5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 09-2016

Mục Lục

Ngày 1 – 3: Trang 1

Ngày 4 – 10: Trang 2

Ngày 11 – 17: Trang 3

Ngày 18 – 24: Trang 4

Ngày 25 – 30: Trang 5

* * *

01/09/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11

 

MỘT TƯƠNG LAI RỘNG MỞ

“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5,10)

Suy niệm: Chắc chắn người mặc cảm tội lỗi không thể thi hành bổn phận truyền giáo, dù nhìn nhận sự yếu hèn của mình là điều cần thiết của người loan báo Tin Mừng. Tiên tri I-sai-a và Giê-rê-mi-a mặc cảm sự yếu kém của mình và tìm cách thoái thác sứ mạng ngôn sứ. Phê-rô mang tâm trạng đầy mặc cảm và sợ hãi trước sự cao cả và quyền năng của Chúa nên không dám đi theo Ngài: “Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” Nhưng Chúa đâu muốn để người ta chìm sâu trong mặc cảm và tránh xa Ngài. Ngài đến để cứu chữa chứ đâu phải để tiêu diệt. Chúa đã tha thứ tội lỗi rồi và không hề muốn con người được tha cứ đấm ngực rên rỉ. Vì thế, sau khi nghe I-sai-a thú nhận ông bất xứng làm ngôn sứ, Thiên Chúa đã dùng than hồng thánh hóa môi miệng ông. Tương tự, sau khi nghe Phê-rô xin Chúa tránh xa ông, Chúa Giê-su đã trấn an ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”

Mời Bạn: Nếu ai đã từng nhận thức mình tội lỗi và bất xứng, thì đồng thời cũng hãy nhớ rằng tình yêu của Ngài còn mạnh mẽ hơn: Chúa muốn và có thể tái tạo chúng ta trở nên người mới để đảm nhận lại sứ mạng đưa người thân, người lạ đến với ơn cứu độ. Sau mỗi lần từ tòa giải tội trở về, bạn làm gì để đáp đền lòng Chúa thương xót?  Cứ mãi mặc cảm tội lỗi hay hăng hái bắt đầu lại bằng việc loan báo tình thương của Chúa cho tha nhân?

Sống Lời Chúa: Làm ngay một việc với ý hướng truyền giáo.

Cầu nguyện: Xin Chúa tiếp tục dùng con như khí cụ truyền giáo của Chúa, nỗ lực thu phục nhiều người cho Chúa trong môi trường con đang sống.


02/09/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39

 

ĐỔI MỚI THEO CÁCH CỦA CHÚA

“Rượu mới đổ vào bầu da mới.” (Lc 5,38)

Suy niệm: Đức Hồng Y Lustiger, tổng giám mục Paris (+2007), được ca ngợi như là “người của truyền thống và của canh tân… Ngài đã thành công lớn trong việc tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 1997, biểu tượng cho sự đổi mới không mặc cảm trong Giáo Hội…” (x. Vietcatholic 8.8.2007). Những nhận xét trên về Đức Hồng Y Lustiger như một minh hoạ cho sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Đổi mới để thích nghi và đáp ứng cho hoàn cảnh mới là qui luật tất yếu của cuộc sống và mọi cơ chế, nếu ta không muốn phá hư cả ‘rượu’ lẫn ‘bầu da’. Đức Giê-su xuất hiện trong tôn giáo và xã hội Do Thái như một nhà canh tân triệt để; và theo cha A. de Mello: “Người đã bị từ khước không phải vì Người mang đến tin mừng mà vì Người mang đến tin mới mẻ”.

Mời Bạn: Dĩ nhiên, khẩu hiệu “đổi mới” có thể dễ bị lạm dụng và gây ra những xáo trộn không cần thiết. ‘Nhân đức đứng giữa’, tức trung dung, có vai trò quan trọng ở đây, như câu ngạn ngữ La-tinh: “Virtus in medio stat.” Là Ki-tô hữu, ta không đứng bên lề, nhưng trong lòng xã hội. Ta cố gắng thích nghi với những dấu chỉ mới của thời đại, nhưng đồng thời cũng không tối mặt ‘vơ’ hết những trào lưu mà xã hội hôm nay ‘tọng’ cho mình (x. Thư gởi Đi-ô-nhê-tê).

Chia sẻ: Giáo xứ hay cộng đoàn bạn cần đổi mới những gì? Đâu là điểm cốt lõi của việc đổi mới? Dùng phương cách nào? Đâu là những thuận lợi và bất lợi?

Sống Lời Chúa: Dùng việc xét mình cá nhân hoặc lượng giá tập thể để nhận ra đâu là điều cần đổi mới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi con mỗi ngày, để con có thể góp phần biến đổi thế giới xung quanh mình trong Ánh Sáng của Chúa. Amen.


03/09/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Th. Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 6,1-5

 

ĐỪNG CHẺ SỢI TÓC LÀM TƯ!

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sa-bát?”… Đức Giê-su trả lời: “Con Người làm chủ ngày Sa-bát.” (Lc 6,2.5)

Suy niệm: Người Do-thái giữ rất nghiêm luật nghỉ ngày Sa-bát; đó là ngày nghỉ, không ai được phép lao động, vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi và thánh hoá ngày đó (x. St 2,2-3). Việc các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa rồi vò trong tay mà ăn bị người Pha-ri-sêu xem như là đã “gặt lúa” và “xay lúa”, một việc bị cấm trong ngày Sa-bát, thì quả thật là quá đáng. Quả là các ông Pha-ri-sêu này đã “chẻ sợi tóc làm tư” khiến luật nghỉ việc ngày Sa-bát đã trở nên gánh nặng và là cái cớ để bắt bẻ, kết án người khác. Chúa Giê-su đã lên án thái độ đó vì nó làm con người thành nô lệ cho lề luật, và Ngài tuyên bố: “Con Người làm chủ ngày Sa-bát”.

Mời Bạn: Thái độ “chẻ sợi tóc làm tư”, xoi mói những tiểu tiết vụn vặt để bắt bẻ người khác là một bằng chứng của người sống thiếu tình người. Nếu phải sống với một người như thế thì thật là một ác mộng, phải không bạn? Thế nhưng không chừng bạn đang là ác mộng cho những người sống quanh bạn đấy! “Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người”, đó là nguyên tắc sống để diệt trừ thói xấu “chẻ sợi tóc làm tư”.

Chia sẻ: Kiểm điểm xem bạn có thói xấu chuyên bắt bẻ những chuyện nhỏ nhặt để lên án người khác không.

Sống Lời Chúa: Loại trừ thói xấu bình phẩm vội vàng và chỉ nhìn khía cạnh tiêu cực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vẫn thường đòi hỏi nơi người khác rất nhiều điều, nhưng lại nuông chiều bản thân. Xin giúp con biết sống bao dung và yêu mến nhiều hơn để cuộc sống của con trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn.

Chia sẻ Bài này:

Related posts