5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 09-2023

Mục Lục

Ngày 1 – 9: Trang 1

Ngày 10 – 16: Trang 2

Ngày 17 – 23: Trang 3

Ngày 24 – 30: Trang 4

* * *

THỨ SÁU 01/09/23 – TUẦN 21 TN                                      Mt 25,1-13

AI DẠI? AI KHÔN?

“Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó thì có năm cô dại và năm cô khôn.” (Mt 25,1-2)

Suy niệm: Nhà thơ Trần Tế Xương suy gẫm về lẽ dại khôn giữa một xã hội xô bồ:

Thiên hạ đua nhau nói dại khôn
Biết là ai dại biết ai khôn

Ông nghiệm ra rằng người giỏi mưu mẹo cờ bạc mà tự cho thế là khôn thì thực ra lại là người dại; còn người mải học hỏi văn chương chữ nghĩa bị coi là dại thì mới thực sự là khôn. Người khôn đích thực là người dám chịu thua thiệt về những cái lợi ngắn hạn trước mắt để đạt được điều tốt đẹp bền vững lâu dài. Trong dụ ngôn mười trinh nữ, năm cô khôn tượng trưng cho người biết nhắm đến mục đích tối hậu của đời mình là được kết hợp với chàng rể là Đức Ki-tô trong bữa tiệc hoan lạc trên thiên quốc; và vì thế, họ sẵn sàng chấp nhận sự bất tiện nhất thời vì phải mang thêm nhiều dầu, để ngọn đèn của họ có thể luôn cháy sáng dù chàng rể đến bất kỳ lúc nào. 

Mời Bạn:  Phao-lô nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời,” nơi Đức Ki-tô đang ngự trị bên hữu Chúa Cha (Pl 3,20; Ep 1,20). Với tầm nhìn đó, chúng ta coi tất cả mọi sự đều là thiệt thòi, là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết, được ở với Đức Ki-tô (x. Pl 3,8). Vì thế, mọi sự đời này chỉ tốt đẹp khi chúng được sử dụng để giúp chúng ta đạt tới mục đích tối hậu là cuộc sống vĩnh cửu mai ngày.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn dừng lại một giây để xét xem việc bạn sắp làm có giúp bạn đạt tới hạnh phúc đời đời không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết ái mộ những sự trên trời, để “dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật”. Amen.

 

THỨ BẢY 02/09/23 – TUẦN 21 TN                                    Mt 25,14-30

LÀM GIÀU CHO NƯỚC CHÚA

“Cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến tuỳ theo khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,14-15)

Suy niệm: Ai bảo rằng Thiên Chúa không biết ‘làm kinh tế’? Thưa có chứ, nhưng cách ‘làm kinh tế’ của Ngài khác lắm! Ngài cấp vốn cho chúng ta, kẻ nhiều người ít “tuỳ theo khả năng mỗi người”. Số vốn mỗi người khác nhau, nhưng mục tiêu chung thì giống nhau: mỗi người đều phải sinh lời từ khoản đầu tư ban đầu ấy. Người được cấp một yến không phải là không quan trọng, bởi vì anh vẫn là một mắt xích cần thiết trong toàn ‘chuỗi kinh doanh’ của Thiên Chúa. Khi đem yến bạc đi cất giấu, anh đã làm đứt gãy mắt xích cần thiết ấy, và gây tác động xấu đến toàn hệ thống kinh doanh của Ngài.

Mời Bạn: Trong kế hoạch gọi là ‘nền kinh tế cứu độ’ của Ngài (economy of salvation), Thiên Chúa đã ‘liều lĩnh’ đến độ hiến ban chính Con Một của Ngài để chuộc lại nhân loại bị hư mất vì tội lỗi. Hơn nữa, Ngài còn mời gọi chúng ta tham gia vào công cuộc “sinh lợi cho Nước Chúa” (x. Mt 21,43; Lc 12,21) bất chấp nguy cơ là chúng ta có thể phá hỏng kế hoạch của Ngài khi ‘chôn giấu những yến bạc’ Ngài giao phó. Mời bạn cảm tạ Chúa vì những gì bạn có và chính sự hiện hữu của bạn đều là ‘những yến bạc’ Chúa ban, và bạn đáp đền ơn Chúa bằng cách thực thi những hành động bác ái với tha nhân để ‘sinh lợi cho Nước Chúa’.

Sống Lời Chúa: Cuối ngày, bạn ‘tính sổ’ ngày vừa qua bạn đã sinh lời yến bạc của mình bằng những hành động bác ái nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con làm việc gì trước tiên cũng nghĩ tới thiện ích cho tha nhân, để con xứng đáng được Chúa gọi là tôi tớ trung thành và được hưởng niềm vui đời đời với Chúa. Amen.

 

CHÚA NHẬT 03/09/23 – TUẦN 22 TN – A                       Mt 16,21-27

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24)

Suy niệm: Chúa không “mị dân”, không chơi trò ú tim, nhưng đòi hỏi cách quyết liệt: “Ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hàng ngày mà theo”. Chúa không chỉ nói mà nêu gương: 1/ “Phận là một vì Thiên Chúa, nhưng không đòi hỏi được ngang hàng với Thiên Chúa, mà tự hạ, mang thân phận tôi đòi, vâng phục đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8). 2/ Khi được dân ngưỡng mộ muốn suy tôn, Chúa đã lánh đi nơi khác. 3/ Trong cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, Chúa vẫn quyết liệt từ bỏ tới cùng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Mời Bạn: Để có thể từ bỏ hoàn toàn, bạn phải tập từ bỏ dần dần, mỗi ngày một chút, từ những việc nho nhỏ. Điều khó nhất là từ bỏ bản thân, ý riêng mình: “Chiến thắng chính mình là chiến thắng vẻ vang nhất”.

Chia sẻ: Một nghịch lý : càng “mất” thì lại càng “được”. Dám mất sự sống thì lại được nó cách toàn vẹn. Các  là những người thành công trong việc từ bỏ: Càng bỏ mình, các ngài càng giống Chúa. Tưởng rằng  giá đè bẹp con người, không dè nó lại nâng con người lên. Chia sẻ cảm nhận của bạn về những tư tưởng trên đây.

Sống Lời Chúa: Tập từ bỏ bằng cách nén lại một tiếng than vãn, nhịn một câu nói trả đũa, kiềm chế một phản ứng nóng giận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dạy và nêu gương từ bỏ cho chúng con. Trên con đường đi theo Chúa, xin giúp con quyết liệt và mau mắn đáp lại những khi Chúa muốn con từ bỏ một điều gì khiến con không hoàn thiện. Amen.

 

THỨ HAI 04/09/23 – TUẦN 22 TN                                       Lc 4,16-30

PHÁ ĐỔ THÀNH KIẾN

Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh  quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (Lc 4,21-22)

Suy niệm: Dân làng Na-da-rét vừa mới “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giê-su”, thế rồi họ lại tức tốc ‘quay xe’ thái độ biến thành ghen tức, phẫn nộ đến mức muốn xô Ngài xuống vực cho chết đi. Hòn đá vấp phạm dẫn đến cơ sự ấy chính là cái nhìn thành kiến của họ về xuất thân của Ngài là con bác thợ Giu-se và bà Ma-ri-a đang sống cuộc đời rất đỗi bình dị ở giữa họ. Đã vậy, chẳng những Đức Giê-su không chiều ý họ để làm những phép lạ như Ngài đã từng làm tại Ca-phác-na-um, Ngài còn đụng chạm đến lòng tự ái địa phương của họ khi nói rằng “không ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương của mình”.

Mời Bạn: Thành kiến như bức tường đá ngăn cản chúng ta thấy được những điều tốt đẹp nơi người khác. Nó còn đóng băng người khác trong những lỗi lầm khuyết điểm của họ, khiến chúng ta không nhận ra được họ đã được biến đổi trở nên tốt đẹp như thế nào. Để phá vỡ thành kiến, cần có thái độ của Na-tha-na-en, người vốn cho rằng “ở Na-da-rét nào có chi hay” nhưng đã biết mở lòng đến gặp gỡ Đức Ki-tô và được Ngài biến đổi cuộc đời.

Chia sẻ: Nhìn nhận và trân trọng điều tốt đẹp nơi người khác là cách để phá vỡ thành kiến. Bạn có nghĩ như vậy không?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn khám phá một ưu điểm của một người mà bạn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn con nên hiền lành và khiêm nhường, và xin cho con biết nhìn mọi người bằng cái nhìn của Chúa, để con nhận ra và quý trọng những điều tốt đẹp nơi anh em con. Amen.

 

THỨ BA 05/09/23 – TUẦN 22 TN                                         Lc 4,31-37

Thánh Tê-rê-xa Can-cút-ta, nữ tu

BIẾT CHÚA

Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng  của Thiên Chúa !” (Lc 4,33-34)

Suy niệm: Ma quỷ tất nhiên biết rõ Thiên Chúa hơn chúng ta, nhưng chúng rất tinh quái làm cho chúng ta hiểu sai lệch về Ngài. Trong hội đường hôm ấy, mượn lời một người bị quỷ nhập, chúng đóng vai kẻ bị hại tội nghiệp la to cho mọi người biết Ngài là “Đấng  của Thiên Chúa” nhưng lại là kẻ độc ác “đến để tiêu diệt chúng tôi”. Cũng thế, chúng đứng sau xúi giục những người Do Thái vỗ ngực tự hào mình biết rõ Đức Giê-su xuất thân từ đâu còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27); nhưng cái biết của họ lại là biết theo tinh thần thế tục.

Mời Bạn: Chúng ta dễ sa vào chước cám dỗ tự mãn rằng mình ‘biết’ Thiên Chúa như nắm rõ một thứ kiến thức “khép kín mình lại trong một từ điển bách khoa về những khái niệm trừu tượng” (ĐTC Phanxicô, Gaudete et Exsultate, 37) mà chúng ta lại không có cuộc sống thân thiết với một vị Thiên Chúa siêu việt và đầy tình yêu thương. Học biết về Chúa là bổn phận và niềm vui của người môn đệ, nhưng trước tiên phải cảm nhận được Ngài đang hiện diện trong cuộc sống và nhất là nơi “những người thân cận của mình” (x. Lc 10,25-37).

Sống Lời Chúa: Quyết tâm không để một ngày trôi qua mà chưa dành thời gian tâm tình riêng tư với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con ao ước được biết Chúa, qua những lần gặp gỡ thân tình giữa Chúa với con. Xin cho con biết khiêm tốn chạy đến với Chúa thường xuyên để được Chúa nâng đỡ và để được nhận biết Chúa cách đích thực.

 

THỨ TƯ 06/09/23 – TUẦN 22 TN                                         Lc 4,38-44

XIN CHỮA LÀNH CON, LẠY CHÚA

Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. (Lc 4,40)

Suy niệm: Rao giảng và chữa lành: đây là hai hoạt động chính của Chúa Giê-su trong sứ vụ công khai của Người. Với lời rao giảng của mình, Chúa Giê-su công bố Nước Trời đã đến gần và với việc chữa lành, Chúa Giê-su làm chứng cho lời giảng ấy. Người chữa lành đủ mọi thứ bệnh hoạn: thể chất, tâm lý và tinh thần. Người dành sự ưu ái đặc biệt đối với những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, bị quỷ ám, bị gạt ra bên lề xã hội. Người chính là hiện thân của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót không đứng ngoài những đau khổ của con người nhưng ở trong cuộc. Người tỏ mình ra là vị lương y đầy lòng trắc ẩn đối với con người qua việc đặt tay trên từng bệnh nhân để cứu chữa họ. Điều đó minh chứng rằng Người đích thực là Đấng Cứu Độ con người.

Mời Bạn: Tất cả chúng ta đều có những vết thương của riêng mình: vết thương tinh thần, tội lỗi, thù hằn, ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ. Và mỗi người đều biết vết thương đó nằm ở đâu. Hãy để Chúa Giê-su chữa lành nó bằng cách mở lòng mình ra để Chúa chạm vào. Hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin chữa lành những vết thương đã mưng mủ của con. Chắc chắn Ngài sẽ làm điều đó.

Sống Lời Chúa: Trong khả năng, bạn hãy âm thầm trợ giúp cho một người nghèo hoặc người neo đơn ở gần bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Cha nhân lành, là sức mạnh của chúng con. Xin ban cho chúng con lòng kiên trì để chịu đựng và vượt qua những đau khổ mà chúng con đang đối mặt. Xin xoa dịu những đau đớn trong tâm hồn và thể xác của chúng con, để chúng con ngày càng tín thác vào Chúa hơn. Amen.

 

THỨ NĂM 07/09/23 – TUẦN 22 TN                                       Lc 5,1-11 

BỎ MÌNH ĐỂ BIẾT MÌNH, BIẾT CHÚA

“Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới… Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,5.8)

Suy niệm: Sau một đêm đánh cá thất bại, ông Si-môn cùng với các bạn chài giặt lưới và chuẩn bị nghỉ ngơi; chính lúc này Đức Giê-su lại bảo các ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Là dân thuyền chài lành nghề, ông Si-môn có kinh nghiệm thả lưới bắt cá vào giờ nào, ở đâu thì có hy vọng bắt được cá. Thế nhưng, ông không cậy dựa vào kinh nghiệm của mình, mà sẵn lòng nghe theo lời chỉ dẫn của người thợ mộc Giê-su: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Kết quả là ông bắt được một mẻ cá nhiều đến nỗi kéo lên muốn rách cả lưới, đổ lên hai thuyền nặng gần chìm! Nhìn vào mẻ cá, Si-môn nhận ra Thầy mình là Chúa và nhận ra thân phận tội lỗi của mình không xứng đáng với Chúa, nên ông thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.”

Mời Bạn:  Au-gút-ti-nô đã để lại một lời nguyện bất hủ: “Xin cho con biết con, xin cho con người biết Chúa.” Ai biết được mình và biết được Chúa có thể nói là người đó có được cái biết đáng ước mong. Có lẽ mỗi người chúng ta đã từng cầu nguyện như  Au-gút-ti-nô, nhưng làm sao để lời cầu nguyện ấy sinh hiệu quả? Câu chuyện về ông Si-môn là một kinh nghiệm đồng thời cũng là một gợi ý. Ông đã bỏ mình, và kết quả là ông biết mình biết Chúa đó bạn.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên suy gẫm những biến cố trong cuộc đời mình và xin được ơn biết mình và biết Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con theo Chúa với điều kiện chúng con phải bỏ mình. Xin cho chúng con dám từ bỏ tất cả để chỉ thuộc về Chúa và chỉ làm những gì Chúa muốn. Amen.

 

THỨ SÁU 08/09/23 – TUẦN 22 TN                              Mt 1,1-16.18-23

Sinh nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a

TA LÀ ĐOÀN CON THIÊN CHÚA

Như thế tính chung lại thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời. (Mt 1,17)

Suy niệm: Nhờ còn giữ được gia phả, một gia đình người Hàn Quốc đã tìm được nguồn gốc của mình là nhà Lý ở Việt Nam. Họ hãnh diện về dòng dõi vua chúa của họ.  Kinh vẫn dùng từ “gia phả” để chỉ tính liên đới của nhiều người thuộc nhiều thế hệ phát sinh từ một gia đình, một nguồn cội. Khi thuật lại gia phả Đức Giê-su,  Kinh muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa loài người từ thời A-đam đến Chúa Ki-tô. Nếu vì liên đới với A-đam và chịu hậu quả bởi tội của A-đam, thì nay, trong Đức Ki-tô, dòng dõi con người cho đến ngày tận thế được ban phúc trở nên dòng dõi các kẻ tin, dòng dõi được Chúa chọn. Hiểu như thế, Mẹ Ma-ri-a không khỏi vui mừng hân hoan, vì Mẹ được thuộc về dòng dõi Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Qua bí tích  Tẩy, bạn thuộc về gia đình Thiên Chúa, là dòng dõi các . Có niềm hạnh phúc và tri ân nào nơi tâm hồn bạn, khiến cuộc đời bạn nhảy mừng ngợi khen Thiên Chúa như Đức Ma-ri-a không?

Chia sẻ: “Tôi thích nhà nguyện nhỏ nơi tôi chịu phép Rửa tội hơn là nhà thờ lớn thành Reims, nơi tôi được phong vương”. Lời vua  Lu-y nhắc bạn điều gì ?

Sống Lời Chúa: Bạn ghi nhớ ngày rửa tội, tên , nhà thờ nơi bạn được rửa tội, và người đỡ đầu của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã tái sinh và cho con trở nên con của Cha trong bí tích  Tẩy. Xin cho con biết hãnh diện tuyên xưng Cha trọn cả cuộc đời của con.

 

THỨ BẢY 09/09/23 – TUẦN 22 TN                                          Lc 6,1-5

Thánh Phê-rô Cla-vê, linh mục

CHẺ SỢI TÓC LÀM TƯ?

Có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sa-bát?” Đức Giê-su trả lời: “Con Người làm chủ ngày Sa-bát.” (Lc 6,1-5)

Suy niệm: Người Do-thái giữ rất nghiêm luật nghỉ ngày Sa-bát; ngày đó, không ai được phép lao động, vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi và  hoá ngày đó (x. St 2,2-3). Việc các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa rồi vò trong tay mà ăn bị người Pha-ri-sêu xem như là đã “gặt lúa” và “xay lúa”, việc bị cấm trong ngày Sa-bát, thì quả thật là quá đáng. Quả là các ông Pha-ri-sêu này đã “chẻ sợi tóc làm tư” khiến luật nghỉ việc ngày Sa-bát đã trở nên gánh nặng và là cái cớ để bắt bẻ, kết án người khác. Thay vì luật phục vụ con người thì nay con người thành nô lệ cho lề luật. Chúa Giê-su đã phản đối lại thái độ đó và Ngài kết luận: “Con Người làm chủ ngày Sa-bát”.

Mời Bạn: Thái độ ‘chẻ sợi tóc làm tư’, xoi mói những tiểu tiết vụn vặt để bắt bẻ người khác là một bằng chứng của người sống thiếu tình người. Nếu phải sống với một người như thế thì thật là một ác mộng, phải không bạn? Thế nhưng không chừng bạn đang là ác mộng cho những người sống quanh bạn đấy! “Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người”, đó là nguyên tắc sống để diệt trừ thói xấu ‘chẻ sợi tóc làm tư’.

Chia sẻ: Kiểm điểm xem bạn có thói xấu chuyên làm ầm ĩ những sự cố lẻ tẻ để phủ nhận thành quả của người khác không?

Sống Lời Chúa: Loại trừ thói xấu bình phẩm vội vàng và chỉ nhìn khía cạnh tiêu cực. Thay vào đó, hãy có suy nghĩ hướng tích cực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vẫn thường đòi hỏi nơi người khác rất nhiều điều, nhưng lại nuông chiều bản thân. Xin giúp con biết sống bao dung và yêu mến nhiều hơn để cuộc sống của con trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts