5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 08-2024

11/08/24 Chúa Nhật tuần 19 tn – b
Ga 6,41-51

 

Thầy ban trót thân mình…

“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)

Suy niệm: Trong trọn bản văn Thánh Lễ của Sách Lễ Rôma, những chữ được in đậm và to nhất chính là ‘lời truyền phép’: “TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN, VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY, SẼ BỊ NỘP VÌ CÁC CON… TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG, VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI...” In đậm và to nhất, bởi vì đây là những lời quan trọng nhất, đây là khoảnh khắc đậm đặc ý nghĩa YÊU THƯƠNG nhất của Thánh Lễ. Trong khoảnh khắc này, Chúa Giê-su dứt khoát trao hiến chính sự sống của Ngài cho chúng ta. Và đây không phải là một quyết định bốc đồng kiểu ‘anh hùng rơm’; đây là cả một chương trình hiến thân được vạch ra từ trước, như bản văn Tin Mừng hôm nay xác nhận.

Mời Bạn: Hãy nghe với cả tâm hồn mình, hãy nghe như lần đầu tiên được nghe những lời tha thiết của Chúa: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con…” Và bạn hãy cảm nhận niềm hạnh phúc được Chúa yêu thương đến mức đó.

Chia sẻ: Hẳn bạn từng trao tặng điều gì thật quí cho bạn hữu, người thân? Hãy mô tả kinh nghiệm ấy. Rồi bạn nhìn lại hành động của Chúa: Ngài yêu thương ta đến mức trao chính bản thân, chính sự sống của Ngài chứ không phải chỉ là một cái gì đó ở ngoài Ngài!

Sống Lời Chúa: Bạn sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước lễ với cả tâm tình.

Cầu nguyện: Hát: “Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng… Thầy yêu chúng con Thầy ban trót thân mình, để nuôi chúng con ngày lưu ký trần gian…”

 

12/08/24 thứ Hai tuần 19 tn
Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Săng-tan, nữ tu
Mt 17,22-27

 

Trách nhiệm

Chúa Giê-su bảo Phê-rô rằng: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” (Mt 17,27)

Suy niệm: Hằng năm, những người đàn ông Do thái từ 20 tuổi phải đóng hai quan tiền thuế cho Đền thờ. Với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su không phải nộp khoản thuế này. Tuy nhiên, để tránh gương xấu cho người khác, Chúa bảo Phê-rô đóng thuế cho Ngài và cho ông nữa. Cách hành xử của Chúa không dựa trên tiêu chuẩn công bằng mà theo bác ái. Chúa Giê-su xuống trần gian không phải để đòi quyền hành của Thiên Chúa, nhưng để làm người, gắn bó với dân tộc, chấp nhận nghĩa vụ công dân như mọi người.

Mời Bạn: Tước hiệu Ki-tô hữu không phải là đặc quyền, nhưng là đòi hỏi: sống như mọi người, và hơn thế nữa, chu toàn nhiệm vụ của người công dân trần thế và cả công dân Nước Trời. Bạn hãy nhớ mình vừa là Ki-tô hữu vừa là người Việt Nam.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về tư tưởng sau đây: “Người ta chịu trách nhiệm về việc mình làm, việc mình không làm, và cả việc mình ngăn cản không cho làm”?

Sống Lời Chúa: Không trốn tránh các việc bổn phận, nhưng làm với tinh thần trách nhiệm của người Ki-tô hữu: hiền lành, tận tâm, công bằng, trung thực…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con nỗ lực sống xứng đáng là công dân tốt của trần thế, và hơn thế nữa, là muối men, ánh sáng của người công dân Nước Trời. Xin dạy con sống theo gương của Chúa, để con thực sự trở nên mọi sự cho mọi người. Amen. (x. 1Cr 9,22)

 

13/08/24 thứ Ba tuần 19 tn
Th. Pon-ti-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo
Mt 18,1-5.10.12-14

 

Kẻ lớn nhất trong nước trời

“Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,4)

Suy niệm: Các môn đệ xem ra bị ám ảnh bởi quan niệm lớn-bé, nhất-nhì, đến nỗi nhiều lần tranh cạnh nhau ra mặt và không úp mở đặt thẳng vấn đề với Chúa. Để trả lời, Chúa gọi một em bé đến đứng trước mặt các ông. Ta tưởng tượng các ông chưng hửng như thế nào! Trật tự trong Nước Trời khác hẳn trật tự trong trần thế. Chúa muốn các môn đệ của Ngài có tinh thần khiêm tốn nên đã cho các ông một bài học thiết thực. Chính sự tự hạ sẽ làm cho một người bé mọn nhất ở trần gian thành người lớn nhất trong Nước Trời.

Mời Bạn: Phải chăng bài học của Chúa không còn thích hợp với người thời nay nữa, bởi với nền kinh tế thị trường, đâu cũng chỉ thấy sự cạnh tranh ráo riết, hơn thua, đến nỗi người ta không chịu lép vế, ai cũng muốn mình phải hơn, phải thắng? Điều khó khăn nhất không phải là thắng người, mà là thắng chính mình, thắng được tính ích kỷ, kiêu căng của mình. Người như thế mới thật là người “vĩ đại”. Tục ngữ xưa dạy tinh thần nhún nhường: “Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà muốn nữa, tôi thì thứ ba”.

Chia sẻ: Có khi nào bạn cảm nghiệm điều này: Khi muốn hơn người,  tôi thấy lòng mất bình an. Ngược lại bạn có cảm nhận được khi nhún nhường, có một sự bình an sâu thẳm tuôn trào trong lòng bạn không?

Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn sống khiêm tốn, nhỏ bé như Chúa đã sống và đã dạy chúng con. Amen.

 

14/08/24 thứ Tư tuần 19 tn
Th. Mắc-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo
Mt 18,15-20

 

Gặp chúa trong cộng đoàn

Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ.(Mt 18,20)

Suy niệm: Ngay từ thời các tông đồ, nếp sống của các tín hữu đã hiện thực hoá Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ.” Quả thật, các Ki-tô đầu tiên đã sớm quy tụ thành cộng đoàn: họ đồng tâm nhất trí, để mọi sự làm của chung, chăm chỉ nghe giáo huấn các Tông đồ, dự tiệc Bẻ Bánh, chuyên cần cầu nguyện. Họ sống đơn sơ vui vẻ và được toàn dân thương mến. Qua chứng tá đời sống của họ, người ta thấy Chúa Giê-su đang hiện diện trong cộng đoàn, biến đổi và làm cho cộng đoàn mỗi ngày một tăng trưởng.

Mời Bạn: Hội Thánh là dân thánh của Thiên Chúa, nhờ Thánh Thần là hồn sống của Hội Thánh nối kết họ lại trong Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Vì thế các sinh hoạt trong Hội Thánh phải giúp tín hữu quy hướng về Chúa và dưới ánh sáng Lời Chúa; bằng không đó chỉ là ‘sự kiện’ hay lễ hội văn hóa đời thường.

Sống Lời Chúa: Xứ đạo là cộng đoàn Hội Thánh. Vì thế, khi hội họp nhau bàn bạc công việc chung, chúng ta không theo ý muốn riêng tư hay tinh thần thế tục, nhưng để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn ngõ hầu chúng ta có thể nhận ra và làm theo ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Chúa luôn hiện diện trong Lời Chúa và trong các Bí tích của Hội Thánh. Xin cho chúng con sốt sắng đến gặp Chúa để tiếp nhận ánh sáng và sức sống Chúa trong các cử hành phụng vụ của Hội Thánh. Amen.

 

15/08/24 thứ Năm tuần 19 tn
Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Lc 1,39-56

 

Linh hồn tôi ngợi khen chúa

“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa… Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,46-48)

Suy niệm: Nơi Đức Ma-ri-a kết hợp những thực tại xem ra rất khác biệt không thể dung hoà: nữ tỳ khiêm tốn trở thành “đối tác” với Thiên Chúa chí tôn; trinh nữ “không biết đến người nam” lại cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; và nơi cung lòng của Mẹ, bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính con người trong con người Giê-su. Những sự kết hợp tuyệt vời ấy được diễn tả cách tuyệt vời qua lời tụng ca Magnificat. Mẹ cất tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, với niềm vui và sự rung động sâu xa tận tâm hồn: vì Mẹ nhận ra tình thương Chúa đang cúi xuống trên những con người nghèo hèn bé nhỏ; vì Mẹ nhận ra  rằng: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc,” không phải vì mình có công trạng khả năng gì, nhưng vì “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.

Mời Bạn: Vâng, lời ca tụng Magnificat không chỉ diễn tả tâm tình của Mẹ “hớn hở vui mừng” lúc bình minh ơn cứu độ, mà còn cảm nghiệm lòng thương xót Chúa khi đứng dưới chân thập giá và tôn vinh cánh tay Ngài biểu dương sức mạnh trong ngày Chúa Ki-tô phục sinh. Điều đó cho bạn và tôi thấy được tính chất ngôn sứ của Đức Ma-ri-a và của những ai dám theo Chúa đi vào đời với một niềm tin yêu hy vọng.

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Ma-ri-a, chúng ta hãy thể hiện niềm tin trong cuộc sống qua việc sống khiêm nhu và phục vụ để nâng cao phẩm giá những ai bé nhỏ, đói nghèo, bị khinh chê, bỏ rơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có được tâm tình sống như Mẹ để cuộc sống hôm nay là con đường đưa chúng con đến hạnh phúc thiên đàng.

 

16/08/24 thứ Sáu tuần 19 tn
Th. Tê-pha-nô Hung-ga-ri
Mt 19,3-12

 

ơn gọi của tôi

“Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.” (Mt 19,12)

Suy niệm: Chúa Giê-su mạnh mẽ bảo vệ sự linh thánh của ơn gọi hôn nhân khi phản bác việc ly dị: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Nhưng Ngài cũng không tán thành chủ trương ‘ở vậy’, sống độc thân, chỉ vì muốn tránh né đòi buộc cao của cuộc sống hôn nhân. Mọi người đều được mời gọi sống thánh thiện như Thiên Chúa là đấng thánh (x. Mt 5,48). Hôn nhân hay tu trì đều là ơn gọi mà Chúa mời gọi mỗi người một cách khác nhau để làm chứng cho Chúa. Người sống đời hôn nhân làm chứng cho tình yêu và sự kết hợp của Chúa Ki-tô với Hội Thánh (x. Ep 5,21-33). Còn người tu trì sống đời “độc thân vì Nước Trời” thì làm chứng cho cuộc sống vĩnh cửu trên thiên quốc, nơi “người ta chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22,30).

Mời Bạn: Trong thực trạng xã hội hôm nay, ơn gọi hôn nhân hay tu trì đều có những tín hiệu báo động. Số cặp vợ chồng trẻ ly dị ngày một tăng cao, trong khi đó ơn gọi tu trì sống đời thánh hiến ngày một giảm sút. Ơn gọi hiện tại của bạn là gì, bạn đang sống ơn gọi ấy với tinh thần và thái độ như thế nào? Dù sống ơn gọi nào, bạn cũng cần quảng đại hy sinh để làm chứng cho Chúa.

Sống Lời Chúa: Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương, bỏ đi những phóng đãng, đam mê, thay vào đó bằng quảng đại hy sinh tha thứ trong cuộc sống thường ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tạ ơn Chúa đã chọn gọi con để nên thánh trong bậc sống hiện tại này. Xin giúp con quảng đại sống hoàn thiện trong ơn gọi để làm chứng cho tình yêu Chúa.

 

17/08/24 thứ Bảy tuần 19 tn
Mt 19,13-15

 

để trẻ em đến với Chúa

“Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng.” (Mt 19,14)

Suy niệm: Trong Cựu Ước có những trẻ nhỏ được tuyển chọn làm sứ giả của Thiên Chúa như Sa-mu-en, Đa-ni-en; dù vậy trong xã hội Do Thái, trẻ em là người không có địa vị, tiếng nói trong cộng đồng, bị coi thường, thậm chí phải dùng roi vọt vì “tâm trí vốn dại khờ” (Cn 22,15). Vì thế, không lạ gì khi các môn đệ la rầy ngăn cấm người ta đem trẻ em  đến với Chúa. Nhưng với Chúa Giê-su thì khác, trẻ em là đối tượng được Ngài yêu thương cách đặc biệt. Ngài nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cấm chúng.” Và cả những ai sống đơn sơ khiêm nhường giống như trẻ em cũng được Chúa yêu thương như vậy: “Vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”

Mời Bạn: Trong xã hội ngày nay, trẻ nhỏ bị “ngăn cấm” đến với Chúa bằng nhiều cách: những quá tải và bất hợp lý trong chương trình học, chứng nghiện trò chơi điện tử và mạng xã hội kèm theo tác hại từ những hình ảnh bạo lực khiêu dâm; ngoài ra còn những gương xấu, bạo hành, lạm dụng mà các trẻ em phải gánh chịu, lắm khi từ chính người thân của chúng… “Hãy để trẻ em đến với Thầy” đó là tâm tình là lời mời gọi của Chúa Giê-su. Chúng ta đã đáp lại lời mời gọi ấy như thế nào?

Sống Lời Chúa: Làm gương sáng, nhắc nhở, hướng dẫn con cái đến với Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các Bí tích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con hoán cải tâm hồn để trở nên giống trẻ thơ; và xin Chúa luôn quan tâm dẫn đưa các trẻ em đến với Chúa. Amen.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts