14/10/18 CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – B
Mc 10,17-30
CHO ĐI TẤT CẢ ĐỂ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21)
Suy niệm: Các vua chúa thời xưa đi tìm thuốc trường sinh bất lão. Các nhà khoa học ngày nay nghiên cứu để kéo dài tuổi thọ của kiếp người. Thế nhưng, được sống đời đời vẫn là mơ ước chưa nằm trong tầm tay của con người. Chàng thanh niên trong Phúc Âm sở hữu nhiều của cải, nhưng chúng không phải là, cũng không đem lại sự sống đời đời. Anh đã tuân giữ các giới răn: “không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm hại ai,” và anh tin rằng nhờ đó anh sẽ được trường thọ, được hạnh phúc mãi mãi (x. Đnl 4,40; 5,29). Chúa Giê-su cho biết anh vẫn còn thiếu một điều, một đòi hỏi ngược với toan tính của con người, nhưng lại là chìa khoá khai mở cánh cửa dẫn vào sự sống đời đời: Bán đi tất cả mà cho người nghèo rồi đi theo Ngài.
Mời Bạn: Cả cuộc đời mẹ thánh Têrêsa Cancutta là một bằng chứng về việc thực hành Lời Chúa hôm nay: “Một tình yêu mãnh liệt chỉ cho đi, chứ không tính toán.” Mẹ Têrêsa gặp Đức Kitô khi mẹ trung thành dành cho Chúa tất cả trong việc chầu Thánh Thể hai giờ mỗi ngày. Và mẹ lại gặp được Đức Kitô nơi những người nghèo mà mẹ trao hiến tất cả những gì mẹ có để phục vụ họ. Cho đi tất cả như thế, mẹ đã đạt tới sự sống đời đời ngay ở đời này.
Sống Lời Chúa: Thực hành bác ái theo lời khuyên của mẹ thánh Têrêsa Cancutta: “Đừng để ai đến với bạn phải rời đi mà không hạnh phúc hơn.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có Chúa đời con sướng vui! Xin cho con luôn tâm niệm và bám vào Chúa như thế. Amen.
15/10/18 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Th. Tê-rê-xa Giê-su, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 11,29-32
LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI
“Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 11,32)
Suy niệm: Trong các tôn giáo, sám hối không phải là một ý tưởng xa lạ. Đặc biệt, Phật giáo dạy phải sám hối nhằm loại bỏ những nghiệp căn để trở thành người tốt ở kiếp này và cả kiếp sau. Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng sáng lập Ki-tô giáo, cũng khởi đầu công cuộc rao giảng bằng lời mời gọi sám hối: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời mời gọi sám hối của Đức Ki-tô mang tính cách đòi buộc và khẩn thiết như một mệnh lệnh. Là mệnh lệnh, trước hết, vì thế giá của Đức Ki-tô, người truyền lệnh, “còn lớn hơn ông Gio-na nữa.” Thứ đến là vì Chúa Giê-su kêu gọi sám hối không chỉ để tu dưỡng bản thân để trở nên người tốt, mà mục đích tối hậu của mệnh lệnh ấy là để chúng ta được trở nên một với Đức Ki-tô và được hưởng hạnh phúc với Ngài.
Mời Bạn: Trong Phụng Vụ của Giáo Hội không thiếu những lời kêu gọi sám hối. Ngoài bí tích Hoà Giải, mỗi thánh lễ đều bắt đầu bằng nghi thức sám hối. Mùa Vọng, mùa Chay là thời gian mời gọi con người hoán cải để chuẩn bị tâm hồn cử hành những mầu nhiệm trọng đại. Phụng Vụ Lời Chúa trong những tuần lễ cuối của Năm Phụng Vụ mời gọi các tín hữu ăn năn sám hối để hướng về ngày cánh chung. Qua đó, bạn thấy, sám hối cần thiết cho đời sống thiêng liêng là dường nào!
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và xin ơn biết hoán cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không ngừng kêu gọi chúng con hoán cải trở về với Chúa. Xin giúp chúng con hoán cải mỗi ngày. Amen.
16/10/18 THỨ BA TUẦN 28 TN
Th. Ma-ga-ri-ta, trinh nữ
Lc 11,37-41
TÔI, PHA-RI-SÊU
Có một ông Pha-ri-sêu mời Chúa Giê-su đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì trước tiên Người không rửa tay trước khi ăn. (Lc 11,37-38)
Suy niệm: Nghi thức thanh tẩy như rửa tay trước khi ăn, đối với những người Pha-ri-sêu thật quan trọng. William Barclay mô tả những qui định về việc rửa tay này thật tỉ mỉ: phải dùng một thứ nước dành riêng cho nghi thức này, phải đổ nước từ đầu ngón tay cho tới cổ tay, phải dùng tay này nắm lại kỳ cọ lòng bàn tay kia, sau đó lại đổ nước, lần này từ cổ tay đến đầu ngón tay. Nếu sai sót một chi tiết nào đều là có tội. Ông Pha-ri-sêu này “lấy làm lạ” vì Chúa Giê-su không rửa tay, bởi ông coi điều phụ tuỳ như điều chính yếu, coi hình thức bên ngoài thay thế tâm hồn bên trong.
Mời Bạn: Lắm khi, chúng ta tuân giữ lề luật chẳng khác gì ông Pha-ri-sêu này. Có một cái gì đó rất “Pha-ri-sêu” ở trong chúng ta. Chúng ta làm một việc gì đó được coi là đạo đức, như lần chuỗi, đi lễ, rước lễ chẳng hạn, và chúng ta dò xét người khác thấy họ không làm việc đó hoặc làm không giống mình. Thế là ta vội qui kết người đó là tội lỗi hay ít là không đạo đức bằng chúng ta. Như thế không phải là có một ông Pha-ri-sêu đang “ngự” trong lòng mình đó sao?
Chia sẻ: Bạn có thấy thái độ của mình khi phê phán chỉ trích người khác trái ngược hẳn với thái độ của bạn khi bị người khác chê bai chỉ trích không?
Sống Lời Chúa: Thay vì soi mói, bới lông tìm vết nơi lời nói, việc làm của người khác, bạn hãy biết nhận ra những điều tốt, ưu điểm nơi người khác và thành thật khen ngợi họ.
Cầu nguyện: Xin Chúa triệt hạ tận gốc rễ tính kiêu căng, khoe khoang và hám danh đang ẩn núp trong tâm hồn con.
17/10/18 THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo
Lc 11,42-46
BÊN NGOÀI VÀ BÊN TRONG
“Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Phải làm các điều này và không được bỏ các điều kia.” (Lc 11,42)
Suy niệm: Có người nói: “Trời cho những cái bên ngoài, để che những cái sơ sài bên trong.” Những thứ bên ngoài lắm khi được chú ý một cách thật tỉ mỉ nhưng thực chất chỉ nhằm che giấu thực trạng tồi tàn trống rỗng nội tâm. Tình trạng đó xảy ra trong đủ mọi lãnh vực từ việc quan hệ giao tiếp giữa người với nhau cho đến việc thờ phượng Thiên Chúa. Ngược lại có người phản ứng lại thái độ đó bằng cách phủ nhận mọi hình thức biểu dương bên ngoài, họ cho rằng chỉ cần giữ “đạo tại tâm” và không cần bất cứ hình thức thể hiện nào khác. Chúa Giê-su dạy chúng ta một đường lối trung dung: “Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.” Hãy bắt đầu sống “công bình và nhân ái” và rồi việc bên ngoài như “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ” sẽ là một trong những cách thể hiện “lẽ công bình và lòng nhân ái” đó.
Mời Bạn: Kiểm điểm xem mình có rơi vào trường hợp của người chỉ chu toàn những việc đạo đức bên ngoài nhưng lại thường xuyên lỗi sự công bằng và sống thiếu bác ái với tha nhân không?
Chia sẻ: Có khi nào cộng đoàn của tôi làm các việc đạo đức và từ thiện nhưng lại vô tình lỗi công bằng hoặc thiếu bác ái cách tập thể với người khác không?
Sống Lời Chúa: Khi xét mình, bạn chú ý xét kỹ hơn các tội vi phạm đến đức công bằng và đức bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hoán cải tâm hồn còn ích kỷ nhỏ nhen của chúng con, để chúng con thực sự sống công bằng và bác ái như lời chúng con hằng tuyên xưng. Amen.
18/10/18 thứ năm tuần 28 tn
Th. Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9
lệnh lên đường
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,3-5)
Suy niệm: Những chỉ thị của Đức Ki-tô phát lệnh lên đường cho các môn đệ đòi hỏi họ phải dám can đảm cắt đứt mọi thứ ràng buộc có thể làm cản trở bước chân người rao giảng Tin Mừng: – dứt bỏ quyến luyến đối với của cải: “đừng mang theo tiền, bao bị, giày dép”; – cắt đứt những mối quan hệ ràng buộc khiến người tông đồ trở nên trì trệ, nặng nề: “đừng chào hỏi ai dọc đường”; – dám liều mất cả sự an toàn bản thân để một mình đối mặt với những chống đối, và cả nguy hiểm nữa “như con chiên đi vào giữa bầy sói”. Đức Hồng Y Ph.Xav. Nguyễn Văn Thuận viết: “Dù là xích vàng, nếu bạn còn bị xiềng xích, bạn không thể lên đường được.”
Mời Bạn: Đã bao nhiêu lần bạn nghe lệnh lên đường này, nhưng đã mấy lần bạn thực sự lên đường? Mời bạn kiểm điểm bạn còn quyến luyến quá đối với cái gì khiến nó trở nên cồng kềnh đối với bạn và vì thế bạn không thể an bình tâm hồn, nói chi đến việc đem bình an đến cho người khác.
Chia sẻ: Đâu là thứ hành trang cồng kềnh còn tồn đọng trong đời sống của bạn khiến bạn không thể thực hiện lệnh lên đường của Chúa?
Sống Lời Chúa: Làm những hy sinh nho nhỏ: nhẫn nại trước những điều trái ý người thân gây ra, chấp nhận cách vui vẻ những sự cố thiếu tiện nghi trong cuộc sống…, để thực tập làm tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết luôn sẵn sàng hy sinh từ bỏ, để con cũng sẵn sàng đáp lại lệnh lên đường của Chúa gửi đến cho con mỗi ngày.
19/10/18 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Th. Gio-an Brê-bớp, I-sa-ác Giô-gơ, linh mục, tử đạo
Lc 12,1-7
COI CHỪNG VI-RÚT “ĐẠO ĐỨC GIẢ”
“Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” (Lc 12,1-2)
Suy niệm: Chúa dạy ta phải coi chừng men Pha-ri-sêu, nghĩa là men đạo đức giả. Thứ men này rất nhỏ bé, được ví như một thứ vi-rút cực hiếm và cực lạ, khó có thuốc chữa trị. Vì sao? Vì những thứ giả khác như bằng cấp giả, thuốc giả, hàng hóa giả là sự vật có thể bị soi xét nhận diện, còn đạo đức giả ở trong tâm hồn và được ngụy trang khéo léo bằng những hình thức bên ngoài che giấu những bất chính bên trong tâm hồn rất khó phát hiện, nhằm đánh lừa người khác. ĐTC Phanxicô cho rằng, thứ vi-rút đạo đức giả này tựa như con rắn, cứ trườn bò luồn lách, không rõ ràng minh bạch, từ lừa dối này sang lừa dối khác qua lời đường mật và dáng mạo bên ngoài. Thứ vi-rút đạo đức giả này vừa tàn phá nhân cách của mọi người, kể cả Ki-tô hữu, vừa lây nhiễm rất nhanh sang nhiều người. Tuy nhiên, như vị lương y thần linh, Chúa Giê-su khuyên nhủ ta tránh xa thứ “men pha-ri-sêu” đó, ngăn ngừa lây nhiễm thứ vi-rút đạo đức giả đó, bằng cách tin tưởng và đối diện với Chúa hằng ngày.
Mời Bạn đối diện với Chúa hằng ngày trong buổi xét mình mỗi khi đêm về để nhìn thấy tình trạng tâm hồn của mình; tin tưởng vào Chúa để Chúa chữa trị thứ vi-rút cực hiếm đó bằng lòng thương xót của Ngài. Việc xét mình hằng ngày còn quen thuộc với bạn không? Thiếu xét mình hằng ngày e rằng ta đang bị nhiễm nặng vi-rút đạo đức giả rồi đó, vì cứ ngỡ mình thập toàn.
Sống Lời Chúa: Từ tháng Mân Côi này, quyết tâm xét mình vào mỗi tối trong buổi cầu nguyện chung hoặc riêng
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.
20/10/18 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Lc 12,8-12
BỆNH LIỆT KHÁNG TÂM LINH[1]
“Thầy nói cho anh em biết : …Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì cũng sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (Lc 12,9-10)
Suy niệm: Một bộ phận của cơ thể, một khả năng của con người nếu để lâu ngày không sử dụng, sẽ teo lại vào bị đào thải. Mặt khác, nếu trong một thời gian dài, nó phải tiếp xúc với những chất độc, nó sẽ dần mất đi sức đề kháng và bị nhiễm độc mà không hay biết. Phần tâm linh của con người cũng tương tự như thế. Người ta cũng có thể mất đi khả năng nhận thức Thiên Chúa nếu như trong suốt cuộc đời này họ nhắm mắt tâm hồn, đóng cửa lòng mình trước Thiên Chúa. Mặt khác, ai thường xuyên đắm chìm trong tội, người ấy cũng mất đi khả năng nhận ra mình có tội, và do đó cũng không còn khả năng sám hối để được ơn tha thứ. Đó chính là những triệu chứng của căn bệnh nghiêm trọng của thời đại: bệnh liệt kháng tâm linh.
Sống Lời Chúa: Để phòng chống bệnh liệt kháng tâm linh, xin đề nghị một “đơn thuốc”: 1/ làm thật tốt những việc có tính làm chứng: làm dấu thánh giá trang nghiêm sốt sắng, y phục đoan trang, tề chỉnh khi đi nhà thờ, loại bỏ ảnh hưởng khiêu dâm, bạo lực ra khỏi nhà bạn…; 2/ luôn luôn kiểm điểm đời sống cách nghiêm túc để tạo sức đề kháng mạnh đối với tội lỗi.
Chia sẻ: Làm thế nào nâng cao ý thức về công bằng, khiết tịnh, nhân ái trong cộng đoàn của bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ gìn con luôn nhạy bén trước những đòi hỏi của Lời Chúa để con dùng đời sống làm chứng cho Chúa ở giữa thế gian. Amen.