5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 08-2022

07/08/22 CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – C
Lc 12,32-48

 

NHƯ NGƯỜI TÔI TỚ TRUNG TÍN

Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)

Suy niệm: Một triết gia nọ nói rằng “Con người sinh ra để chết”. Chúng ta không nghĩ như ông, vì con người sinh ra ở đời để sống, cái chết chỉ là một khoảnh khắc chuyển tiếp; cái chết không phải là dấu chấm hết của kiếp người mà là một bước tiến sang cuộc sống đời sau. Cái chết chắc chắn sẽ đến với từng người, nhưng lại đến cách bất ngờ, rất bất ngờ. Trong cuộc sống, để tránh những điều bất ngờ, chúng ta thường có sự chuẩn bị nhiều điều: binh lính tập trận, lính cứu hỏa thực tập chữa cháy… Trong bài Tin Mừng, để giúp ta chuẩn bị trước bất ngờ của sự chết, để khi sự chết đến, ta khỏi bất ngờ, Chúa làm như một người chủ đi vắng. Ta hãy có tư thế sẵn sàng như người đầy tớ ban đêm đợi chủ trở về, không phải với tâm trạng sợ sệt, nhưng tin tưởng và hy vọng. Chủ về bất cứ giờ nào cũng hài lòng vì thấy người tôi trung đang chu toàn nhiệm vụ.

Mời Bạn: Đừng chia cuộc sống thành những giây phút có Chúa hiện diện và Chúa đi xa. Bạn lúc nào cũng đang sống, đang làm việc dưới cái nhìn yêu thương chăm sóc của Chúa.

Sống Lời Chúa: Dù học hành tại trường, lao động tại xí nghiệp, buôn bán giữa chợ đời, thư giãn nơi giải trí, nghỉ ngơi tại gia đình, hãy luôn nhớ rằng mình đang hoạt động trong Chúa, theo tinh thần của con cái trung tín với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con trưởng thành như những con người tự do thật sự, vì thế, Chúa ẩn mình mặc dù vẫn hiện diện bên chúng con. Xin cho chúng con luôn trung tín và sẵn sàng theo tinh thần của Chúa.

 

08/08/22 thứ hai tuần 19 tn
Th. Đa-minh, linh mục
Mt 17,22-27

 

ĐỂ KHÔNG LÀM CỚ VẤP PHẠM

Đức Giê-su hỏi đón ông: “Si-mon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu…” (Mt 17,25-27)

Suy niệm: Hai quan tiền tương đương hai ngày công là tiền thuế đàn ông Do Thái trưởng thành phải nộp, nhằm trang trải cho các chi phí của Đền thờ. Khi Chúa Giê-su phân biệt tư cách “con cái-người ngoài” trong việc nộp thuế đền thờ, Ngài gián tiếp xác nhận Ngài là Con Thiên Chúa, theo lẽ “con cái được miễn”. Tuy nhiên, điều đáng nói là Chúa Giê-su lại không muốn làm cớ cho người khác vấp phạm: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” Người hoàn toàn tự do để chọn lựa, nhưng đã chọn cách nộp thuế như bao người. Hẳn đó không phải vì sự công bằng mà vì lòng bác ái.

Bạn nhớ rằng, tự do không có nghĩa muốn làm gì cũng được, nhưng là tự nguyện làm điều xứng hợp phẩm giá của mình. Có nhiều việc không buộc phải làm, nhưng vì đức bác ái, tránh “gây cớ vấp phạm,” bạn vẫn nên làm. Do đó, trước khi làm, cần phân định: tôi làm điều này có gây thiệt hại hay gương mù cho cộng đoàn không? Thái độ hy sinh, chấp nhận hy sinh vì thiện ích chung là điều chúng ta phải hướng tới.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn tập suy nghĩ và sống cho người khác, không đòi quyền lợi cho bản thân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đong đầy trái tim con sự khiêm nhường và lòng quảng đại, để con biết sống bác ái với người khác, nhất là đừng làm cớ cho ai phải vấp ngã vì con. Amen.

 

09/08/22 THỨ BA TUẦN 19 TN
Th. Tê-rê-xa Bê-nê-đi-ta Thánh giá, nữ tu, tử đạo
Mt 18,1-5.10,12-14

 

NƯỚC TRỜI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

Đức Giê-su gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các môn đệ và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (Mt 18,2-3)

Suy niệm: Nước Trời không thuộc về thế gian, vì thế, tiêu chuẩn đánh giá cũng như phương thức hoạt động của Nước Trời cũng khác với thế gian. Điều mà thế gian cho là khôn ngoan thông thái thì Thiên Chúa phế bỏ (1Cr 1,19). Và những câu chuyện thuộc về Nước Trời dường như chứng mình điều ngược lại: cậu bé Đa-vít lại thắng gã khổng lồ Gô-li-át; một nhóm nhỏ dân Ít-ra-en được lãnh đạo bởi Mô-sê lại thắng Pha-ra-ô với quân binh hùng hậu… Trong Tân Ước, Chúa Giê-su ví Nước Trời như hạt cải nhỏ bé được gieo xuống đất hay nắm men được vùi vào ba thúng bột… (Mt 13,31-35). Ai làm lớn thì phải trở nên nhỏ nhất và phục vụ mọi người. Quả vậy, “những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Thiên Chúa” (1Cr 1,28-29).

Mời Bạn: Trở lại và nên như trẻ nhỏ không phải là quay về tình trạng ấu trĩ, con nít, mà là đạt đến chiều kích trưởng thành tâm linh. Đây là công trình của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ ‘tước đoạt vũ khí’ của những kẻ tự cho mình mạnh, để quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ qua sự yếu đuối: khi đó, người ta sẽ nói được như Thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Sống Lời Chúa: Hãy sẵn sàng với biến cố ‘hiện xuống’ của Chúa Thánh Thần, vì Ngài như gió, muốn thổi đâu thì thổi.

Cầu nguyện: Hát hoặc đọc kinh Chúa Thánh Thần.

 

10/08/22 THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Th. Lô-ren-xô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26

 

ĐỂ GIỮ MÃI SỰ SỐNG

“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25)

Suy niệm: Ai cũng cho rằng cuộc sống mình đang sống là của riêng mình. Tiếp tục cuộc sống hay dập tắt nó là tùy ở tôi. Tôi có quyền định đoạt. Nghĩ tưởng thế, nhưng khi cái chết đến, những gì tôi tưởng có thể giữ mãi được, chúng vuột mất khỏi tay tôi mà không một lời báo trước, cả điều tôi tha thiết nhất là mạng sống. Điều tôi cố giữ thì lại mất. Ngược lại, nếu tôi không cố bám víu vào cuộc sống này, biết mở rộng lòng ra với Đấng đã chết cho tôi và sống lại vì tôi; nếu tôi chấp nhận đưa tay cho Ngài nắm lấy, thì đường tôi đi tới mở rộng thênh thang và sự chết không gì khác hơn là một cuộc vượt qua đi vào cuộc sống đời đời. Thành ra ý nghĩa cuộc sống đời này nằm ở chỗ biết mở rộng lòng đón nhận lời Chúa và thực hành.

Mời Bạn: Mở lòng ra với Chúa là sống yêu thương, hiệp thông, chia sẻ, phục vụ cùng với Đức Ki-tô và theo gương Đức Kitô. Lòng bạn đang vươn rộng tới đâu, có vượt xa hơn bản thân của bạn hay không?

Chia sẻ: Các thánh tử đạo đã chấp nhận mất sự sống gì và họ tin sẽ được sự sống gì?

Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc hy sinh, bác ái để bày tỏ lòng mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì quá yêu thương, Chúa đã đặt danh thánh Chúa trên miệng chúng con, trao công cuộc Chúa làm vào tay chúng con. Xin cho chúng con trở nên nghèo khó và bớt tin chắc vào sự phù vân, được thong dong không gì ràng buộc, để chúng con lại bắt đầu hiểu Tin Mừng và đi theo con đường Chúa đi.             

 

11/08/22 THỨ NĂM TUẦN 19 TN
Th. Clara, trinh nữ
Mt 18,21-19,1

 

THA THỨ LUÔN MÃI

Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22)

Suy niệm: Truyền thống Do Thái giới hạn việc tha thứ ở mức ba lần (x. Am 1,3; 6,9). Có lẽ Phê-rô cảm thấy một chút tự hào khi hỏi Chúa Giê-su có phải tha đến bảy lần không, vì ông nghĩ rằng mình quảng đại hơn nhiều so với truyền thống và trổi vượt sự công chính của người Pha-ri-sêu cũng như giới luật sĩ. Câu trả lời của Chúa Giêsu mở ra nét mới mẻ của Tin Mừng về Nước Thiên Chúa: phải tha đến bảy mươi lần bảy! Phê-rô loay hoay bận tâm về số lần, thì Chúa Giêsu lại nói đến chuyện thái độ. Tha bảy mươi lần bảy nghĩa là tha thứ luôn mãi, tha thứ không giới hạn. Quả thật, trong vương quốc của Đức Giê-su, chiếc vòng kim cô của lòng thù hận đã được tháo gỡ và thay thế bằng tinh thần tha thứ vô điều kiện.

Mời Bạn: Trong thực tế, tha thứ không phải là điều dễ dàng chút nào. Một nữ triết gia Do Thái, khi chứng kiến nạn diệt chủng của Đức quốc xã đối với đồng bào mình, đã phải thốt lên: “Tha thứ là một phép lạ!” Không ít lần trong đời chúng ta kinh nghiệm nỗi khó khăn của việc tha thứ. Chúa mời gọi chúng ta bắt chước mẫu gương tha thứ của Ngài trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi tập tha thứ cho một người đã từng xúc phạm đến mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khấng xin Chúa ban cho con một trái tim độ lượng để biết tha thứ cho anh chị em mình. Amen.

 

12/08/22 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Săng-tan, nữ tu
Mt 19,3-12

 

ĐỪNG PHÂN LY!

Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. (Mt 19,8)

Suy niệm: Xã hội ngày nay nhân danh tự do hạnh phúc của cặp đôi để tán thành giải pháp ly hôn. Càng nguy hiểm hơn, nhiều người lập luận ly hôn là bản vá lỗi khi hôn nhân ngột ngạt ‘nhạt thủy chung’. Thay vì hàn gắn những tổn thương và mâu thuẫn, văn hóa hiện đại chọn cách của những người Pha-ri-sêu: nại vào tiền nhân “Mô-sê đã cấp giấy ly dị mà rẫy vợ” (c.7). Chúa Giê-su phản bác điều đó bằng cách nhắc lại điều Thiên Chúa đã thiết định từ ban đầu: người nam người nữ “sẽ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (x. St 2,24-25; Mt 19,5-6). Hôn nhân là một cam kết không được phá vỡ, chứ không phải là một tờ hôn thú mà vợ chồng có thể xé bỏ khi chẳng còn thích nhau.

Mời Bạn: Các vụ ly dị ngày một gia tăng; nhưng đó không phải là lý do biện hộ cho chủ trương chối bỏ tính cách bất khả phân ly của hôn nhân. Sự chung thuỷ vợ chồng không phải là sự ràng buộc phi nhân và phi lý. Trái lại, nhờ bí tích hôn nhân, đôi vợ chồng trở nên hiện thân và chứng nhân của mầu nhiệm kết hợp giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh (Ep 5,25-33).

Sống Lời Chúa: “Yêu thương và kính trọng nhau suốt đời” là lời cam kết của đôi bạn trong ngày thành hôn. Để đạt được hạnh phúc bền vững trong đời sống gia đình mỗi người quan tâm chăm sóc nhau trong tinh thần đó.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Tình yêu, xin gia tăng tình yêu và lòng trung tín, giúp con lớn lên mỗi ngày trong tình yêu, để cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Amen.

 

13/08/22 THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Th. Pon-xi-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo
Mt 19,13-15

 

HÃY ĐỂ CHÚNG TÔI ĐẾN VỚI CHÚA!

Bấy giờ người ta dẫn các trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. (Mt 19,13)

Suy niệm: Xã hội kêu gào các công dân hãy dành cho con em mình những điều tốt đẹp nhất. Đó là mối bận tâm lớn nhất của mọi người nhất là những người có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ. Thế nhưng đâu mới là điều tốt nhất mà những người trẻ đang cần? Và chính những người trẻ có biết điều tốt đẹp đích thực mà mình cần là điều gì không? Những người đem trẻ đến với Chúa Giê-su không phải là để Ngài cho chúng bánh kẹo, hay những thứ vật chất chóng qua, mà là để Chúa đặt tay chúc lành, cầu nguyện cho chúng, để Ngài âu yếm ôm chúng vào lòng, vì Ngài nói “Nước Trời là của những ai có tâm hồn như chúng.” Điều tốt đẹp đích thực cho người trẻ là được hưởng trọn niềm hạnh phúc sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dẫn họ đến hưởng điều đó.

Mời Bạn: Ngày nay nhiều người thay vì dẫn trẻ em, và nói rộng ra những người trẻ, đến với Chúa, thì họ ngăn cản chúng bằng cách trao vào tay thanh thiếu niên những thứ độc hại: những trò chơi bạo lực khiêu dâm, những sản phẩm tiêu xài hoang phí, những phương thế ăn chơi truỵ lạc… Đại hội giới trẻ thế giới năm 2005 có chủ đề “Venimus adorare eum” (Chúng tôi đến thờ lạy Người) đã trở thành lời mời gọi cho thanh thiếu niên chưa? Chính các bạn trẻ hãy hô to lên “Hãy để chúng tôi đến với Chúa”.

Sống Lời Chúa: Mỗi người, cách riêng các bạn trẻ, dành mỗi ngày ít là năm phút để đến với Chúa trong lời cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương những người trẻ hôm nay, và mở ra nhiều con đường dẫn họ đến với Chúa.

Mục Lục

Ngày 1 – 6: Trang 1

Ngày 7 – 13: Trang 2

Ngày 14 – 20: Trang 3

Ngày 21 – 27: Trang 4

Ngày 28 – 31: Trang 5

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts