23/08/20 CHÚA NHẬT TUẦN 21 TN – A
Mt 16,13-20
PHÚC CHO TA!
“Người ta nói Con Người là ai?”… Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,13.16)
Suy niệm: “Người ta nói Con Người là ai?” Thành ngữ “Con Người” xuất hiện 80 lần trong bốn sách Tin Mừng. Thư Do Thái đã xác nhận: “Con người đó, chính là Chúa Giê-su” (Dt 2,9). Con người Giê-su ấy được dân chúng đánh giá rất cao: là Gio-an Tẩy Giả – người mà “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ không ai cao trọng hơn” (Mt 11,11); là Ê-li-a, người đã đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu thế… Phần các môn đệ, khi được Thầy hỏi, Phê-rô đã trả lời thay cho anh em: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. “Đấng Ki-tô” là Đấng được xức dầu và được sai xuống trần gian – Đấng Thiên Sai – Đấng được hứa từ ngàn xưa. Đấng đó là Thầy, là Con Thiên Chúa hằng sống. Đức Giê-su đã khen Phê-rô “có phúc” vì lời tuyên xưng này: “vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Hôm nay, nếu chúng ta có tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì đó cũng là ơn ban Chúa Cha dành cho chúng ta; chúng ta là người có phúc!
Mời Bạn: Niềm tin vào Đức Giê-su là Chúa, không phải là câu trả lời một lần thay cho tất cả, nhưng đòi hỏi chúng ta tuyên xưng mỗi ngày, vì cuộc sống với bao nhiêu vị “chúa” khác vẫy gọi, mời chào. Nhưng chỉ có một Chúa là Hằng Sống mà thôi.
Sống Lời Chúa: Tôi tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, mỗi khi vào nhà thờ, tôi cúi mình thờ lạy sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đức tin là ơn ban của Chúa. Con có được niềm tin vào Chúa là phúc Chúa dành cho con. Con xin đội ơn Chúa. Amen.
24/08/20 THỨ HAI TUẦN 21 TN
Th. Ba-tô-lô-mê-ô, tông đồ
Ga 1,45-51
CHÚA THẤY – THẤY CHÚA
Đức Giê-su nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” (Ga 1,50)
Suy niệm: Khi ông Phi-líp-phê giới thiệu Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, ông Na-tha-na-en –chính là ông Ba-tô-lô-mê-ô trong Nhóm Mười Hai– thoạt đầu tưởng rằng chẳng có gì đáng bận tâm về con người mang tên Giê-su, con bác thợ Giu-se, đến từ Na-da-rét, một nơi “nào có chi hay”. Nhưng khi được trực tiếp gặp Ngài, ông mới vỡ lẽ Ngài đã thấy ông từ trước, đã biết ông còn hơn ông biết chính mình, và cho biết ông sẽ còn được thấy “những điều lớn lao hơn”.
Bạn thân mến, lâu nay chúng ta vẫn tưởng rằng mình tìm thấy Chúa, nhưng đúng hơn Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh chúng ta, và tỏ ra cho chúng ta sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài qua các biến cố vui buồn của đời sống. Trong hành trình đức tin, hãy luôn nhớ có Chúa đồng hành với bạn và tha nhân, nhờ đó Chúa sẽ cho bạn thấy “những điều lớn lao hơn nữa.” Thay vì nhìn dưới lăng kính chủ quan đầy định kiến hay tự hào về mình và coi thường người khác, bạn và tôi hãy sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa và nhìn tha nhân bằng cái nhìn bao dung của Ngài.
Sống Lời Chúa: Để tập quen với cái nhìn của Chúa, mỗi ngày bạn dành thời gian chiêm ngắm Chúa Giê-su trong Tin Mừng, nhờ đó cách suy nghĩ và hành động của Ngài có thể thấm nhiễm vào đời sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường cố gắng ‘tốt khoe – xấu che,’ không dám sống thật con người của mình. Xin Chúa cho chúng con biết can đảm sống sự thật, để chúng con nhìn thấy Chúa, bước theo Chúa trên con đường về quê trời. Amen.
25/08/20 THỨ BA TUẦN 21 TN
Th. Lu-y
Mt 23,23-26
THỰC THI ĐIỀU CHÍNH YẾU
“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề luật là công lý, lòng nhân và thành tín.” (Mt 23,23b)
Suy niệm: Đối với người Do Thái, nộp thuế thập phân là nghĩa vụ bắt buộc để góp phần xây dựng nhà Chúa. Thông thường dân Chúa chỉ phải nộp cho Đền thờ một phần mười hoa lợi mùa vụ chính, còn bạc hà, thì là, rau húng là nông sản phụ, không buộc phải dâng cúng. Chỉ những ai muốn giữ luật cách triệt để mới nộp thuế thập phân về các loại rau này. Mặc dù hành động này đáng quý, nhưng nó chỉ là tùy phụ, là “con muỗi” so với bổn phận thực thi công lý, lòng nhân và thành tín. Bởi các nhân đức ấy mới là điều quan trọng, là bổn phận chính yếu Thiên Chúa kỳ vọng con người thi hành trong đời sống hằng ngày để tôn vinh danh Ngài.
Mời Bạn: Nhìn vào đời sống của các Ki-tô hữu hôm nay, chúng ta thấy nhiều Ki-tô hữu đang ưu tiên cho cái tùy phụ, mà bỏ quên điều chính yếu. Họ chọn tiền bạc, công danh sự nghiệp, vì coi đó là điều quan trọng hơn là tham dự thánh lễ, lãnh nhận bí tích, và chăm lo cho đức tin. Một số khác chỉ chú trọng đến việc đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ, nhưng lại ít lưu tâm đến bổn phận sống đức ái, ngại hy sinh và thiếu sự liên đới với người nghèo, v.v… Còn bạn thì sao?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bạn trung thành làm ít nhất một việc bác ái, để nhắc mình luôn nhớ đến bổn phận chính yếu trong đời sống đạo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để chúng con vì mải mê thế sự mà bỏ quên điều chính yếu là phụng sự Chúa và yêu thương anh em. Xin Chúa soi sáng cho chúng con biết việc phải làm, và thôi thúc chúng con dấn thân để làm vinh danh Chúa hơn. Amen.
26/08/20 THỨ TƯ TUẦN 21 TN
Mt 23,27-32
CHÚA NHÌN THẤY BÊN TRONG
“Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)
Suy niệm: Người ta vẫn thường nhắc nhở: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng chúng ta vẫn bị quyến rũ mạnh mẽ bởi cái dáng vẻ bên ngoài. Chính vì thế trước những chiêu quảng cáo tinh vi, các khách hàng là “thượng đế” dễ dàng mềm lòng tưởng rằng chất lượng sản phẩm tất nhiên đi đôi với mẫu mã đẹp hoặc tin như đinh đóng cột rằng khi dùng những sản phẩm này hoặc dịch vụ nọ mình sẽ đẹp hơn, thông minh hơn, “đẳng cấp” hơn… Tình trạng “mập mờ đánh lận con đen” ấy càng dễ xảy ra trong đời sống tâm linh: Có biết bao người “ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa một bồ dao găm” và Thánh Vịnh cũng điểm mặt: “Miệng thì chúc phúc cầu an, mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời” (Tv 62,5b). Chúa khiển trách họ nặng nề và gọi họ là những “nấm mồ tô vôi” bên ngoài đẹp đẽ mà trong thì đủ mọi thứ ô uế.
Mời Bạn: Liệu Chúa Giê-su có đang nhìn bạn và nói: “ngươi cũng giống như một nấm mồ tô vôi” không? Bạn hãy xét lại những công việc đạo đức, từ thiện của bạn có đang thiếu sức sống vì chỉ mang tính hình thức mà không có tấm lòng không?
Chia sẻ: Các hoạt động trong giáo xứ bạn có chú ý đến chiều sâu cầu nguyện, lòng bác ái hay chỉ có hình thức hoành tráng bên ngoài?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình để đừng ảo tưởng về mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhìn thấy bản thân con như Chúa thấy con, và giúp con sống trung thực với chính mình, với Chúa và với tha nhân. Amen.
27/08/20 THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Th. Mô-ni-ca
Mt 24,42-51
HÃY SẴN SÀNG
“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44)
Suy niệm: Câu ngạn ngữ “cẩn tắc vô ưu” có thể lột tả được ý Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi cẩn trọng trung tín với bổn phận, người đầy tớ sẽ vô ưu: Vô ưu là không bị ông chủ cho nghỉ việc, được ông đưa vào bàn ăn, thăng chức cho người tôi tớ tín trung. Người đầy tớ khôn ngoan biết hóa giải cái bất ngờ của việc chủ xuất hiện bằng sự tỉnh thức. Tỉnh thức là không ỷ lại việc chủ vắng nhà, mà tự tung tự tác “vọc niêu tôm,” không chè chén say sưa, cũng chẳng ức hiếp đồng bạn. Tỉnh thức là thái độ khôn ngoan nhất của người đang chờ đợi một điều sẽ phải xảy đến, biết nhìn xa hơn những gì đang diễn ra trước mắt. Nếu không, cơ hội hiếm hoi sẽ qua đi mà không có lần thứ hai.
Mời Bạn: Hối tiếc có nghĩa là đã muộn màng. Có những muộn màng còn kịp sửa đổi cứu vãn; cũng có những muộn màng chỉ còn biết hối tiếc chứ không làm gì được hơn. Bạn chỉ sống cuộc đời này có một lần. Đừng để mình hối tiếc vào những giây phút cuối của cuộc đời ấy. Nếu không muốn hối tiếc, bạn ghi khắc lời Chúa dạy: Hãy sẵn sàng.
Sống Lời Chúa: Mỗi phút giây, mỗi biến cố xảy ra trong cuộc đời là dấu chỉ, tín hiệu Chúa gửi đến, để ta sống tốt hơn hoặc điều chỉnh lại cuộc sống của chính mình. Bạn hãy biết lợi dụng cách trân trọng từng phút giây, hãy quan tâm đến các sự kiện biến cố mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhìn lên Chúa qua hình ảnh Người Tôi trung của Đức Chúa như ngôn sứ I-sa-i-a tiên báo. Xin cho con được sự khôn ngoan, luôn biết tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa đến trong cuộc đời, nhất là qua việc trung tín chu toàn bổn phận. Amen.
28/08/20 THỨ SÁU TUẦN 21 TN
Th. Au-gút-ti-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 25,1-13
CHUẨN BỊ CHO CUỘC GẶP GỠ
“Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” (Mt 25,8)
Suy niệm: Theo phong tục Do Thái, để tránh cái nóng ban ngày, việc rước dâu thường diễn ra ban đêm, có khi là nửa đêm. Các trinh nữ phụ dâu phải chuẩn bị đèn và dầu dự trữ, để trong trường hợp chàng rể bất ngờ đến chậm, các cô sẵn sàng bước vào phòng tiệc với đèn cháy sáng trong tay. Chàng rể Giê-su cũng sẽ đến bất ngờ để đưa ta vào Tiệc cưới vĩnh cửu của Nước Trời. Mỗi ki-tô hữu cũng được mời gọi chuẩn bị sẵn sàng đèn-dầu là niềm vui, việc lành phúc đức, là sống thánh giây phút hiện tại, cho cuộc gặp gỡ tuy không được báo trước, nhưng chắc chắn sẽ đến, với Đấng Lang quân của đời mình.
Mời Bạn: Thánh Au-gút-ti-nô đã từng là “trinh nữ khờ dại” trong cuộc sống sa đoạ, chạy theo tư tưởng lạc giáo, nhưng đã hoán cải trở thành “trinh nữ khôn ngoan” say mê Thiên Chúa. Có thể bạn đang là “trinh nữ khờ dại” nhưng hãy hoán cải để trở thành “khôn ngoan” “thưởng thức và sống trọn vẹn cái hiện tại, dùng các năng lực của mình vào những điều tốt lành, vun xới tình huynh đệ, học theo Đức Giê-su và tận dụng những niềm vui bé nhỏ của đời sống… là những quà tặng của tình yêu Thiên Chúa” (Christus Vivit 147).
Chia sẻ: Bạn đang chuẩn bị đèn-dầu của mình như thế nào để sống đời Ki-tô hữu tốt lành, chờ đợi ngày Chúa đến?
Sống Lời Chúa: Tôi tận dụng các cơ hội trong ngày sống, tạo ra những khoảnh khắc đầy tràn yêu thương, để giữ sáng ngọn đèn đức tin của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, các đam mê, sự đơn điệu của ngày sống kéo ghì con xuống, con quên mất tích trữ dầu tin-cậy-mến. Xin Chúa biến đổi con. Amen.
29/08/20 THỨ BẢY TUẦN 21 TN
Th. Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29
BẢO VỆ GIÁ TRỊ HÔN NHÂN
Hê-rô-đê đã sai người đi bắt Gio-an và xiềng ông trong ngục, lý do vì ông Gio-an nói với vua là không được phép lấy vợ của anh mình. (Mc 6,17)
Suy niệm: Trong khi Hê-rô-đê vì ham danh háo sắc đã bịt tai trước tiếng lương tâm ngay chính và chiếm đoạt người vợ của anh mình, thì Gio-an Tẩy Giả, người ngôn sứ cuối cùng, sẵn sàng chịu tù đày để làm chứng cho chân lý, bảo vệ luật hôn nhân. Thái độ của Gio-an Tẩy Giả là một tuyên ngôn cho thấy rằng giá trị của hôn nhân là tuyệt đối, không ai có quyền xâm phạm dù đó là người có chức có quyền đến đâu đi nữa. Đồng thời đó cũng là lời chứng cho sứ mạng của người ngôn sứ: phải nói lời của Thiên Chúa, cho dù “nói thật mất lòng”, và thậm chí mất mạng nữa.
Mời Bạn: Các gia đình công giáo là những người trực tiếp thực thi sứ mạng ngôn sứ làm chứng cho giá trị của hôn nhân. Thực trạng cho thấy biết bao nhiêu bóng tối đang bao phủ các gia đình, kể cả gia đình công giáo. Chính khi đứng trong cảnh tranh tối tranh sáng này, các gia đình càng có sứ mạng làm chứng cho các giá trị của hôn nhân không phải bằng cách chết mà bằng cách sống những giá trị đó trong cuộc sống gia đình của mình.
Chia sẻ: Chúa Giê-su dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.” Bạn và tôi, chúng ta đã góp phần thế nào để thực hiện lời Chúa nói trên?
Sống Lời Chúa: Trong gia đình, vợ chồng biết đối thoại với nhau trong tinh thần yêu thương và kính trọng nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các gia đình công giáo biết sống trung thành với lời cam kết hôn nhân để làm cho tình yêu chung thuỷ của Chúa Ki-tô với Hội Thánh. Amen.