5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 07-2021



11/07/21 
CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – B
Mc 6,7-13

HÀNH TRANG ĐƠN GIẢN

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền dắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (Mc 6,8-9)

Suy niệm: Chúa Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng và chỉ thị cho các ông “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy và đôi dép”. Phải bỏ lại đàng sau không chỉ những hành trang lỉnh kỉnh, mà cả những vật dụng hết sức cơ bản và thiết yếu cho cuộc sống cũng như cho hành trình sứ mạng. Chúa muốn dạy các tông đồ phải hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào Chúa, chứ không cậy dựa vào những phương tiện của con người. Một lý do khác, đó là tính khẩn trương, cấp bách của sứ mạng: phải lên đường rao giảng ngay chứ không đợi đến lúc có đủ điều kiện, phương tiện mới loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Quả thực, các phương tiện kỹ thuật giúp ích nhiều cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, người tông đồ dễ rơi vào cạm bẫy ngọt ngào là giản lược việc loan báo thành việc phô diễn kỹ thuật hoặc trì hoãn các kế hoạch sứ mạng với lý do thiếu thốn các phương tiện. Là những ‘môn đệ thừa sai’, bạn được mời gọi đặt hết niềm tin tưởng vào Chúa và rao giảng Tin Mừng lúc thuận cũng như lúc nghịch.

Sống Lời Chúa: Tôi tập phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để sử dụng những phương tiện giúp cho việc loan báo Tin Mừng và cũng sẵn sàng từ bỏ chúng nếu chúng kềnh càng ngáng trở sứ mạng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hành trang con mang theo trên đường sứ mạng là chính Chúa. Xin giúp con giữ tâm hồn đơn sơ, thanh thoát và luôn vững tin vào Chúa để loan báo Tin Mừng mọi lúc, mọi nơi.



12/07/21 
THỨ HAI TUẦN 15 TN
Mt 10,34-11,1

BÌNH AN TRONG CHÚA KI

Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất. (Mt 10,34)

Suy niệm: Nhiều người vẫn nghĩ rằng phải thâu tóm mọi quốc gia, không loại trừ việc sử dụng binh lực, dưới quyền cai trị của một quyền lực thống nhất thì mới gọi là “bình thiên hạ”, lúc đó mới có hoà bình. Chúa Giê-su nói chúng ta đừng có mơ Ngài sẽ đem đến một thứ bình an theo kiểu đó. Bình an của Chúa Ki-tô thì khác: “Bình an của Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Bình an đích thực là khi chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa nhờ Chúa Ki-tô chịu chết trên thập giá chuộc tội cho nhân loại. Bình an đó phải trải qua “gươm giáo” là sự đối kháng từ thâm tâm mỗi người cũng như giữa mình với những người chung quanh, bởi vì mỗi người đều phải bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng, phải lựa chọn đi theo đạo quân của Thiên Chúa hay là đứng dưới lá cờ của ma quỷ.

Mời Bạn: Tìm kiếm hoà bình không phải từ bên ngoài hay từ trên trời rơi xuống, mà từ bên trong: phải tiêu diệt mầm mống chiến tranh từ trong lòng bạn, đó là xoá bỏ giận hờn, ghen ghét, oán thù; đó là biết lắng nghe thay vì độc đoán, là yêu thương phục vụ thay vì ích kỷ, tham lam; là tôn trọng hoà hợp thay vì khinh thường, kỳ thị, loại trừ nhau.

Sống Lời Chúa: Để đạt được sự bình an tâm hồn, hằng ngày bạn dành thời gian thinh lặng suy niệm Lời Chúa, nghiền ngẫm sứ điệp bình an của Chúa trong Tin Mừng (x. Mt 5-7).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã nói: ai xây dựng hoà bình sẽ được gọi là con Thiên ChúaXin ban cho con bình an của Chúa để con trở nên kênh lan toả bình an cho anh chị em, cho thế giới mỗi ngày một tiến gần hơn tới hoà  bình đích thực.



13/07/21
 THỨ BA TUẦN 15 TN
Th. Hen-ri-cô
Mt 11,20-24

ƠN BAN ĐI VỚI TRÁCH NHIỆM

Chúa Giê-su nói: “Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi hỡi Bét-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu mà tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,21-22)

Suy niệm: Lẽ thường ở đời thì quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Tương tự ân sủng Chúa ban cho ai cũng kéo theo những trách nhiệm đối với người ấy như vậy. Hưởng ơn ban càng nhiều, chịu trách nhiệm càng lớn. Và do đó, nếu không chu toàn trách nhiệm cách tương xứng, thì án phạt càng nặng nề. Những phép lạ Chúa thực hiện ở Kho-ra-din hay ở Bét-sai-đa, cho dù chỉ có một số người thụ hưởng trực tiếp nhưng cũng là một ơn ban cho toàn thể cư dân của những thành ấy. Vì thế theo qui tắc liên đới, họ phải chịu đồng trách nhiệm trong việc đáp lại sứ điệp của Chúa qua những phép lạ đó. Mà sứ điệp đó là: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.”

Mời Bạn: Ơn Chúa ban cho ta không phải chỉ để ta hưởng thụ một mình, mà ta phải nhờ đó để trổ sinh nhiều hoa quả thiêng liêng “xứng với lòng thống hối” chẳng những nơi mình và mà còn cho người khác nữa.

Chia sẻ: Nhiều người được Chúa ban ơn đặc biệt (khi đi hành hương, xin khấn, v.v…) nhưng có người nên thánh, có người không. Bạn nghĩ gì về điều này?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần kiểm điểm đời sống, bạn hãy cố khám phá một ơn Chúa đã ban cho bạn để cảm tạ và nhờ đó sửa đổi đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cảm tạ Chúa về những hồng ân Chúa ban và cho con biết nên thánh xứng với những ơn huệ đó.



14/07/21
 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Th. Ca-mi-lô Len-li, linh mục
Mt 11,25-27

MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Không phải Thiên Chúa thiên vị khi mặc khải mầu nhiệm cao cả cho những người bé mọn mà lại “giấu” không cho những bậc thông thái khôn ngoan biết những điều ấy. Mọi người đều được Chúa yêu thương và cứu độ. Nhưng chính thái độ tự mãn kiêu căng cản trở người ta không đón nhận được mặc khải của Đức Ki-tô. Quả thật, trước lời rao giảng của Chúa Giê-su, chính những người bình dân, ít học, bị coi là tội lỗi… lại mau mắn vui mừng đón nhận, còn những thầy thông luật, kinh sư, Pha-ri-sêu… lại quay lưng chống đối.

Mời Bạn: “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường” (Cn 3,34). Kiêu ngạo là gốc rễ của tội lỗi và hành động xấu xa. Trong khi đó, khiêm nhường là mảnh đất duy nhất cho phép ân sủng của Thiên Chúa hoạt động để sinh hoa kết quả. Dù bạn có là nhà bác học, thông minh tài trí, bạn vẫn có thể trở nên bé mọn trước mặt Chúa nhờ noi gương Con Thiên Chúa hiền lành khiêm nhường. Mời bạn luôn ấp ủ trong lòng thái độ đơn sơ chân thành, biết khiêm cung tìm kiếm ý Chúa trong cuộc sống, kể cả khi ý của Người khác với ý của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tập khiêm nhường bằng cách biết từ bỏ ý riêng, lắng nghe người khác và nhận biết điều tốt nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con có được đức tin đơn sơ và thuần khiết, để con nhìn thấy khuôn mặt nhân từ của Chúa. Xin xóa bỏ nơi con những nghi ngờ và tự mãn, để con có thể đón nhận ý định của Chúa trong khiêm tốn và vâng phục. Amen.



15/07/21 
THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Th. Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 11,28-30

CHÚA LÀ NGUỒN AN ỦI

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Suy niệm: Chúa Giê-su trong thân phận làm người, cũng trải qua nhiều đau  khổ, thử tháchnên trước những điều làm trí óc ta mệt mỏi, con tim ta đau đớn, những thất bại trong quá khứ, những gánh nặng trong hiện tại, những lo lắng cho tương lai, và cả những yếu đuối vấp ngã của chúng ta trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, Ngài hoàn toàn thấu hiểu và cảm thương (x. Dt 4,15). Vì thế mời gọi chúng ta “mang những gánh nặng nề” đó đến với Ngài để được Ngài cho “nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Mời Bạn: Trong đời sống, chắc chắn sẽ có những lúc chúng ta mệt mỏi, lo lắng, băn khoăn vì cuộc sống mưu sinh, vì những thất bại trong những mối tương quan. Trong những khoảnh khắc đen tối đó, nhiều khi chúng ta bế tắc, chúng ta đóng cửa lòng mình và để cho nỗi thất vọng xâm chiếm mình, chế ngự mình và làm cho cuộc sống của ta nên chán nản. Những lúc như thế, chúng ta hãy nhớ đến lời Chúa dạy hôm nay và hãy đưa tay ra cho Ngài nắm lấy. Ngài không giải quyết các vấn đề của ta bằng một cây đũa thần, nhưng Ngài sẽ làm cho ta nên mạnh mẽ xuyên qua những khó khăn. Trong cánh tay Ngài, ta sẽ được “nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Sống Lời Chúa: Đến nghỉ ngơi với Chúa Giê-su qua việc suy niệm Lời Chúa và kết hiệp với Ngài nơi Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu con người, và đã sống trọn phận người với chúng con. Chúa đã nếm biết Nỗi khổ đau và hạnh phúc của phận người. Xin cho chúng con biết tin tưởng chạy đến với Chúa để đón nhận sức mạnh mà bước tiếp trên con đường trần thế đầy khó khăn thử thách. Amen.



16/07/21 
THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Đức Mẹ núi Cát Minh
Mt 12,1-8

CÓ LÒNG NHÂN

“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế,’ ắt các ông đã chẳng lên án người vô tội.” (Mt 12,7)

Suy niệm: Chà xát mấy hạt lúa cỏn con trong tay thì bị người biệt phái kết án là phạm luật vì làm trong ngày Sa-bát. Còn Chúa Giê-su thì trưng dẫn việc các tư tế lấy bánh đã trưng hiến chỉ dành cho tư tế để đem cho những người phàm phu tục tử ăn. Điểm khác biệt trong hai cách ứng xử này chính là lòng nhân. Và đây mới thực sự là điều làm đẹp lòng Chúa. Người có lòng nhân không viện cớ giữ luật cách “vẹn toàn, vô phương trách cứ” mà làm ngơ trước sự khốn cùng, đau khổ của anh chị em. Người có lòng nhân không phán đoán hay lên án một cách cứng cỏi, nhẫn tâm, nhưng cư xử độ lượng khoan dung, và nhờ đó mở đường cho những người lầm lạc có thể hối cải, quay trở về đường ngay nẻo chính.

Mời Bạn: Chúa Giê-su không chỉ nói; Ngài còn để lại những tấm gương tuyệt vời của lòng nhân. Mời bạn hãy cùng chiêm ngắm, suy niệm và bắt chước: Ngài tha tội cho người tội lỗi, chị phụ nữ ngoại tình. Trong đêm chịu thống khổ, ánh mắt nhân từ của Chúa dừng lại trên Phê-rô và hoán cải ông.

Chia sẻ trong nhóm về một cử chỉ, thái độ, một lời nói hay việc làm tốt để tỏ lòng nhân ái đối với người chung quanh.

Sống Lời Chúa: Nói lời ôn hoà hay nở một nụ cười thân ái với ai xúc phạm đến bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đấng rất nhân từ, xin ban ơn Thánh Thần đến trong con, hoán cải tâm hồn vốn ích kỷ hẹp hòi của con, giúp con đủ sáng suốt để sống và cư xử tốt với nhau, như Chúa hằng đối xử như vậy với chúng con. Amen.



17/07/21 
THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Mt 12,14-21

HIỀN NHƯ GIÊ-SU

“Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng gì giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy. Tim đèn còn leo lét, chẳng nỡ tắt đi cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng.” (Mt 12,19-20)

Suy niệm: Trên đời này, không có tên nào đẹp bằng tên “Giê-su”, bởi vì “Giê-su” có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Đức Giê-su, “Thiên Chúa cứu độ” ấy hẳn phải là người có sức mạnh kinh hồn, một trí tuệ sắc sảo, một tài năng độc nhất vô nhị. Thế nhưng, sức mạnh nơi Đức Giê-su là sức mạnh của sự dịu dàng, hiền hòa, của con tim thương xót; trí tuệ nơi Ngài dựa trên lý lẽ cao nhất là lý lẽ của tình yêu; và tài năng của Ngài là tài năng khéo léo của việc phục vụ. Chính vì thế, ta không lạ gì khi thấy Ngài không đành bẻ gãy cây sập giập nát, nhưng nâng nó đứng thẳng lên, cũng chẳng dập tắt tim đèn leo lét, nhưng khơi lại cho nó bừng cháy. Ngài không thất vọng, nhưng vẫn luôn gây hy vọng và khích lệ người yếu kém.

Mời Bạn: Khám phá ra khuôn mặt dịu hiền của Đức Giê-su, cung cách đối xử nhân từ của Ngài, thái độ kiên nhẫn và khích lệ người yếu kém tiến bước. Ngài không cứu độ thế giới bằng phương pháp bạo động, nhưng là bất bạo động.

Chia sẻ: Tôi thường lớn tiếng và hay cãi vã với ai? Tại sao? Tôi sẽ làm gì để khắc phục thói xấu này?

Sống Lời Chúa: Để noi gương dịu hiền và thương xót của Đức Giê-su, tôi sẽ tập không to tiếng với người khác khi gặp điều trái ý.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa thật nhân hậu, hiền lành: Chúa không bẻ gãy cây lau bị giập, cũng chẳng giập tắt tim đèn leo lét. Xin giúp chúng con biết đối xử với nhau trong tình yêu thương và nhân hậu như Chúa.

Chia sẻ Bài này:

Related posts