa luôn là Đấng kiên nhẫn chờ đợi con người hoán cải mãi cho đến cuối đời mỗi người.
Mời Bạn: Nếu Chúa kiên nhẫn, tín nhiệm con người, thì đến lượt mình, ta cũng phải kiên nhẫn trước lỗi lầm của người anh em, không lên án, kết tội họ cách dứt khoát trước ngày cuối đời của họ. Như rễ cỏ lùng bám chặt vào rễ cây lúa, Xa-tan cũng luôn sẵn sàng để gieo vào lòng bạn những loại “cỏ lùng” làm mất hết nhựa tình yêu của phó thác, cậy trông: đó là ngã lòng, chán nản, thiếu kiên nhẫn đối với những yếu đuối, sai lầm của mình và của người khác. Xin cho bạn kiên nhẫn loại trừ “cỏ lùng” thói hư tật xấu, để “lúa tốt” yêu thương phát triển nơi bạn.
Sống Lời Chúa: “Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ” (2Pr 3,15). Bạn hãy nghiệm xem Chúa đã kiên nhẫn với bạn nhường nào? Đến lượt mình, bạn có cần thi thố lòng kiên nhẫn trước lỗi phạm của người anh em?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì mầu nhiệm tình yêu Chúa dành cho đời con. Xin cho con được cộng tác với ơn Chúa, sống hoán cải, và giúp cho ai lầm lạc nghiệm thấy tình yêu Chúa, để hồi tâm trở về. Amen.
29/07/18 CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – B
Ga 6,1-15
CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA CHÚA
Khi họ đã ăn no nê rồi, Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (Ga 6,12)
Suy niệm: Một thực tế là sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã cung ứng dư thừa những nhu cầu tiêu dùng của con người. Và một thực tế khác nữa là giữa xã hội no đủ này lại có vô số con người đang phải sống dưới cả mức nghèo đói, không biết ngày mai sẽ ăn gì. Chúng ta thường nghĩ rằng sự nghèo đói cứ tiếp diễn là do hoàn cảnh này, lý do kia, mà ít khi nghĩ rằng vì chúng ta không đủ quảng đại. Tại sao khoảng cách giàu – nghèo vẫn cứ tiếp diễn và xem ra ngày càng lớn? Chúng ta tìm câu trả lời thường ở cấp độ vĩ mô, vì chế độ này, do kế hoạch kia, mà ít khi khởi đi từ tấm lòng của mỗi một người chúng ta. Nếu nơi mỗi người còn có một tấm lòng, thì ít nữa sau khi đã no nê rồi, chúng ta nhớ lời Chúa “thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Chúa cần lắm những cánh tay biết thu lại những miếng vụn, để chia sẻ cho những người còn thiếu thốn.
Mời Bạn: Ai là người nghèo chung quanh chúng ta? Bạn hãy quan sát và chắc chắn bạn sẽ thấy. Thấy rồi thì mời bạn hãy hành động, vì chính lúc đó bạn không phải thấy người nghèo mà chính là thấy Chúa đang nghèo và cần bàn tay của bạn.
Sống Lời Chúa: Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh mà, còn bởi mọi lời Thiên Chúa phán ra. Một khi bạn được đầy Lời Chúa, bạn sẽ trở nên tấm bánh thơm ngon cho đồng loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vốn giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó. Xin cho chúng con tiếp nối bước chân Chúa biết sống tinh thần nghèo khó để anh chị em con được giàu có, đó là lúc chúng con nên một với Chúa.
30/07/18 THỨ HAI TUẦN 17 TN|
Th. Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,31-35
SỐNG THÁNH MỖI NGÀY
“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải…” (Mt 13,31)
Suy niệm: Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta có kể lại câu chuyện sau: Một hôm đang đi ngoài đường, Mẹ gặp một người đàn ông đang nằm trơ xương vì đói khát, hơi thở thoi thóp. Lúc ấy tôi tự hỏi: Mình có thể làm gì đây? Ít nhất cũng nói với ông ta một lời gì đó chứ! Tôi dùng hai tay âu yếm nâng đầu ông ta lên và thầm thì vào tai ông: “Tôi yêu ông, tôi muốn điều tốt cho ông!” Ông ta mỉm cười với tôi và ra đi bình an. Tôi không bao giờ quên nụ cười đó. Người xưa có dạy: Gieo hành vi sẽ gặt thói quen, gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách sẽ gặt số phận. Nước Trời sẽ đến nơi mỗi người và nơi thế giới này nhờ những suy nghĩ và hành vi thuộc về Tin Mừng. Những hành vi dù nhỏ mang tính Tin Mừng sẽ hoán cải mỗi người và làm biến đổi thế giới này.
Mời Bạn: Đón nhận cái chết là hành vi anh hùng của các thánh tử đạo. Quyết định ấy không đến cách đột ngột, nhưng được kết tinh từ những hành vi lựa chọn thuộc về Chúa, dù nhỏ và bền bỉ mỗi ngày. Bạn có sẵn sàng để noi gương các thánh tử đạo, dám thuộc về Chúa, chấp nhận sống yêu thương và hy sinh, trong những lựa chọn mỗi ngày của mình không?
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm ý tưởng sau đây: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thánh” (ĐHV. 978)
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống vất vả và đầy âu lo này, xin cho con biết can đảm chọn Chúa là điều quý giá nhất đời con và luôn biết thuộc về Chúa trong từng hành vi mỗi ngày.
31/08/18 THỨ BA TUẦN 17 TN
Th. I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục
Mt 13,36-43
KIÊN NHẪN NHƯ CHỦ RUỘNG
Đức Giê-su nói: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.” (Mt 13,43)
Suy niệm: “Kiên nhẫn không chỉ là khả năng chờ đợi, nhưng chính là cung cách ta cư xử đang khi chờ đợi” (Nhà văn Mỹ J. Meyer). Ta mong muốn Hội Thánh gồm các tín hữu tốt lành, hội đoàn gồm các thành viên nhiệt tâm, con cái gồm các người con hiếu thảo, láng giềng gồm những hàng xóm tốt bụng… Thế nhưng, trong thực tế ta đành phải chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn, người tốt – kẻ xấu, lúa tốt – cỏ lùng chen lẫn với nhau. Chúa Giê-su, qua dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng, dạy ta thái độ kiên nhẫn, bao dung khi sống trong “thửa ruộng thế gian.” Trong thiên nhiên, cỏ lùng muôn đời vẫn là cỏ lùng, nhưng trong “thửa ruộng thế gian,” người xấu có thể trở thành người tốt; ngược lại, người tốt có thể trở thành kẻ xấu không thể nào ngờ.
Mời Bạn: Bạn phải kiên nhẫn với chính mình, vì tâm hồn bạn cũng đang đong đưa giữa lúa tốt và cỏ lùng, giữa điều thiện bạn muốn làm nhưng lại không làm, và điều ác không muốn làm nhưng lại thực hiện. Bạn kiên trì làm cho lúa tốt nơi bạn lớn lên, và cỏ lùng không có đất sống nơi tâm hồn mình. Bạn kiên nhẫn, bao dung với người chưa sống tốt, không vội kết án họ vì chỉ có Chúa mới có quyền làm vậy.
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống kiên nhẫn, bao dung với những anh chị em chưa sống đúng tư cách của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con tinh thần kiên nhẫn, bao dung của người công dân mới trong Nước Trời. Xin giúp con ghi nhớ và thực hành tinh thần kiên nhẫn, bao dung ấy trong cách ứng xử hằng ngày với những anh chị em chung quanh con. Amen.