05/09/21 CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – B
Mc 7,31-37
ĐỪNG ĐỂ TÂM HỒN CÂM ĐIẾC
Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh… Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Ép-pha-ta”, nghĩa là: hãy mở ra. (Mc 7,32.34)
Suy niệm: Bệnh điếc làm cho người ta mất khả năng nghe. Họ không thể tiếp nhận thông tin đi vào bằng đôi tai của mình. Người bị ngọng thì ngược lại, họ không thể hoặc rất khó khăn khi truyền đạt cho người khác biết điều họ muốn nói. Người mắc cả hai khiếm khuyết ấy chẳng khác nào bị cắt đứt mọi mối giao tiếp với những người chung quanh. Cũng như các tật bệnh khác, bệnh câm điếc là dấu chỉ của căn bệnh tâm hồn tâm hồn khiến chúng ta bị đoạn tuyệt khỏi mọi mối tương quan với Chúa và tha nhân. Chúa Giê-su nói: “Ép-pha-ta! Hãy mở ra!” Chúa cho biết Ngài đến trần gian là để tháo cởi con người khỏi bị trói buộc bởi xiềng xích tội lỗi, mà việc chữa lành hôm nay là dấu chỉ cho sứ mạng đó.
Mời Bạn: Bạn và tôi, bất kỳ ai cũng có thể bị “bệnh điếc tâm hồn” khi chúng ta không biết lắng nghe nhau, khi chúng ta không quan tâm đến lời khuyên bảo của ông bà cha mẹ, khi chúng ta bỏ ngoài tai tất cả những Lời Chúa nói. Cũng vậy, chúng ta cũng có thể bị “ngọng tâm hồn” khi không dám nói Lời Chúa, không dám nói lời yêu thương, không dám nói lời bảo vệ công bình và chân lý cho anh chị em mình. Bạn có đang bị điếc và ngọng như vậy không?
Sống Lời Chúa: Quan tâm giúp đỡ và thăm viếng (nếu hoàn cảnh cho phép) những anh chị em bị khiếm khuyết về thể lý hoặc tâm lý để biết lắng nghe và chia sẻ tình thương với họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con bị câm điếc tâm hồn, nhưng xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa, lại biết chia sẻ tình thương Chúa cho tha nhân.
06/09/21 THỨ HAI TUẦN 23 TN
Lc 6,6-11
ĐẤNG ĐẾN ĐỂ CHỮA LÀNH
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay làm điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt,” rồi bảo người bại tay, “anh giơ tay ra,” anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. (Lc 6,9-10)
Suy niệm: Vì lòng thương xót, Chúa Giê-su đến trần gian để giải cứu nhân loại khỏi những nỗi thống khổ gắn liền với kiếp người. Không chỉ là những thống khổ do tật bệnh nơi thân xác, mà còn tội lỗi, là những tật bệnh trong tâm hồn. Chữa lành chứ không huỷ hoại, cứu sống chứ không giết chết, đó là mệnh lệnh của lương tâm mà hơn nữa còn là chính sứ mạng của Đức Giê-su. Việc Chúa chữa lành cho người bại tay là dấu chỉ Ngài chính là Đấng Cứu Thế.
Mời Bạn: Kinh nghiệm trong thời dịch bệnh cho chúng ta hay, phải chẩn đoán, phải xét nghiệm để biết mình nhiễm bệnh để mà chữa trị. Có khi không thấy triệu chứng hoặc vì phòng bệnh hơn chữa bệnh, người ta phải tiêm chủng vắc-xin. Căn bệnh và tật nguyền tâm linh cũng thế: phải phòng tránh gương xấu, dịp tội, phải thường xuyên xét mình, sám hối để xin Chúa chữa lành. Chúa là Đấng chữa lành chúng ta, chắc chắn Ngài sẽ khẩn cấp chữa lành tật bệnh của chúng ta. Việc chúng ta cầu xin Ngài, là dấu hiệu chúng ta khao khát sẵn sàng để cho Ngài ban ơn trợ giúp chữa lành chúng ta.
Sống Lời Chúa: Xét mình mỗi ngày để biết được những bệnh tật tâm hồn để kịp thời xin Chúa Giê-su chữa trị chúng ta. Đồng thời phải biết biết tránh xa dịp tội trong cuộc sống hàng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin chữa lành những tật xấu tội lỗi, và tha thứ tội lỗi cho chúng con được sống xứng đáng là con cái Chúa. Amen.
07/09/21 THỨ BA TUẦN 23 TN
Lc 6,12-19
ĐƯỢC CHỌN SỐNG HIỆP NHẤT
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Đức Giê-su chọn các tông đồ nhưng không cất khỏi họ những yếu tố con người, cả những yếu đuối. Điều lạ lùng, dẫu có nhiều khác biệt, thậm chí trái nghịch nhau nữa, các tông đồ vẫn sống chung được với nhau và cùng thi hành sứ mệnh truyền giáo. Chẳng hạn, giữa Mát-thêu và Si-mon “nhiệt thành.” Mat-thêu làm nghề thu thuế, tiếp tay với người Rô-ma đô hộ; còn Si-mon “nhiệt thành” thuộc nhóm ái quốc, chủ trương đối đầu với người Rô-ma và những người làm tay sai. Ấy thế mà khi thuộc về Nhóm Mười Hai của Đức Giê-su, họ sống với nhau trong hòa bình và cùng chung lo công việc Chúa.
Mời Bạn: Cha Teilhard de Chardin nói: “Đăng giả hội,” càng lên cao càng hội lại, các tông đồ vươn lên hiệp nhất với Đức Giê-su thì họ hiệp nhất với nhau. Và chính đời sống hiệp nhất ấy đã là một bài rao giảng sống động về một Thiên Chúa duy nhất là Cha mọi người. Trong gia đình, trong nhóm hay trong cộng đoàn, bạn là tác nhân của sự hiệp nhất hay của sự chia rẽ?
Chia sẻ: Đâu là nguyên nhân gây nên rạn nứt trong nhóm của bạn?
Sống Lời Chúa: Bạn tham gia một nhóm hoạt động tông đồ trong giáo xứ và cùng làm việc với anh chị em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con muốn được hiệp nhất với Chúa, thân tình thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho họ hiệp nhất nên một,” hầu giáo xứ chúng con trở nên cộng đoàn yêu thương, lánh xa những mưu mô chia rẽ, bè phái, hờn căm, để thế gian tin rằng chúng con thuộc về Chúa.
08/09/21 THỨ TƯ TUẦN 23 TN
Sinh nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
Mt 1,1-16.18-23
GIA PHẢ ĐẶC BIỆT
Đây là gia phả của Đức Giê-su Ki-tô, con cháu Vua Đa-vít… ông Áp-ra-ham sinh I-sa-ác... (Mt 1,1)
Suy niệm: Bản gia phả trình bày cho ta thấy gốc tích, gia thế những người liên hệ trong dòng tộc của mình. Nhìn vào bản gia phả ‘ngoằn ngoèo’ của Đức Giê-su, ta nhận ra mầu nhiệm trong việc Thiên Chúa tuyển chọn dòng tộc cho Con của Người. Trong bản gia phả ấy, có nhiều thánh nhân, nhưng cũng có lắm con người tội lỗi. Thế nhưng, điều đáng nói là ngoài nhân vật chính là Đức Giê-su, bản gia phả còn có tên Mẹ Ma-ri-a. Mẹ là thụ tạo ‘số một,’ đầy ân sủng, đẹp lòng Chúa (x. Lc 1,30). Nhờ Mẹ, lịch sử đen tối của nhân loại bởi tội nguyên tổ được sáng lên niềm vui, hy vọng do ơn cứu chuộc Con của Mẹ mang đến. Mẹ vừa là món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại, vừa là đại diện cho nhân loại đón nhận ơn cứu độ nơi chính Con mình. Do đó, ngày Mẹ chào đời là ngày cả nhân loại cất tiếng hoan ca vì thấy được bình minh ơn cứu độ.
Mời Bạn: Qua bản gia phả của Đức Giê-su, bạn thấy Thiên Chúa luôn có kế hoạch tuyệt vời để cứu độ con người: ân sủng và tình thương của Người bao phủ, bất chấp tội lỗi. Người viết nên con đường thẳng qua những lối quanh co, khúc khuỷu nơi con người yếu hèn. Lời Chúa mời bạn biết đón nhận lịch sử, các sự kiện của đời bạn bằng đức tin, để trong hoàn cảnh nào, bạn cũng “nghiệm thấy Chúa tốt lành biết mấy!”
Sống Lời Chúa: Tập nhìn lại lịch sử đời mình để nhận ra từng hồng ân Chúa ban mỗi ngày và cả đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nghiệm thấy bàn tay Chúa trong từng biến cố lịch sử đời con. Nhờ đó, con biết cảm tạ, chúc tụng tình yêu quan phòng, diệu kỳ của Chúa. Amen.
09/09/21 THỨ NĂM TUẦN 23 TN
Th. Phê-rô Cla-ve, linh mục
Lc 6,27-38
NHÂN TỪ NHƯ CHÚA NHÂN TỪ
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)
Suy niệm: Chúa Giê-su dạy chúng ta phải có lòng nhân từ, được thể hiện qua thái độ và hành động bao dung, tha thứ, không lên án, không xét đoán…. Đây quả là đòi hỏi hết sức khó khăn, bởi vì theo tính tự nhiên, người ta không chấp nhận phải tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” hay phải yêu thương cả kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình. Lý do Chúa Giê-su đòi hỏi như vậy là vì những ai tin vào Ngài thì đã tuyên nhận Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau; và vì thế điều làm nên bản chất Ki-tô hữu không phải bởi việc kêu lên “lạy Chúa, lạy Chúa” nhưng là thực thi giới răn của Ngài, mà cốt lõi là phải có lòng nhân từ không phải theo kiểu người ta mà là nhân từ như Thiên Chúa, Cha của anh em, là Đấng nhân từ.
Mời Bạn: Lòng nhân từ của Thiên Chúa bắt nguồn từ trái tim của Người Cha: một trái tim giàu lòng xót thương, trái tim không loại trừ bất kỳ ai, bởi tất cả đều là con cái Chúa và luôn có chỗ trong trái tim của Ngài. Bởi thế, để sống nhân từ giống như Chúa phải mang trong mình trái tim của Chúa, nhìn nhận Chúa là Cha và đón nhận tất cả mọi người không trừ ai đều là những người anh em rất thân thiết của mình.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống xem mình đang có mối bất hoà, giận ghét với ai, để xin ơn biến đổi, để có nhìn nhận nhau là anh em rất thân thiết trong gia đình của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, yêu thương kẻ thù con chấp nhận mình có thể trở nên điên rồ trong cái nhìn của người đời. Nhưng con ý thức mình là con cái Chúa, vì thế phải sống nhân từ như Chúa là Đấng nhân từ. Amen.
10/09/21 THỨ SÁU TUẦN 23 TN
Lc 6,39-42
SỬA LỖI MÌNH – SỬA LỖI ANH EM
“Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.” (Lc 6,42b)
Suy niệm: Lời Chúa luôn chất vấn chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải chất vấn chính mình. “Cái xà” trong con mắt mỗi người ngăn chặn tầm nhìn khiến người ta không thể nhận biết chính mình, lại càng không thể thấu hiểu được người anh em. “Cái xà” đó chính là lòng ghen tỵ, sự ích kỷ, những định kiến và cả những mặc cảm…, chúng khiến cho chúng ta không nhìn thấy nết xấu, tội lỗi của mình và cũng trở nên mù loà trước những điều tốt đẹp nơi người khác. “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã,” Đức Giê-su dạy chúng ta trước hết hãy nhận biết những sai lỗi của mình và hoán cải bản thân, từ đó chúng ta mới có thể có cái nhìn sáng suốt và bao dung để giúp anh chị em mình hoán cải.
Mời Bạn: “Chúng ta không thể thay đổi điều chúng ta không nhận thức, một khi đã nhận thức, chúng ta không thể không thay đổi” (Sandberg). Con đường hoán cải Chúa Giê-su dạy chúng ta cũng đòi hỏi một nhận thức như thế, nhưng phải bắt đầu từ chính mình và với tình thương và lòng bao dung. Dám nhìn thẳng vào “cái xà trong mắt mình” để lấy nó ra là bước đầu tiên để cất đi những cản trở để nhờ đó chúng ta có thể nhận ra tình yêu của Chúa luôn tràn đầy trong cuộc sống của mình và nhờ đó có thể thực thi giới răn yêu thương của Ngài nơi tha nhân.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm tập bỏ một suy nghĩ hay hành động tiêu cực, thiếu bác ái của bản thân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban ơn Thánh Thần giúp con nhận ra và cam đảm bỏ đi cái xà của bản thân để con có được ánh mắt sáng suốt mà nâng đỡ anh chị em của con. Amen.
11/09/21 THỨ BẢY TUẦN 23 TN
Lc 6,43-49
CHĂM SÓC TÂM HỒN
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.” (Mt 6,43)
Suy niệm: Ai cũng dễ hiểu định luật nhân quả. Cây là nhân, cây có tốt thì mới có thể sinh quả tốt được. Chúa Giê-su sánh ví mối tương quan khăng khít giữa cây và quả đó với việc chăm sóc tâm hồn con người. ‘Cây’ tượng trưng cho tâm hồn con người, còn ‘quả’ là những lời nói, hành động và biểu hiện bên ngoài. Cây tốt thì sinh quả tốt, còn cây xấu thì sinh quả sâu. Cũng vậy, “người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu.” Cây quyết định quả, cái bên trong quyết định cái bên ngoài! Do đó, cần phải ưu tiên chăm sóc ‘cây’, tức là tâm hồn con người, để nó sinh nhiều hoa trái tốt lành là những gương sáng và việc lành phúc đức.
Mời Bạn: Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI từng nói: “Mối nguy đích thực là ở tại lòng người.” Mặt khác, những điều cao thượng, tuyệt vời nhất cũng từ những tấm lòng tốt phát sinh. Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, mời bạn trở về với lòng mình, để chăm sóc ‘khu vườn’ nội tâm và nhổ bỏ tận gốc những mầm mống sự dữ nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Khi tâm hồn mình đầy sức sống của Thánh Thần, thì mọi thứ bên ngoài sẽ ổn thỏa cả thôi.
Sống Lời Chúa: Hằng ngày, bạn dành thời gian thinh lặng bên Chúa để kiểm điểm tâm hồn mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, đã nhiều lần Chúa muốn đến hái quả tốt nơi bản thân con. Nhưng Chúa chỉ gặp những quả sâu còm cõi, vì tâm hồn con là bụi gai, bụi rậm. Xin Chúa giúp con đổi mới tâm hồn mỗi ngày, để những lần sau Chúa đến hái quả, con không làm cho Chúa thất vọng nữa. Amen.